Công nghệ sinh học tỏa sáng trong COVID-19

Công nghệ sinh học tỏa sáng trong COVID-19

COVID-19 đã tiêm một liều thuốc kích thích vào ngành công nghệ sinh học. Nhưng liệu liều thuốc này kéo dài bao lâu?

Năm 1908, Công ty Ashton Valve đã xây dựng một nhà máy ở góc đường Binney Street và First Street tại Cambridge, Massachusetts. Trong ngành công nghệ cao thời đó, Ashton Valve đã cứu vô số sinh mạng nhờ sản xuất van xả an toàn, đồng hồ đo, thiết bị thử nghiệm… Chỉ hơn 100 năm sau, vào năm 2010, nhà phát triển một công nghệ cứu người khác đã di chuyển vào cơ sở từ lâu bị bỏ hoang của Ashton là Moderna.

Trong năm qua, Moderna đã trở thành đứa con cưng của ngành công nghệ sinh học khi gắn liền với cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Vaccine mRNA của Moderna – tương tự như loại vaccine được phát triển bởi tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer và startup của Đức BioNTech – đã cứu mạng sống của hàng triệu người trên thế giới. Thành công của Moderna đã thu hút sự chú ý đến ngành công nghệ sinh học Mỹ nói riêng và ngành công nghệ sinh học thế giới nói chung.

Công nghệ sinh học tỏa sáng trong COVID-19

Ở Mỹ, công nghệ sinh học đang bùng nổ. Kể từ năm 2010, chỉ số các công ty công nghệ sinh học được niêm yết trên sàn Nasdaq đã tăng gấp 5 lần về giá trị và số công ty trong chỉ số này đã hơn gấp đôi đạt 269. Giai đoạn 2011-2020 số tiền mà các startup công nghệ sinh học đã huy động được tại Mỹ đã tăng từ 4 tỉ USD lên tới 65 tỉ USD. Từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư mạo hiểm đã rót hơn 20 tỉ USD vào những công ty y sinh học, gần bằng con số cả năm ngoái.

Seegene là một câu chuyện gây cảm hứng khác trong đại dịch. Đầu năm 2020 Seegene vẫn còn là một công ty chẩn đoán y khoa thuộc tầm trung của Hàn Quốc với doanh số hằng năm chỉ khoảng 110 triệu USD. Nhưng mọi chuyện thay đổi sau khi COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) và không lâu sau đó, các ca nhiễm tăng mạnh ở Daegu, một thành phố phía Đông Nam Hàn Quốc. Không chỉ cung ứng cho nội địa, trong vòng vài tuần Seegene đã xuất khẩu được hàng triệu bộ kit xét nghiệm COVID-19 sang hàng chục quốc gia. Seegene đã kết thúc năm 2020 với 1 tỉ USD doanh số bán và 440 triệu USD lãi ròng.

Các công ty công nghệ sinh học khác của Hàn Quốc cũng toả sáng trong COVID-19. Cứ 10 công ty có giá trị nhất trong chỉ số các công ty tầm trung Kosdaq thì có 5 công ty hiện hoạt động trong ngành công nghệ sinh học, tăng từ mức chỉ 2 công ty vào cuối năm 2019. Không chỉ sản xuất các bộ kit xét nghiệm, những công ty này đang cấp các liệu pháp điều trị và sản xuất vaccine ngừa COVID-19. SK Bioscience, chẳng hạn, đã bắt đầu sản xuất vaccine AstraZeneca trong năm nay và trong tháng 2 đã ký hợp đồng sản xuất Novavax. Sang tháng 3, công ty đã huy động được 1,3 tỉ USD trong đợt IPO, giá cổ phiếu tăng tới 30% trong ngày giao dịch đầu tiên và kết thúc phiên với vốn hoá gần 12 tỉ USD.

Hồi tháng 5, Samsung Biologics đã ký hợp đồng phân phối hàng triệu liều Moderna kể từ tháng 6. Doanh nghiệp này đang xây dựng nhà máy mới ở Incheon được cho rằng sẽ giúp công ty chiếm 1/3 năng lực sản xuất theo hợp đồng của thế giới đối với phiên bản generic của các loại dược sinh học.

Công nghệ sinh học tỏa sáng trong COVID-19

Cơn sốt công nghệ sinh học có nhiều nguyên nhân bên cạnh “chất xúc tác” COVID-19. Theo Tim Haines, Chủ tịch Abingworth, tư tưởng của nhiều nhà đầu tư đang bị lấp đầy bởi cái gọi là “tư bản thiện nguyện”, tức làm ra tiền từ những sản phẩm có thể mang lại lợi ích cho xã hội. Một số lý do khác mang tính thiết thực hơn. Haines ước tính, 64% các loại dược phẩm trong giai đoạn sau được sáng chế bởi những hãng công nghệ sinh học trẻ, với công nghệ hoàn toàn mới, hơn là bởi các hãng dược lớn, lâu đời như Pfizer (thường bắt tay với các công ty công nghệ sinh học nhỏ hơn như BioNTech hoặc mua lại các công ty này để thâu tóm các nghiên cứu tiềm năng). Nhiều trong số các công nghệ này là kết quả của những tiến bộ gần đây trong liệu pháp về tế bào và gen.

Theo quan sát, dòng tiền mới đang chảy vào các doanh nghiệp phát triển những liệu pháp cho ung thư, các căn bệnh liên quan đến hệ miễn dịch hoặc não, thậm chí các bệnh truyền nhiễm. Ai nấy cũng đều muốn tranh đua để trở thành một Moderna khác, vốn chứng kiến vốn hoá từ 5 tỉ USD lúc mới lên sàn (cuối năm 2018) lên 156 tỉ USD hiện nay.

Nhưng rủi ro trong ngành này cũng không ít. Đây là ngành cần những bộ óc xuất sắc, đặc biệt những người có cả bằng tiến sĩ về khoa học đời sống lẫn năng lực quản lý càng là “hàng hiếm”. Và không giống chuyện phát minh ra ứng dụng kế tiếp, việc nghiên cứu khoa học đời sống không thể tiến hành qua Zoom. Hơn nữa, rất nhiều ý tưởng thông minh chưa bao giờ bước ra khỏi được phòng thí nghiệm. Còn những ý tưởng trở thành liệu pháp thực sự thì thường rất tốn kém.

Công nghệ sinh học tỏa sáng trong COVID-19

COVID-19 đã tiêm một liều thuốc kích thích cho ngành công nghệ sinh học nhưng để liều thuốc này kéo dài, các công ty phải dựa vào nội lực, phát triển được những sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu – một hành trình rất gian nan.

Mối hiểm nguy lớn nhất và cũng rất thường thấy đối với các startup công nghệ sinh học là liệu họ có làm ra tiền? Cứ 6 công ty trong chỉ số công nghệ sinh học Nasdaq thì chỉ có 1 công ty có lãi trong năm 2020. 5/6 công ty còn lại đã lỗ tổng cộng 33 tỉ USD. Ngay như Moderna chỉ mới có lãi trong quý vừa qua, lần đầu tiên trong 1 thập kỷ. Tuy nhiên, may mắn cho những công ty muốn trở thành Moderna thứ 2 là những nhà đầu tư vào công nghệ sinh học thuộc loại khá kiên nhẫn, đặc biệt trước tiềm năng của thị trường này. Theo ReportBuyer, thị trường công nghệ sinh học toàn cầu được dự báo trị giá 832 tỉ USD vào năm 2027 từ mức 469,6 tỉ USD năm 2020, với tốc độ tăng trưởng kép CAGR 8,5% trong giai đoạn 2020-2027.

Nhưng cũng có thể một số nhà đầu tư cảm thấy chùn bước đặc biệt khi sức nóng từ COVID-19 qua đi và đây có thể là nguyên nhân khiến không ít startup phải thất bại giữa đường vì không tiếp tục tìm được vốn cho giai đoạn sau. Có thể thấy sau khi bùng nổ vào năm 2020, cổ phiếu các công ty công nghệ sinh học Hàn Quốc, kể cả SK Bioscience hay Samsung Biologics, Celltrion đều kém sắc. Giá cổ phiếu Seegene giờ chỉ bằng một nửa so với mức đỉnh hồi tháng 8/2020.

Rõ ràng, COVID-19 đã tiêm một liều thuốc kích thích cho ngành công nghệ sinh học nhưng để liều thuốc này kéo dài, các công ty phải dựa vào nội lực, phát triển được những sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu – một hành trình rất gian nan.

Quốc Ngô
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư