Doanh số máy tính để bàn, laptop tăng mạnh

Doanh số máy tính để bàn, laptop tăng mạnh

Quý II/2021 chứng kiến sự tăng trưởng về doanh số PC (máy tính cá nhân) trên toàn cầu với tốc độ hơn 13%. Tại Việt Nam, tình trạng khan hàng laptop cũng xảy ra trong mùa thấp điểm khiến giá cả leo thang.

Hơn 80 triệu PC xuất xưởng

Nhu cầu PC tiếp tục tăng vọt trong quý II/2021 bất chấp tình trạng thiếu linh kiện toàn cầu và chuỗi cung ứng đứt gãy. Theo số liệu từ IDC, các lô hàng PC trên toàn thế giới, bao gồm cả máy tính để bàn, máy tính xách tay và máy chủ, đạt 83,6 triệu chiếc trong quý II/2021, tăng 13,2% so với quý II/2020.

Thị phần PC toàn cầu quý 2/2021

Trong đó, số lượng máy tính để bàn bán ra tăng mạnh hơn, bởi khủng hoảng nguồn cung ảnh hưởng lớn tới thị trường máy tính xách tay.

Giám đốc nghiên cứu Jitesh Ubrani của IDC cho biết: “Diễn biến thị trường PC tiếp tục thúc đẩy các thương hiệu nhỏ tham gia, bằng cách cung cấp các tính năng độc đáo hoặc thiết kế đa dạng”.

Người tiêu dùng dễ dàng chấp nhận mua máy tính để bàn ít tên tuổi hơn so với khi mua laptop. Điều này thể hiện trong bảng thống kê của IDC. Theo đó, thị phần của các thương hiệu khác tăng từ 21% lên 22,5% tương ứng 15,551 triệu chiếc lên 18,795 triệu chiếc.

Tăng trưởng của PC đang ở mức khá cao nhưng tốc độ 13,2% của quý II năm nay thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 55,9% trong quý I trước đó và tăng trưởng 25,8% trong quý IV/2020. Neha Mahajan, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao của IDC cho biết: “Thị trường đối mặt với những tín hiệu trái chiều liên quan đến nhu cầu. Các doanh nghiệp hoạt động trở lại khiến nhu cầu hứa hẹn tăng thêm. Tuy nhiên, cũng có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu của người dùng đang chậm lại sau gần một năm tăng mua PC”.

Nhu cầu máy tính cá nhân tăng cao trong mùa dịch

Lenovo tiếp tục dẫn đầu thị trường trong quý II khi hãng xuất xưởng hơn 20 triệu chiếc, chiếm 23,9% thị phần, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua tốc độ tăng trưởng trung bình 13,2% của ngành. HP vẫn đứng thứ 2 tuy tăng trưởng thấp. Apple chỉ chiếm 7,4% thị phần trong quý II/2021, thấp hơn năm ngoái một chút dù hãng bán ra nhiều hơn.

Laptop khan hàng mùa thấp điểm ở Việt Nam

Tháng 6-7 hàng năm thường là mùa thấp điểm của thị trường laptop Việt Nam. Thông thường, nhu cầu của người dùng trong giai đoạn này tương đối thấp. Phải đến mùa khai giảng, doanh số laptop mới có thể tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, thị trường năm nay đi ngược với xu thế của các năm trước. Theo một số đại lý, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 làm tăng nhu cầu học tập và làm việc tại nhà. Điều đó kéo theo nhu cầu mua sắm laptop ngày càng tăng kể cả trong mùa thấp điểm.

Dòng sản phẩm laptop văn phòng, phân khúc giá khoảng 10-15 triệu đồng đang được người dùng quan tâm nhiều nhất. Trong khi đó, đối với dòng sản phẩm chơi game, các mẫu laptop bán chạy nhất tập trung ở phân khúc dưới 30 triệu đồng như Acer Nitro 5 hay Asus TUF Gaming.

Ngoài ra, cơn sốt chip và linh kiện bán dẫn trên toàn cầu, ảnh hưởng đến việc sản xuất thiết bị điện tử, trong đó có laptop là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hàng ở nhiều mẫu laptop.

Khủng hoảng linh kiện khiến laptop khan hàng

Theo chia sẻ từ các đại lý, tình trạng khan hàng đang diễn ra đối với nhiều dòng máy đến từ các thương hiệu như Dell, Asus, Acer, HP, Lenovo… Điều này khiến giá bán của sản phẩm đội lên trung bình khoảng 1-2 triệu đồng.

Đại diện truyền thông hệ thống An Phát PC cho biết: “Nhu cầu của người dùng tăng cao trong khi đó nguồn cung lại không đủ để đáp ứng. Trong quá trình tư vấn, các nhân viên kinh doanh thường xuyên phải chuyển hướng khách hàng sang những lựa chọn khác vì nhiều dòng máy đã hết hàng. Người dùng hiện không còn nhiều lựa chọn như trước”.

Theo các chuyên gia, nhiều khả năng phải đến cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022, nguồn cung máy tính xách tay trên thị trường Việt Nam mới có thể ổn định trở lại.

Bảo Nhi
Nguồn BizLive