Tái cơ cấu kinh tế trên lưng kỳ lân

Tái cơ cấu kinh tế trên lưng kỳ lân

Sự xuất hiện của các kỳ lân gợi ra lời giải cho bài toán thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế.

Ví điện tử MoMo hoàn thành vòng gọi vốn Series E 200 triệu USD từ Mizuho, Ward Ferry và các nhà đầu tư toàn cầu, định giá vượt 2 tỉ USD, trở thành một trong những kỳ lân công nghệ của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đã sở hữu 4 kỳ lân gồm VNLife, MoMo (fintech), VNG, Sky Mavis (game).

Kỳ lân mới xuất hiện

Sự xuất hiện của kỳ lân mới cho thấy dư địa phát triển khởi nghiệp ở Việt Nam còn rất lớn. Dự báo trong 10 năm tới, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam sẽ phát triển rất mạnh và mục tiêu phấn đấu có 10 kỳ lân công nghệ dù khó khăn nhưng hoàn toàn khả thi.

Sự xuất hiện của kỳ lân mới cho thấy dư địa phát triển
khởi nghiệp ở Việt Nam còn rất lớn.
Ảnh: TL

Sự xuất hiện của các kỳ lân cũng gợi ra bài toán cần giải để thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế. Đó là mô hình kinh tế tương lai, hướng đến phát triển kinh tế xanh và kinh tế số; nâng cao tương tác quốc gia, khả năng cạnh tranh, khả năng hợp tác, vị thế trong chuỗi giá trị; phân bổ lại nguồn lực phát triển ở tầm quốc gia, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin.

Đây là chiến lược được đặt ra trong bối cảnh Việt Nam không chỉ tìm hướng hồi phục sau dịch bệnh, mà còn tìm mô hình tăng trưởng mới. Kinh tế số đang nổi lên như một lựa chọn để đi tắt của Việt Nam nhằm bắt kịp cách mạng 4.0.

Kinh tế số không chỉ tạo ra quy mô và tốc độ tăng trưởng cho nền kinh tế, mà còn khiến cho các nền kinh tế thay đổi về chất. Cụ thể, các nguồn lực phát triển mới là tài nguyên số, của cải số đang dần được công nhận và có nhiều đóng góp bên cạnh tài nguyên truyền thống. Thậm chí, tài nguyên số còn cho thấy sự tăng trưởng bền vững trong tương lai bởi nó giải quyết được các vấn đề về môi trường, lãng phí và tạo ra nghề nghiệp mới.

Đáng chú ý, đã có những con số lạc quan trong hướng đi này mà câu chuyện của 4 kỳ lân là điển hình. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, trong năm 2021, tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, truyền thông (ICT) đạt 136,153 tỉ USD, tăng hơn 11,4 tỉ USD so với năm 2020 (đạt 124,678 tỉ USD). Như vậy, trong những năm qua, doanh thu lĩnh vực này đã liên tục tăng trưởng. Dù các doanh nghiệp có vốn FDI vẫn chiếm tỉ lệ chủ yếu (hơn 86%), nhưng doanh thu của các doanh nghiệp Việt Nam năm qua đã tăng mạnh so với những năm trước.

Dịch bệnh trở thành động lực lớn cho chiến lược chuyển đổi số tại Việt Nam. Theo báo cáo do Google, Temasek và Bain & Company mới công bố, nền kinh tế số Việt Nam năm 2021 dự kiến đạt 21 tỉ USD, tăng 31% so với năm 2020. Con số này sẽ đạt 57 tỉ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) 29%. “Sự điều chỉnh mới cho dự báo về nền kinh tế internet của Việt Nam đến năm 2030 cho chúng ta thấy tiềm năng to lớn của đất nước khi Việt Nam tăng tốc chuyển đổi số”, bà Trâm Nguyễn, Giám đốc Google phụ trách thị trường Lào, Campuchia và Việt Nam cho biết.

Lực đẩy của kinh tế số

Việt Nam đặt mục tiêu phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số đạt số lượng 100.000 doanh nghiệp vào năm 2025. Theo đó, đến năm 2025, cả nước có ít nhất 10 địa phương đạt doanh thu từ công nghệ thông tin trên 1 tỉ USD.

Có thể nói, các kỳ lân mang bộ mặt của nền kinh tế số tương lai. Ở đó, công nghệ giúp giải quyết những bài toán hiện tại về quá tải hạ tầng, cạn kiệt tài nguyên. Các startup mở ra những mô hình kinh doanh mới, có thể nhanh chóng vươn ra toàn cầu bằng các nền tảng fintech, eSports, EdTech, eCommerce...

“Đại dịch cũng thúc đẩy hành vi người tiêu dùng theo chiều hướng có lợi hơn cho MoMo khi ngày càng nhiều người dùng chọn các phương thức thanh toán không tiền mặt và nhu cầu chuyển đổi số của đối tác trong hệ sinh thái ngày một gia tăng và trở nên cấp thiết hơn”, ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, đồng Tổng Giám đốc MoMo cho biết.

TP.HCM mới phát triển chương trình đào tạo 500 startup, thúc đẩy các doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD, đi đến
cuối con đường khởi nghiệp là IPO.
Ảnh: thoidai.com.vn

Theo chỉ số kỳ lân toàn cầu (The Global Unicorn Index) năm 2021 do Viện nghiên cứu Hurun, trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc) vừa công bố, tính đến cuối tháng 11/2021, thế giới có 1.058 kỳ lân (được định giá từ 1 tỉ USD trở lên). Tổng cộng, 42 quốc gia có ít nhất 1 kỳ lân. Trong đó, Mỹ dẫn đầu thế giới khi có tới 487 kỳ lân, chiếm 46%. Tiếp theo là Trung Quốc và Ấn Độ.

Để đẩy nhanh tốc độ “ươm mầm kỳ lân”, TP.HCM mới phát triển chương trình đào tạo 500 startup, thúc đẩy các doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD, đi đến cuối con đường khởi nghiệp là IPO (chào bán lần đầu ra công chúng). Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm SIHUB cho biết: “Trong 3 năm tới, chương trình dự kiến phát triển thêm khoảng 2.000-3.000 doanh nghiệp quan tâm và có tiềm năng để đào tạo IPO. Trong số này dự kiến có khoảng 200-300 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn để IPO”.

Chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank – Jacques Morisset nhận xét: “Năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam chỉ quanh mức trung bình, nhưng đại dịch đã làm thay đổi cuộc chơi đối với khu vực tư nhân. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nắm bắt công nghệ để tạo điều kiện thuận lợi cho làm việc từ xa và tiếp cận khách hàng trong thời gian giãn cách xã hội và hạn chế đi lại”.

Ở khu vực Đông Nam Á, có thêm nhiều công ty khởi nghiệp trở thành kỳ lân nhờ nguồn vốn mạnh mẽ từ thị trường cổ phần tư nhân và sự gia tăng tầng lớp trung lưu. Theo Credit Suisse, chỉ riêng trong năm 2021, 19 công ty khởi nghiệp trong khu vực này đã tăng định giá lên trên 1 tỉ USD. Credit Suisse cho rằng, một số quốc gia ASEAN gồm 6 nước như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam có nhân khẩu học trẻ nhất trên thế giới, có nghĩa là khu vực này có khả năng sẵn sàng áp dụng các công nghệ mới hơn. Đây cũng là mảnh đất nuôi dưỡng tiềm năng thế hệ kỳ lân tiếp theo.

Minh Phúc
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư