Sự trỗi dậy của B2B

Sự trỗi dậy của B2B

Sau thời gian dài im lìm, thị trường các giải pháp B2B đang trở lại với nhiều khoản đầu tư lớn.

Có thể nói sau game di động tích hợp blockchain, startup B2B (các doanh nghiệp công nghệ cung cấp giải pháp hỗ trợ kinh doanh) đang là điểm sáng tiếp theo ở thị trường Việt Nam.

Thời của B2B startup

Không lâu sau khi VNG công bố thương vụ đầu tư hơn 22 triệu USD vào Telio, startup nền tảng thương mại điện tử B2B, chuyên kết nối nhãn hàng với các nhà bán buôn, thì Kilo, startup tương tự, cũng công bố huy động thành công 5 triệu USD từ vòng hạt giống.

Theo thống kê của NCĐT, dù quy mô huy động không lớn như các công ty fintech và thương mại điện tử nhưng tổng số thương vụ đầu tư vào các startup B2B đã chiếm 1/3 thương vụ gọi vốn từ đầu năm đến nay. Tỉ lệ này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Đây là cột mốc khá ấn tượng vì trước đó các startup B2B thường không thuộc khẩu vị của phần lớn các nhà đầu tư do không tăng trưởng nóng, khó tiếp cận khách hàng, khó mở rộng sang các quốc gia khác. Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi khi quỹ đầu tư dẫn đầu phong trào kinh tế chia sẻ là Vision mà đứng sau lưng là SoftBank của tỉ phú Masayoshi Son vướng vào các vụ bê bối của Uber (chia sẻ xe), WeWork (chia sẻ văn phòng) hay OYO (chia sẻ cơ sở lưu trú ngắn ngày).

Cùng với dịch bệnh COVID-19 khiến nền kinh tế tiêu dùng ở nhiều nước bị ảnh hưởng trầm trọng cũng là nguyên nhân khiến các mô hình startup hướng vào người dùng bị ảnh hưởng dây chuyền.

Trong bối cảnh đó, startup B2B được quan tâm hơn và Việt Nam là một trong những khu vực hấp dẫn ở Đông Nam Á. Quỹ đầu tư Venturra chỉ ra 3 lý do tạo nên xu hướng này. Thứ nhất, Việt Nam nằm trong 5 quốc gia phát triển nhanh nhất trên thế giới trong 30 năm qua.

Nhìn xa hơn về các động lực tăng trưởng GDP, Việt Nam đã và đang chuyển hướng từ nông nghiệp sang hướng công nghiệp và dịch vụ hiện chiếm khoảng 75% GDP của cả nước. Khi phần còn lại của Đông Á phát triển khiến tiền lương tăng, các nhà sản xuất toàn cầu bị thu hút bởi chi phí lao động thấp và tỉ giá hối đoái ổn định của Việt Nam.

Thứ 2 là cơ cấu dân số vàng với dân số trong độ tuổi lao động (15-60 tuổi) chiếm 68,5% trong 97 triệu dân. Việt Nam đã bước vào giai đoạn nhân khẩu học thuận lợi này từ năm 2009 và dự kiến kéo dài đến năm 2036. Mỗi năm, quỹ này dự kiến có hơn 1,5 triệu người tham gia lực lượng lao động.

Cuối cùng, môi trường vĩ mô tích cực đã khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam được vinh danh là 1 trong 20 nền kinh tế chủ nhà hàng đầu thế giới về FDI với dòng vốn 16 tỉ USD. Điều này đã vượt qua các “đồng nghiệp” khác và đứng thứ 3 trong số các nước ASEAN.

Vào năm 2021, bất chấp tác động nghiêm trọng của dịch bệnh, các khoản đầu tư FDI theo kế hoạch vào Việt Nam vẫn tăng trưởng 22% so với cùng kỳ.

Môi trường vĩ mô tích cực đã khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài
Ảnh: TL

Trợ lực từ chính phủ

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam thừa nhận tầm quan trọng của nền kinh tế kỹ thuật số nên đã đưa ra nhiều sáng kiến khác nhau để khuyến khích tăng trưởng trong lĩnh vực này. Việt Nam đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, đề ra mục tiêu đến năm 2030 của cả nước. Điều này bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng internet và khả năng tiếp cận các dịch vụ 5G, số hoá Chính phủ và ứng dụng công nghệ cho các lĩnh vực kinh tế – xã hội khác nhau.

Đại dịch trở thành động lực thúc đẩy các giải pháp số hoá khi giãn cách xã hội mở ra những thói quen tiêu dùng mới ưu tiên các dịch vụ trực tuyến. Mặc dù nền kinh tế kỹ thuật số vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện, khi chỉ chiếm 8,2% GDP nhưng nó đã mang lại kết quả ấn tượng với tổng giá trị hàng hoá năm 2020 đạt 14 tỉ USD, đạt tốc độ CAGR 38% kể từ năm 2015. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng Việt Nam vẫn hướng tới mục tiêu đạt được 1 triệu doanh nghiệp. Các giải pháp số hoá hỗ trợ khối doanh nghiệp trở nên quan trọng trong định hướng này. Rõ ràng mục tiêu đóng góp 30% GDP vào năm 2030 của Chính phủ là một cơ hội hấp dẫn cho đối với các quỹ đầu tư và startup trong lĩnh vực B2B.

Ông Bùi Sỹ Phong, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành của Telio, đưa ra nhận định thị trường bán lẻ Việt Nam đang có những thay đổi mạnh mẽ khi ngày càng nhiều doanh nghiệp và đơn vị bán lẻ áp dụng công nghệ, cải thiện hiệu quả hoạt động và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Quay trở lại thương vụ đầu tư Telio của VNG, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc VNG, cho biết Telio đang chứng tỏ là nền tảng thương mại điện tử B2B cho ngành bán lẻ có tốc độ tăng trưởng ấn tượng tại Việt Nam. Ông Minh nhận định chuyển đổi số cũng như công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam trong vòng 10 năm tới.

“Đây là cơ hội cho VNG nhưng chúng tôi cũng không thể đầu tư tất cả mọi lĩnh vực nên sẽ tìm cách tham gia các cơ hội đó bằng việc đầu tư vào những đối tác tiềm năng”, ông Minh nói. Minh chứng cho chiến lược này, trước Telio, VNG đã đầu tư vào các doanh nghiệp B2B như EcoTruck (logistics), Got It (nền tảng tặng quà cho doanh nghiệp).

Đồng quan điểm, ông Amid Anand, Nhà sáng lập Jungle Ventures (Singapore), cho rằng Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất khu vực khi có nhiều cơ hội tốt trong thị trường nội địa, phương pháp sản xuất với kỹ thuật ngày một nâng cao, sự hỗ trợ từ Chính phủ và được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Jungle Ventures là cái tên khá quen thuộc ở Việt Nam sau các thương vụ đầu tư vào DatBike (xe điện) và KiotViet (dịch vụ thương mại điện tử). Quỹ này vẫn đang tìm kiếm cơ hội mới ở Việt Nam ở những lĩnh vực như chăm sóc sức khoẻ, dịch vụ tài chính, công nghệ tài chính và thương mại điện tử.

Huy Vũ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư