Giờ G đợi mobile money

Giờ G đợi mobile money

Tiền di động (mobile money) chuẩn bị được tung ra dù vẫn còn nhiều băn khoăn về mô hình quản lý...

Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông cho biết, mặc dù đã chậm song Ngân hàng Nhà nước và Bộ cố gắng trong tháng 6 này sẽ cấp phép dịch vụ tiền di động (Mobile Money) cho các doanh nghiệp viễn thông. Dự kiến, khi đã cấp phép, dịch vụ Mobile Money sẽ được triển khai rộng khắp cả nước, trở thành cú hích cho thanh toán không tiền mặt cũng như kinh tế số của Việt Nam.

Nhà mạng mong chờ

Trên thực tế, từ năm ngoái, các nhà mạng như VNPT, Viettel, MobiFone đều nóng lòng chờ cấp phép thí điểm triển khai Mobile Money. Dịch vụ này được cho là “con gà đẻ trứng vàng” mới trong bối cảnh doanh thu viễn thông truyền thống (thoại, SMS) tại Việt Nam liên tục đi xuống. VNPT và Viettel đều đã được cấp giấy phép trung gian thanh toán, còn MobiFone cũng đã nộp hồ sơ xin triển khai thử nghiệm Mobile Money.

Theo ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền thông VNPT – Media, VNPT đã sẵn sàng về hạ tầng cho triển khai Mobile Money. VNPT hiện có hơn 100.000 điểm bán trên toàn quốc có thể cung cấp ngay dịch vụ này. Về phần Viettel có thể tận dụng ngay mạng lưới 60 triệu thuê bao di động trong nước, hơn 2.600 cửa hàng, bưu cục, siêu thị, hơn 270.000 đại lý/ điểm bán và hơn 30.000 nhân viên phủ xuống đến xã, phường.

Các nhà mạng mạnh dạn và hào hứng với Mobile Money vì đây là dịch vụ hứa hẹn phát triển mạnh. Theo Ngân hàng Nhà nước, 50% người dân đã có tài khoản ngân hàng và giao dịch qua ví điện tử như MoMo, Moca, ZaloPay... cũng ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam.

Solidiance dự báo năm 2020, thị trường Fintech Việt Nam có thể tăng lên 7,8 tỉ USD, từ mức 4,4 tỉ USD của năm 2017. Các giải pháp thanh toán số cũng đang chiếm tới 89% thị trường này.

Dù vậy, những thanh toán di động cho các dịch vụ giá trị nhỏ (dưới 100.000 đồng/lần) và cho người chưa có điều kiện tiếp cận dịch vụ tài chính ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới... vẫn còn bỏ ngỏ. Chưa kể, theo Tổng cục Thống kê, khoảng 40-50% trong gần 130 triệu thuê bao di động ở Việt Nam không dùng smartphone, không sử dụng data 3G/4G. Đây là những đối tượng không thể thực hiện thanh toán điện tử nhưng lại có thể giao dịch Mobile Money.

Ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch Viettel, cũng tin rằng, Mobile Money sẽ góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng, đặc biệt phù hợp với nhóm dân cư ít có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng truyền thống.

Nhìn ra thế giới, số liệu từ Hiệp hội Thông tin Di động Thế giới (GSMA) cho hay, có 95 quốc gia, với gần 1,04 tỉ tài khoản đăng ký dịch vụ Mobile Money. Tính trung bình cả năm 2019, giao dịch qua hình thức này đạt 690 tỉ USD, tăng 26% so với năm trước.

Mô hình nào cho Việt Nam?

Dù hạn mức cho thanh toán qua di động dự kiến dưới 10 triệu đồng nhưng với số lượng quản lý lên đến hàng chục triệu thuê bao, mỗi nhà mạng sẽ trở thành những ngân hàng thu nhỏ. Vì thế, rủi ro khi triển khai Mobile Money là không nhỏ. Theo báo cáo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Mobile Money có một số rủi ro như dữ liệu khách hàng có thể bị xâm phạm, hoặc tiền của khách hàng có thể bị mất nếu không có phương án quản lý phù hợp. Về phía nhà mạng, rủi ro đến từ việc khách hàng có thể chia nhỏ giá trị để lách quy định về hạn mức thanh toán, thực hiện hành vi rửa tiền, đánh bạc...

Đại diện Tập đoàn Viettel cho biết, Viettel đã có rất nhiều giải pháp và đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy định về an toàn bảo mật và phòng chống rửa tiền, theo hướng dẫn của các cơ quan quản lý. Còn theo ông Nguyễn Sơn Hải, VNPT, muốn sử dụng Mobile Money, các thuê bao phải đăng ký, xác thực danh tính. VNPT cũng sẽ có giải pháp đảm bảo giữ tài khoản trong trường hợp khách hàng bị mất máy điện thoại hay bị hủy sim.

Thế giới hiện quản lý Mobile Money theo 2 mô hình: mô hình nhà điều hành mạng di động (Mobile Network Operator – MNO) và mô hình quản lý kiểu ngân hàng (Bank-led Model). Theo ông Trần Hùng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Tài chính (Đại học Kinh tế – Luật, thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM), mô hình MNO có lợi hơn cho việc phổ biến Mobile Money. Điển hình ở Kenya, hơn 72% dân số có tài khoản thanh toán di động so với con số chỉ hơn 11% tại Mexico (theo mô hình Bank-led Model).

Tuy nhiên, ở những nơi đi theo mô hình MNO, việc tuân thủ các quy định phòng chống rửa tiền và định danh khách hàng thường lỏng lẻo. Để dung hoà và linh hoạt, tại Uganda ban hành các hướng dẫn riêng, yêu cầu các nhà mạng phải hợp tác với ngân hàng, tiền từ Mobile Money được gởi vào tài khoản ký quỹ dù người dùng không phải mở tài khoản cá nhân.

Ở Việt Nam, Mobile Money có thể phát triển như kỳ vọng hay không sẽ tùy thuộc vào lựa chọn mô hình quản lý dịch vụ này.

Trong khi đó, do quy định về mạng lưới đại lý Mobile Money chưa có, quy định về xác định, định danh khách hàng còn ở mức trung bình, cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư ở mức trung bình khá nên theo GSMA, mức điểm cho môi trường pháp lý Việt Nam về lĩnh vực Mobile Money chỉ 69,96/100 điểm so với Thái Lan (93,15 điểm), Malaysia (89,7 điểm), Campuchia (86,05 điểm)... Rõ ràng, các cơ quan quản lý lẫn nhà mạng sẽ phải nỗ lực nhiều để kiểm soát rủi ro cũng như thuyết phục người dân tin tưởng chọn lựa Mobile Money.

Viết Nguyên
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư