Doanh nghiệp du lịch tìm “phao cứu sinh” giữa mùa dịch

Doanh nghiệp du lịch tìm “phao cứu sinh” giữa mùa dịch

Trước tình cảnh dịch bệnh ảnh hưởng kinh doanh, nhiều doanh nghiệp ngành du lịch phải tìm hướng kinh doanh khác, hoặc đa ngành để duy trì hoạt động qua khó khăn.

Công ty tour kinh doanh khẩu trang

Thay vì dành đất cho quảng cáo các tour du lịch, thời gian gần đây, trên trang chủ website của Công ty Du lịch Việt xuất hiện nhiều thông tin chia sẻ về khẩu trang y tế chất lượng với giá bình ổn.

Chia sẻ về dự án này, ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du Lịch Việt cho biết: “Ngay khi dịch COVID-19 xuất hiện, chúng tôi đóng cửa gần như toàn bộ hoạt động du lịch. Hàng trăm nhân sự dồn lực để làm khẩu trang, từ sắp xếp, đóng hộp sản phẩm đến trực tiếp bán hàng, tư vấn cho khách hàng. Công ty hy vọng có thể ký hợp đồng nhiều hơn và duy trì công ăn việc làm cho nhân viên đến hết năm”.

Một mình làm khẩu trang thì sẽ khó khăn, ông Long tận dụng mối quan hệ trong ngành du lịch trước đây để nhập khẩu máy móc và bắt tay với Công ty Cổ phần Đầu tư Ecom Net để phân phối độc quyền các sản phẩm khẩu trang y tế, trang phục chống dịch, trang phục y tế và các sản phẩm y tế dùng một lần.

Đầu tháng 8 vừa qua, 10.000 chiếc khẩu trang y tế của Ecom Net đã vinh dự được Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ lựa chọn để trao tặng cho bang Maryland nhằm giúp hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, trong nước, 10.000 chiếc khẩu trang y tế cũng đã được Ecom Net chuyển đến Bệnh Viện ở Quảng Nam.

“Lúc đó tôi không nghĩ sẽ đầu tư nhiều và biến khẩu trang thành mặt hàng chủ lực như thế này. Hiện tại chúng tôi sản xuất 100% tại Việt Nam, công suất khoảng 5 triệu khẩu trang/ngày. Chúng tôi đầu tư hẳn một nhà máy để sản xuất lớp vải không dệt vốn chiếm 2/3 giá thành một chiếc khẩu trang”, ông Long, chia sẻ.

Theo đại diện khác của công ty, “Nhiều sản phẩm khẩu trang hiện tại là khẩu trang 3, 4 lớp vải không dệt chỉ có chức năng lọc bụi nhưng khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn là khẩu trang có khả năng kháng khuẩn”.

Ảnh: Dulichviet

Không chỉ có Du lịch Việt, nhiều công ty ngành du lịch cũng đang tìm hướng xoay sở. Nhiều ngày nay, trên fanpage của một doanh nghiệp lữ hành chuyên bán các gói tour ngoại tại quận 1 (không muốn tiết lộ tên), TP.HCM bên cạnh các thông tin cập nhật tour, điểm đến... đơn vị này rao bán thêm khẩu trang nhựa phục vụ cho nhu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

Theo chia sẻ của doanh nghiệp này, sản phẩm khẩu trang bằng nhựa TPU (loại nhựa dùng trong y tế, thực phẩm) ôm sát mặt, có van thoát khí, các sản phẩm có thể tái sử dụng... với giá 160.000 đồng/chiếc.

Theo đại diện công ty, nhằm tạo điện kiện cho nhân viên có thêm thu nhập trong mùa dịch, công ty đứng ra quảng cáo sản phẩm, cho nhân viên mượn địa điểm tập kết hàng hoá khẩu trang để phân phối lại cho khách. Theo đại diện này, chỉ trong hai ngày kinh doanh đơn vị này đã bán hơn 400-500 đơn hàng khẩu trang nhựa qua fanpage...

Khách sạn đẩy mạnh kinh doanh nông sản, thực phẩm

TransViet Group, doanh nghiệp có tiếng trong ngành du lịch gần đây cũng đẩy mạnh kinh doanh các mặt hàng nông sản, bột dinh dưỡng, cỏ lúa mì...

Ông Hoàng Đức Huy, CEO TransViet Travel chia sẻ với báo chí, công ty vốn kinh doanh nhiều lĩnh vực, trong đó có nông sản sạch từ trang trại tại Đà Lạt. Doanh thu từ kinh doanh nông sản ổn định nhất ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh từ cuối năm ngoái đến nay. Khi du lịch gặp khó khăn, doanh nghiệp càng muốn tập trung đẩy mạnh mảng nông sản.

Không chỉ các doanh nghiệp lữ hành, nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú cũng tận dụng nguồn lực sẵn có để tăng nguồn thu.

Chủ của một khách sạn Đà Lạt, vì dịch bệnh nên khách sạn phải tạm nghỉ kinh doanh phòng. Khách sạn này đã mở thêm mảng kinh doanh phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến do chính đầu bếp của khách sạn thực hiện và giao tận nơi cho khách. Các món ăn vốn chỉ phục vụ trong nhà hàng của khách sạn nay có thể giao tận nhà cho khách có nhu cầu.

Các món ăn hàng ngày như giò, khổ qua nhồi thịt, khổ qua nhồi cá thát lát… đến các loại thực phẩm tươi sống như thịt heo, gà ta thả vườn… hay thuỷ hải sản các loại đều được khách sạn phục vụ. Theo lời nữ chủ khách sạn, thực phẩm bán ra chủ yếu từ vườn nhà tự nuôi trồng, hải sản từ mối cung cấp riêng của khách sạn.

Ảnh: VnExpress

Không chỉ có doanh nghiệp nhỏ mà nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch cũng đang tìm cách tồn tại qua mùa dịch. Trong Toạ đàm “Đã đến lúc ngành du lịch tìm được hướng đi trong trạng thái bình thường mới”, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch Thiên Minh, đã chia sẻ 3 cách mà ông áp dụng để trong Thiên Minh.

Theo ông Trần Trọng Kiên, trong hoàn cảnh như trên, cơ hội duy nhất cho doanh nghiệp là phục vụ nhu cầu nội địa dù nhu cầu này cũng đã giảm rất nhiều.

Thiên Minh đã tiến hành cắt giảm 5 dự án, trong đó có dự án đầu tư liên doanh khách sạn. Dự án này có từ 3 năm trước, định triển khai trong năm 2020 nhưng phải dừng lại. Dự án hãng hàng không Cánh Diều cũng sẽ chậm trong vòng 2 năm.

Chi phí tiếp theo bị cắt giảm là lương. Hội đồng quản trị không nhận lương hoặc lương chỉ còn 10 đến 20% cho đến năm 2021. Bên cạnh đó, Thiên Minh cũng tìm cách “gộp” các nhóm tài sản với nhau để giảm bớt nhân sự quản lý.

Tiếp theo là thay đổi mô hình kinh doanh phù hợp. Thiên Minh đã biến tài sản của mình thành nơi kinh doanh phục vụ người dân địa phương. Nhà hàng, quán cà phê, phòng tập, bể bơi… đều trở thành những địa điểm phục vụ người dân địa phương.

Tháng 4, Thiên Minh chuyển hướng bán thực phẩm tươi sống cho người dân. Khi người dân ở nhà, không muốn ra ngoài, tập đoàn đã kết hợp với các đơn vị giao hàng để tiếp cận với khách hàng. Bên cạnh đó, Thiên Minh còn kết hợp với ngân hàng, để khách hàng mua lương thực trong vòng 6 tháng mà không cần trả tiền trước…

Theo ông Kiên, với những công ty nhỏ ở những nơi quy mô kinh tế nhỏ, việc tạo ra các sản phẩm đặc thù, giá cả phải chăng để phục vụ khách nội địa là một cách làm rất ý nghĩa. Khách nội địa không phải là những người có mức chi trả thấp. Họ chỉ chưa biết hết các sản phẩm độc đáo, khác biệt – vốn là “đặc sản” của các khách sạn hạng sang để phục vụ du khách.

Nhiều khách sạn lớn nổi tiếng ở Sài Gòn cũng mở dịch vụ bán hàng mang về qua tổng đài hoặc website của nhà hàng, nhằm cứu vãn những ngày nhàn rỗi mùa dịch và tăng doanh thu.

Minh Anh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư