Dược nội ngược dòng
Ngành công nghiệp dược phẩm nội đang chuẩn bị những nền tảng cơ bản để cạnh tranh với các đối thủ ngoại.
Công ty Chứng khoán SSI nhận định, với tỉ lệ rất lớn trong tổng nhu cầu của nguyên phụ dược liệu nhập khẩu, ước lên tới 80-90%, có thể thấy, nguồn cung bị gián đoạn và diễn biến của dịch COVID-19 có tác động ít nhiều tới triển vọng ngắn hạn của các doanh nghiệp dược đầu ngành như Dược Hậu Giang, Xuất nhập khẩu Y tế Domesco, Traphaco và Imexpharm...
Vượt qua COVID-19, dược nội thêm cơ hội lớn
Thực tế, trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, Hội đồng Quản trị Dược Hậu Giang đã thông qua kế hoạch năm 2020 khá thận trọng, với doanh thu thuần hợp nhất là 3.866 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 720 tỉ đồng, gần như đi ngang so với năm 2019. Tuy nhiên, báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2020 của Công ty lại khởi sắc hơn nhiều so với dự báo. Trong quý đầu năm, doanh thu thuần đạt 858,5 tỉ đồng, tăng 12%; lợi nhuận ròng đạt 177 tỉ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm 2019.
Khác với Dược Hậu Giang, Imexpharm ít bị ảnh hưởng bởi nguồn cung khan hiếm do nguồn nguyên liệu nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 50%. Kết thúc quý I/2020, doanh thu thuần của Imexpharm đạt gần 304 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 41,1 tỉ đồng, tăng 13,2%. Imexpharm đặt mục tiêu doanh thu năm 2020 đạt 1.750 tỉ đồng, tăng 23% so với thực hiện năm 2019; lợi nhuận trước thuế đạt 260 tỉ đồng, tăng 28,4% so với năm 2019.
Ông Nguyễn Quốc Định, Phó Tổng Giám đốc Imexpharm, cho biết Công ty đang tiếp tục mở rộng thị trường, kết thúc các chương trình bán hàng và đây cũng là nguyên nhân giúp doanh thu thuần quý I tăng cao. Đối với Traphaco, dịch bệnh làm chậm tiến độ chuyển giao công nghệ các sản phẩm từ Daewoong Pharmaceutical; kế hoạch phân phối 7 sản phẩm mới phải lùi sang đầu năm 2021. Mặc dù vậy, năm 2020, Traphaco lên kế hoạch doanh thu 2.000 tỉ đồng (tăng 16,5%) và lợi nhuận sau thuế đạt 180 tỉ đồng (tăng 5,5% so với năm 2019)...
Qua bức tranh “ngược dòng” trong mùa dịch của các doanh nghiệp đầu ngành, có thể thấy triển vọng ngành dược của Việt Nam rất xán lạn. Theo đánh giá của Công ty Mirae Asset, tổng giá trị ngành thuốc Việt Nam năm 2019 đạt 6,95 tỉ USD (tăng 11%), với dự phóng xu hướng tăng trưởng của ngành sẽ bền vững trong ít nhất 10 năm tới. Về tổng chi tiêu ngành so với GDP, ngành dược Việt Nam hiện chỉ đạt 2,53%/GDP, thấp hơn đáng kể so với mức 3,63% của các nước đang phát triển khác, cho thấy dư địa tăng trưởng là rất lớn.
Trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhu cầu chi tiêu vào sản phẩm sức khoẻ, y tế tăng mạnh. Về lĩnh vực y tế công, mức độ bao phủ của bảo hiểm y tế đang tăng bền vững qua từng năm, năm 2019 ước đạt 85%/tổng dân số, tỉ lệ này năm 2020 sẽ là 92%. Theo số liệu của Business Monitor International (BMI), quy mô chi tiêu y tế tại Việt Nam sẽ tăng lên 22,7 tỉ USD vào năm 2021, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) là 12,5% trong giai đoạn 2017-2021.
Về nhận định ngành dược trên VN-Index, cả 3 công ty chứng khoán hàng đầu như SSI, BSC và VNDirect đều đã thể hiện quan điểm, trên sàn niêm yết nhóm cổ phiếu ngành dược từ lâu được xem là nhóm cổ phiếu an toàn cao, bởi sản phẩm kinh doanh có đặc thù liên quan đến sức khoẻ. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, một số cổ phiếu dược sẽ được hưởng lợi, từ đó tạo đà bứt phá.
Mặc dù vậy, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm tương đối phân hoá. Nhóm doanh nghiệp hiệu quả cao có Pymepharco, Dược Hậu Giang và OPC Pharma có biên lãi gộp trên 40%. Đáng chú ý là trường hợp của Traphaco lên tới 55%. Nhiều doanh nghiệp sản xuất dược lớn như Dược Hậu Giang, Bidiphar, Imexpharm, Pymepharco... đang đầu tư nâng cấp nhà máy, kỳ vọng sẽ tạo bước phát triển mới cho sản phẩm dược trong nước, nâng cao khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.
Bộ Y tế đặt mục tiêu nâng mức tiêu thụ thuốc nội địa lên 22% tại các bệnh viện trung ương, lên 50-75% tại các bệnh viện và cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện của năm 2020. Hiện thuốc biệt dược gốc đã chiếm khoảng 50% tổng giá trị chào thầu trong năm 2019. Bên cạnh đó, quy định đấu thầu công khai thuốc là một lợi thế đối với các công ty sản xuất thuốc ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng sản xuất để có thể cạnh tranh với các sản phẩm tương đương nhập khẩu từ nước ngoài. Chính sách này cũng khuyến khích các công ty gia công thuốc nước ngoài, từ đó tiếp nhận chuyển giao công nghệ quốc tế vào chuỗi sản xuất tại Việt Nam.
Cạnh tranh đẩy sóng M&A
Riêng về thị trường thuốc, từ năm 2015-2022, quy mô kênh ETC (thuốc kê đơn) luôn chiếm tỉ trọng chi phối so với OTC (thuốc không kê đơn), như năm 2020 quy mô của kênh đấu thầu ETC ước đạt 5,5 tỉ USD, trong khi kênh bán lẻ OTC chỉ đạt 1,8 tỉ USD. Đến năm 2020, quy mô mảng thuốc đấu thầu sẽ chạm mốc 7 tỉ USD. Đây sẽ là lĩnh vực tiềm năng mà nhiều doanh nghiệp hướng đến. Kênh thuốc bán lẻ năm 2020 có quy mô là 1,9 tỉ USD, thể hiện tốc độ phát triển chậm hơn và chịu sự cạnh tranh khốc liệt hơn do rào cản kinh doanh thấp.
Việt Nam được xếp trong 17 nước thuộc nhóm có mức tăng trưởng ngành dược cao nhất – nhóm nước được dự báo sẽ trở thành trụ cột cho ngành dược phẩm thế giới.
Theo số liệu thị trường của Fitch Solutions, doanh thu thị trường OTC có mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2020 là 9,5%/năm, thấp hơn so với mức tăng trưởng của thị trường ETC là 11,7%. Tiến thành công vào thị trường ETC có thể kể đến Imexpharm. Theo báo cáo kiểm toán của PwC, doanh thu bán hàng năm 2019 của Imexpharm là 1.428 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 162,38 tỉ đồng (tăng trưởng 17%). Bước đầu kinh doanh đã dần hé mở con đường tiến vào lĩnh vực ETC đầy tiềm năng của Imexpharm.
Imexpharm đã làm cuộc cách mạng khi đầu tư mạnh vào chuẩn dược phẩm cao nhất theo quy định của Bộ Y tế dành cho nhóm thuốc 1 và 2 khi đấu thầu ETC – chuẩn EU-GMP. Phân khúc ETC tiềm năng lâu nay vốn là sân chơi chủ yếu của dược ngoại và doanh nghiệp ngoại. Sản phẩm Imexpharm “rộng đường” thâm nhập kênh đấu thầu khi chất lượng thuốc đạt chuẩn nghiêm ngặt của châu Âu và bán với giá thấp hơn thuốc ngoại.
Tính đến thời điểm hiện tại, Imexpharm là một trong số ít các doanh nghiệp vận hành hệ thống nhà máy đạt chuẩn EU-GMP nhiều nhất Việt Nam. Cụ thể, cụm nhà máy quan trọng của Imexpharm gồm có Nhà máy Imexpharm Đồng Tháp (chuẩn WHO-GMP; IMP1); Nhà máy kháng sinh công nghệ cao Vĩnh Lộc (chuẩn EU-GMP; IMP2); Nhà máy công nghệ cao Betalactam Bình Dương (chuẩn EU-GMP; IMP3) và Nhà máy công nghệ cao Non-Betalactam Bình Dương (dự kiến đạt chuẩn EU-GMP; IMP4)...
Cả nước có khoảng 214 đơn vị sản xuất thuốc đạt chuẩn WHO-GMP trở lên. Tuy nhiên, chỉ có Imexpharm và Pymerpharco là đơn vị duy nhất sản xuất thuốc kê đơn ETC đang niêm yết. “Chúng tôi đánh giá tiềm năng của IMP cao nhất nhờ hệ thống nhà máy WHO-GMP luôn đạt hiệu suất cao (trên 75%) cũng như hệ thống 3 nhà máy EU-GMP”, báo cáo phân tích của Mirae Asset nhận định. “Việc đầu tư, nâng cấp nhà máy lên tiêu chuẩn cao nhằm đấu thầu vào kênh ETC sẽ là lời giải cho bài toán tăng trưởng trong thời gian tới. Kênh ETC có mức tăng trưởng vượt bậc”, chuyên gia từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Công ty Vimedimex lại đẩy mạnh chuyển dịch từ thị trường ETC sang OTC để tránh ảnh hưởng từ các thay đổi chính sách của ngành y tế. Song song đó là kế hoạch vận hành nhà máy sản xuất thuốc mới chuẩn WHO-GMP và phát triển trung tâm phân phối đến 63 tỉnh thành.
Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vimedimex, cho biết, dù hiện tại kênh phân phối thuốc qua bệnh viện (ETC) chiếm ưu thế nhưng Vimedimex đang dần chuyển đổi sang kênh nhà thuốc (OTC) do quy định mới về việc lựa chọn thuốc trúng thầu trong các bệnh viện ưu tiên những loại thuốc có giá thấp. Việc phát triển kênh OTC sẽ giúp Công ty bảo đảm khả năng cạnh tranh trên thị trường và không bị ảnh hưởng nhiều bởi các thay đổi chính sách, chủ trương của ngành y tế. Năm 2020, Vimedimex lên kế hoạch tổng doanh thu 18.442 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 50,33 tỉ đồng, chỉ tăng nhẹ 1% so với năm 2019.
Theo IMS Health, Việt Nam được xếp trong 17 nước thuộc nhóm có mức tăng trưởng ngành dược cao nhất (pharmerging markets) – nhóm nước được dự báo sẽ trở thành trụ cột cho ngành dược phẩm thế giới. Với quy mô dân số 93 triệu người, thị trường dược Việt Nam dự báo sẽ vượt mốc 7 tỉ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, gần 55% nhu cầu thuốc trong nước đều là nguồn nhập khẩu. Số liệu Tổng cục Hải quan cho thấy, Việt Nam đã chi 2,82 tỉ USD nhập khẩu dược phẩm năm 2017.
Chủ tịch HĐQT Traphaco
Các chuyên gia nhận định, thuốc ngoại chiếm đa số nhưng trong tương lai, thuốc nội sẽ trở thành xu hướng tất yếu để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả điều trị trong ngành y tế. Chính phủ đã ban hành Thông tư 15 (có hiệu lực từ tháng 10/2019) nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ thuốc ngoại sang thuốc nội, thông qua những thay đổi có lợi cho các cơ sở sản xuất tiêu chuẩn EU-GMP. Với cùng một tiêu chuẩn, cụ thể là EU-GMP, thuốc Việt Nam rẻ hơn 20-30% do chi phí lao động, xây dựng và vận hành nhà máy thấp hơn so với các nước phát triển.
Đi theo con đường này buộc các hãng dược phẩm nội phải tăng cường khả năng cạnh tranh thông qua sản xuất sản phẩm chất lượng cao. Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Traphaco nói rằng, dù rất tốn kém nhưng từ năm ngoái, doanh nghiệp này đã đầu tư công nghệ để cạnh tranh với các sản phẩm đến từ EU, đồng thời đón nhận cơ hội mới mà EVFTA và EVIPA mang lại trong lĩnh vực dược phẩm. “Với những doanh nghiệp lớn như chúng tôi, dù sẵn sàng đầu tư EU-GMP nhưng thương hiệu chưa thể bằng các doanh nghiệp EU nên vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước”, bà Thuận cho biết.
Vì vậy, để trợ lực cho doanh nghiệp nội, xu hướng mua bán – sáp nhập (M&A) trong ngành cũng mở ra tiềm năng tăng trưởng cho các doanh nghiệp dược với sự tham gia đầu tư của khối ngoại. Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, sau các thương vụ điển hình như Dược Hậu Giang với Taisho (Nhật), Mekophar với Nipro Pharma (Nhật), Pymepharco với Stada (Đức) hay Domesco với Abbott (Mỹ), làn sóng đầu tư của nước ngoài vào ngành dược tại Việt Nam sẽ chưa dừng lại.
Để trợ lực cho doanh nghiệp nội, xu hướng mua bán – sáp nhập (M&A) trong ngành cũng mở ra tiềm năng tăng trưởng cho các doanh nghiệp dược với sự tham gia đầu tư của khối ngoại.
Cuối tháng 5 vừa qua, Công ty SK Investment Vina III, một đơn vị đầu tư trực thuộc Tập đoàn SK Group của Hàn Quốc, đã nhận chuyển nhượng hơn 12,3 triệu cổ phiếu IMP của Imexpharm. Số cổ phiếu này tương đương 24,9% cổ phần của doanh nghiệp này. Giá trị chuyển nhượng không được tiết lộ, nhưng tính theo giá thị trường, số cổ phần trên có giá trị khoảng 660 tỉ đồng. “Imexpharm đã trở thành một công ty hàng đầu tại thị trường Việt Nam với năng lực sản xuất mạnh mẽ được chứng minh bởi khả năng sản xuất tuyệt vời. Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với Công ty và tìm kiếm những lĩnh vực mà chúng tôi có thể giúp đỡ và đóng góp”, ông Michael Han, Trưởng Đại diện SK Group tại Việt Nam, cho biết.
Ngoài ra, các giao dịch M&A cũng dự kiến được thực hiện trong năm 2020. Công ty KT Kimia Farma (Indonesia), chẳng hạn, cho biết đang xem xét việc mua lại chuỗi cửa hàng bán lẻ dược phẩm Việt Nam. “Với tiềm năng của thị trường Việt Nam, các công ty dược phẩm nước ngoài có xu hướng tiến hành M&A để tận dụng nguồn lực có sẵn để giảm chi phí và rút ngắn thời gian gia nhập vào thị trường Việt Nam. Chúng tôi dự đoán sẽ có một số thoả thuận mua lại trong vài năm tới khi Chính phủ có kế hoạch giảm tỉ lệ sở hữu tại các công ty dược phẩm trong nước”, bà Phạm Huyền Trang, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI, nhận định.
Vũ Quỳnh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư