Xe điện động lực cho thành phố xanh

Xe điện động lực cho thành phố xanh

Nhiều thành phố lớn trên thế giới đang nỗ lực thay thế phương tiện sử dụng động cơ xăng bằng xe điện để giải bài toán ô nhiễm.

Các mẫu xe điện tràn ngập tại Triển lãm Los Angeles Auto Show 2021 cho thấy tương lai tươi sáng của dòng xe mới này. Cụ thể, thị trường xe thuần điện tại Mỹ đã tăng trưởng gấp đôi trong 10 tháng đầu của năm 2021 và đạt mức doanh số cao nhất kể từ khi xe điện ra đời ở thị trường này, theo Automotive News. Số liệu cụ thể cho thấy đã có gần 380.000 xe điện được đăng ký trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 10/2021, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương gần 3% tổng thị trường ô tô tại Mỹ so với mức gần 2% trong năm 2020.

Cuộc đua xanh hoá thành phố

Cũng theo ghi nhận, những thị trường ô tô chạy điện tăng trưởng mạnh nhất trong năm qua là Châu Âu và Trung Quốc, với khoảng 1,3 triệu xe tới tay người tiêu dùng. Con số này gấp 4 lần doanh số xe điện tại Mỹ, vốn mới chỉ chiếm 2,4% tổng số ô tô du lịch bán ra.

Theo Canalys, ô tô điện đã tiếp tục bùng nổ trong năm 2021 với doanh số dự kiến tăng trưởng 66%, vượt mốc 5 triệu xe bán ra (tương đương 7% số xe mới bán ra trên toàn cầu). Thị trường phương tiện mới này cũng sẽ đạt tới 30 triệu xe bán ra vào năm 2028. Dự kiến, phương tiện này sẽ chiếm 48% tổng số ô tô du lịch tới tay người tiêu dùng vào năm 2030.

Sự tăng trưởng ngoạn mục của doanh số xe điện đến từ chính sách hỗ trợ của chính phủ các nước với định hướng xe điện sẽ là xu hướng thúc đẩy tiêu thụ và việc làm sau đại dịch, quan trọng sẽ là giải pháp cho bài toán môi trường bị ô nhiễm ở các đại đô thị.

Anne Laurent, Chủ tịch Liên minh Môi trường toàn Châu Âu, cho rằng các thành viên đều “không còn nghi ngờ gì” về tác động tích cực của loại phương tiện giao thông này lên hành tinh. “Chúng ta không mong chờ một giải pháp hoàn hảo. Vì thế, chúng tôi vui mừng khi xe điện mang lại những chỉ số tích cực về môi trường”, bà Laurent nói.

Với kỳ vọng này, trong năm 2020, các chính phủ trên thế giới đã chi 14 tỉ USD cho các ưu đãi trực tiếp hoặc khấu trừ khi mua xe điện, tăng 25% so với cùng kỳ. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ tài chính cho các nhà sản xuất xe điện và người mua, các chính sách hạn chế sự lưu thông của xe xăng cũng được đưa ra để thúc đẩy sự tăng trưởng của xe điện.

Trung Quốc là một điển hình, từ năm 2016, quốc gia này đã cấp biển số xanh cho những phương tiện sử dụng năng lượng mới. Các phương tiện được cấp bảng số này sẽ được lưu thông vào các thành phố mà không bị hạn chế về luật cấm.

Ngược lại, các xe sử dụng động cơ xăng, kể cả xe máy sẽ bị hạn chế lưu thông, thậm chí là hạn chế luôn việc cấp phép mới. Nhằm tăng mạnh việc sử dụng xe hoàn toàn chạy điện, một số thành phố lớn như Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết các xe có động cơ hybird sẽ ngừng cấp biển số xanh vào năm 2023.

Trung Quốc đang là quốc gia có lượng xe điện đưa ra thị trường lớn nhất
Ảnh: Zing

Vì thế, Trung Quốc đang là quốc gia có lượng xe điện đưa ra thị trường lớn nhất. Sau một thập kỷ phát triển, có 10 triệu chiếc xe điện các loại được đưa đến người sử dụng, thì có đến 4,5 triệu chiếc ở Trung Quốc. Châu Âu đứng thứ 2 với 3,2 triệu xe và phần còn lại là Mỹ và các nước khác.

Dấu hỏi về hạ tầng cho xe điện

Mang lại môi trường xanh cho thành phố, nhưng việc triển khai hạ tầng phục vụ xe điện, cụ thể là trạm sạc, đang là thách thức cho tất cả các quốc gia. Gần như các trạm sạc phải được xây dựng mới và quan trọng hơn là tốc độ sạc và các quốc gia dẫn đầu như Trung Quốc và Châu Âu đang mở rộng trạm sạc công cộng.

Ở Trung Quốc, theo báo cáo của EO Intelligence, cuối năm 2020, quốc gia này có 1,6 triệu điểm sạc công cộng và đang hướng đến mục tiêu hơn 10 triệu điểm sạc trong 5 năm tới. Còn theo nghiên cứu của Transport & Environment, dự kiến Châu Âu sẽ có hơn 1,3 triệu điểm sạc công cộng vào năm 2025 và 3 triệu điểm vào năm 2030 với tổng kinh phí đầu tư vào khoảng 20 tỉ euro.

Tình hình tại các quốc gia ở Đông Nam Á sẽ phức tạp hơn. Theo báo cáo của Deloitte, không giống các nước dẫn đầu, nhiều quốc gia ở khu vực này không có mạng lưới sạc và việc lắp đặt cũng không dễ dàng.

Theo Deloitte, do chi phí xây dựng mạng lưới và cơ sở sạc cao, các thị trường Đông Nam Á nên cân nhắc tìm các giải pháp thay thế khác để thúc đẩy quá trình điện khí hoá. Ở nhiều thành phố trong khu vực, nơi xe 2 bánh là hình thức giao thông chủ yếu, việc hoán đổi pin có thể là một lựa chọn đặc biệt khả thi vì chúng có kích thước nhỏ hơn, dễ vận chuyển và không mất thời gian sạc do đã được nạp sẵn năng lượng.

Theo đó, mô hình pin như một dịch vụ có thể tương thích cao với thói quen tiêu dùng ở nhiều thành phố đang phát triển ở Đông Nam Á, khi nhóm này thích mua các mặt hàng với số lượng nhỏ hơn và giá cả phải chăng. Điều này cũng hấp dẫn đối với những người sử dụng xe thương mại khi giảm thời gian ngừng hoạt động của xe và tăng tuổi thọ của pin.

Ở Việt Nam, VinFast là đơn vị tiên phong áp dụng chính sách cho thuê pin xe điện và đổi pin với mức giá 1,4 triệu đồng cho quãng đường tối đa 1.400 km, tương đương 484 đồng/km (theo giá điện sinh hoạt bậc 5 hiện tại). Song song đó, công ty này cũng đang đẩy nhanh hệ thống trạm sạc xe điện ở 63 tỉnh, thành với mục tiêu đạt hơn 40.000 cổng sạc trong năm 2021. Nếu đạt được mục tiêu này, Việt Nam sẽ tạm thời là quốc gia dẫn đầu về số lượng trạm sạc ở Đông Nam Á, sau đó là Singapore (1.800 trạm) và Thái Lan (hơn 1.000 trạm)...

Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đòi hỏi phải có chiến lược phát triển xe điện mạnh mẽ hơn.

Phi Vũ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư