Giải cứu SME trong phục hồi kinh tế

Giải cứu SME trong phục hồi kinh tế

Chiếm số lượng lớn và tạo ra nhiều việc làm nhất, doanh nghiệp SME cần một chiến lược giải cứu có tầm nhìn dài hạn hơn.

Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp rời bỏ thị trường đến cuối tháng 8/2021 là 85.500 doanh nghiệp. Số liệu này có thể chưa phản ánh được số doanh nghiệp thực tế rút lui khỏi thị trường, bởi trong điều kiện phải thực hiện giãn cách xã hội nên các doanh nghiệp không thể làm thủ tục.

“Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, rất có thể cuối năm sẽ có 100.000 doanh nghiệp phá sản...”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, bày tỏ lo ngại. Thực tế, sản xuất công nghiệp trong tháng 8 của TP.HCM lao dốc tới gần 50%. Còn tại Cần Thơ, 95% doanh nghiệp buộc phải tạm ngưng hoạt động do chi phí để tổ chức sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” quá lớn, vượt ngoài khả năng của doanh nghiệp.

Đối mặt với khó khăn chưa từng có, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại TP.HCM đã phải kêu gọi 5.000 chữ ký vào lá thư kiến nghị trực tuyến để gửi đến Chính phủ. Các kiến nghị của doanh nghiệp được chia làm 3 hạng mục: người lao động, chính sách thuế – chi phí và tài chính – ngân hàng. Chẳng hạn, doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ gói ưu đãi lãi suất tối thiểu 4% từ ngày 1/8/2021 đến 12 tháng sau khi công bố hết dịch. Doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ khoanh nợ và giãn nợ gồm cả nợ gốc và lãi đối với các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc gặp khó khăn, không có khả năng thanh toán vì COVID-19...

Sau giai đoạn vật lộn với dịch bệnh, các quốc gia đang tham gia cuộc đua tái khởi động kinh tế. Việt Nam cũng chuyển đổi chiến lược từ “Zero COVID” sang tìm cách “sống chung với virus” và nhanh chóng phục hồi kinh tế sau dịch.

“Để duy trì linh hoạt cho nền kinh tế phục hồi và cho phép nền kinh tế vận hành ngay được khi mở cửa và mở cửa từng phần, cần đảm bảo cho doanh nghiệp SME và siêu nhỏ tồn tại để không đứt gãy chuỗi cung ứng”, Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh), đề xuất tại hội thảo diễn ra tại Anh mới đây. Bởi lẽ, SME chiếm hơn 93,7% số doanh nghiệp ở Việt Nam và hiện tạo ra việc làm nhiều nhất. Có thể nói, lực lượng này chính là “luồng sinh khí” cho nền kinh tế vận hành. Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp này đang chịu nhiều thiệt hại và dễ bị tổn thương hơn các doanh nghiệp lớn. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức khoẻ của SME càng suy yếu, thậm chí kiệt quệ.

Theo nghiên cứu “Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP.HCM giai đoạn COVID-19 lần 4” vừa được Đại học Kinh tế – Luật và Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghệ Ngân hàng, Đại học Quốc gia TP.HCM công bố, ở kịch bản tốt nhất, với việc mở lại các hoạt động kinh tế từ ngày 15/9, GRDP của TP.HCM chỉ giảm khoảng 0,85% so với năm 2020; ở kịch bản xấu hơn là giảm 1,74%, thậm chí âm 13,48%. Theo Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, trong khảo sát tổng số 21.517 doanh nghiệp, gần 40% chỉ còn dòng tiền để duy trì hoạt động dưới 1 tháng.

Chuyên gia tư vấn tăng trưởng doanh nghiệp Phạm Việt Anh cho rằng, trong ngắn hạn, các chính sách hỗ trợ tín dụng cho nhóm SME dẫu cần nhưng không thực sự thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng do tính rủi ro thanh toán cũng như các khoản nợ có bảo đảm của nhóm này là rất thấp so với những doanh nghiệp lớn. Chính sách hữu hiệu hơn là giảm thuế, hợp pháp hoá một mức thuế đặc biệt cho nhóm này, thay vì áp một mức thuế chung cho tất cả doanh nghiệp. Ví dụ, 15% thuế thu nhập áp dụng cho doanh nghiệp có quy mô doanh thu dưới 20 tỉ đồng/năm và 18% từ trên 20 tỉ đồng đến 500 tỉ đồng/năm...

Theo ông Việt Anh, giảm thuế cho SME, qua đó sẽ khuyến khích đầu tư và tạo việc làm cho xã hội lâu dài. Bởi vì, nhóm doanh nghiệp này tại Việt Nam ngày càng suy yếu. Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có tổng lợi nhuận trước thuế trong cả giai đoạn 2011-2018 luôn âm. Theo thống kê trong 15 năm (2005-2019), tỉ lệ giá trị tăng thêm của khu vực doanh nghiệp tư nhân so với GDP chỉ tăng 1,2% (từ 8,5% năm 2005 lên 9,7% năm 2019).

Vì vậy, nhìn dài hạn, Chính phủ và bản thân các doanh nghiệp cần xem đại dịch là một cơ hội để nhìn lại bản thân, xác định hạn chế yếu kém, thực hiện cải cách sâu rộng để đảm bảo năng lực cạnh tranh trong dài hạn. Động lực để doanh nghiệp nhận được hỗ trợ là phải đạt được các mục tiêu về môi trường, xã hội, và quản trị, chứ không chỉ lợi nhuận, bao gồm cải tiến liên tục trong việc giảm phát thải khí nhà kính, tiêu thụ điện, chất thải thực phẩm và ứng dụng năng lượng mặt trời...

Hay thông qua số hoá, doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường lớn hơn và vươn ra khu vực. Các hình thức đầu tư có trách nhiệm và tầm nhìn đó hoàn toàn có thể triển khai ở Việt Nam, khuyến khích sản xuất không chỉ có trách nhiệm hơn, mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn hơn trong dài hạn cho nền kinh tế.

Hoàng Hà
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư