KIS Việt Nam: Nở rộ mô hình liên kết Ngân hàng – Bảo hiểm, top 5 ông lớn BHNT chiếm 81% thị phần

KIS Việt Nam: Nở rộ mô hình liên kết Ngân hàng – Bảo hiểm, top 5 ông lớn BHNT chiếm 81% thị phần

Năm 2019, cả nước có 67 công ty bảo hiểm, trong đó có 31 công ty bảo hiểm phi nhân thọ, 18 công ty bảo hiểm nhân thọ, 16 công ty môi giới bảo hiểm và 2 công ty tái bảo hiểm. Riêng top 5 công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất xét trên tổng doanh thu phí bảo hiểm gồm Bảo Việt, Prudential, Manulife, Dai-ichi và AIA chiếm ~81% tổng doanh thu phí toàn thị trường trong 6 tháng đầu năm 2020.

Việt Nam là một thị trường bảo hiểm tiềm năng với tỷ lệ thâm nhập và phí bảo hiểm bình quân ở mức thấp, lần lượt là 2,65% và 72USD/người so với mức 9,6% và 4.664USD/người ở các thị trường phát triển. Lượng dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ chỉ khoảng 8,5%. Ngoài ra, thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng được hỗ trợ bởi triển vọng kinh tế tươi sáng, điều kiện vĩ mô ổn định, quy mô dân số khá lớn (~97 triệu người) và đang tăng trưởng.

Ngành bảo hiểm với sự hỗ trợ của các yếu tố trên đã đạt mức tăng trưởng hai con số nhiều năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục phát triển trong giai đoạn tới.

Trong giai đoạn 2015 – 2019, tổng doanh thu phí bảo hiểm thị trường Việt Nam tăng trưởng ấn tượng 21-26%/năm. Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 24-35%/năm, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 12-16%/năm. Trong 9 tháng đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã khiến tỷ lệ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ giảm xuống còn 5,7% so với cùng kỳ 2019, tuy nhiên doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ vẫn ghi nhận mức tăng trưởng dương, đạt 21,2% so với cùng kỳ.

Các sản phẩm chính trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ gồm bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm tài sản và thiệt hại và bảo hiểm cháy nổ. Còn thị trường bảo hiểm nhân thọ, nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm 75% doanh thu phí khai thác mới và 56% số lượng hợp đồng khai thác mới. Ngoại trừ nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư và dòng sản phẩm bảo hiểm bổ trợ, hầu hết các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đều có suy yếu trong nửa đầu năm 2020 so với cùng kỳ hai năm trước.

Dịch COVID-19 khiến bảo hiểm hàng không, du lịch và vận chuyển hàng hoá bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, các sản phẩm mang tính chất bảo vệ cá nhân trước rủi ro tăng trưởng mạnh.

Dưới đây là dự báo một số xu hướng chính trong thị trường bảo hiểm trong thời gian tới theo báo cáo mới nhất của Công ty chứng khoán KIS Việt Nam. Các thông tin mang tính tham khảo không chỉ dành cho những người hoạt động trong ngành bảo hiểm, mà còn dành cho các khách hàng và nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Xu hướng M&A

Năm 2019, Việt Nam có 67 công ty bảo hiểm, trong đó có 31 công ty bảo hiểm phi nhân thọ, 18 công ty bảo hiểm nhân thọ, 16 công ty môi giới bảo hiểm và 2 công ty tái bảo hiểm. Kể từ năm 2015, số lượng công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ không thay đổi đáng kể. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đã thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua hình thức M&A. Có thể kể đến FWD đã tiếp quản VCLI thông qua thoả thuận bancassurance với Vietcombank trị giá ~400 triệu USD năm 2019, Sunlife mua lại toàn bộ cổ phần trong liên doanh PVI Sunlife năm 2016 hay Sumitomo Life nâng tỷ lệ nắm giữ BVH lên 22,09% (tăng 4,6%) năm 2019.

Cuối năm 2020, thương vụ Manulife hoàn tất mua lại AVIVA Việt Nam hứa hẹn tác động lớn tới vị trí của các công ty bảo hiểm.

Báo cáo của KIS nhận định, xu hướng M&A trong ngành bảo hiểm sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Ngoài ra, cạnh tranh trong ngành có khả năng sẽ tiếp tục gia tăng theo sau hiệu lực của EVFTA, cho phép tăng sự hiện diện của các công ty bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam.

Thương hiệu nước ngoài thống trị thị trường bảo hiểm nhân thọ

Ngoại trừ Bảo Việt Nhân thọ (BVL) – công ty con của Tập đoàn Bảo Việt (HSX: BVH), các công ty nước ngoài đang là tay chơi chính trên thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam. Top 5 công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất xét trên tổng doanh thu phí bảo hiểm gồm BVL (22,9% thị phần), Prudential (19,1%), Manulife (15,9%), Dai-ichi (11,6%) và AIA (11,4%), chiếm ~81% tổng doanh thu phí toàn thị trường trong 6 tháng đầu năm 2020.

Một số tên tuổi trong danh sách top 10 công ty lớn nhất cách đây 5 năm đã bị thay thế bằng những tên tuổi mới. Một số thương hiệu như Generali, MB Ageas, FWD, AVIVA, và Hanwha cũng đã có những bước tiến đáng kể về thứ hạng trong ngành. Nhìn chung, thị trường bảo hiểm nhân thọ có mức độ cạnh tranh khá gay gắt.

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ phân mảnh

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ khá phân mảnh với sự tham gia của 31 công ty. Phần lớn trong số đó là các công ty trong nước như Bảo Việt, PVI, PTI, BMI, Pjico, MIC, ... Top 10 công ty lớn nhất chiếm khoảng 72% doanh thu phí toàn thị trường và 21 công ty chia sẻ 28% phần còn lại.

Nở rộ mô hình liên kết Ngân hàng – Bảo hiểm (Bancassurance)

Số lượng các đại lý bảo hiểm tăng với tỷ lệ CAGR là 28% trong giai đoạn 2014 – 2019, đạt hơn 1 triệu đại lý tại cuối năm 2019. 84% trong đó là các đại lý kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Đây được xem là kênh phân phối quan trọng đối với các doanh nghiệp trong ngành.

Mặt khác, nhiều công ty bảo hiểm thực hiện ký thoả thuận bancassurance với các ngân hàng để tận dụng cơ sở khách hàng và mạng lưới phân phối của họ, đặc biệt là trong phân khúc bảo hiểm nhân thọ. Tỷ lệ thâm nhập của bancassurance trong tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng đáng kể từ 5,9% năm 2016 lên 17,2% năm 2019. Trong 9 tháng đầu 2020, kênh bancassurance chiếm 30% tổng doanh thu phí khai thác mới và 18,3% tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ.

Trong tháng 11 và tháng 12/2020, có hai hợp đồng bancassurance độc quyền lớn được ký kết giữa ACB và SunLife Việt Nam; Vietinbank và Manulife. Những hợp đồng bancassurance mới được ký gần đây hứa hẹn tạo ra nhiều thay đổi hơn nữa vào năm 2021 trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bảo hiểm nhân thọ.

KIS nhận định hoạt động bancassurance sẽ tiếp tục được các ngân hàng và công ty bảo hiểm chú trọng phát triển do những lợi ích mà nó mang lại cho cả hai bên. Ngoại trừ BVL, các thương hiệu bảo hiểm nhân thọ nước ngoài như Manulife, Prudential, AIA, Daiichi, FWD và Sunlife... đã nỗ lực để đạt được những thoả thuận phân phối bảo hiểm độc quyền với mức phí trả trước hậu hĩnh cho các ngân hàng thương mại thời gian qua.

Kiều Anh
Nguồn CafeBiz