Xốc lại đội hình doanh nghiệp

Xốc lại đội hình doanh nghiệp

Tăng số lượng doanh nghiệp cỡ vừa và tạo lợi nhuận cho nhóm doanh nghiệp nhỏ.

Làn sóng COVID-19 thứ 4 lan rộng với biến thể Delta cùng các lệnh giãn cách nghiêm ngặt đã “giáng đòn” mạnh lên hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp khu vực phía Nam, khiến mọi hoạt động gần như tê liệt trong tháng 8 và 9. Hậu quả tất yếu là GDP quý III/2021 âm 6,17%, mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính toán và công bố chỉ số quý đến nay, khiến GDP cả năm 2021 chỉ đạt 2,58% sau nhiều năm tăng trưởng cao trên 6%.

Cân bằng cấu trúc lệch

Từ mục tiêu “Zero COVID”, Chính phủ xác định phải sống chung với COVID-19 với nhiều giải pháp phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, dịch bệnh càng bộc lộ rõ những điểm yếu của nền kinh tế, vốn đã kéo dài trong nhiều năm qua. Đó là việc triển khai cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 vẫn còn hạn chế. Mô hình tăng trưởng có thay đổi nhưng còn chậm, tốc độ tăng năng suất lao động thấp; công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị; khu vực tư nhân phát triển chưa tương xứng với quy mô và độ mở của nền kinh tế; mức độ phụ thuộc vào khu vực kinh tế nước ngoài chưa giảm... Vì thế, tái cơ cấu nền kinh tế sau đại dịch không chỉ để phục hồi tăng trưởng, mà còn là cơ hội để giải quyết căn cơ những điểm yếu này.

Theo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam hiện có khoảng 1,4 triệu doanh nghiệp đăng ký. Tuy nhiên, phần lớn nằm trong lĩnh vực dịch vụ, trong đó tập trung bán buôn, bán lẻ và sửa chữa nhỏ, với giá trị gia tăng rất thấp. Trong khi đó, ở lĩnh vực công nghiệp xây dựng, số lượng doanh nghiệp đăng ký còn thấp hơn; ở lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản mỗi năm chỉ có chưa đến 2.000 doanh nghiệp thành lập.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 98% doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ. Như vậy, chúng ta thiếu vắng doanh nghiệp cỡ vừa trong nền kinh tế, trong khi chính nhóm doanh nghiệp này có nhiều tiềm năng để trở thành doanh nghiệp lớn, có khả năng đầu tư R&D, tăng quy mô... “Do đó, việc tái cơ cấu nền kinh tế cần quan tâm chính sách hình thành doanh nghiệp cỡ vừa, không thể để cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam lệch như hiện nay”, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam đề xuất.

Sinh khí cho SME

Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019, doanh nghiệp siêu nhỏ thua lỗ tới 71.300 tỉ đồng, doanh nghiệp nhỏ thua lỗ khoảng 3.400 tỉ đồng, nhưng doanh nghiệp vừa có lãi 27.100 tỉ đồng, doanh nghiệp lớn lãi 937.400 tỉ đồng. “Muốn có một khu vực doanh nghiệp bền vững, đóng góp cho nền kinh tế một cách bền vững, chúng ta cần phải chú ý đến khả năng tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ”, ông Bình nhấn mạnh.

“Để duy trì linh hoạt cho nền kinh tế phục hồi và cho phép nền kinh tế vận hành ngay khi mở cửa, cần đảm bảo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và siêu nhỏ tồn tại để không đứt gãy chuỗi cung ứng”, Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh) đề xuất. Bởi lẽ, SME chiếm hơn 93,7% số doanh nghiệp ở Việt Nam và hiện tạo ra việc làm nhiều nhất.

Có thể nói, lực lượng này chính là “luồng sinh khí” cho nền kinh tế vận hành. Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp này đang chịu nhiều thiệt hại và dễ bị tổn thương hơn các doanh nghiệp lớn. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức khoẻ của SME càng suy yếu, thậm chí kiệt quệ.

Ông Phạm Việt Anh, chuyên gia tư vấn tăng trưởng doanh nghiệp cho rằng, trong ngắn hạn, các chính sách hỗ trợ tín dụng cho nhóm SME dẫu cần nhưng không thực sự thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng do tính rủi ro thanh toán cũng như các khoản nợ có bảo đảm của nhóm này là rất thấp so với những doanh nghiệp lớn. Chính sách hữu hiệu hơn là giảm thuế, hợp pháp hoá một mức thuế đặc biệt cho nhóm này, thay vì áp một mức thuế chung cho tất cả các doanh nghiệp. Ví dụ, 15% thuế thu nhập áp dụng cho doanh nghiệp có quy mô doanh thu dưới 20 tỉ đồng/năm và 18% từ trên 20 tỉ đồng đến 500 tỉ đồng/năm...

Theo ông Phạm Việt Anh, giảm thuế cho SME, qua đó sẽ khuyến khích đầu tư và tạo việc làm cho xã hội lâu dài. Bởi vì, nhóm doanh nghiệp này tại Việt Nam ngày càng suy yếu. Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có tổng lợi nhuận trước thuế trong cả giai đoạn 2011-2018 luôn âm. Theo thống kê trong 15 năm (2005-2019), tỉ lệ giá trị tăng thêm của khu vực doanh nghiệp tư nhân so với GDP chỉ tăng 1,2% (từ 8,5% năm 2005 lên 9,7% năm 2019).

Chính phủ và bản thân các doanh nghiệp cần xem đại dịch là một cơ hội để nhìn lại bản thân, xác định hạn chế yếu kém, thực hiện cải cách sâu rộng để đảm bảo năng lực cạnh tranh trong dài hạn. Động lực để doanh nghiệp nhận được hỗ trợ là phải đạt được các mục tiêu về môi trường, xã hội và quản trị, chứ không chỉ lợi nhuận, bao gồm cải tiến liên tục trong việc giảm phát thải khí nhà kính, tiêu thụ điện, chất thải thực phẩm và ứng dụng năng lượng mặt trời...

Hay thông qua số hoá, doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường lớn hơn và vươn ra khu vực. Các hình thức đầu tư có trách nhiệm và tầm nhìn đó hoàn toàn có thể triển khai ở Việt Nam, khuyến khích sản xuất không chỉ có trách nhiệm hơn, mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn hơn trong dài hạn cho nền kinh tế.

Hải Đăng
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư