Samsung mất thị phần smartphone vì nguồn cung giảm ở Việt Nam

Samsung mất thị phần smartphone vì nguồn cung giảm ở Việt Nam

Trang Sammobile cho rằng các vấn đề về sản xuất của Samsung tại Việt Nam khiến thương hiệu Hàn Quốc thua thiệt ở thị trường lớn là Mỹ Latinh.

Samsung mất thị phần ở Mỹ Latinh

Samsung vẫn dẫn đầu thị trường điện thoại thông minh tại Mỹ Latinh, đứng trên Motorola, Xiaomi, ZTE và Apple. Nhưng mục tiêu mở rộng thị phần của hãng trong quý II/2021 thất bại. Thị phần của Samsung giảm từ 42,5% xuống 37,3% trong quý vừa qua. Thị phần mất đi của thương hiệu Hàn Quốc bị san sẻ cho các đối thủ Xiaomi và ZTE. Xiaomi đạt 11,4% thị phần trong quý II/2021, tăng mạnh từ mức 4,9% cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, ZTE cải thiện thị phần của hãng từ 3,2% lên 4,4%.

Samsung mất hơn 5% thị phần so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng điều đáng ngại là công ty gặp suy thoái khi thị trường điện thoại thông minh ở Mỹ Latinh đang phục hồi mạnh mẽ trong đại dịch.

Thị phần smartphone Samsung tại Mỹ Latin giảm trong quý 2/2021

Trong quý II/2021, doanh số smartphone tại các quốc gia Mỹ Latinh tăng vọt 41,8% so với quý II/2020, dù giảm 6,5% so với quý đầu năm 2021.

“Bất chấp điều kiện thuận lợi này, Samsung bị Xiaomi và ZTE bỏ lại. Nguyên nhân chính là công ty Hàn Quốc bị thiếu nguồn cung smartphone do sự chậm trễ tại nhà máy ở Việt Nam. Vấn đề sản xuất tương tự tại Việt Nam cũng khiến số lượng xuất xưởng máy tính bảng Galaxy Tab S7 FE ít hơn dự kiến ban đầu”, bài viết ở Sammobile có đoạn.

Samsung gặp thách thức lớn trước sự trỗi dậy của Xiaomi. Thương hiệu Trung Quốc thay thế đồng hương Huawei để lấy thị phần smartphone ở nhiều thị trường trên thế giới. Xiaomi đặt mục tiêu trở thành hãng sản xuất điện thoại thông minh số 1 thế giới, vượt mặt Samsung. Trang Sammobile bình luận: “Xiaomi đang có nhiều chỗ đứng hơn ở các nước Mỹ Latinh, trong khi Samsung hoàn toàn ngược lại”.

Samsung tăng trưởng mạnh nhờ mảng chip

Quý II/2021, Samsung ghi nhận doanh thu 55,56 tỉ USD và lợi nhuận hoạt động đạt 10,97 tỉ USD, tăng lần lượt 20% và 54% so với quý II/2020. Bất chấp tình hình mảng smartphone không thuận lợi, lợi nhuận quý vừa qua của Samsung đạt mức cao nhất trong 3 năm qua. Lý do là doanh thu bán chip và bộ nhớ tăng mạnh, lên 6,04 tỉ USD. Trong khi đó, bộ phận điện thoại thông minh đóng góp 2,82 tỉ USD.

Lợi nhuận Samsung tăng mạnh nhờ mảng chip

Tập đoàn Samsung lập kế hoạch đầu tư 240.000 tỉ won tương đương 205,64 tỉ USD trong 3 năm tới. Khoản đầu tư này sẽ được dùng để mở rộng hoạt động trong các ngành dược phẩm sinh học, trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn và robot trong thời kỳ hậu đại dịch. Mục tiêu của Samsung là củng cố vị thế toàn cầu trong các ngành công nghiệp chủ chốt như chip, đồng thời tìm kiếm thêm cơ hội tăng trưởng trong các lĩnh vực mới như viễn thông và robot thế hệ tiếp theo.

Samsung có kế hoạch đầu tư 17 tỉ USD vào Texas (Mỹ) để xây dựng nhà máy sản xuất chip. Công ty đang xem xét một địa điểm ở Williamson County, dự kiến tạo ra 1.800 việc làm mới. Kế hoạch đầu tư được đưa ra hơn 1 tuần sau khi Phó chủ tịch Samsung Lee Jae-yong ra tù trước thời hạn.

Việt Nam hút đầu tư bất chấp COVID-19

Theo Fitch Solutions, làn sóng COVID-19 mới không ngăn được các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. 65% doanh nghiệp nước ngoài chọn xây dựng các cơ sở sản xuất ở miền Bắc Việt Nam, khoảng 30% ở miền Nam, trong khi phần còn lại đầu tư vào miền Trung.

Tập đoàn Panasonic (Nhật Bản) chuyển việc sản xuất tủ lạnh và máy giặt từ Thái Lan sang Việt Nam. Theo KPMG Tax and Advisory, miền Bắc Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất trong chuỗi cung ứng nhờ giao thông thuận tiện và chi phí nhà xưởng thấp. Các khu công nghiệp phát triển mạnh thời gian qua là lý do chính khiến các tập đoàn nước ngoài muốn đặt trụ sở tại Việt Nam.

Theo nguồn tin từ DigiTimes, Samsung có kế hoạch tăng đầu tư vào Việt Nam với khoản tiền 17,5 tỉ USD. Nhiều năm qua, các sản phẩm điện thoại và thiết bị điện tử của Samsung chiếm tỷ trọng 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Samsung có hơn 170.000 công nhân làm việc tại các khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Bảo Nhi
Nguồn BizLive