Du lịch trị liệu: Mỏ vàng đang mở

Du lịch trị liệu: Mỏ vàng đang mở

Tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu và sự già hoá dân số khiến lĩnh vực du lịch trị liệu tại Việt Nam được đánh giá là rất tiềm năng.

Cuối tháng 12/2021, việc Goco Hospitality chính thức đặt chân vào thị trường trị liệu Việt Nam hứa hẹn sẽ khiến lĩnh vực du lịch chăm sóc sức khoẻ (wellness) trong nước thêm sôi động. Với doanh thu hơn 4,5 tỉ USD mỗi năm tại hơn 100 dự án wellness resort cao cấp khắp thế giới, Goco Hospitality nhắm đến phân khúc khách hạng sang – những người tìm kiếm trải nghiệm chăm sóc sức khoẻ được cá nhân hoá bằng các phương pháp chuẩn y khoa.

Trong 2 năm qua, nhiều resort cao cấp trên cả nước đã đầu tư mạnh vào mảng trị liệu, chăm sóc sức khoẻ như TIA Wellness Đà Nẵng, Alba Fusion Huế, Amanoi Ninh Thuận, Best Western Premier Charm Resort Hồ Tràm... đan cài các liệu trình chăm sóc, hồi phục sức khoẻ đặc biệt như massage tái tạo năng lượng, tắm khoáng nóng, tham gia các buổi tập dưỡng sinh, thiền, yoga, dã ngoại ngoài trời, vẽ tranh... giúp du khách có cơ hội hiểu và lắng nghe cơ thể mình nhiều hơn.

Du lịch trị liệu: Mỏ vàng đang mở

Các nhà đầu tư về dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đã dành sự quan tâm đặc biệt đến những vùng có mỏ khoáng nóng chất lượng và biến khoáng nóng trở thành ngành kinh doanh sức khoẻ. Ví dụ, dự án Wyndham Lynn Times Thanh Thuỷ (Phú Thọ) đã ghi nhận giao dịch 500 căn hộ khách sạn tiêu chuẩn 5 sao được Tập đoàn Daiwa (Nhật) mua sỉ, nhằm phân phối cho các nhà đầu tư trong nước.

Ngoài ra, trong giới nhà giàu Việt Nam, nhu cầu sở hữu bất động sản kết hợp chăm sóc sức khoẻ, trị liệu cũng tăng nhanh. Đón đầu xu hướng đó, Tập đoàn Sun Group đã chào bán Tổ hợp biệt thự Sun Onsen Village – Limited Edition tại khu vực suối nước khoáng nóng Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh.

“Đây là xu hướng tích cực cho đầu tư du lịch nghỉ dưỡng, vì mức chi tiêu của du khách sử dụng loại hình dịch vụ wellness tại Việt Nam cao hơn 50% so với du khách thông thường”, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotel khu vực Đông Nam Á, nói.

Đáng chú ý, áp dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch và y tế đang dần trở thành xu thế kết hợp đem lại giá trị cao. Công nghệ sẽ giúp ngành y tế tạo lập chuỗi giá trị, chăm sóc sức khoẻ con người từ tất cả các khía cạnh liên quan như thói quen sinh hoạt, ăn uống, tập luyện, bổ sung các chất thiết yếu, phòng bệnh, chữa bệnh... một cách đơn giản, chính xác và ít tốn kém nhất. Các phần mềm có thể kết nối với hệ thống chẩn đoán những chỉ số về chức năng chuyển hoá trong cơ thể và đưa ra lựa chọn các điểm nghỉ dưỡng phù hợp nhất, cũng như lựa chọn điều trị để người bệnh được điều trị tốt nhất.

Du lịch giảm cân cũng là loại hình du lịch chăm sóc sức khoẻ, phù hợp với địa hình thiên nhiên vừa có núi, vừa có biển, hướng đến đối tượng chính là khách Châu Âu.

Nhìn chung, ở Việt Nam, việc khai thác tài nguyên để phát triển du lịch chăm sóc sức khoẻ đã đạt được một số thành công nhất định, góp phần đa dạng hoá sản phẩm, kéo dài thời gian lưu trú cũng như tăng chi tiêu của du khách. Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khoẻ vẫn chưa đa dạng và chưa có nhiều cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đủ tầm cỡ về quy mô, chất lượng để đón khách du lịch, nhất là khách có khả năng chi trả cao.

Du lịch trị liệu: Mỏ vàng đang mở

Du lịch giảm cân cũng là loại hình du lịch chăm sóc sức khoẻ, phù hợp với địa hình thiên nhiên vừa có núi, vừa có biển, hướng đến đối tượng chính là khách Châu Âu
Ảnh: Quý Hoà

Phần lớn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chăm sóc sức khoẻ như spa và tắm nước khoáng, nước nóng tắm bùn, thiền, yoga, làm đẹp... vẫn ở quy mô nhỏ, nhân lực hạn chế, có cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chỉ ở mức đáp ứng nhu cầu cơ bản. Bên cạnh đó, mặc dù có hệ thống cây dược liệu phong phú và nền y học cổ truyền nổi tiếng, song Việt Nam vẫn chưa khai thác tốt để phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khoẻ.

Không ai có thể phủ nhận tiềm năng của thị trường du lịch chăm sóc sức khoẻ. Theo báo cáo của Global Wellness Institute (GWI), từ năm 2017 đến nay ngành du lịch chăm sóc sức khoẻ toàn cầu đã đạt doanh thu 639 tỉ USD và dự kiến tăng lên 919 tỉ USD vào năm 2022. Trong đó, Châu Á là một thị trường tiềm năng khi dẫn đầu cả về số lượng chuyến đi lẫn doanh thu du lịch trong suốt 5 năm qua. Trước khi dịch COVID-19 xuất hiện, mỗi năm người Việt chi khoảng 1 tỉ USD để ra nước ngoài chăm sóc sức khoẻ. Tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu và già hoá dân số khiến lĩnh vực du lịch trị liệu càng trở nên hấp dẫn.

Một tín hiệu vui là sự xuất hiện của ngày càng nhiều thương hiệu quốc tế tại Việt Nam sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp của ngành du lịch chăm sóc sức khoẻ nội địa.

Với sự hỗ trợ từ Goco Hospitality, Best Western Premier Charm Resort Hồ Tràm sẽ mang đến một bộ sưu tập hàng trăm liệu trình chăm sóc sức khoẻ, gói trọn trong trung tâm trị liệu Wellness Center với 9 phân khu đẳng cấp rộng 5.000 m2 gồm trung tâm chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp, nhà hàng thực dưỡng, thuỷ trị liệu, nhiệt trị liệu, yoga Garden, bungalow spa, vườn thiền trên không, hồ bơi tràn khoáng mặn... “Tại đây, các liệu pháp spa sẽ được kết hợp với thiên nhiên như thuỷ – nhiệt trị liệu, tắm khoáng Onsen, liệu pháp kiểm tra sức khoẻ tổng quát bằng đá quý sẽ được áp dụng để nâng tầm trải nghiệm cho du khách”.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư