Quản trị công ty tốt để tiến

Quản trị công ty tốt để tiến

Khả năng quản trị là chìa khoá giúp doanh nghiệp thành công cũng như đứng vững trước khủng hoảng.

Quản trị công ty giúp doanh nghiệp đạt được các mục đích tài chính dài hạn, giảm chi phí huy động vốn và cân đối hài hoà lợi ích giữa các bên tham gia.

Thứ hạng khiêm tốn

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chất lượng quản trị sẽ ảnh hưởng đến chi phí tiếp cận vốn của doanh nghiệp, quyết định mức độ sẵn lòng đóng góp giá trị cho công ty từ những người liên quan trên tinh thần công bằng và bình đẳng. Bên cạnh đó, quản trị còn là chất xúc tác giúp 2 khái niệm tiết kiệm gia đình và đầu tư kinh doanh sát lại gần nhau, tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển, giúp bảo vệ quyền lợi của cổ đông và các bên liên quan, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được thị trường vốn dễ dàng, kể cả thị trường vốn nước ngoài.

Báo cáo của Tổ chức tư vấn Morningstar cho thấy, năm 2019, các quỹ đầu tư coi trọng yếu tố quản trị, đóng góp xã hội và hạn chế tác động môi trường đã nhận thêm 20,6 tỉ USD vốn đầu tư mới, cao gấp 4 lần năm 2018.

Tuy vậy, khi so sánh với các nước trong khu vực ASEAN, khá đáng tiếc khi Việt Nam vẫn đang đứng hạng thấp nhất trong số 6 quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất khu vực (theo báo cáo kết quả Thẻ điểm Quản trị Công ty khu vực Đông Nam Á năm 2019). Mặc dù có sự cải thiện rõ rệt, nhưng chất lượng quản trị công ty tại Việt Nam vẫn còn ở mức khá thấp.

Lý giải về nguyên nhân này, Công ty Kiểm toán Deloitte cho rằng vì các quy định và luật hiện hành vẫn chưa đủ độ rộng để hướng dẫn đầy đủ cho hoạt động quản trị, bộ quy tắc Quản trị Công ty Việt Nam (CG Code) dù được ban hành cuối năm 2019 vẫn bị doanh nghiệp thờ ơ; cơ cấu quản trị còn nhiều điểm khác biệt với thông lệ quốc tế, thiếu thông tin về chức năng kiểm toán nội bộ; vai trò hội đồng quản trị độc lập mờ nhạt, thiếu bộ quy tắc ứng xử trong doanh nghiệp, thiếu chính sách khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan và thiếu vắng thông tin về các hoạt động ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị).

Theo đánh giá của Deloitte, đa phần khi nói về thực hành quản trị công ty, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ dừng ở mức độ “tuân thủ theo quy định của pháp luật”. Trong khi đó, để quản trị công ty thực sự phát huy đúng vai trò và giá trị, doanh nghiệp cần phải “vượt trên sự tuân thủ”, tức là hướng tới tính hiệu quả thực tế. Nhất là trong bối cảnh các nước đang ở thứ bậc cao trong khu vực như Malaysia, Indonesia đều có cam kết, nỗ lực không ngừng để thăng hạng thẻ điểm, khẳng định vị thế và tăng mức độ thu hút đầu tư nước ngoài.

Xuất phát điểm thấp nên trong nhiều năm qua, tại Việt Nam xuất hiện không ít vụ vi phạm chất lượng quản trị công ty đáng chú ý. Như trường hợp của một tập đoàn chế biến lớn vào giữa năm 2016, sau khi công bố báo cáo tài chính quý, nhà đầu tư đặt ra nhiều thắc mắc khi thuyết minh giá vốn của Công ty xuất hiện khoản mục “Hàng tồn kho phát hiện thiếu khi kiểm kê” tới gần 1.000 tỉ đồng. Cộng thêm các khoản điều chỉnh và hồi tố khác, lỗ ròng của doanh nghiệp này ghi nhận lên hơn 1.000 tỉ đồng, cổ phiếu ngay sau đó đã giảm sàn 13 phiên liên tiếp, gây thiệt hại cho cổ đông.

Hay như một doanh nghiệp thực phẩm có tiếng nhận đầu tư từ một tập đoàn lớn nước ngoài, với mục đích cùng nhau phát triển công ty trở thành thương hiệu hàng đầu Việt Nam. Thời kỳ đầu hợp tác, đối tác chiến lược này hỗ trợ rất nhiều về dây chuyền sản xuất, phân phối sản phẩm, giúp doanh nghiệp đi lên. Tuy vậy, sự nồng ấm chỉ kéo dài được 5 năm. Sau khi liên tục gia tăng tỉ lệ sở hữu, đồng thời nắm giữ những vị trí lãnh đạo quan trọng, đối tác nước ngoài đề xuất việc ghép tên mình vào tên công ty, với lý do tạo sự thống nhất thương hiệu, tăng khả năng bán hàng.

Thời điểm đó, một số ý kiến cho rằng tập đoàn nước ngoài đang có ý định thâu tóm doanh nghiệp, mâu thuẫn nội bộ từ đó bắt đầu xảy ra, xung đột lợi ích kéo theo kết quả kinh doanh sa sút, thậm chí có lần Đại hội cổ đông thường niên không thể tổ chức do không đủ số cổ phần có quyền biểu quyết tham gia.

Tranh chấp không chỉ xảy ra giữa các tổ chức, mà còn được tìm thấy ở mức độ cá nhân, cá biệt từng có mâu thuẫn lợi ích diễn ra giữa những cá nhân trong cùng gia đình. Như trường hợp một tập đoàn tài chính trong nước vướng vào lùm xùm kiện tụng trong vài năm qua, cụ thể do xung đột về vấn đề sở hữu cổ phần, các thành viên trong gia đình đã đệ đơn tố cáo nhau, tới mức cơ quan chuyên ngành đã có quyết định khởi tố hình sự về “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Tín hiệu mừng

Các khuôn khổ pháp lý tạo nền tảng cho việc thực thi quản trị công ty đã có từ Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, các quy định công bố thông tin. Tuy nhiên, sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Chứng khoán năm 2019 và Nghị định 155 hướng dẫn Luật Chứng khoán ban hành cuối năm 2020 đã đặt ra các khuyến nghị quan trọng cho các mô hình quản trị mới được áp dụng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Nghị định 71/2017/NĐ-CP và thông tư 95/2017/TT-BTC đã ban hành các quy định luật pháp về quản trị công ty cho doanh nghiệp đại chúng và niêm yết, hay như Nghị định 05/2019/NĐ-CP quy định về vai trò trách nhiệm của kiểm toán nội bộ.

Tất cả đã tạo nên một nền tảng pháp lý chặt chẽ cho sự ra đời của bộ nguyên tắc quản trị công ty đầu tiên của Việt Nam vào năm 2019, đặt ra kim chỉ nam cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp áp dụng toàn diện các tiêu chuẩn quản trị công ty quốc tế, giúp nâng cao tính minh bạch và chất lượng quản trị.

Cho đến nay, bộ tiêu chí này bao gồm 79 câu hỏi, mục đích để đánh giá toàn diện chất lượng quản trị công ty của một doanh nghiệp niêm yết trong 4 khía cạnh: quyền cổ đông và đối xử công bằng giữa các cổ đông, vai trò các bên hữu quan, công bố và minh bạch, vai trò và trách nhiệm của hội đồng quản trị.

Với thu nhập bình quân ngày càng gia tăng, người dân ngày càng có nhiều tiền nhàn rỗi hơn, thị trường vốn do đó được kỳ vọng sẽ là thỏi nam châm thu hút phần lớn nhu cầu này
Nguồn: Quý Hoà

Bộ câu hỏi là bước ngoặt giúp đánh giá toàn diện và khách quan chất lượng quản trị của một doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đạt được các mục đính tài chính dài hạn, giảm chi phí huy động vốn và cân đối hài hoà lợi ích giữa các bên tham gia.

Những tín hiệu mang lại là rất đáng mừng, tại Diễn đàn Thường niên của Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) diễn ra cuối năm 2020, VIOD và Ủy ban Chứng khoán Việt Nam đã công bố Vinamilk là công ty đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được vinh danh là “Tài sản đầu tư có giá trị của ASEAN” (ASEAN Asset Class).

Để được công nhận giải thưởng này, các công ty phải đạt tối thiểu 75% số điểm theo Thẻ điểm Quản trị Công ty của ASEAN. Vinamilk từ lâu luôn theo đuổi và tiếp cận các chuẩn mực quản trị công ty theo thông lệ quốc tế tốt nhất. Có được thành quả này không chỉ giúp Vinamilk củng cố vị thế thương hiệu của mình, mà còn giúp nâng cao uy tín cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, tạo hình ảnh đẹp cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong tầm nhìn khu vực và thế giới.

Theo chia sẻ của ông Đỗ Lê Hùng, thành viên Hội đồng Quản trị độc lập của Vinamilk, “doanh nghiệp muốn phát triển nhanh phải tận dụng thời cơ nhưng phát triển bền vững phải có hệ thống quản trị tốt”. Mô hình 3 tuyến phòng vệ theo thông lệ quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ của Vinamilk được thiết lập nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp, khách quan và độc lập trong việc đánh giá các quy trình quản lý quản trị.

Cờ đến tay

Ông Chris Razook, phụ trách quản trị doanh nghiệp của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, khuyến nghị, Việt Nam cần tranh thủ quá trình hội nhập đang đến gần. “Dù đang ở đâu, thực trạng thế nào, doanh nghiệp cũng có thể đặt mình vào thang đo quản trị công ty để hướng đến mức tuân thủ cao hơn”, ông nhấn mạnh.

Với thu nhập bình quân ngày càng gia tăng, người dân ngày càng có nhiều tiền nhàn rỗi hơn, thị trường vốn do đó được kỳ vọng sẽ là thỏi nam châm thu hút phần lớn nhu cầu này, một cơ chế quản trị công ty tốt sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân, làm tăng niềm tin dài hạn của công chúng và đẩy tính sôi động thị trường lên cao hơn.

Bà Trần Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc HOSE, quản trị công ty ở Việt Nam đã có khung pháp lý cơ bản. Thời gian qua, HOSE cũng cố gắng khuyến khích công ty niêm yết lớn thực hiện tốt quản trị công ty nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Về phía doanh nghiệp, với xu hướng toàn cầu hoá mạnh mẽ cùng mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán đang tới gần, quản trị công ty tốt sẽ tạo điều kiện để những doanh nghiệp có tiềm lực và hoài bão lớn tiếp cận được nguồn vốn nước ngoài, giúp đa dạng hóa nhà đầu tư, giảm chi phí vốn, tạo bước đệm để sản phẩm Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường thế giới.

Quản trị công ty tốt sẽ tạo điều kiện để những doanh nghiệp có tiềm lực và hoài bão lớn tiếp cận được nguồn vốn nước ngoài, giúp đa dạng hoá nhà đầu tư, giảm chi phí vốn...
Ảnh: tieudungplus

“Câu chuyện nâng hạng thị trường là quan trọng để khẳng định vị trí của chúng ta trên thị trường quốc tế. Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cho ngành chứng khoán là phải nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trước năm 2023. Với nền tảng pháp lý mới trong đó có sự đồng bộ Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, chuẩn mực quản trị công ty chắc chắn phải được tăng cường để thị trường chứng khoán được công khai minh bạch hơn, độ sâu thị trường chắc chắn phải được cải thiện. Nếu khía cạnh này được hoàn thiện, thị trường chứng khoán mới phát huy đầy đủ vai trò của nó, làm cho thị trường và nền kinh tế minh bạch hơn, thực sự đóng trò kênh huy động vốn”, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết.

Cuối cùng, khi nhìn lại 4 cấp độ xếp hạng chất lượng từ thấp tới cao về quản trị công ty, bao gồm tuân thủ pháp luật và các quy định dưới luật, thực hiện các bước khởi đầu trong cải tiến quản trị công ty, hệ thống quản trị công ty tiên tiến, xếp hạng tiên phong về quản trị công ty, câu hỏi đặt ra cho mỗi doanh nghiệp là họ muốn mình ở cấp độ nào? Theo khuyến nghị của Deloitte, Chính phủ, các cơ quan tổ chức có thể ban hành và hoàn thiện hệ thống luật pháp, ban hành bộ quy tắc hướng dẫn trong quản trị công ty, tiến hành chấm điểm theo bộ nguyên tắc của quốc gia và khu vực để làm khung soi chiếu cho doanh nghiệp “tự xếp hạng”.

Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn đi tới đâu và phát triển đến mức nào trong quản trị công ty và xa hơn là muốn đi bao xa trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp? Câu trả lời nằm ở chính hội đồng quản trị của doanh nghiệp đó quyết định.

Vũ Thiện
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư