Chuỗi nhà thuốc Long Châu đang dẫn trước chuỗi An Khang bao xa?
Từ chuyện FPT Retail sẵn sàng trả cao hơn 20% để lấy mặt bằng từ Thế Giới Di Động (TGDĐ): Chuỗi nhà thuốc Long Châu đang dẫn trước chuỗi An Khang bao xa?
Cuối tuần vừa qua, lùm xùm giữa TGDĐ và ông Trần Kỷ Mùi, đối tác cho thuê mặt bằng đã đi đến hồi kết. Theo đó, ông Mùi và TGDĐ đã đi đến quyết định thanh lý hợp đồng.
Đáng chú ý, ngay sau khi ngừng hợp tác với TGDĐ, mặt bằng của ông Mùi lập tức tìm được khách thuê khác, chính là chuỗi nhà thuốc Long Châu của FPT Retail.
Sở hữu chuỗi điện thoại FPT Shop cạnh tranh với chuỗi TGDĐ và sở hữu nhà thuốc Long Châu cạnh tranh với chuỗi An Khang, FPT Retail có thể xem là một trong những đối thủ nặng ký nhất đối với TGDĐ trên thị trường bán lẻ Việt Nam.
Theo tiết lộ của ông Mùi, giá thuê mà Long Châu sẵn sàng chi trả lên tới 30 triệu đồng/tháng, cao hơn 20% so với hợp đồng cũ của TGDĐ.
Từ động thái của chuỗi nhà thuốc Long Châu, dễ thấy FPT Retail đang rất quyết liệt mở rộng để đánh chiếm thị phần dược phẩm và thực tế đang thu về những kết quả vượt trội so với “người đồng nghiệp” An Khang của TGDĐ.
Sau khi tìm được công thức thành công cho chuỗi Long Châu vào cuối năm 2020, FPT Retail đã xây dựng được 200 nhà thuốc tại 43 tỉnh thành trên toàn quốc. Đến đầu tháng 7, số nhà thuốc Long Châu đã lên tới 300, cao gấp 2,5 lần so với số cửa hàng của đối thủ An Khang – chỉ 118 vào cuối tháng 7. Theo kế hoạch, Long Châu muốn có 400 cửa hàng vào cuối năm nay.
Không chỉ vượt trội về số cửa hàng, mà FPT Retail còn liên tục công bố những số liệu kinh doanh lạc quan của Long Châu. Theo đó, doanh thu cửa hàng Long Châu vẫn tăng trưởng mạnh và đạt 55% kế hoạch đề ra từ đầu năm. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu chuỗi nhà thuốc Long Châu đạt 1.336 tỉ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Đại diện Long Châu cho biết, nếu tính riêng trong tháng 6/2021, doanh thu trung bình của chuỗi vào khoảng 12 tỉ đồng/ngày.
Theo chia sẻ từ FPT Retail, công ty dốc sức đầu tư cho Long Châu do xác định thị trường điện thoại hiện nay đã bão hoà và dược phẩm là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ trong dài hạn. Ban lãnh đạo doanh nghiệp này tin tưởng rằng sự lớn mạnh của Long Châu sẽ đi theo ‘sự bùng nổ’ của ngành dược trong thời gian tới.
Ngành dược phẩm có 3 kênh gồm: kênh bệnh viện, kênh phòng khám và kênh nhà thuốc. FPT Retail kỳ vọng sẽ chiếm khoảng 30% thị phần kênh bán lẻ dược phẩm qua nhà thuốc, giúp mảng dược đóng góp khoảng 25% tổng doanh thu của công ty, ở mức khoảng hơn 5.000 tỉ đồng.
Tiềm năng dài hạn là rất lớn, nhưng với tốc độ mở rộng chóng vánh, trong ngắn hạn, FPT Retail dự kiến chưa thể có lãi trong năm nay và cả năm sau. Năm 2021 chuỗi nhà thuốc Long Châu dự tính sẽ chịu lỗ 70-80 tỉ đồng. Tình hình vẫn tiếp diễn sang năm 2022, tuy nhiên ước tính mức lỗ sẽ giảm nhiều so với 2021. Đó là các khoản “lỗ theo kế hoạch” trong quá trình tăng tốc mở chuỗi. Lộ trình đến năm 2023, Long Châu mới chính thức có lãi.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Bản Việt, doanh thu bình quân cửa hàng mỗi tháng của Long Châu đã tăng từ 750 triệu đồng/tháng năm ngoái lên 1 tỉ đồng/tháng năm nay. Nhờ tăng quy mô, hiệu quả của hệ thống nhà thuốc này cũng tốt lên, khi tỷ lệ chi phí/doanh thu giảm từ 25,8% năm ngoái xuống 21,7% năm nay. Bản Việt nhận định, các cửa hàng mới của Long Châu có đóng góp tích cực vào những chỉ số này.
Quay lại với thương vụ mặt bằng của ông Trần Kỷ Mùi. Nhà thuốc Long Châu đặt tại đây nhiều khả năng sẽ là một cửa hàng nữa có đóng góp tích cực cho kết quả kinh doanh của hệ thống. Bởi lẽ, FPT Retail không phải mất quá nhiều công sức nghiên cứu, đánh giá, tìm hiểu về mặt bằng này, mà điều đó đã được thực hiện bởi đội ngũ “đối thủ” cũng cực kỳ chuyên nghiệp của TGDĐ.
Hơn nữa, trong điều kiện bình thường, đây chắc chắn là mặt bằng sinh lời cho TGDĐ. Lãnh đạo của TGDĐ từng cho biết, chỉ cần một cửa hàng có lợi nhuận, nó sẽ được duy trì. Cũng chính bởi vậy mà tồn tại những khu vực có tới 2 cửa hàng TGDĐ xuất hiện trên cùng một con phố, bởi đơn giản cả hai cửa hàng này đều tự nuôi được chính mình và đem về lợi nhuận cho công ty.
Trong cuộc tranh cãi và hoán đổi khách thuê “ồn ào” lần này, dẫu ở góc độ nào, FPT Retail cũng là “ngư ông đắc lợi”. Họ đã hạ knock-out đối thủ về mặt truyền thông mà gần như không cần dùng chút sức lực nào, với mức phí tổn chỉ là 20% giá thuê cho một mặt bằng vốn dĩ đã rất đẹp.
Trong một cuộc phỏng vấn, bà Nguyễn Bạch Điệp, CEO FPT Retail cũng từng cho biết, một trong những cách mở cửa hàng của công ty này là quan sát đối thủ, chọn ra cửa hàng mà đối thủ đang làm tốt và mở cửa hàng chính mình ở khu vực đó. Với mặt bằng của ông Trần Kỷ Mùi, FPT Retail không chỉ mở đúng chỗ, mà còn giành được từ tay chính đối thủ cạnh tranh lớn nhất của mình.
Hà My
Nguồn CafeBiz