Vốn đầu tư rót mạnh vào startup sức khỏe và logistics tại Đông Nam Á

Vốn đầu tư rót mạnh vào startup sức khỏe và logistics tại Đông Nam Á

Trong khi các ngành kinh doanh khác bị ảnh hưởng bởi đại dịch thì các startup lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và hậu cần lại thu hút nhà đầu tư.

Các startup ở Đông Nam Á, đặc biệt là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giao hàng, đã huy động hàng triệu USD để mở rộng quy mô, cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư trong việc tìm kiếm cơ hội đầy triển vọng trong khu vực, bất chấp khủng hoảng kinh tế xuất phát từ đại dịch COVID-19.

Trong số các startup chăm sóc sức khỏe phát triển tốt trong đại dịch là ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa có trụ sở tại Singapore, Doctor Anywhere, đã huy động được 27 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B từ một nhóm các nhà đầu tư bao gồm nhà điều hành bệnh viện Malaysia, IHH.

“Kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, nhiều nhà đầu tư tiếp cận với chúng tôi bày tỏ sự quan tâm và thiết lập các cuộc thảo luận cho các khoản đầu tư tiềm năng”, ông Lim Wai Mun, người sáng lập và CEO của Doctor Anywhere cho biết.

Ứng dụng Doctor Anywhere cho phép hơn 1 triệu người dùng tham khảo ý kiến ​​bác sĩ địa phương thông qua cuộc gọi video, với giá 20 đô la Singapore (14 USD) cho mỗi lần tư vấn tại Singapore và thuốc được chuyển đến địa điểm của người dùng trong vài giờ. Khoảng 1.300 bác sĩ đa khoa và chuyên gia chăm sóc sức khỏe tại Singapore, Thái Lan và Việt Nam đăng ký hoạt động trên nền tảng này.

Khi đại dịch bắt đầu lan rộng, nền tảng telehealth* đã thu hút được nhiều sự chú ý hơn. Lĩnh vực này đã được triển khai tại các trạm kiểm soát hải quan, bến phà của Singapore để giúp kiểm tra tại chỗ về sức khỏe của hành khách có các triệu chứng của COVID-19 thông qua dịch vụ truyền hình. Nó cũng cung cấp dịch vụ y tế cho các cá nhân cách ly tại nhà trong thành phố.

Việc gọi vốn ở Đông Nam Á đã chậm lại vào cuối năm ngoái, sau khi thất bại xung quanh vụ IPO của WeWork, đã ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư. Đại dịch COVID-19 và các tác động kinh tế từ biện pháp phong tỏa cũng tác động nhiều đến việc gọi vốn, với một số nhà đầu tư từ bỏ nguồn tài trợ mới đầy rủi ro và giữ tiền của họ để hỗ trợ các công ty danh mục đầu tư hiện tại.

Vốn đầu tư rót mạnh vào startup sức khỏe và logistics tại Đông Nam Á

Top những startup gọi vốn thành công trong quý I/2020

Tổng số vốn do các startup Đông Nam Á huy động trong quý I/2020 là 26,5 tỉ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái (29,3 tỉ USD), theo cơ sở dữ liệu khởi nghiệp Crunchbase của Mỹ.

Trong hai đến ba năm qua, các ứng dụng telehealth đã được coi là một lĩnh vực đầy triển vọng ở Đông Nam Á do sự khan hiếm bác sĩ, dân số trung lưu đang phát triển và nhiều người có ý thức hơn về sức khỏe của họ.

Startup hậu cần tăng trưởng tốt

Tổng số tiền huy động được từ các startup liên quan đến hậu cần trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 tăng gấp ba lần trong năm, lên tới 56 triệu USD. Startup logistics của Indonesia – Kargo Technologies đã huy động được 31 triệu USD, trong khi đó, Ninja Van của Singapore cũng huy động được 124 triệu USD trong tháng này. Tại Malaysia, startup giao hàng thực phẩm Dahmakan cũng huy động được 18 triệu USD.

Khoảng 80% số vốn mới được huy động trong quý đầu tiên của năm 2020 là của Gojek (Singapore) và đối thủ Grab, siêu ứng dụng của Đông Nam Á cung cấp dịch vụ từ đi xe, giao hàng thực phẩm đến thanh toán điện tử. Gojek và Grab lần lượt huy động được 1,2 tỉ USD và 850 triệu USD, cho thấy những đối tượng kỳ lân này tiếp tục là mục tiêu đầu tư hấp dẫn bất chấp những bất ổn toàn cầu từ đại dịch.

Trong khi các dịch vụ gọi xe di động của họ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, cả Gojek và Grab đều nhận định, nhu cầu giao hàng thực phẩm lại tăng cao.

Vốn đầu tư rót mạnh vào startup sức khỏe và logistics tại Đông Nam Á

Một nhân viên Ninja Van dỡ xe giao hàng của mình tại văn phòng của họ ở Singapore.
Ảnh: Reuters

Các hoạt động gọi vốn tổng thể có thể sẽ chậm lại trong quý II do có ít cuộc họp và cơ hội sự kiện giữa các nhà đầu tư và startup. “Tác động sẽ đến vào quý II với sự hạn chế toàn cầu về du lịch và các giao dịch sẽ ít có khả năng thành công khi không có cuộc họp trực tiếp. Các nhà đầu tư mạo hiểm cũng đang dành tiền mặt để giúp các công ty danh mục đầu tư hiện tại của họ“, ông Martin Tang, đồng sáng lập và đối tác của Genesis Alternative Ventures tại Singapore, nói với Nikkei Asian Review.

Nhiều startup đã bắt đầu cắt giảm chi phí lao động và tiếp thị để sống sót sau đại dịch. Ngay cả các startup lớn cũng gặp không ít khó khăn. Giám đốc điều hành của Grab, ông Anthony Tan cho biết trong một tuyên bố gần đây, “sẽ có những quyết định khó khăn và phải đánh đổi”. Ông cho biết công ty sẽ “điều chỉnh chi phí, quản lý vốn hiệu quả và thực hiện các điều chỉnh hoạt động cần thiết để vượt qua ‘cơn bão’ đại dịch”.

Ông Martin Tang cũng cho biết: “Các nhà đầu tư đang săn lùng các khoản đầu tư có giá trị tốt, đặc biệt là trong các lĩnh vực có khả năng kháng COVID, như ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa telehealth và giao nhận. Triển vọng cho phần còn lại của năm sẽ phụ thuộc vào thời gian giãn cách xã hội của chính phủ các nước. Và ngay cả khi không hạn chế đi lại, các nhà đầu tư có thể vẫn sẽ thận trọng hơn, điều này sẽ làm chậm tốc độ đầu tư”.

(*) Phân phối các dịch vụ và thông tin liên quan đến sức khỏe thông qua các công nghệ thông tin và viễn thông điện tử.

Trang Lê
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư