Ngũ hổ lãi tỉ USD

Ngũ hổ lãi tỉ USD

“Câu lạc bộ lãi tỉ USD” ghi nhận sự trỗi dậy của các doanh nghiệp tư nhân, nhanh chóng soán ngôi vị của khối doanh nghiệp nhà nước.

Đã xuất hiện 3 cái tên mới trong câu lạc bộ lãi tỉ USD. Đặc biệt trong danh sách này, có đến 4/5 doanh nghiệp là doanh nghiệp tư nhân.

Sự trỗi dậy của ngân hàng tư nhân

Trong danh sách lãi tỉ USD năm nay, có đến 3/5 cái tên thuộc về nhóm ngân hàng, mặc dù nội bộ ngành ngân hàng đã có nhiều thay đổi thứ hạng so với năm 2020. Cả Quán quân và Á quân trong bảng xếp hạng ngân hàng năm trước là Vietcombank và VietinBank đều để mất thứ hạng trong năm nay, và đây là hình ảnh tiêu biểu về việc trỗi dậy của ngân hàng tư nhân trong vài năm trở lại đây. Sự năng động trong chiến lược quản trị và marketing, thế mạnh từ nguồn vốn CASA (tiền gửi không kỳ hạn) đã giúp nhóm ngân hàng năng động có lợi thế hơn trong việc cạnh tranh thị phần với nhóm ngân hàng quốc doanh.

Techcombank có năm thứ 2 dẫn đầu toàn ngành về CASA (tiền gửi không kỳ hạn).

Nói về CASA, Techcombank tiếp tục gây bất ngờ khi vừa công bố mức CASA kỷ lục 50,5% trong năm 2021. Đây đã là năm thứ 2 Techcombank dẫn đầu toàn ngành về CASA (năm 2019 đứng thứ 2, chỉ sau MB). Mặc dù CASA của Techcombank vẫn hay được nhắc đến, nhưng mức 50,5% thật sự đã gây bất ngờ cho giới phân tích. Sự ngỡ ngàng chưa dừng lại khi ngân hàng này cho rằng mức CASA năm nay vẫn chưa phải là đỉnh.

“Mức CASA 50,5% chưa phải là đỉnh. Techcombank đặt mục tiêu CASA lên tới 55% và sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới”, ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp Tài chính doanh nghiệp Techcombank nhận định.

Lợi thế từ CASA đã giúp Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 23.200 tỉ đồng, tương ứng 1,02 tỉ USD (tăng trưởng 47,1% so với cùng kỳ năm trước), giúp ngân hàng này lần đầu tiên lọt vào “câu lạc bộ lãi tỉ USD”.

Tổng thu nhập hoạt động (TOI) của Techcombank đạt 37.100 tỉ đồng, trong đó thu nhập ngoài lãi đạt 7.700 tỉ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ, nhờ vào hoạt động bancassurance, ngân hàng đầu tư và dịch vụ thanh toán.

Góp phần không nhỏ vào thành tích này là tư duy đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động kinh doanh của Techcombank. Ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank cho biết: “Techcombank không ngừng tập trung vào chuyển đổi và đầu tư vào công nghệ số để đáp ứng nhu cầu của tập khách hàng ngày càng tăng nhanh, góp phần tiếp tục thúc đẩy giá trị giao dịch ngân hàng điện tử, tăng ở mức ấn tượng 81%”.

Sau khi bán 49% FE Credit, VPBank vẫn sẽ tập trung vào tài chính tiêu dùng và xem đây là một trong những trụ cột kinh doanh chính của ngân hàng.

Hầu hết tất cả các công ty chứng khoán cũng đều dự báo lợi nhuận năm 2022 của Techcombank tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, với những gì thể hiện trong quá khứ, khả năng cao không chỉ lợi nhuận trước thuế, mà ngay cả lợi nhuận sau thuế của Techcombank cũng sẽ chạm mốc tỉ USD trong năm sau. Đáng chú ý, nếu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kép xấp xỉ 20% trong 10 năm qua và ROE bình quân luôn trên 20%, không loại trừ khả năng ngôi vị quán quân lợi nhuận ngân hàng năm sau sẽ gọi tên Techcombank, khi khoảng cách giữa “anh cả” Vietcombank và Techcombank đang ngày càng thu hẹp.

Mặc dù Techcombank gây khá nhiều bất ngờ cho giới phân tích, nhưng cái tên gây ngỡ ngàng nhất trong nhóm lãi tỉ USD năm nay lại là VPBank. Kết thúc năm 2021, VPBank (ngân hàng mẹ) ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 38.000 tỉ đồng (1,67 tỉ USD), gấp 4 lần so với năm trước, giúp lợi nhuận của VPBank vượt qua cả Vietcombank. Đáng chú ý, mức lợi nhuận này phần lớn được đóng góp từ thương vụ M&A FE Credit đình đám khi VPBank thu về 1,4 tỉ USD từ việc bán 49% cổ phần của công ty con FE Credit cho Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMBC).

FE Credit hiện chiếm một nửa miếng bánh cho vay tiêu dùng, bỏ xa doanh nghiệp đứng thứ 2 là Home Credit (18%) và HD Saison (11%). Với vị thế độc tôn, FE Credit được định giá khi bán ở mức 2,8 tỉ USD, khá thú vị khi mức định giá này còn cao hơn cả vốn hoá của nhiều ngân hàng đang niêm yết như HDBank, OCB, LienVietPostBank...

Với 1,4 tỉ USD, đây là thương vụ M&A có quy mô lớn nhất ngành tài chính Việt Nam, thậm chí Ban lãnh đạo VPBank cho rằng FE Credit còn có thể bán với giá cao hơn. “Nếu IPO thì FE Credit có thể định giá tới 4 tỉ USD, nhưng VPBank quyết định hợp tác với SMBC để tối ưu nguồn vốn rẻ và kinh nghiệm của họ nhằm tiếp tục phát triển FE Credit lên những tầm cao mới”, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank nói.

Sau khi bán 49% FE Credit, VPBank vẫn sẽ tập trung vào tài chính tiêu dùng và xem đây là một trong những trụ cột kinh doanh chính của ngân hàng. Định hướng tập trung vào lĩnh vực cho vay tiêu dùng và cho vay bán lẻ đã giúp lãi suất cho vay của VPBank luôn cao hơn đáng kể so với các ngân hàng khác, đồng thời giúp ngân hàng tư nhân này duy trì vị trí dẫn đầu về NIM (tỉ lệ thu nhập lãi thuần) trong toàn hệ thống.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) phân tích: “Với tỉ trọng cho vay tiêu dùng chiếm trung bình 20% trong tổng danh mục cho vay cùng tỉ lệ cho vay bán lẻ cũng chiếm hơn 46%, lãi suất cho vay trung bình của VPBank cao hơn đáng kể so với trung bình ngành, luôn đạt trên mức 14% kể từ năm 2017. Điều này dẫn tới NIM của VPBank luôn dẫn đầu ngành với mức trung bình luôn trên 8,5% so với trung bình ngành khoảng 5%”.

Lợi nhuận trước thuế của Vietcombank được dự báo sẽ tăng tối thiểu 12% so với năm 2021.

Tuy nhiên, nếu không tính khoản lợi nhuận đột biến của FE Credit, thì quán quân lợi nhuận ngân hàng năm 2021 vẫn sẽ thuộc về Vietcombank. Ngân hàng quốc doanh hiếm hoi trên bảng xếp hạng ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 27.375 tỉ đồng, tương ứng 1,2 tỉ USD, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ.

Trong năm 2021, Vietcombank tập trung kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng. Đáng chú ý, ngân hàng đã trích lập đủ 100% dự phòng của dư nợ cơ cấu theo Thông tư 03, sớm trước 2 năm so với thời hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, tỉ lệ nợ nhóm 2 ở mức 0,34%, tỉ lệ nợ xấu là 0,63%, thấp nhất toàn hệ thống. Đặc biệt, tỉ lệ quỹ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức không tưởng 424%, cao nhất toàn ngân hàng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank, cho biết lợi nhuận trước thuế của ngân hàng được dự báo sẽ tăng tối thiểu 12% so với năm 2021. Tỉ lệ trích lập dự phòng cao và nợ xấu thấp sẽ giúp lợi nhuận của Vietcombank tăng trưởng ổn định trong những năm tới, thậm chí trong trường hợp kinh tế vĩ mô thuận lợi và nợ xấu không quá nghiêm trọng, Vietcombank hoàn toàn có thể ghi nhận mức hoàn nhập dự phòng lớn.

Ở khía cạnh đầu tư, Vietcombank từ lâu luôn nổi tiếng dẫn đầu về chất lượng và hiệu quả kinh doanh đối với nhà đầu tư chứng khoán. Kết quả là định giá cổ phiếu VCB của ngân hàng này luôn được neo ở mức P/B và P/E cao vượt trội so với các ngân hàng còn lại, thể hiện niềm tin mạnh mẽ của giới đầu tư vào cổ phiếu VCB.

Đồng quan điểm, phòng phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta nhận định: “Chúng tôi tiếp tục xem Vietcombank là ngân hàng có chất lượng tốt nhất tại Việt Nam và chúng tôi tin rằng Vietcombank xứng đáng với mức định giá cao hơn so với trung bình ngành”.

Nhìn về năm 2022, do không còn lợi nhuận đột biến từ hoạt động M&A, VPBank có lẽ sẽ tạm thời rời khỏi danh sách lợi nhuận tỉ USD. Trong khi đó, sự cạnh tranh ngôi vị quán quân giữa Vietcombank và Techcombank được dự báo sẽ vô cùng gay cấn.

2 năm thăng hoa của “vua thép”

Trong suốt 2 năm qua, “cổ phiếu quốc dân” có lẽ là cụm từ được nhà đầu tư nhắc đến nhiều nhất khi đề cập tới Tập đoàn Hoà Phát (mã HPG). Sau khi tăng hơn gấp đôi trong năm 2020, cổ phiếu HPG tiếp tục mang lại trái ngọt cho cổ đông khi tăng hơn 50% trong năm nay.

Sự tăng giá này được lý giải bởi mức lợi nhuận cao đột biến của Hoà Phát trong suốt 2 năm qua. Hưởng lợi trực tiếp từ siêu chu kỳ hàng hoá thế giới, vào ngay đúng thời điểm Hoà Phát mở rộng công suất, đã giúp tập đoàn này hưởng trọn lợi nhuận giai đoạn 2020-2021. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của Hoà Phát năm 2021 đạt 37.000 tỉ đồng, tương ứng 1,63 tỉ USD, tăng 1,56 lần so với năm 2020 và là mức kỷ lục toàn ngành.

Tổng sản lượng tiêu thụ thép của Hoà Phát trong năm nay đạt 8,8 triệu tấn thép, tăng 35% so với cùng kỳ, gồm phôi, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), ống thép và tôn mạ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch, các khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát tại Hải Dương, Dung Quất – Quảng Ngãi, Hưng Yên vẫn hoạt động hết công suất. Đặc biệt, xuất khẩu đạt 2,6 triệu tấn sản phẩm các loại, gấp đôi so với cùng kỳ.

Hoà Phát ngày càng tiến gần hơn trong mục tiêu gia nhập 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.

Hoà Phát cũng tiếp tục giữ vững thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng với 32,6% thị phần, số 1 về thị phần ống với 24,7% và là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất được thép HRC. Tuy vậy, đà rơi của giá thép gần đây có thể ảnh hưởng lợi nhuận của Hoà Phát trong thời gian tới, Công ty Chứng khoán SSI dự báo lợi nhuận năm 2022 của Hoà Phát có thể giảm nhẹ 5%. Về dài hạn, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng Hoà Phát ngày càng tiến gần hơn trên con đường gia nhập nhóm 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.

Nhận định này hoàn toàn khả thi, với việc Hoà Phát có kế hoạch triển khai dự án Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất 2, công suất dự kiến đạt 5,6 triệu tấn/năm. Đặc biệt, khi dự án được hoàn thành theo kế hoạch vào năm 2025, tổng sản lượng thép của Hoà Phát sẽ đạt mức khổng lồ 14 triệu tấn/năm.

Kỷ lục gia lợi nhuận

Có lẽ không có một doanh nghiệp niêm yết nào đủ khả năng duy trì việc phá kỷ lục, lập kỷ lục, rồi lại phá kỷ lục của chính mình liên tục như Công ty Cổ phần Vinhomes (mã VHM). Đây đã là năm thứ 4 liên tiếp Vinhomes yên vị trên hàng cao nhất của bảng xếp hạng lợi nhuận toàn thị trường. Sau khi niêm yết và chiếm lấy vị trí số 1 của Vinamilk trong năm 2018, Vinhomes liên tục lập kỷ lục về lợi nhuận và tự phá kỷ lục của chính mình trong 4 năm tiếp theo.

Kết thúc năm tài chính 2021, Vinhomes ghi nhận lợi nhuận trước thuế 48.468 tỉ đồng, tương ứng 2,13 tỉ USD, tăng trưởng 33% so với cùng kỳ. Đây là doanh nghiệp niêm yết Việt Nam đầu tiên và duy nhất có lợi nhuận chạm tới cột mốc 2 tỉ USD.

Đáng chú ý, với kết quả này, Vinhomes chính thức vượt qua cả những tập đoàn khổng lồ chưa niêm yết của Việt Nam như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với 1,98 tỉ USD lợi nhuận, hay Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) với 1,79 tỉ USD lợi nhuận.

Có được kết quả này là do Vinhomes luôn được hỗ trợ từ hệ sinh thái độc nhất vô nhị của Tập đoàn Vingroup, độ nhận diện thương hiệu cao và tốc độ bán hàng nhanh chóng. Đặc biệt, Vinhomes đang sở hữu quỹ đất khổng lồ lên tới 16.800 ha, gấp 3 lần doanh nghiệp đứng thứ 2 là Novaland và bỏ xa các doanh nghiệp bất động sản còn lại. Đáng chú ý, Vinhomes mới chỉ sử dụng 10% tổng quỹ đất, tương ứng 90% quỹ đất vẫn chưa được triển khai, cho thấy tiềm năng tăng trưởng lớn của công ty này trong tương lai.

Đóng góp phần lớn lợi nhuận năm 2021 của Vinhomes đến từ việc bàn giao 3 đại dự án Vinhomes Grand Park, Ocean Park và Smart City. Từ năm 2022, Vinhomes sẽ tiếp tục mở bán các đại dự án mới với quy mô ngày càng tăng.

Ông Douglas Farrell, Phó Tổng Giám đốc Tài chính và Đầu tư Vinhomes cho biết: “Trong vòng 3 năm tới, Vinhomes sẽ tiếp tục phát triển những siêu dự án quy mô hàng ngàn ha trên quỹ đất của mình. Từ năm 2022, động lực tăng trưởng doanh số sẽ đến từ việc mở bán 3 đại dự án mới là Dream City, Wonder Park và Cổ Loa”. Về dài hạn, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng các dự án Vinhomes Green Bay Hạ Long và Vinhomes Long Beach Cần Giờ sẽ là những “bom tấn” và động lực tăng trưởng lớn cho Vinhomes.

Vũ Thiện
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư