Chết vì làm ăn lớn?

Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Hòa (THV) hủy niêm yết vì thua lỗ nặng. Tổng công ty Cà phê Việt Nam và Vinacafe Buôn Ma Thuột cũng chìm trong số nợ cả ngàn tỉ đồng. Mẫu số chung của ba doanh nghiệp này là đầu tư lớn, dù trong lĩnh vực kinh doanh chính, nhưng hiệu quả lại không như mong đợi.

Trong hai năm qua, số doanh nghiệp có số lỗ từ vài trăm đến ngàn tỉ đồng của ngành cà phê chỉ xếp sau ngành thủy sản. Điều đặc biệt là, hầu như những doanh nghiệp cà phê nào từng được biết đến là doanh nghiệp thuộc tốp đầu đều thua lỗ sau thời kỳ hoàng kim.

Nếu như với những doanh nghiệp khác, lý do nợ nần là do đầu tư ngoài ngành, thì doanh nghiệp cà phê lại do sự không hiệu quả của những dự án lớn thuộc "sở trường" của mình.

Từ trồng cà phê chè (arabica)...

Về địa lý, các tỉnh miền Trung và miền Bắc phù hợp với cây cà phê chè. Vì vậy, để giúp người dân các tỉnh này cải thiện đời sống, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đưa ra kế hoạch trồng 100.000 héc ta cà phê chè cho nhiều tỉnh thành.

“Từ thất bại này, chúng tôi phải nhìn lại những chiến lược kinh doanh của mình để tránh tiếp tục bị thua lỗ trong khi những doanh nghiệp khác lại có lãi và tiếp tục mở rộng kinh doanh”, ông An cho biết.

Thực hiện kế hoạch này, Tổng công ty Cà phê Việt Nam được Chính phủ bảo lãnh để vay khoảng 212 triệu franc Pháp vào năm 1999 (tương đương 424 tỉ đồng vào thời điểm đó) của Cơ quan phát triển Pháp (AFD) để phát triển 40.000 héc ta cà phê chè tại Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái...

Tuy nhiên, đến năm 2005, Tổng công ty thừa nhận kế hoạch này hầu như bị thất bại hoàn toàn. Số tiền vay nay vẫn chưa trả được dù đã quá hạn trả nợ 3 năm. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Tổng công ty Cà phê Việt Nam chấp nhận bán trụ sở công ty cùng nhiều tài sản khác để trả một phần số tiền nợ gần 1.000 tỉ đồng mà công ty đang nợ các chủ nợ như AFD hay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

... đến nhà máy chế biến

Trong khi Vinacafe đầu tư trồng cà phê chè thì Thái Hòa lại đầu tư vào hệ thống nhà máy chế biến cà phê khô, ướt tại những tỉnh thành có thế mạnh về cà phê chè như Quảng Trị, Nghệ An, Sơn La. Và kết quả sau đầu tư là cảnh nợ nần.

Theo công văn gởi Sở chứng khoán Hà Nội giải thích việc hủy niêm yết của Thái Hòa, số tiền lỗ lũy kế tới ngày 31-12-2012 của công ty lên tới hơn 622,5 tỉ đồng, vượt quá vốn điều lệ 577,5 tỉ đồng. Lý do thua lỗ là do Thái Hòa đã đầu tư vào cà phê và trồng cao su, chủ yếu là các nhà máy chế biến cà phê tại nhiều tỉnh thành trong cả nước lẫn nước ngoài.

Khi được hỏi về trường hợp của Thái Hòa, ông Đoàn Triệu Nhạn, chuyên gia cà phê, tỏ ra không bất ngờ về thông tin Thái Hòa hủy niêm yết. Theo ông Nhạn, với những gì mà Thái Hòa đã từng đầu tư trong lĩnh vực cà phê thì cái gì đến sẽ phải đến.

Ông Nhạn dẫn chứng, mấy năm qua, Thái Hòa dùng nguồn vốn vay ngắn hạn để đầu tư cho các mục đích dài hạn là xây dựng các nhà máy chế biến cà phê chè ở những tỉnh như Quảng Trị, Nghệ An, Sơn La.Ngoài rủi ro về sử dụng vốn, Thái Hòa chỉ đầu tư xây dựng nhà máy mà không đầu tư vùng nguyên liệu nên nhà máy xây xong lại không có nguyên liệu để hoạt động.

Đơn cử, ở Quảng Trị, Thái Hòa có hai nhà máy: một nhà máy chế biến ướt ở Khe Sanh, công suất 50.000 tấn/năm và một nhà máy chế biến khô ở Lao Bảo, công suất 60.000 tấn/năm; trong khi theo Cục Trồng trọt, vào năm 2012 diện tích trồng cà phê tại Quảng Trị chỉ có 5.000 héc ta.

Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT Thái Hòa thừa nhận, một trong những lý do khiến Thái Hòa làm ăn thua lỗ trong những năm qua đầu tư dàn trải, dùng tiền vay ngắn hạn để đầu tư cho những dự án dài hạn của công ty.

Ông An giải thích, khi Thái Hòa đầu tư hai nhà máy chế biến khô và ướt tại Quảng Trị thì ở địa phương này mới chỉ có ba doanh nghiệp có nhà máy chế biến cà phê chè song ngay sau khi Quảng Trị cấp phép đầu tư nhà máy cho Thái Hòa, chính quyền còn cấp phép đầu tư cho một số doanh nghiệp khác để xây nhà máy chế biến tương tự, vì thế, mới xảy ra tình trạng nhà máy thì nhiều nhưng không có đủ cà phê cho chế biến.

“Hiện Quảng Trị có 16 nhà máy chế biến cà phê chè với tổng công suất lên đến 100.000 tấn/năm, trong khi nguồn nguyên liệu tại đây và những địa phương lân cận chỉ đáp ứng khoảng 40%. Do đó, thời gian qua đã xảy ra tình trạng tranh mua cà phê đẩy giá lên cao song vẫn có nhiều nhà máy không hoạt động đủ công suất thiết kế, nên không chỉ Thái Hòa mà nhiều doanh nghiệp có nhà máy ở đây cũng bị thua lỗ”, ông An nói.

Ngoài nhà máy ở Quảng Trị, Thái Hòa cũng đầu tư 5 triệu đô la Mỹ vào năm 2009 tại xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La xây dựng nhà máy chế biến với công suất 30.000 tấn cà phê nhân/năm. Tuy nhiên, trên thực tế, tổng diện tích cà phê ở Điện Biên, Sơn La chưa đến 10.000 héc ta, sản lượng cũng chỉ ở mức 10.000 tấn.

Ông An nói khi xây dựng nhà máy chế biến cà phê chè ở Sơn La, tuy đã tính toán nguồn nguyên liệu từ Sơn La, Điện Biên và những tỉnh lân cận có thể đáp ứng cho công suất nhà máy ở đây nhưng do người dân trồng cà phê quen với cách tự chế biến rồi đem bán thay vì bán cà phê tươi cho nhà máy nên nhà máy đã không hoạt động đúng như mong muốn ban đầu.

Một đại gia khác trong ngành cà phê là Vinacafe Buôn Ma Thuột từng được báo chí nhắc đến số nợ hơn 1.600 tỉ đồng (vào thời điểm tháng 3-2012) do hoạt động kinh doanh không hiệu quả.

Còn trên toàn ngành, theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) tính đến thời điểm này, tổng nợ xấu, nợ quá hạn của các doanh nghiệp cà phê vay tại các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Phát triển Việt Nam vào khoảng 6.330 tỉ đồng.

Ông An tự hỏi, trong những năm qua, giá cà phê ổn định, người trồng cà phê đều có lãi, các doanh nghiệp chế biến sâu cà phê cũng ăn nên làm ra, nhưng tại sao thua lỗ chỉ rơi vào những doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cà phê như Thái Hòa, Tổng công ty cà phê Việt Nam, Vinacafe Buôn Ma Thuột …

“Từ thất bại này, chúng tôi phải nhìn lại những chiến lược kinh doanh của mình để tránh tiếp tục bị thua lỗ trong khi những doanh nghiệp khác lại có lãi và tiếp tục mở rộng kinh doanh”, ông An cho biết.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn