Thế giới 5.0: Công nghệ vì con người

Thế giới 5.0: Công nghệ vì con người

Sự bùng nổ của công nghệ mang lại trải nghiệm mới cho người dùng và mang theo kỳ vọng có thể tham gia giải quyết nhiều mặt trái của cuộc sống.

2021 là năm đặc biệt khi chứng kiến sự trỗi dậy của công nghệ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ vay tiêu dùng, kết nối, giáo dục và cả các lĩnh vực đầu tư vào tài sản có giá trị cao như bất động sản. Và đặc biệt, sự bùng nổ của công nghệ không chỉ mang lại trải nghiệm mới cho người dùng mà còn mang theo kỳ vọng có thể tham gia giải quyết nhiều bất cập của cuộc sống.

Sóng bất động sản song hành sóng proptech

Thị trường bất động sản đang trở thành lĩnh vực thu hút nguồn lực tài chính và đầu tư lớn nhất hiện nay. Vì vậy, sự phục hồi của lĩnh vực này trở thành một trong những trụ cột để phục hồi kinh tế. Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận định, tỷ trọng ngành bất động sản của Việt Nam hiện chỉ mới đạt hơn 20 tỉ USD, chiếm 7,7% GDP cả nước. Trong khi đó, ở các nước phát triển, tỷ trọng này thường chiếm từ 20-25% tổng GDP. Do đó, ngành bất động sản tại Việt Nam vẫn kỳ vọng nhiều vào dư địa để phát triển.

Sớm hay muộn thì việc mua sắm bất động sản online sẽ trở nên thông dụng.
Ảnh: WSJ

Đáng chú ý, dịch bệnh trở thành một động lực mới của các doanh nghiệp bất động sản, khiến họ tiến nhanh hơn trong quá trình số hoá, vừa phục hồi, vừa tìm động lực tăng trưởng mới. Công nghệ số đã chứng minh hiệu quả trong quảng bá sản phẩm, kết nối thông tin, tăng tương tác giữa chủ đầu tư và khách hàng.

2021 là năm thăng hoa của các công ty công nghệ bất động sản (proptech) khi chỉ 3 thương vụ từ đầu năm đến nay đã nâng tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực này lên hơn 40 triệu USD. Trên thị trường tổng cộng có khoảng 56 công ty proptech xuất hiện. Điều này đã khiến nhiều công ty bất động sản truyền thống chuyển mình, nhiều dự án công nghệ âm thầm đầu tư trong thời gian qua bắt đầu được các doanh nghiệp này chia sẻ cởi mở hơn. Điển hình như Tập đoàn Hưng Thịnh, sau nhiều lần kín tiếng với các dự án công nghệ cho bất động sản thì mới đây đã công bố TopenLand, nền tảng công nghệ kết nối tất cả các hệ sinh thái của tập đoàn.

Không lâu sau khi ra mắt, TopenLand công bố thương vụ M&A với DataFirst. Tại hội thảo “Tech Seminar 2021: Thế giới 5.0” do Tạp chí Nhịp cầu đầu tư tổ chức, ông Vũ Hoàng Linh, Phó Tổng Giám đốc TopenLand, cho biết DataFirst là đơn vị nghiên cứu dữ liệu lớn đầu tiên cho lĩnh vực bất động sản từ năm 2010. Đây là công cụ thu thập dữ liệu khách hàng tiềm năng trên Internet, sắp xếp và tạo ra các dữ liệu hỗ trợ phân tích kinh doanh.

Tương tự, ông Phạm Lâm – nhà sáng lập DKRA Vietnam cũng gia nhập thị trường với hệ sinh thái Houze với House Map (công cụ dành cho nhà môi giới bất động sản), Houze Agent (dịch vụ môi giới bất động sản), Houze Commerce (giải pháp chuyển đổi số trong ngành quản lý bất động sản), và đặc biệt là Houze Invest, nền tảng kết nối đầu tư bất động sản dành cho cộng đồng với quy mô tham gia từ vài triệu cho đến vài trăm triệu đồng.

Ông Phạm Lâm cũng cho biết, 15 năm trong nghề, tài chính khi mua nhà vẫn là điều không phải khách hàng nào cũng có thể chi trả, nên việc đưa ra các nền tảng đầu tư chung giúp khách hàng có thể tham gia đầu tư với điều kiện tài chính linh hoạt là cần thiết. Rõ ràng, lợi ích lớn nhất của công nghệ trong bất cứ lĩnh vực nào là giảm chi phí tham gia, và tạo ra nhiều tiện ích cho các thực thể trong lĩnh vực đó. Đây cũng là thông điệp mà hội thảo đem lại. “Thế giới 5.0” không phải là hạ tầng kết nối hay công nghệ kết nối mới, mà hàm ý đến việc ứng dụng công nghệ mang lại tiện ích và giải quyết các vấn đề hằng ngày trong cuộc sống của con người.

Chẳng hạn, theo ông Phạm Lâm, sớm hay muộn thì việc mua sắm bất động sản online sẽ trở nên thông dụng vì rất nhiều bước giao dịch truyền thống như đặt cọc, thực hiện hợp đồng mua bán đã được số hoá làm cho trải nghiệm mua sắm dễ dàng hơn. “Trước đây, khách hàng phải ra siêu thị, phải ra đường đón xe thì sự phát triển của công nghệ đã đem lại trải nghiệm hoàn toàn mới bằng đặt hàng, đặt xe online. Tôi tin giao dịch bất động sản rồi cũng sẽ như vậy”, ông Phạm Lâm nói.

Không chỉ người mua hưởng lợi từ công nghệ, người môi giới cũng sẽ có nhiều khoản thu nhập hơn và dành nhiều thời gian cho chuyên môn bán hàng hơn. Ông Linh của TopenLand cho biết, trước đây, những người môi giới chỉ có thu nhập từ việc bán nhà thì các nền tảng công nghệ mới mở ra cho họ nhiều thu nhập hơn, như từ việc kết nối dịch vụ tài chính, cho thuê... “Những người mới vào nghề cần 3 – 6 tháng mới có giao dịch đầu tiên, đây là điều rất khó khăn với nhiều người trẻ. Việc tạo thêm nhiều thu nhập cho môi giới là điều mà các nền tảng TopenLand luôn hướng đến”, ông Linh nói.

Thực tế, một khi được cởi trói bởi các thói quen truyền thống, bất động sản sẽ tiếp tục cất cánh trong thời gian tới nhờ vào sự phát triển của công nghệ. Ông Andy Vũ, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành MBC Blockchain Marketing, cho rằng 2021 là năm mà công nghệ thực tế ảo, trí thông minh nhân tạo, máy học... có đòn bẩy đủ lớn để phát triển. Điều này mở ra những cơ hội lớn hơn cho thế giới số trong thời gian tới, khi các chủ thể kết nối như máy tính bảng, điện thoại, hay thậm chí là kính thực tế ảo để tiến vào Metaverse. Trong lĩnh vực bất động sản, công nghệ phân tích dữ liệu, đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu, blockchain đã mở ra nhiều khả năng số hoá cho lĩnh vực bất động sản trên nhiều khía cạnh: sản phẩm, tiếp thị, bán hàng, chăm sóc khách hàng và quản trị doanh nghiệp.

Xu hướng này dẫn đến việc các doanh nghiệp bất động sản phải chuyển mình nhiều hơn để tạo ra các mô hình kinh doanh mới thích nghi với điều kiện thị trường như bất động sản chia sẻ, bất động sản tuỳ biến (vừa là văn phòng vừa là chỗ ở)... Thậm chí, mô hình đầu tư bất động sản, điển hình như việc xẻ nhỏ bất động sản và định danh bằng blockchain, sẽ phổ biến hơn vì tài chính khách hàng vẫn đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. “Tương lai mô hình bất động sản có thể kết nối với Metaverse, tạo ra thế giới bất động sản mới. Theo tôi biết, một số dự án bất động sản ở Việt Nam đã chia nhỏ tài sản bằng blockchain để nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường hơn”, ông Andy Vũ cho biết.

Ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) trong bất động sản.
Ảnh: WSJ

Công nghệ không chỉ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động bán hàng, tiếp thị, mà còn đang định hướng cho doanh nghiệp bất động sản ứng dụng công nghệ trong các dự án của mình để tạo nên hệ sinh thái của những thành phố thông minh. Phát triển các sản phẩm bất động sản thông minh sẽ kéo theo sự phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội và các tiện ích dịch vụ khác, và có thể sẽ làm thay đổi cấu trúc dân cư tại các đô thị. Việc ứng dụng công nghệ trong bất động sản sẽ giải quyết các vấn đề đô thị một cách hiệu quả, dựa trên nguồn lực mà chúng ta đang có để phát triển bền vững hơn, hướng đến mục tiêu cuối cùng là “vì chất lượng cuộc sống của con người”.

Công nghệ thông minh thúc đẩy tiêu dùng thông minh

Theo Báo cáo xu hướng công nghệ năm 2021 của WIPO, hơn 1 tỉ người đang cần công nghệ trợ giúp – một con số dự kiến tăng gấp đôi trong thập kỷ tới. Từ những cải tiến nhỏ trong các sản phẩm hiện có, đến những phát triển tiên tiến trong công nghệ tiên tiến đều có thể cải thiện đáng kể cuộc sống của con người trong mọi nhu cầu, từ giải trí, làm việc đến học tập.

Theo xu hướng này, tại Việt Nam, theo báo cáo mới nhất của Google, đa số các ngành trực tuyến tiếp tục tăng trưởng mạnh ở mức 2 con số so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến vào năm 2025, toàn bộ nền kinh tế Internet sẽ đạt giá trị 57 tỉ USD, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) 29%.

Giáo dục cũng đang chứng kiến sự chuyển đổi số mạnh mẽ từ nhiều nền tảng công nghệ giáo dục (EdTech). Thị trường giáo dục trực tuyến tại Việt Nam có tiềm năng lớn với hơn 23 triệu học sinh, thu nhập của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và tỉ lệ sử dụng Internet cao nhất thế giới. Giãn cách do dịch bệnh tăng thêm sức hút của thị trường EdTech, với hàng trăm tỉ đồng từ các quỹ ngoại ồ ạt đổ vào các startup Việt từ đầu năm 2021. Bên cạnh dòng vốn EdTech, doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục cũng chuyển mình mạnh mẽ cho mục tiêu số hoá.

Nguyễn Thị Mỹ Trang, Giám đốc Chuyển đổi số và Công nghệ thông tin của Trung tâm tiếng Anh ILA, cho rằng tất cả xu hướng chuyển đổi số đang ngày càng tăng tốc một cách mạnh mẽ từ năm 2016, rất nhiều mô hình kinh doanh mới áp dụng công nghệ đã được sinh ra, giúp con người có cuộc sống dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đối với một công ty, tài sản lớn nhất vẫn chính là con người, bởi công nghệ hay robot không thể thay thế được con người. Con người làm ra máy móc và sẽ vẫn là người ra quyết định giao việc cho robot. “Vai trò của công nghệ là giúp con người làm được những công việc có năng suất cao hơn và từ đó cuộc sống của con người sẽ có chất lượng tốt hơn”, bà Trang cho biết.

Ông Kalidas Ghose, CEO của Công ty FE Credit, cũng đồng quan điểm về việc công nghệ đang đóng vai trò giúp cho cuộc sống của con người trở nên dễ dàng hơn. Hiện nay, mọi ngành nghề đều được hưởng lợi từ công nghệ, và công nghệ tạo ra rất nhiều cơ hội cho con người. Bởi Big Data (dữ liệu lớn) không chỉ còn dưới góc độ là những con số, mà hiện nay dữ liệu đã bao gồm cả hình ảnh, âm thanh, từ đó công nghệ có thể kết hợp và hỗ trợ lẫn nhau. “Các công ty nên có sự linh hoạt để học nhanh và thích ứng nhanh với thời cuộc”, ông Kalidas Ghose nhấn mạnh.

Đơn cử là xu hướng tiêu dùng và nhu cầu tiêu dùng của Việt Nam hiện không còn khác biệt nhiều so với các nước trên thế giới. Rất nhiều người có nhu cầu vay vốn hay các giải pháp tài chính nhỏ từ 2 – 5 triệu đồng để học tập, đầu tư nhằm cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp ngân hàng sẽ không hỗ trợ cho vay vì cần chứng minh rất nhiều giấy tờ.

Vì vậy, công nghệ phân tích điểm tín dụng thông qua một loạt dữ liệu Big Data của FE Credit có thể làm được các phân tích về ngân sách, các khoản thu chi của khách hàng, từ đó đưa ra được gói vay khả thi nhất cho khách hàng. FE Credit sẽ đánh giá khả năng vay của người dùng, từ đó ra quyết định cho vay chỉ trong 15 phút và 24/7. “Công nghệ không những giúp công việc của chúng tôi dễ dàng hơn mà còn giúp người dùng có thể tiếp cận khoản vay nhanh hơn”, ông Kalidas Ghose cho biết.

Các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam cũng hưởng lợi từ sự bùng nổ của Internet, smartphone, 5G... với gần 70 triệu người sử dụng Internet. Nhờ tỷ lệ sở hữu điện thoại di động cao và tỉ lệ hấp thụ tốt, các ứng dụng tại Việt Nam đang có được thuận lợi trong việc phân phối với lượt tải mỗi ứng dụng nhiều hơn 170% so với mức trung bình toàn cầu.

Sự bùng nổ này cùng nền tảng dân số trẻ cũng là một trong những yếu tố thôi thúc cô gái Thuỵ Điển gốc Việt – Denise Sandquist thúc đẩy ứng dụng hẹn hò Fika tại Việt Nam. Theo Statista, doanh số của mảng hẹn hò trực tuyến tại đây dự kiến đạt 28 triệu USD vào năm 2021, với mức tăng trưởng hằng năm gần 12%. Dự kiến đến năm 2025, quy mô thị trường sẽ đạt 44 triệu USD.

EdTech và các nền tảng giáo dục trực tuyến đã bùng nổ trong thời gian giãn cách.
Ảnh: shutterstock.com

Denise Sandquist, nhà sáng lập của ứng dụng hẹn hò Fika, cho rằng công nghệ hiện nay cũng đóng vai trò hỗ trợ con người kết nối một cách nhanh hơn, kỹ lưỡng hơn và hiệu quả hơn. Việc ứng dụng công nghệ chuyển đổi số cũng giúp các công ty có thể phát triển nhanh hơn, mang đến các sản phẩm tốt hơn. Như với Fika, trong bối cảnh thị trường đang có rất nhiều ứng dụng mạng xã hội hẹn hò được thiết kế mang phong cách, văn hoá của người Châu Âu, Mỹ, nhờ các công nghệ trí tuệ nhân tạo, Fika có thể chọn lọc, xác thực người dùng và tạo ra một môi trường thân thiện hơn cho phụ nữ.

“Chúng tôi hiểu rất rõ những áp lực vô hình của người Châu Á về việc lựa chọn người bạn đời để có thể yêu thương, tin tưởng, kết hôn, sinh con đẻ cái. Vì vậy, chúng tôi muốn tạo ra một nền tảng xác thực, bảo đảm và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, nhằm giúp người dùng thực hiện được điều này trong môi trường an toàn, chất lượng, phù hợp với họ nhất”, cô Denise Sandquist nói.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên lạm dụng quá nhiều công nghệ khiến chính mình mất đi kết nối với thế giới thực tại. Bà Nguyễn Thị Mỹ Trang cho biết tại ILA vẫn có các lớp học truyền thống song song với dạy học online, chính là để tạo ra sự tương tác xã hội, để các em vẫn sẽ học được các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Hiện nay, chúng ta đang bị vây quanh bởi rất nhiều thông tin thu hút trên mạng, cho nên đối với một nhà giáo dục, ILA cũng đã áp dụng linh hoạt công nghệ để đa dạng hoá các nội dung, nền tảng học tập cho trẻ em. Công nghệ lúc này chỉ đóng vai trò là công cụ để giảng dạy và truyền đạt. “Con người là loài có tập tính xã hội, dù là trẻ em hay người lớn, chúng ta vẫn phải biết và có được các kỹ năng của xã hội”, bà Trang nói.

Bảo Trung – Công Sang
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư