Những công nghệ sẽ “xâm lăng” cuộc sống của chúng ta trong năm 2022

Những công nghệ sẽ “xâm lăng” cuộc sống của chúng ta trong năm 2022

Một số xu hướng cho 2022 mà các công ty công nghệ đang thúc đẩy là những điều bạn đã từng nghe ít nhất một lần.

Ví dụ điển hình là thực tế ảo, với công nghệ này người dùng sẽ đeo những chiếc kính ngồ ngộ và xoay quanh với bộ điều khiển trong tay để chơi các trò chơi 3D. Dự kiến thực tế ảo sẽ là tâm điểm của năm nay, nó còn được biết đến với tên gọi “metaverse”.

Hạng mục sôi nổi tiếp theo là nhà thông minh, công nghệ điều khiển các thiết bị gia dụng bằng giọng nói qua loa hoặc điều khiển trên điện thoại. Sự thật là, ngành công nghệ này đã được thúc đẩy phát triển trong hơn một thập kỷ. Năm nay, những sản phẩm này cuối cùng cũng dần đưa vào sử dụng rộng rãi.

Một công nghệ “quen mặt” khác trong danh sách này là thiết bị sức khoẻ kỹ thuật số, theo dõi hoạt động thể chất và giúp chúng ta chẩn đoán các bệnh tiềm ẩn. Và các nhà sản xuất ô tô đang bắt đầu đẩy nhanh kế hoạch nhằm đáp ứng mục tiêu toàn quốc, loại bỏ dần việc sản xuất ô tô chạy bằng khí đốt vào năm 2030.

Dưới đây là 4 xu hướng công nghệ sẽ “xâm chiếm” cuộc sống của chúng ta trong năm nay.

1. Chào mừng đến với Metaverse

Ảnh: Lucrezia Carnelos| Uplash

Trong hơn một thập kỷ, các nhà công nghệ đã mơ về một kỷ nguyên mà cuộc sống ảo cũng đóng vai trò quan trọng như cuộc sống thật. Về lý thuyết, chúng ta sẽ dành nhiều thời gian để tương tác với bạn bè và đồng nghiệp của mình trong không gian ảo, cũng như sẽ chi tiền ở đó để mua trang phục và đồ vật cho hình đại diện kỹ thuật số của chúng ta.

Năm ngoái, Facebook thông báo rằng họ đã đổi tên thành Meta sau khi xuất xưởng 10 triệu chiếc tai nghe thực tế ảo, Quest 2, đây là một cột mốc quan trọng.

Nhiều người trong chúng ta sẵn sàng vung tiền cho phiên bản kỹ thuật số của mình. Rapper Eminem và những người nổi tiếng khác thậm chí còn đầu tư vào du thuyền ảo hàng trăm nghìn USD. Còn nhiều thứ nữa sẽ đến trong năm nay, như Apple có kế hoạch ra mắt phiên bản tai nghe thực tế ảo của mình, trông giống như một cặp kính trượt tuyết. Google cũng đã phát triển các sản phẩm thực tế ảo trong nhiều năm và Microsoft đã cung cấp tai nghe thực tế ảo cho các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ.

2. Ngôi nhà thông minh

Ảnh: Sebastian Scholz| Uplash

Trong vài năm qua, các sản phẩm nhà thông minh như bộ điều chỉnh nhiệt độ kết nối internet, khoá cửa và robot hút bụi đã đạt được những bước tiến lớn. Các thiết bị dần có giá cả phải chăng và hoạt động tương thích với các trợ lý kỹ thuật số như Alexa của Amazon, Trợ lý của Google và Siri của Apple.

Tuy nhiên, phần lớn nhà thông minh vẫn “hỗn độn”. Nhiều sản phẩm nhà thông minh không hoạt động tốt với công nghệ khác. Ví dụ, một số khoá cửa chỉ hoạt động với điện thoại Apple chứ không phải Android; một số bộ điều nhiệt được điều khiển bằng cách nói chuyện với Trợ lý Google chứ không phải Siri. Việc thiếu tính tương thích đã tạo ra các vấn đề lâu dài.

Năm nay, các đối thủ lớn nhất của ngành công nghệ – Apple, Samsung, Google và Amazon – đang cạnh tranh để nhà thông minh trở nên thiết thực hơn. Họ có kế hoạch phát hành và cập nhật công nghệ để hoạt động với tiêu chuẩn mới, cho phép các thiết bị thông minh trong nhà nói chuyện với nhau, bất kể trợ lý ảo nào hay thương hiệu điện thoại nào. Điển hình là, trong tương lai, đồng hồ báo thức thông minh có thể ra lệnh cho đèn thông minh bật khi bạn thức dậy.

Hơn 100 sản phẩm nhà thông minh dự kiến ​​sẽ tuân theo tiêu chuẩn này.

3. Thiết bị theo dõi sức khoẻ

Ảnh: Onur Binay | Uplash

Các phụ kiện như Apple Watch và Fitbit, giúp theo dõi chuyển động và nhịp tim, tiếp tục trở nên phổ biến hơn. Vì vậy, trong năm nay các công ty công nghệ đang thử nghiệm các thiết bị đeo nhỏ hơn, để thu thập nhiều dữ liệu chi tiết hơn về sức khoẻ của chúng ta.

Oura, một công ty công nghệ sức khoẻ, gần đây đã giới thiệu một mẫu Vòng Oura mới, tích hợp cảm biến theo dõi các chỉ số bao gồm nhiệt độ cơ thể để dự đoán chính xác chu kỳ kinh nguyệt. Tuần này, tại CES (triển lãm thương mại công nghệ ở Las Vegas), Movano, một công ty khởi nghiệp công nghệ sức khoẻ khác, đã ra mắt một chiếc vòng tương tự, kết hợp dữ liệu về nhịp tim, nhiệt độ và các tính năng khác để thông báo cho người đeo về các bệnh mãn tính tiềm ẩn.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế từ lâu đã cảnh báo về những hậu quả tiềm ẩn của công nghệ lĩnh vực sức khoẻ. Nếu không có ngữ cảnh thích hợp, dữ liệu có thể chẩn đoán sai bệnh và biến mọi người thành Người mắc chứng nghi bệnh (hypochondriacs).

4. Xe điện

Ảnh: Chuttersnap | Uplash

Năm ngoái, Tổng thống Biden đã công bố một mục tiêu đầy tham vọng: Một nửa số xe bán ra ở Hoa Kỳ vào năm 2030 sẽ là xe chạy bằng điện chứ không phải chạy bằng khí đốt.

Đáp lại, các nhà sản xuất ô tô lớn đang “tâng bốc” sản phẩm của mình. Tại CES, Ford đã công bố kế hoạch tăng cường sản xuất mẫu xe bán tải chạy điện F-150 Lightning; General Motors có kế hoạch trình làng phiên bản chạy bằng pin của mẫu xe bán tải Chevrolet Silverado. Các nhà sản xuất ô tô khác, như Mercedes-Benz, đã chia sẻ kế hoạch phát hành ô tô điện trong những năm tới.

Trong khi có rất nhiều lời quảng cáo thổi phồng về ô tô điện, những người tìm kiếm các loại xe chạy bằng pin có thể vẫn sẽ bị thu hút bởi Tesla. Bởi người ta vẫn chưa thấy năng lượng mặt trời và các trạm sạc cho ô tô điện được triển khai rộng rãi, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Tesla đã có một khởi đầu thuận lợi vì họ đã triển khai các trạm sạc trong nhiều năm qua.

Bảo Hân
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư