Fakespot: 42% đánh giá hàng hoá trên Amazon không đáng tin cậy

Fakespot: 42% đánh giá hàng hoá trên Amazon không đáng tin cậy

Theo các công ty phân tích thị trường thương mại điện tử, từ tháng 3/2020, số lượng đánh giá giả mạo trên trang Amazon tăng lên 42%.

Đánh giá của khách hàng sau khi mua sắm trên Amazon là tính năng hữu ích vốn được đánh giá cao. Nhờ đó, những người mua sau có thêm thông tin để lựa chọn được món hàng mình cần sắm. Tuy nhiên trong những năm gần đây, nhiều đánh giá “giả mạo” được đăng và tính năng này của Amazon không còn giữ được sự khách quan.

Cách thức đăng tải các đánh giá fake này ngày càng trở nên tinh vi. Nhiều gian hàng có thể tự ý đăng các bình luận nhờ hệ thống máy bot hoặc khuyến khích các khách hàng đánh giá tốt và chọn 5 sao để đổi lấy phần thưởng, quà tặng… Ngoài ra, không ít chiêu trò được thực hiện để dìm hàng đối thủ, với nhiều đánh giá một sao và chê bai được đăng tải.

Ảnh: Rating Catcher

Fakespot, công ty cung cấp tiện ích mở rộng Chrome đã thực hiện một cuộc khảo sát về tỷ lệ phần trăm các đánh giá giả mạo trên Amazon. Sau khi kiểm tra khoảng 720 triệu bài đánh giá trên Amazon được đăng từ tháng 3/2020 đến 9/2020, “khoảng 42% không đáng tin cậy”. Tỷ lệ của cùng kỳ năm ngoái là 36%, các đánh giá giả mạo bùng nổ mạnh vào dịp mua sắm lớn như Black Friday hay Giáng sinh.

Theo Fakespot, kết quả của cuộc khảo sát này xác nhận sự gia tăng các đánh giá giả mạo có liên quan đến dịch COVID-19. “Trong đại dịch, nhu cầu về chất khử trùng và khẩu trang tăng cao, đồng thời các đánh giá không đáng tin cậy cũng tăng lên”, đại diện của Fakespot giải thích tại sao đánh giá giả mạo bùng nổ trong năm 2020.

Fakespot cũng là đơn vị cung cấp dịch vụ xác định các đánh giá giả mạo về Amazon từ năm 2015. Theo đó, công ty xếp loại cho các bài viết về sản phẩm. Chữ D có nghĩa là từ 40-70% đánh giá được đưa ra là giả mạo, chữ F cảnh báo người dùng rằng hơn 70% là bị nghi ngờ mạo danh. Công ty cho biết hơn 20 triệu người dùng sử dụng Fakespot kể từ khi ra mắt. Con số người dùng lớn sử dụng dịch vụ của Fakespot là minh chứng cho việc người mua dựa rất nhiều vào đánh giá và xếp hạng để quyết định chọn mua sản phẩm.

Ảnh: Vox

Trong khi đó, công ty phân tích thị trường thương mại điện tử ReviewMeta cho rằng “đại dịch không phải là nguyên nhân khiến lượng đánh giá giả mạo trên Amazon tăng mạnh”. Lý do được cho là tính năng cập nhật của Amazon, hiển thị số lượng sao của gian hàng hay sản phẩm căn cứ vào những lần chấm sao gần nhất, thay vì tổng số sao bình chọn như trước. ReviewMeta lập luận rằng, các đơn vị cố gắng thay đổi các đánh giá gần nhất để được chấm sao cao nhất. Theo công ty này, cập nhật mới của Amazon không đánh giá được thực tế chất lượng của gian hàng và sản phẩm như trước đây.

Phản ứng với các thông tin từ Fakespot và ReviewMeta, phát ngôn viên của Amazon cho biết: “Các công ty như Fakespot và ReviewMeta không thể xác định cụ thể tính xác thực của bài đánh giá, vì những đơn vị này không có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu độc quyền của Amazon về người đánh giá, người bán và lịch sử sản phẩm”.

Tuy nhiên, Amazon cũng thừa nhận: “Chúng tôi nhận thức được sự tồn tại của người dùng xấu đang cố gắng lạm dụng hệ thống đánh giá và đầu tư nguồn lực để bảo vệ tính toàn vẹn của các bài đánh giá”.

Các chuyên gia dự báo tỷ lệ các bài đánh giá giả mạo sẽ tiếp tục tăng vào cuối năm 2020, dịp mua sắm và lễ hội.

(Đổi tiêu đề bởi Brands Vietnam)

Bảo Nhi
Nguồn BizLive