Khởi động cuộc thi sáng tác slogan: Cùng viết câu chuyện Đại học UEH đa ngành và phát triển bền vững

Khởi động cuộc thi sáng tác slogan: Cùng viết câu chuyện Đại học UEH đa ngành và phát triển bền vững

Trường Đại học Kinh tế TP.HCM chính thức khởi động cuộc thi Sáng tác Slogan Đại học UEH với giải thưởng lên đến 90.000.000 VNĐ.

45 năm hình thành và phát triển, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) không chỉ đóng vai trò trọng điểm trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, mà còn đặt những dấu ấn thành tựu, nâng cao danh tiếng học thuật của nước nhà. Tiếp tục những nỗ lực vươn lên mạnh mẽ, năm 2021 sẽ là năm mở đầu cho chiến lược tái cấu trúc Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, hình thành Đại học UEH đa ngành, phát triển bền vững. UEH chính thức khởi động cuộc thi Sáng tác Slogan Đại học UEH với giải thưởng lên đến 90.000.000 VNĐ.

Đại học UEH đa ngành và phát triển bền vững – một đại học thế hệ mới tại Việt Nam

Giáo dục đại học của Việt Nam đang từng bước được đánh giá cao trên bản đồ thế giới, từ đó, sinh viên Việt Nam càng có nhiều cơ hội để gia nhập thị trường lao động quốc tế. Tiên phong tạo lập vị thế cho giáo dục đại học Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM chính thức triển khai chiến lược tái cấu trúc, hình thành Đại học UEH đa ngành và phát triển bền vững.

Thương hiệu Đại học UEH được định vị với 4 giá trị:

  1. Người học tại UEH được định hướng để trở thành những công dân toàn cầu hành động vì sự phát triển bền vững: Từ việc đào tạo người học trong nước và quốc tế có đầy đủ kỹ năng và trình độ chuyên môn cao, Đại học UEH định hướng giáo dục người học đủ năng lực để trở thành thế hệ công dân toàn cầu, hành động vì sự phát triển cuộc sống bền vững.
  2. Từ nghiên cứu, tư vấn đến những tác động tích cực cho cộng đồng và xã hội: Nhà khoa học, nhà nghiên cứu tại Đại học UEH được tạo điều kiện, định hướng để thực hiện những nghiên cứu khoa học, dự án tư vấn có thể giải quyết các vấn đề địa phương, toàn cầu và có ảnh hưởng tích cực đến xã hội.
  3. Cộng đồng UEHer cùng hướng đến phát triển bền vững và truyền cảm hứng nghệ thuật: Cộng đồng UEHer bao gồm những người đã và đang học tập, làm việc, giảng dạy, nghiên cứu tại UEH. Đây là cộng đồng truyền cảm hứng nghệ thuật, tiên phong thay đổi hướng đến sự phát triển bền vững, cuộc sống chất lượng và hạnh phúc.
  4. Kết nối cộng đồng, lan toả tri thức, cùng hành động vì tương lai phát triển bền vững: Đại học UEH giáo dục, nghiên cứu, tư vấn và kết nối với các đối tác trong và ngoài nước cùng hành động vì một tương lai bền vững cho cộng đồng và xã hội.

Với những giá trị định vị mới, thương hiệu Đại học UEH mong muốn tạo lập hình ảnh một đại học thế hệ mới: (i) Chất lượng – Tin cậy – Bền vững; (ii) Hội nhập; (iii) Sáng tạo – Công nghệ; (iv) Truyền cảm hứng nghệ thuật – Hạnh phúc – Dẫn đầu, thông qua các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, tư vấn và kết nối cộng đồng.

Cuộc thử sức ngôn ngữ toàn cầu – Sáng tác slogan câu chuyện Đại học UEH

Để viết nên câu chuyện Đại học UEH đa ngành và phát triển bền vững, UEH chính thức khởi động cuộc thi Sáng tác Slogan Đại học UEH. Cuộc thi dành cho công dân toàn cầu, công dân Việt Nam đang sống, học tập, làm việc tại Việt Nam cũng như nước ngoài, với tổng giá trị giải thưởng lên đến gần 90.000.000 VNĐ.

Đây là một cuộc thử sức ngôn ngữ toàn cầu, khẳng định tư duy, tính sáng tạo và nghệ thuật ngôn từ của những cá nhân tham gia. Dù bạn là ai, bạn đang làm gì cũng hoàn toàn có thể thử sức để đóng góp ý tưởng, cạnh tranh cùng bạn bè quốc tế và dành những giải thưởng vô cùng hấp dẫn. Cùng tham gia cuộc thử sức ngôn ngữ sáng tạo này để thử sức chính mình và đồng hành cùng UEH nâng cao danh tiếng học thuật của Việt Nam vươn tầm quốc tế.

Chính thức khởi động cuộc thi Sáng tác Slogan Đại học UEH – cuộc thử sức ngôn ngữ toàn cầu

Tiêu chí đánh giá và lựa chọn slogan đạt giải bao gồm:

  • Nội dung và các tầng ý nghĩa thể hiện phù hợp với 3 bước chuyển chính của nhà trường, 4 giá trị định vị và tính cách thương hiệu Đại học UEH
  • Hình thức thể hiện ngắn gọn, súc tích, âm điệu khi đọc và ưu tiên phiên bản Tiếng Anh.

Thành phần ban giám khảo tham gia tư vấn, đánh giá và lựa chọn ý tưởng Slogan gồm: GS.TS. Nguyễn Đông Phong – Chủ tịch Hội đồng trường UEH; TS. Bùi Quang Hùng – Phó Hiệu trưởng UEH; GS.TS. Yi-Chen Lan – Phó Hiệu trưởng, Đại học Western Sydney (Úc); GS. Géraldine Michel – Chuyên gia thương hiệu, IAE Paris, Sorbonne Business School (Pháp) và các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sáng tạo như Ông Richard Moore – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc ý tưởng Công ty Richard Moore Associates, chuyên gia tư vấn thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam.

Đây chính là cơ hội để các bạn tạo dấu ấn của riêng mình và nhận được sự góp ý cũng như những kinh nghiệm quý giá từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sáng tạo của Việt Nam và thế giới.

Thời gian diễn ra chương trình: Studio quốc tế trực tuyến ra mắt cuộc thi sẽ diễn ra vào ngày 9/9/2021 và bắt đầu nhận bài thi từ ngày từ 9/9/2021 đến 30/9/2021.

Thông tin chi tiết và thể lệ cuộc thi tại đây.

Nếu đã sẵn sàng, hãy cùng tham gia thử sức ngôn ngữ với cuộc thi Sáng tác Slogan Đại học UEH đầy thú vị, sáng tạo và thử thách này nhé.

Chặng đường 45 năm hình thành và phát triển (27/10/1976 27/10/2021), Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong giáo dục, nghiên cứu, tư vấn và chuyển giao tri thức, được cộng đồng trong nước và quốc tế công nhận.

UEH là một trong 14 trường đại học công lập trọng điểm, có uy tín hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế, quản lý của Việt Nam, trong quá trình hội nhập quốc tế, UEH đã đạt được những thành tựu quan trọng: thuộc top 25 trường đại học hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực Chuyển giao tri thức, theo tiêu chuẩn “Đóng góp cho sự phát triển nghề nghiệp suốt đời” liên tiếp trong 5 năm (U-Multirank 2016-2020); là trường đại học khối ngành kinh tế đầu tiên và duy nhất Việt Nam vào bảng xếp hạng QS 601+ Châu Á năm 2021 và giữ vị trí top đầu nhiều bảng xếp hạng uy tín khác (bảng xếp hạng quốc tế các cơ sở nghiên cứu SCImago; bảng xếp hạng đánh giá năng lực số hoá và mức độ lan toả, ảnh hưởng về tài nguyên học thuật Webometrics; bảng xếp hạng uy tín học thuật Eduniversal…).

Nguồn Trường Đại học Kinh tế TP.HCM