IBM: 54% người tiêu dùng khu vực APAC chỉ muốn đặt hàng qua mạng thay vì tới các cửa hàng

IBM: 54% người tiêu dùng khu vực APAC chỉ muốn đặt hàng qua mạng thay vì tới các cửa hàng

Theo kết quả khảo sát của IBM tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, ngày càng có nhiều người tiêu dùng thích nghi hơn với các tính năng và giao dịch trực tuyến.

Nhóm bảo mật của Tập đoàn IBM (IBM Security) mới đây đã công bố kết quả cuộc khảo sát hành vi người tiêu dùng trong suốt thời gian đại dịch COVID-19, cũng như sự thay đổi hành vi tiêu dùng về lâu dài để đánh giá sự ảnh hưởng này đến an toàn an ninh mạng.

Đáng chú ý, khảo sát của IBM cho thấy có sự chuyển đổi hành vi tiêu dùng đáng kể của người dân sau hơn một năm thời gian sống chung và thích nghi với đại dịch. Theo đó, ngày càng nhiều người tiêu dùng thích nghi hơn với các tính năng và giao dịch trực tuyến.

Cụ thể, có tới hơn 54% người tiêu dùng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương giờ đây chỉ muốn đặt hàng qua mạng thay vì tới các cửa hàng hoặc gọi trực tiếp tới cửa hàng để đặt hàng nếu có lo ngại về tính riêng tư hoặc tính bảo mật của website và ứng dụng đặt hàng trực tuyến.

Và tỷ lệ này còn lên tới 60% đối với thế hệ Millennials (1981-1995). Với những người dùng này, nhiều khả năng họ thường bỏ qua các lo ngại về bảo mật để thuận tiện cho việc đặt hàng trực tuyến. Đồng nghĩa, khiến cho gánh nặng bảo mật sẽ đặt thêm lên vai các công ty cung cấp dịch vụ trực tuyến để đề phòng gian lận.

Ngày càng nhiều người tiêu dùng thích nghi hơn với các tính năng và giao dịch trực tuyến
Nguồn: Envato

Bùng nổ kỹ thuật số vẫn tiếp tục kéo dài kể cả khi đại dịch đã được khống chế

Nhiều nghiên cứu về hành vi đã cho thấy, kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng nổ, hành vi cùng thói quen tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp đã thay đổi theo hướng ưu tiên hơn các hình thức thanh toán phi tiền mặt cũng như dịch chuyển nhanh chóng sang mô hình kinh doanh trực tuyến.

Trong khảo sát giữa năm 2020 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) về tác động của đại dịch COVID-19 tới thương mại điện tử, kết quả cho thấy, COVID-19 làm thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm. Người dùng có thói quen mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Trong giai đoạn cách ly cao điểm từ tháng 2-4/2020, mua sắm trực tuyến trở thành kênh được ưu tiên nhất để tiếp cận một số hàng hoá và dịch vụ.

Và khảo sát mới công bố của IBM cung cấp một thống kê khá bất ngờ là nhóm người tiêu dùng tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho biết đã tạo thêm trung bình 17 tài khoản trực tuyến mới trong thời gian đại dịch.

Thêm vào đó, 37% người được hỏi cho rằng họ không có kế hoạch xoá hoặc huỷ kích hoạt bất kỳ tài khoản mới nào mà họ đã tạo sau khi xã hội trở lại chuẩn mực trước đại dịch.

Ngoài ra, những người tiêu dùng này cũng cho biết sẽ tiếp tục gia tăng sử dụng các phương tiện và giao dịch trực tuyến trong nhiều năm tới, kể cả khi đại dịch đã kết thúc.

Quá trình chuyển đối số diễn ra nhanh chóng tạo ra nhiều kẽ hở cho tấn công mạng

Nhóm người tiêu dùng tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho biết đã tạo thêm trung bình 17 tài khoản trực tuyến mới trong thời gian đại dịch.

Theo các chuyên gia bảo mật của IBM, nhóm người dùng mới gia nhập trên với hạn chế về kiến thức an toàn thông tin cũng đồng nghĩa sẽ mở rộng đáng kể các cơ hội tấn công cho các nhóm tội phạm mạng.

Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, các sở thích của cá nhân về sự tiện lợi thường vượt trội hơn những mối quan tâm về bảo mật và quyền riêng tư – dẫn đến các lựa chọn kém về mật khẩu và các thái độ ứng phó của người tiêu dùng với an ninh mạng.

Việc hiểu biết hạn chế về các nguy cơ an ninh mạng của người tiêu dùng, cùng với tiến trình chuyển đối số nhanh và mạnh của các doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch, đã tạo ra những kẽ hở không tưởng cho các nhóm tấn công mạng vào mọi ngành nghề.

Theo một báo cáo liên quan công bố năm 2020 của IBM, các hành vi bảo mật non kém của người tiêu dùng cũng tạo nên ảnh hưởng không nhỏ trong môi trường công sở. Trong đó, việc xâm phạm thông tin đăng nhập của người dùng là một trong những thao tác tấn công an ninh mạng phổ biển nhất được thống kê trong báo cáo.

Thực tế cho thấy, sự gia tăng về số lượng các tài khoản trực tuyến đã dẫn đến hành vi sử dụng mật khẩu lỏng lẻo trong đa số những người được khảo sát. Theo đó, có tới 86% người tiêu dùng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thừa nhận sử dụng lại thông tin đăng nhập trực tuyến của họ trên các tài khoản đã sử dụng trước đây.

Điều này có nghĩa là nhiều tài khoản mới được tạo trong đại dịch có thể dựa vào các kết hợp email và mật khẩu được sử dụng lại. Và những tài khoản này có thể cũng chính là nơi chứa đựng nguy cơ bị lộ thông tin do các vi phạm cũng như rò rỉ dữ liệu trong suốt thời gian dài trước đó.

Gánh nặng bảo mật sẽ đặt thêm lên vai các công ty cung cấp dịch vụ trực tuyến để đề phòng gian lận

Ngoài ra, việc gần một nửa người dùng (47%) được hỏi cho biết họ cho phép thiết bị số của mình tự ghi nhớ các thông tin liên quan tới các tài khoản trực tuyến cũng đã tạo thêm rủi ro bảo mật cho chính người dùng.

Theo các chuyên gia, bởi đa số người tiêu dùng sử dụng chung một mật khẩu cho nhiều tài khoản trực tuyến, nên việc bổ sung các bước xác định chủ tài khoản là vô cùng cần thiết nhằm giảm thiểu rủi ro bị đánh cắp tài khoản. Và đáng mừng là trên 2/3 người được hỏi tại khu vực đang sự dụng bảo mật hai lớp hoặc đa lớp để đăng nhập các tài khoản trực tuyến của mình.

Theo báo cáo của IBM, việc thất thoát dữ liệu cá nhân gây ra thiệt hại tới 3,86 tỉ USD mỗi năm. Bùng nổ các tài khoản, hoạt động giao dịch trực tuyến cũng đồng nghĩa với các doanh nghiệp liên quan có thêm nhiều dữ liệu nhạy cảm của khách hàng cần phải bảo vệ.

Do đó, các chuyên gia bảo mật đưa ra khuyến cáo, doanh nghiệp cần không ngừng và liên tục kiểm tra các chiến lược cũng như công nghệ bảo mật sẵn có, tái đánh giá hiệu quả của các kế hoạch ứng phó an ninh mạng, thường xuyên kiểm tra các ứng dụng bảo mật và đặt ra các tình huống tấn công giả định.

Tuấn Việt
Nguồn BizLive