Doanh nghiệp sữa tăng trưởng bất chấp COVID-19

Doanh nghiệp sữa tăng trưởng bất chấp COVID-19

Dù con số khả quan xuất phát từ nhiều khía cạnh, đây vẫn là tín hiệu lạc quan đáng ghi nhận giữa bối cảnh còn nhiều thử thách, chưa kể dịch bệnh bùng phát giai đoạn 2 và đang diễn biến phức tạp hiện nay.

Dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã, đang và tiếp tục gây ảnh hưởng lên nền kinh tế nói chung cũng như hoạt động SXKD của doanh nghiệp nói riêng. Nhiều đơn vị ghi nhận sụt giảm mạnh lợi nhuận sau nửa đầu năm, thậm chí thua lỗ lớn.

Đặc biệt giai đoạn cách ly (tháng 4/2020), hạn chế đi lại trong giai đoạn dịch đã thay đổi thói quen tiêu dùng, tần suất mua sắm giảm tác động đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó trực tiếp là doanh nghiệp bán lẻ.

Mặc dù vậy, báo cáo tổng kết nửa đầu năm của ngành sữa lại khá ấn tượng, khi nhiều đơn vị vẫn công bố kết quả tăng trưởng, thậm chí lập đỉnh lợi nhuận. Dù con số khả quan xuất phát từ nhiều khía cạnh, đây vẫn là tín hiệu lạc quan đáng ghi nhận giữa bối cảnh còn nhiều thử thách, chưa kể dịch bệnh bùng phát giai đoạn 2 và đang diễn biến phức tạp hiện nay.

Là doanh nghiệp dẫn đầu ngành với hơn một nửa thị phần, Vinamilk (VNM) công bố mức lợi nhuận ròng quý II/2020 vượt mốc 3.000 tỷ đồng, đây cũng là quý cao nhất kể từ quý I/2016. Luỹ kế nửa đầu năm, doanh thu thuần hợp nhất của Vinamilk đạt 29.648 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ 2019 và thực hiện 50% kế hoạch. Trong đó, doanh thu thuần kinh doanh nội địa đạt 25.456 tỷ đồng và xuất khẩu trực tiếp đạt 2.451 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng lần lượt là 7,7% và 7,3%. Khấu trừ chi phí, LNST Công ty đạt 5.861 tỷ đồng, tăng 2,8%, tương đương 55% kế hoạch năm.

Mặt khác, một phần tăng trưởng trong kỳ còn xuất phát từ việc hợp nhất GTNFoods với 1.368 tỷ doanh thu thuần. Cùng với đó, có lượng tiền gửi lớn (~19.000 tỷ ngắn và dài hạn), Vinamilk nhận đang về hàng trăm tỷ lãi tiền gửi định kỳ, đóng góp một phần đáng kể vào lợi nhuận chung.

Năm 2020, nhận định ngành sữa trong nước còn còn thấp, trung bình ~20kg/người (năm 2019) đi cùng nhiều thách thức như dịch tả, 60% dân số ở nông thôn (sức mua yếu), tỷ lệ sinh giảm mạnh giai đoạn 2009-2018, trào lưu nuôi con bằng sữa mẹ là rào cản với sữa công thức trẻ em… Vinamilk tiếp tục đẩy mạnh khai thác thị trường nước ngoài, song song tăng vùng nguyên liệu để tự chủ nguồn cung, tối đa hoá biên lợi nhuận.

Đạt được kết quả 6 tháng khả quan, Công ty quyết định chốt quyền vào 30/9 tới đây để trả cổ tức bằng tiền đợt 1/2020, tỷ lệ 20% tức mỗi cổ phiếu của cổ đông hiện hữu được nhận 2.000 đồng cổ tức. Cổ tức sẽ được chi trả vào 15/10/2020. Vinamilk cũng sẽ chốt quyền phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 5:1 cho cổ đông hiện hữu vào 30/9. Mỗi cổ đông sở hữu 5 cổ phần tại ngày đăng ký cuối cùng sẽ được nhận 1 cổ phần phát hành thêm.

Về với Vinamilk, GTNFoods và Sữa Mộc Châu cũng ghi nhận tăng trưởng đột biến trong quý II/2020. Luỹ kế 6 tháng, GTNfoods dù giảm 5% doanh thu xuống còn 1.368 tỷ, nhưng hiệu quả kinh doanh cao giúp lợi nhuận sau thuế tăng 112% lên 88 tỷ đồng. Các động lực tăng trưởng lợi nhuận chính của GTNFoods gồm: hoạt động bán hàng được cải thiện và hiệu quả hơn; doanh thu tài chính tăng 72% so với cùng kỳ 2019 và mức thuế TNDN giảm do chính sách ưu đãi thuế đối với thu nhập của Mộc Châu Milk. Tương ứng, lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ đạt 39 tỷ đồng, gấp 6,7 lần cùng kỳ.

Riêng Mộc Châu Milk, Công ty đạt 1.369 tỷ doanh thu, LNST đạt 106 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 41% so với nửa đầu năm ngoái. So với kế hoạch, 6 tháng đầu năm Công ty đã thực hiện được 67,5% chỉ tiêu năm 2020. Theo Sữa Mộc Châu, lợi nhuận trong kỳ tăng mạnh chủ yếu do Công ty áp dụng các biện pháp tái cơ cấu hệ thống bán hàng, đánh giá và thay đổi các chính sách với nhà phân phối, giá bán sản phẩm cũng như tối ưu các chi phí bán hàng, quản lý.

Đây là quý thứ 2 GTNFoods tăng trưởng, sau quý IV/2019 với mức lỗ ròng hơn 51 tỷ đồng.

Từng thua lỗ rất lớn trong giai đoạn 2016-2018, Sữa Quốc tế (IDP) mới đây cũng gây bất ngờ lớn khi công bố mức lãi ròng 114 tỷ đồng trong quý II. Chi tiết, quý II/2020 Công ty ghi nhận doanh thu 1.114,5 tỷ, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ, khấu trừ giá vốn Công ty đạt 405,5 tỷ lãi gộp – cải thiện mạnh so với mức 160 tỷ hồi quý II/2019.

Tham gia cuộc chơi truyền thông với các “đại gia”, trong kỳ IDP cũng chịu chi mạnh cho chi phí bán hàng (tăng từ 104 tỷ lên 279 tỷ đồng), chi phí quản lý cũng tăng... Với chi phí khuyến mãi tăng 45% lên hơn 129 tỷ, đặc biệt chi phí quảng cáo đột biến 350% lên 274 tỷ đồng.

Khấu trừ, Công ty thu về mức lãi ròng hơn 114 tỷ, cao gấp gần 3 lần so với thực hiện cùng kỳ năm 2019. Luỹ kế nửa đầu năm, IDP đạt doanh thu 1.905,5 tỷ, tăng 117% và LNST 150,5 tỷ, tăng 146% so với nửa đầu năm ngoái.

Nhờ lợi nhuận tăng mạnh và huy động được thêm 332 tỷ đồng từ bán cổ phiếu, vốn chủ sở hữu của IDP từ mức -41 tỷ hồi đầu năm đã tăng lên 441 tỷ đồng. Hiện tại, IDP vẫn còn lỗ luỹ kế 428,5 tỷ đồng.

Cần nhấn mạnh, kết quả kinh doanh khởi sắc của IDP ghi nhận trong giai đoạn Công ty đang có sự chuyển giao chủ chi phối. Trong đó, ĐHĐCĐ bất thường IDP đã thông qua việc chấp thuận cho CTCP Blue Point mua đến 90% tổng số cổ phần của công ty mà không cần chào mua công khai. Thời gian hoàn thành giao dịch dự kiến là tháng 12/2020.

Ngược lại, chủ quản thương hiệu sữa đậu nành Fami và Vinasoy, Đường Quảng Ngãi (QNS) vừa công bố BCTC hợp nhất quý II/2020 với doanh thu 1.761 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, QNS thu về lợi nhuận ròng 320 tỷ đồng, giảm so với con số 366 tỷ cùng kỳ.

Theo giải trình của Công ty, quý II năm nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và Việt Nam diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nền kinh tế và hoạt động SXKD Công ty. Một số sản phẩm có sản lượng tiêu thụ thấp, doanh số và lợi nhuận giảm so với cùng kỳ, cụ thể là dòng sản phẩm Vinasoy giảm 9% lượng tiêu thụ, bánh kẹo Biscafun giảm 4%...

Luỹ kế nửa đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu 3.122 tỷ, giảm hơn 20% so với nửa đầu năm ngoái, LNST tương ứng giảm 16,5% xuống còn 488 tỷ đồng.

(Đổi tiêu đề bởi Brands Vietnam)

Tri Túc
Nguồn CafeF