Thị trường M&A Việt Nam thu hút hơn 8,8 tỉ USD giữa đại dịch

Thị trường M&A Việt Nam thu hút hơn 8,8 tỉ USD giữa đại dịch

Dù COVID-19 diễn biến phức tạp, hoạt động M&A (mua bán – sáp nhập) vẫn phát triển mạnh tại Việt Nam và tiếp tục là thỏi nam châm hút dòng vốn ngoại.

Trong hơn một thập kỷ qua, M&A đã trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hoá dòng vốn cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

M&A Việt Nam sẽ bùng nổ trong năm 2022

Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2021 với chủ đề “Cơ hội trong thị trường bùng nổ” do báo Đầu tư tổ chức ở TP.HCM mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định, sau 2 năm đối mặt với không ít khó khăn do tác động của dịch bệnh, cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam đã rất nỗ lực tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới hoặc cơ cấu lại, để thích nghi với bối cảnh biến động nhanh từ các nguồn vốn rẻ, chính sách hỗ trợ, phục hồi kinh tế mà Chính phủ ban hành.

“Nhiều doanh nghiệp đang sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới, kéo theo nhu cầu M&A dự kiến sẽ bật tăng mạnh trong thời gian tới. Tôi tin rằng, dù còn nhiều khó khăn, thách thức đón chờ trước mắt, nhưng hoạt động M&A sẽ bùng nổ trong năm 2022 và những năm tiếp theo”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Tăng trưởng của thị trường M&A Việt Nam được cho là đến từ việc các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước vẫn đặt niềm tin vào nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, cũng như các giải pháp phòng chống dịch quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ.

Các diễn giả tham dự diễn đàn đều bày tỏ sự lạc quan với tiềm năng bùng nổ của thị trường M&A Việt Nam trong thời gian ngắn sắp tới.

Cụ thể, theo số liệu của KPMG Việt Nam, trong 10 tháng năm 2021, thị trường M&A đã thu hút hơn 8,8 tỉ USD, tăng 17,9% so với năm 2020 và 13,7% so với năm trước dịch 2019. Dù dịch bệnh ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, là rào cản đi lại với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, thị trường M&A Việt Nam vẫn được đánh là một thị trường hấp dẫn hàng đầu thế giới. Trong đó, 58% tổng giá trị các giao dịch M&A đến từ ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và tài chính.

Theo ông Warrick Cleine – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia, các thương vụ M&A đang rất được giới đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, với những thương vụ có giá trị lên tới hàng trăm triệu USD. Vị này khẳng định M&A đã trở thành một phần quan trọng trong bức tranh kinh tế Việt Nam.

Chiến lược quan trọng đối với doanh nghiệp ngoại

Là cách thâm nhập thị trường nhanh chóng và hiệu quả, M&A đang giúp nhiều doanh nghiệp nước ngoài đẩy nhanh quá trình phát triển quy mô kinh doanh tại Việt Nam ngay giữa đại dịch. Điển hình cho xu thế này có thể kể đến chiến lược M&A của Gamuda Land, ông lớn bất động sản tới từ Malaysia.

Theo ông Angus Liew, Tổng Giám đốc Gamuda Land (HCMC), M&A là giải pháp chiến lược giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô nhanh chóng, đặc biệt là về quỹ đất.

“Việc thực hiện M&A giúp Gamuda Land tiết kiệm thời gian trong các khâu như giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục pháp lý với quỹ đất, giúp doanh nghiệp có mặt bằng sạch để nhanh chóng triển khai các dự án”, vị này chia sẻ.

Với góc nhìn của chủ đầu tư nước ngoài, ông Angus Liew nhận định M&A là giải pháp chiến lược để mở rộng kinh doanh nhanh chóng tại Việt Nam.

Ông Angus Liew cho biết, chiến lược chủ đạo của Gamuda Land là phát triển các khu đô thị quy mô lớn, với kinh nghiệm dày dạn đã được minh chứng qua các dự án nổi bật trong khu vực. Mặc dù “gã khổng lồ” Malaysia muốn tiếp tục kiên trì thực hiện chiến lược này, song với thực tiễn hiện nay tại thị trường Việt Nam, việc tìm quỹ đất đủ lớn để phát triển dự án khu đô thị là không dễ dàng. Chính vì vậy, doanh nghiệp này đang thay đổi chiến lược một chút và bắt đầu nhắm đến các dự án từ 1 đến 100 hecta.

“Ngoài việc tìm kiếm cơ hội mua lại các dự án, chúng tôi cũng cung cấp cho thị trường những thương vụ M&A tại các dự án thành phần trong khu đô thị của mình, mời gọi các công ty khác tham gia. Chúng tôi làm 2 việc này song song. Chúng tôi đã ở đây 15 năm, có đội ngũ vững mạnh, nên đây là thời điểm để nắm bắt cơ hội tại thị trường Việt Nam. Chúng tôi đang tận dụng lợi thế này”, ông Angus Liew nói thêm.

Các chủ đầu tư nước ngoài đang tích cực triển khai các thương vụ M&A dự án bất động sản tại Việt Nam.
Ảnh: Celadon City (Gamuda Land)

Theo ông Trương An Dương – Giám đốc khối Bất động sản nhà ở, Công ty Frasers Property Vietnam, Frasers vào Việt Nam từ năm 1995. Trong suốt thời gian đó, công ty không thực sự năng động tại Việt Nam. Đến năm 2021, Frasers mới chỉ phát triển được 1 dự án, 2 toà nhà văn phòng, 1 khu thương mại nhỏ. Mới đây, doanh nghiệp này cũng đã mua thành công một dự án khu công nghiệp tại Bình Dương.

“Bất động sản công nghiệp là mảnh ghép còn thiếu của Frasers trong chiến lược phát triển lâu dài tại Việt Nam. Để hoàn thành một thương vụ M&A bất động sản Việt Nam ở thời điểm này là cực kỳ khó khăn, do giá đất ở khu công nghiệp tăng nhanh ở trong Nam và ngoài Bắc. Chúng tôi hoàn tất được thương vụ này chủ yếu là nhờ năng lực tài chính”, ông Dương chia sẻ.

Hoàng Kim
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư