Kịch bản nào cho hàng không Việt Nam hậu COVID-19?

Kịch bản nào cho hàng không Việt Nam hậu COVID-19?

Hoạt động đi lại của hàng không nội địa tại tất cả các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất và sân bay địa phương đã rất nhộn nhịp. Đó là câu trả lời: “Hàng không sẽ không chết yểu”…

Khôi phục gần như toàn bộ mạng bay nội địa

Số liệu thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong tháng 5/2020, giai đoạn từ 19/4 đến 18/5, 5 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Jetstar Pacific và Vasco đã thực hiện 8.623 chuyến bay. Số chuyến bay tuy giảm 70% so với cùng kỳ năm 2019, song so với tháng trước cũng đã tăng tới 73,7%.

Trước đó, từ ngày 1/4 đến ngày 15/4 Việt Nam đã thực hiện giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch COVID-19, hoạt động vận chuyển hành khách trong đó có vận chuyển bằng đường hàng không cơ bản bị tạm dừng. Cho đến ngày 23/4 các hãng hàng không được khai thác trở lại các đường bay nội địa với tần suất hạn chế.

Theo cập nhật đến thời điểm cuối tháng 5/2020, các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways đã khôi phục gần như hoàn toàn số chuyến bay nội địa.

Cụ thể, Vietnam Airlines đã khôi phục hoàn toàn số chuyến bay nội địa so với cùng kỳ 2019, tương đương với hơn 350 chuyến bay chở khách và chở hàng hoá. Kể từ khi kết thúc giãn cách xã hội vào ngày 23/4 đến nay, Vietnam Airlines đã vận chuyển hơn nửa triệu lượt khách bay nội địa.

Bamboo Airways cũng đã mở lại 90% đường bay và ngày 30/5, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC kiêm Chủ tịch hãng hàng không Bamboo Airways thông tin rằng, Bamboo Airways sẽ phủ kín các đường bay nội địa vào đầu tháng 6 và chậm nhất là tháng 7/2020.

Hãng hàng không Vietjet Air cũng cho biết đã khai thác toàn bộ mạng bay nội địa như trước với công suất ghế đạt khoảng 90%.

Trở lại với bầu trời, các hãng hàng không cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu như Vietjet dành tối đa 25 vé 0 đồng (chưa bao gồm thuế, phí) cho các đối tác là doanh nghiệp du lịch, lữ hành cho các đường bay khác thác từ 15/5 đến 30/6/2020. Từ 11/5 đến 16/5 Vietjet cũng đã đưa ra chương trình khuyến mãi chỉ từ 18.000 đồng (chưa bao gồm thuế, phí) với thời gian bay từ 12/5 đến 31/12/2020 trừ ngày lễ tết tới 45 đường bay nội địa.

Những ngày cuối tháng 5, Bamboo Airways cũng đã khai trương 2 phòng vé tại TP.HCM và Hà Nội, đưa ra nhiều chương trình hấp dẫn như giá vé chỉ 0 đồng cho 50 khách hàng đầu tiên, giá vé chỉ từ 45.000 đồng cho nhiều chặng bay “hot”…

“Nội địa đã có sự trỗi dậy, thấy được sức bật của ngành hàng không”

Để thực hiện các giải pháp cấp bách hỗ trợ đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, mới đây Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 46 quy định giảm 10-20% phí, lệ phí đối với một số dịch vụ trong lĩnh vực hàng không.

Cụ thể, từ 27/5/2020, tổ chức, cá nhân khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và kinh doanh cảng hàng không sẽ nộp phí bằng 90% mức thu quy định tại Điều 4 Thông tư số 247/2016/TT-BTC (mức giảm 10%).

Đồng thời, tổ chức, cá nhân khi ra, vào cảng hàng không, sân bay đối với chuyến bay của nước ngoài đến các cảng hàng không Việt Nam sẽ nộp phí, lệ phí bằng 90% mức thu quy định tại Điều 4 Thông tư số 194/2016/TT-BTC (mức giảm 10%).

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp dịch vụ đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay và thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay sẽ nộp phí bằng 80% mức phí tương ứng quy định tại mục VI và mục VIII (trừ nội dung thu tại các số thứ tự: 4.1, 4.2, 4.3, 4.4, 4.5.1, 5, 6 của mục VI và số thứ tự 4 của mục VIII) phần A Biểu mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không ban hành kèm theo Thông tư số 193/2016/TT-BTC (mức giảm 20%).

Nhận định về thị trường hàng không hậu COVID-19, tại hội nghị “Hàng không Việt trỗi dậy và sự phục hồi kinh tế”, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, để trả lời cho câu hỏi “tương lai của ngành hàng không thế nào?”, chúng ta hãy đến sân bay. Các bạn sẽ thấy tất cả các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất và sân bay địa phương để thấy hoạt động đi lại của hàng không nội địa rất nhộn nhịp. “Đó là câu trả lời: Hàng không sẽ không chết yểu”, ông Cường nhấn mạnh.

Cũng theo ông Cường, dù chưa chắc chắn thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, khi các rào cản nhập cảnh, cách ly được xoá bỏ, khi đó ngành hàng không được hoạt động bình thường và khách quốc tế nhộn nhịp như hàng không nội địa bây giờ nhưng Cục Hàng không trăn trở tìm cách khôi phục đường bay như trước khi có dịch COVID-19.

“Chúng ta vẫn chưa khuyến khích nhập cảnh và kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn hướng tới tương lai. Hiện tại, chưa có thuốc chống COVID-19 thì chúng ta có thể suy nghĩ tạo dựng khu vực đi lại an toàn giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Hong Kong. Chúng ta cũng đang nghiên cứu với Pháp để xây dựng đường bay chở khách an toàn. Việt Nam cũng cần phát triển cơ sở hạ tầng thế nào để trở lại mạnh mẽ sau dịch COVID-19”, ông Cường nói.

Đại diện Cục Hàng không cũng cho biết, hiện chúng ta có Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways. Sau nới lỏng cách ly xã hội, Vietnam Airlines và Bamboo Airways có đề xuất mở đường bay mới, nối liền các địa phương với nhau từ Hà Nội sau đó là TP.HCM.

Ông Cường nhấn mạnh rằng, chỉ khi các hãng được cất cánh thì vấn đề về cơ sở hạ tầng mới được giải quyết. Nội địa đã có sự trỗi dậy, thấy được sức bật của ngành hàng không.

Bảo Vy
Nguồn BizLive