Hãng dược phẩm Anh đầu tư 5.000 tỉ đồng cho thị trường Việt Nam

Hãng dược phẩm Anh đầu tư 5.000 tỉ đồng cho thị trường Việt Nam

Việt Nam đang được xem là điểm đến hấp dẫn để các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm.

Thị trường dược phẩm Việt Nam hiện đứng thứ hai tại Đông Nam Á, là một trong 17 nước xếp vào nhóm có mức tăng trưởng ngành dược cao nhất khu vực. Tuy nhiên, tình hình sản xuất dược phẩm trong nước đến nay chỉ đáp ứng được khoảng 52,5% nhu cầu dược phẩm trong nước, số còn lại phải thông qua nhập khẩu. Các công ty dược trong nước chủ yếu sản xuất dạng bào chế đơn giản, thực phẩm chức năng và các loại thuốc generic (dược phẩm hết thời hạn bảo hộ độc quyền).

Ước tính, năm 2019, kim ngạch nhập khẩu thuốc của Việt Nam trên 2 tỉ USD. Chính phủ đã đặt ra tham vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất thuốc generic (thuốc gốc) tại khu vực Đông Nam Á vào năm 2020 với nhiều chính sách hỗ trợ.

Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn để các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia thành lập cơ sở sản xuất để từ đó xuất sang các quốc gia khác.

Trong bối cảnh hiện nay, để cạnh tranh với dòng thuốc giá rẻ của Ấn Độ và Trung Quốc, nhiều công ty dược của Mỹ đã nhượng quyền sản xuất hoặc mua cổ phần các công ty dược ở những nước có thị trường dược chưa phát triển như Việt Nam, để có thể sử dụng lao động giá rẻ hơn, nhằm hạ giá thành sản phẩm.

Vì vậy, Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn để các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia thành lập cơ sở sản xuất để từ đó xuất sang các quốc gia khác. Rất nhiều dự án có quy mô khá lớn đã được khởi động như Dự án xây dựng nhà máy sản xuất thuốc tại Khu Công nghệ cao Sài Gòn (TP.HCM) giữa Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) và Tập đoàn dược phẩm Sanofi của Pháp với tổng mức đầu tư 80 triệu USD.

Mới đây, thị trường dược Việt Nam đã chính thức đón nhận thêm 1 thành viên nữa vào danh sách các công ty dược hoạt động ở Việt Nam. Đó là Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam. Đây là Công ty con trực thuộc Tập đoàn AstraZeneca (Anh), đã xuất hiện tại Việt Nam từ 25 năm trước nhưng với hình thức văn phòng đại diện. Mặc dù vậy, thời gian qua, AstraZeneca có những đầu tư mạnh ở Việt Nam và phát triển đội ngũ nhân sự lên 470 người.

Năm ngoái, nhân chuyến viếng thăm nhà máy AstraZeneca ở Thụy Điển của đoàn lãnh đạo cấp cao Nhà nước Việt Nam, phía AstraZeneca đã cam kết đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng (xấp xỉ 220 triệu USD) vào Việt Nam giai đoạn 2020-2024. Việc chuyển đổi nâng cấp văn phòng đại diện lên thành Công ty AstraZeneca Việt Nam được xem là một phần trong chiến lược mở rộng thị trường Việt Nam của AstraZeneca.

Đoàn lãnh đạo cấp cao Nhà nước Việt Nam viếng thăm nhà máy AstraZeneca ở Thụy Điển
Ảnh: TTXVN

Đáng chú ý, AstraZeneca Việt Nam đã tiến hành ký kết hợp tác với nhiều đơn vị. Trong hợp tác phân phối với Công ty Cổ phần dược liệu Trung ương 2 (Phytopharma), Phytopharma kết hợp thế mạnh của mạng lưới phân phối của mình để phân phối sản phẩm thuốc của AstraZeneca khắp cả nước. Hợp tác diễn ra trong 3 năm.

Ký kết này nằm trong chiến lược của Chính phủ về việc phát triển ngành dược phẩm trong nước và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Ông Trần Văn Thuấn, Thứ Trưởng Bộ Y tế, cho rằng: “Đây là một trong những thoả thuận đầu tiên giữa một doanh nghiệp phân phối thuốc trong nước với một tập đoàn dược phẩm đa quốc gia”. Theo đánh giá, hợp tác này có thể đem đến nguồn dược phẩm chất lượng, an toàn, giá cả hợp lý, cho phép người dân Việt Nam được tiếp cận với những dòng thuốc tiên tiến nhất trên thế giới. Theo lộ trình, trong thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam theo đúng quy định.

Ngọc Thuỷ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư