Thẩm mỹ viện trong cuộc đại phẫu

Thẩm mỹ viện trong cuộc đại phẫu

Khi tất cả đều phải ở nhà vì dịch bệnh thì nhu cầu làm đẹp trở thành quá xa xỉ.

Sau đợt bùng phát dịch lần thứ 4 ở TP.HCM, ước tính có đến hơn 60% thẩm mỹ viện, spa phải sang nhượng, đóng cửa. Trụ lại được là các thương hiệu lớn, vốn mạnh nhưng quy mô hoạt động cũng phải giảm đi đáng kể.

Sau 2 đợt dịch đầu tiên, một loạt thẩm mỹ viện, spa đã rời thị trường. Từ đó đến nay, trên các website chuyên về sang nhượng của Việt Nam, mục sang nhượng thẩm mỹ viện – spa liên tục sôi động. Những tháng cuối năm 2020 được coi là “thời điểm vàng” cho các đơn vị kinh doanh có tiềm lực tài chính tốt. Một hệ thống viện thẩm mỹ đã nhanh chóng thuê lại mặt bằng lớn, cao 5 tầng trên đường Ba Tháng Hai, để xây dựng chi nhánh thứ 9 ngay trong giai đoạn dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Nhưng giờ đây, quyết định táo bạo đó có thể là sai lầm nếu dịch bệnh kéo dài đến hết năm, tệ hơn nữa là khiến mức chi cho làm đẹp của đối tượng khách hàng giảm bớt.

Số liệu từ Phòng Quản lý Dịch vụ Y tế, Sở Y tế TP.HCM cho thấy, đến đầu năm 2020, có khoảng 1.400 cơ sở chăm sóc da, cơ sở thẩm mỹ, spa đang được phòng này quản lý. Market Research ước tính, tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) của ngành thẩm mỹ tại Việt Nam trong giai đoạn 2019-2027 vào khoảng 5,2%. Năm 2019, Việt Nam có hơn 20 bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ tư nhân, 31 khoa tạo hình thẩm mỹ trong các bệnh viện, 320 phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ tư nhân, 479 phòng khám da liễu có thực hiện kỹ thuật thẩm mỹ cùng hàng ngàn cơ sở chăm sóc da (theo số liệu thống kê từ Hội Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ Việt Nam – VSAPS).

Trên thực tế, trước khi đại dịch bùng phát, cạnh tranh giữa các thẩm mỹ viện, spa đã vô cùng khốc liệt. Cuộc đua chi tiền cho quảng cáo và chuyển đổi số trong quản lý tạo áp lực lớn về dòng tiền lên các doanh nghiệp ngành làm đẹp. Được biết, một doanh nghiệp kinh doanh thẩm mỹ viện nằm trong top 3 Việt Nam mỗi năm chi từ 25-35 tỉ đồng cho việc số hoá hoạt động quản lý, số tiền chi cho quảng cáo của các doanh nghiệp hàng top cũng tính từ chục tỉ đồng mỗi năm trở lên.

Theo ông Dương Nguyễn Hoài Đức, Giám đốc Kinh doanh Công ty Datalytis, từ năm 2016, digital marketing phát triển đã giúp các thẩm mỹ viện, spa tiếp cận khách hàng dễ hơn, dẫn đến lượng khách hàng cũng tăng trưởng theo. Các chuỗi tăng nhanh về số lượng chi nhánh hoạt động, có những chuỗi đạt ngưỡng hơn 50 chi nhánh. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh khốc liệt trong digital marketing khiến cho giá quảng cáo tăng cao và hiệu quả quảng cáo trở nên bão hoà.

Theo báo cáo tài chính được công bố, năm 2019 Thẩm mỹ viện Ngọc Dung dẫn đầu về quy mô doanh thu (76,8 tỉ đồng), tăng 3,1% so với năm 2018, với 21 năm hoạt động có 19 chi nhánh được mở ra trên khắp đất nước. Dù doanh thu và thành tích thuộc dạng khủng nhưng lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này trong năm 2019 giảm 8% xuống còn 3,7 tỉ đồng. Hai cái tên lớn khác trong ngành là Thẩm mỹ Thu Cúc và Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam báo lỗ. Hoạt động lâu năm trong ngành, có đến 17 chi nhánh trên khắp các tỉnh, thành, đạt mức doanh thu 67,1 tỉ đồng nhưng Thẩm mỹ Thu Cúc lỗ hơn 9 tỉ đồng trong năm 2019, tỉ suất lợi nhuận gộp ở mức 19,6%. Tại Kangnam, doanh thu năm 2019 giảm 4,3% xuống còn 61,5 tỉ đồng khiến cho doanh nghiệp này lỗ 1,7 tỉ đồng; tỉ suất lợi nhuận gộp đạt 30,4%, giảm 1,5% so với năm trước.

Nguồn: Reuters

Diễn biến dịch phức tạp có thể kéo không ít doanh nhân trong ngành làm đẹp trở lại gần vạch xuất phát. Đặc thù của ngành làm đẹp là cố gắng bán gói trả trước cho khách hàng. Khi cầm tiền của khách, doanh nghiệp sẽ đổ vào quảng cáo để thu hút khách hàng mới, bên cạnh đó là đầu tư trang thiết bị và công tác huấn luyện. Giãn cách xã hội khiến doanh nghiệp bị ngắt nguồn thu, trong khi vẫn phải chi trả chi phí mặt bằng, quảng cáo, bộ máy vận hành. Doanh nghiệp có thể đang trong tình trạng “đốt tiền”, khi phải chi trả các chi phí không hoạt động lớn và các khoản thanh toán tài chính.

Tiến sĩ Nguyễn Hải Hữu, Chủ tịch Hội Đào tạo – Phát triển nghề làm đẹp Việt Nam, đánh giá, chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, ngành làm đẹp cũng đang gặp nhiều khó khăn. Khi hết giãn cách xã hội, nếu không có thêm khách hàng mới thì doanh nghiệp sẽ đứng trước áp lực tài chính nghiêm trọng.

Khi mọi người không có cơ hội nhìn thấy mặt của nhau vì giãn cách thì đó là thời điểm hoàn hảo để những ai có nhu cầu làm đẹp có thể sử dụng dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ. Tại nhiều nước, sự gia tăng về nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ là điều rất bất ngờ giữa bối cảnh tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh phức tạp. Đó cũng là lý do các cơ sở thẩm mỹ đặt kỳ vọng “sống khoẻ” nếu có cơ chế hoạt động.

Vì vậy, một số thẩm mỹ viện đang đẩy mạnh khuyến mãi bằng trả góp hoặc đặt cọc trước các dịch vụ chăm sóc, làm đẹp với ưu đãi hấp dẫn. Những hoạt động này góp phần giúp doanh nghiệp đảm bảo dòng tiền ổn định hơn để duy trì hệ thống. Tuy nhiên, doanh nghiệp làm đẹp có thương hiệu yếu sẽ khó cạnh tranh với các tên tuổi lớn ở điểm này.

Cẩm Tú
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư