Cá lớn phải quẫy sóng to
Đôi mắt đang nhìn xa xăm bất chợt ánh lên tia sáng khi nhắc đến “ba tinh thần và một khát vọng”, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên kể lại chuyến công tác Mỹ dài ngày vừa qua, với một thông điệp rõ ràng: Cà phê Trung Nguyên sẽ dấn thân vào một cuộc trường chinh đầy thách thức tại thị trường này sắp tới. Ông nói: “2013 là năm bản lề của Trung Nguyên. Chúng tôi sẽ lấy Singapore làm cứ điểm đầu tiên giống như thị trường nội địa của công ty tại ASEAN để chinh phục thị trường Mỹ vào cuối năm nay, đầu năm tới”. Ẩn chứa sau những kế hoạch lớn lao đó vẫn là nỗi niềm trăn trở của một doanh nhân nặng lòng với hiện tình của đất nước, người “bỏ việc nhà, lo việc thiên hạ”.
Dám chơi, biết chơi và biết thắng
Tại sao ông quyết định xông vào một thị trường nhiều chông gai như Mỹ trong khi thị trường nội địa có vẻ ít được Trung Nguyên quan tâm hơn so với trước đây?
Chuyến đi làm việc tại các bang của nước Mỹ vừa qua giúp tôi nhận ra nhiều điều quý giá. Thứ nhất, đó là thị trường cực kỳ rộng lớn nhưng vô cùng khốc liệt bởi có sự hiện diện của những “tay chơi” số 1, số 2 thế giới. Thứ hai, Trung Nguyên chắc chắn sẽ thua nếu chỉ bán cà phê theo cách thông thường. Do vậy chúng tôi cần phải có lộ trình chuẩn bị, nghiên cứu thật kỹ lưỡng và tỉ mỉ nhằm đặt chân vào đó. Còn tại sao lại là Mỹ, đó là vì đây là nơi xác tín những tiêu chuẩn cao nhất về các sản phẩm tiêu dùng trong mọi lĩnh vực. Không thể có một thương hiệu lớn mạnh ở tầm thế giới nếu Trung Nguyên chỉ mãi loanh quanh ở “ao nhà”. Phải biết dũng cảm tiến ra biển lớn. Nôm na là cá to thì phải quẫy đạp trên con sóng đại dương. Sóng dữ thì phải biết vượt lên đón đầu con sóng.
Nói ra thì rất dài, song tựu trung lại chúng tôi cần xốc tinh thần trước trận đánh lớn. Cách xốc tinh thần tốt nhất, hiệu nghiệm nhất là phải có một tâm thế đúng đắn. Đó là gì thưa ông?
Trước hết là tâm thế dám chơi, biết chơi và biết thắng. So sánh thì có vẻ hơi khập khiễng, nhưng tính cách Việt Nam luôn luôn biết vùng dậy đúng lúc bị dồn vào thế không thể quay đầu lại. Có thể nhìn lại tâm thế của cha ông chúng ta khi ra trận ngày trước. Đối mặt với kẻ thù vượt trội về mọi mặt, nếu không có niềm tin và tâm thế chiến thắng làm sao cha ông ta giành được thắng lợi hào hùng và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Xét ở khía cạnh nào đó thì đúng như người ta vẫn hay ví von: thương trường là chiến trường. Thậm chí mức độ còn dữ dội hơn, đặc biệt ở thị trường toàn cầu. Vì vậy, không chỉ Trung Nguyên mà bất cứ doanh nghiệp nước nhà nào khi ra biển lớn cũng phải nghĩ đến chiến thắng, không biết sợ hãi đối thủ dù cho họ có lớn thế nào.
Ý ông muốn nói đến tư duy và hành động của doanh nghiệp Việt ở sân chơi lớn? Ông luôn luôn cổ súy cho tinh thần dân tộc, phải chăng đó là thứ “doping” tinh thần không thể thiếu trong cạnh tranh?
Anh nói đúng. Tư duy quyết định hành động và tư duy có khác biệt thì hành động mới khác biệt. Khác biệt tạo nên chiến thắng. Dự kiến cuối năm nay Trung Nguyên sẽ bắt đầu có mặt tại Mỹ, nhưng khi trực tiếp khảo sát thị trường này tôi mới biết khối lượng công việc chuẩn bị quá lớn, nên có lẽ phải đầu năm sau mới hoàn thành được. Đại khái là chúng tôi phải sử dụng bộ máy nhân sự bản địa (người Mỹ) thì mới có thể thành công được. Đó là điều kiện tiên quyết. Rất khó để có thể thắng trên sân khách nếu không dựa vào nguồn lực, sự hiểu biết văn hóa, tập quán tiêu dùng và thị hiếu cà phê của chính người Mỹ để chinh phục người Mỹ. Còn tinh thần dân tộc là thứ vũ khí theo tôi là không thể thiếu trong hành trang của mỗi công ty Việt Nam khi mang chuông đi đánh xứ người. Anh cũng biết, sở dĩ Trung Nguyên có được sự thành công tại thị trường nội địa như ngày nay cũng là nhờ biết nương tựa vào tinh thần dân tộc ngay từ khi khởi nghiệp.
Nhưng lại có ý kiến cho rằng, Trung Nguyên cứ mải mê với “khát vọng toàn cầu” và giấc mơ (chinh phục thị trường) Mỹ trong khi thị trường nội địa và các nước xung quanh còn nhiều việc để làm…
Bất cứ doanh nghiệp nước nhà nào khi ra biển lớn cũng phải nghĩ đến chiến thắng, không biết sợ hãi đối thủ dù cho họ có lớn thế nào.
Đó là một nhận định chưa đầy đủ. Ngày 16/6/2013 là ngày kỷ niệm Trung Nguyên chính thức bước sang tuổi 17, đánh dấu chặng đường 16 năm thành lập và phát triển thương hiệu Trung Nguyên. Bước sang tuổi 17 sung sức nhất, chúng tôi tiếp tục khẳng định tinh thần sáng tạo và đặc biệt là sáng tạo có trách nhiệm trong từng sản phẩm. Tinh thần ấy xác quyết rằng, cà phê Trung Nguyên có một vị trí vững chắc trong lòng người tiêu dùng Việt Nam. Có lẽ không cần nhắc lại rằng, Trung Nguyên không có đối thủ về cà phê rang xay tại Việt Nam (chiếm hơn 80% thị phần) hay thuộc top đầu về thị phần cà phê hòa tan “3 in 1”. Đặc biệt, sản phẩm cà phê G7 khi xuất khẩu sang Trung Quốc rất được ưa chuộng và làm ra đến đâu tiêu thụ hết tới đó. Đó chẳng phải là Trung Nguyên luôn chú ý đến người tiêu dùng nội địa và trong khu vực châu Á đó ư?
Tinh thần khởi nghiệp – Quốc gia hùng cường
Cuộc trò chuyện giữa Doanh Nhân với ông Đặng Lê Nguyên Vũ diễn ra tại Hà Nội, sau khi buổi sáng cùng ngày ông tham dự buổi lễ giới thiệu bản tiếng Việt của cuốn sách nổi tiếng “Quốc gia khởi nghiệp – Sự thần kỳ của nền kinh tế Israel” của hai tác giả Dan Senor và Saul Singer. Đây là cuốn sách do cựu Đại sứ Israel tại Việt Nam tặng ông Vũ, sau đó được ông Vũ chuyển tới Alphabooks để xuất bản bản dịch ra tiếng Việt dưới sự hỗ trợ của Tân Đại sứ Israel tại Việt Nam. Ông Vũ bảo: “Tôi chỉ muốn giúp người Việt giải mã hiện tượng Israel thông qua nhiều câu chuyện kỳ thú, làm toát lên phẩm chất vượt trội của con người và đất nước này. Từ đó khởi động tâm thế và tinh thần kiến quốc khởi nghiệp của người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ”.
Tôi nghe nói, hơn 10 năm qua ông đã luôn đau đáu nỗi niềm phát triển đất nước. Câu hỏi “Làm thế nào để nước Việt hùng mạnh” phải chăng theo ông vào trong cả giấc mơ?
Quả thực trong suốt lịch sử 16 năm hình thành và phát triển của Trung Nguyên, tôi đã dành đến hơn 90% quỹ thời gian của mình để đi tìm những nguyên lý cho sự phát triển bền vững của đất nước này. Hàng chục chuyến đi nước ngoài nghiên cứu, vô số cuộc gặp với những nhà lãnh đạo vĩ đại của thế giới cùng với rất nhiều chiêm nghiệm từ mắt thấy tai nghe đã cho tôi một kiến giải về chìa khóa thành công của một quốc gia. Còn yếu tố nào khác ngoài việc cả dân tộc này, mỗi con dân nước Việt, phải góp sức để xây dựng một quốc gia có tinh thần khởi nghiệp.
Thế còn quyền lực mềm và tinh thần cà phê có ảnh hưởng ra sao đến sự thịnh vượng của đất nước?
Nhiều lần tôi đã nhấn mạnh cà phê không chỉ là thức uống thông thường như các thức uống khác. Phải coi nó như một thức uống có thể đánh thức cả một dân tộc, tức là tinh thần cà phê với cốt lõi sáng tạo có trách nhiệm. Cà phê đã là báu vật trời đất ban tặng chúng ta, vấn đề là Việt Nam phải biết cách biến nó thành giải pháp của tương lai. Tôi cũng từng nhắc đi nhắc lại ở rất nhiều diễn đàn cả trong nước lẫn quốc tế rằng, nếu có chính sách quốc gia và quy hoạch tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra doanh thu 20 tỷ USD từ xuất khẩu cà phê hàng năm.
Tôi vẫn chưa rõ quyền lực mềm trong ngành cà phê cụ thể như thế nào?
Giáo sư Douglas D. Osheroff-Nobel Vật lý năm 1996, thuộc Đại học Standford, trong một lần đàm đạo với tôi tỏ ra vô cùng ngạc nhiên trước cách nhìn rất mới mà tôi khởi xướng về cái gọi là “Tinh thần cà phê”. Còn Giáo sư Joseph Nye – cha đẻ của thuyết “Quyền lực mềm, quyền lực thông minh”, sau khi nghe tôi thuyết trình về “quyền lực cà phê”, đã xác tín cà phê chính là quyền lực mềm của Việt Nam. Trên tinh thần đối chiếu và so sánh với quan điểm của các học giả hàng đầu thế giới, tôi dám mạnh dạn khẳng định, Cà phê Trung Nguyên không còn là câu chuyện chỉ của riêng một công ty nữa. Nó chính là khát vọng ảnh hưởng đến toàn cầu của doanh nghiệp Việt và là tinh thần khởi nghiệp của người Việt Nam với thế giới khi hội nhập. Cần nói thêm, các dự án nhằm hiện thực hóa “Học thuyết cà phê” đang được chúng tôi chung tay khởi động, bao gồm “Thánh địa cà phê toàn cầu” – một dạng dự án phức hợp nhằm tạo ra một địa bàn thể hiện tinh thần cà phê toàn cầu tại tỉnh Đắk Lắk. Hay như dự án cà phê tiên phong tại Mỹ nhằm truyền bá giá trị “Sáng tạo có trách nhiệm” mà tôi đã nói ở trên…
Theo ông tinh thần khởi nghiệp của tuổi trẻ đóng vai trò quan trọng thế nào đối với sự thịnh vượng của một quốc gia? Ta cần học hỏi gì từ các nước đi trước?
Đầu tiên phải đặt người trẻ vào trọng tâm của cuộc xoay chuyển này, nhằm xây dựng một Việt Nam ảnh hưởng và hùng mạnh. Thanh niên mạnh thì đất nước mới mạnh. Hơn 10 năm nay tôi luôn đi cùng một con đường với các bạn trẻ, góp công sức nhỏ bé cho việc kiến quốc, khởi nghiệp của họ. Tôi khuyến khích các bạn trẻ tìm hiểu lý do thất bại và thành công để rút ra bài học. Nhìn chung, giới trẻ là sản phẩm của một nền tảng suy nghĩ chưa có sức mạnh tinh thần đủ để vượt qua thời khắc sinh tử về phát triển kinh tế, dù chúng ta làm rất tốt trong thời chiến. Không thể có những doanh nhân lớn mang tầm quốc tế nếu ngay từ trên ghế nhà trường các bạn trẻ thiếu hoài bão và tinh thần chiến binh.
Nghĩa là ông đang bàn về sự thiếu vắng của tinh thần kinh doanh chân chính ở thanh niên?
Đúng vậy, đó là điều tôi rất suy nghĩ. Thanh niên là tương lai đất nước mà không có chí lớn thì làm sao gánh vác việc lớn được? Thử hỏi có bao nhiêu thanh niên ngày đêm chong đèn miệt mài đi tìm lời giải cho các câu hỏi mang tính dân tộc: Tại sao có người thành công và có kẻ thất bại? Tại sao có nước giàu (dù nhỏ bé về địa lý và dân số)? Tại sao Việt Nam cứ vẫn nghèo dù không thiếu tài nguyên và nguồn lực? Làm sao đưa đất nước trở thành một quốc gia hùng cường, có tầm ảnh hưởng? Nước khác đã làm được, vì sao nước ta chưa làm được?
Trung Nguyên có được sự thành công tại thị trường nội địa như ngày nay cũng là nhờ biết nương tựa vào tinh thần dân tộc ngay từ khi khởi nghiệp.
Vậy nước ta còn thiếu yếu tố nào?
Trên bình diện quốc gia, Việt Nam có đủ các điều kiện để trở thành một “nước lớn”. Một quốc gia muốn lớn mạnh cần có 5 yếu tố cơ bản: vị trí địa lý; điều kiện tự nhiên và hạ tầng; dân số; văn hóa và thiết chế. Trong 5 yếu tố này, ba yếu tố đầu tiên nước ta đã có đủ. Phải chăng yếu tố chúng ta thiếu chính là sức mạnh tinh thần, nhất là tinh thần quật cường và đoàn kết trong thời bình?
Thế còn ông, trên hành trình truyền lửa cho tinh thần khởi nghiệp của thanh niên và quốc gia hùng cường, ông đã làm được việc gì?
Tất nhiên chỉ có nói mà không hành động thì không có ý nghĩa gì hết. Trong nỗ lực bé nhỏ và điều kiện hạn chế, công ty đã thực hiện một số chương trình cụ thể, như “Sáng tạo vì thương hiệu Việt” năm 2003; “Xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam” năm 2003; thành lập Quỹ “Khơi nguồn sáng tạo” hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp năm 2005. Trung Nguyên đã khởi động diễn đàn “Nước Việt ta nhỏ hay không nhỏ”, “Ngày hành động vì nước Việt vĩ đại” năm 2005 cùng nhiều chương trình khác đồng hành với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Công ty đã và đang trao tặng 100 triệu cuốn sách khởi nghiệp cho giới trẻ…