Công nghệ 2022

Công nghệ 2022

Những xu hướng công nghệ mở ra các nền tảng hỗ trợ học tập, kinh doanh... sẽ thống trị trong những năm tới.

Các xu hướng công nghệ quan trọng nhất trong năm 2022 chính là xu hướng của những công cụ hỗ trợ doanh nghiệp đắc lực nhất.

Trí tuệ nhân tạo ngày càng phổ biến

Theo ICTVietnam, năm 2020, Việt Nam đứng thứ 76/172 quốc gia về chỉ số sẵn sàng cho trí tuệ nhân tạo (A.I). Những năm vừa qua, A.I được đưa vào nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục, giao thông, tài chính ngân hàng hay thương mại điện tử... Trong Chiến lược quốc gia về A.I, Thủ tướng đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong lĩnh vực này, đồng thời xây dựng thành công 10 thương hiệu A.I có uy tín trong khu vực.

Xu hướng ứng dụng rộng rãi của A.I tại Việt Nam và trên thế giới cùng sự hỗ trợ của Internet vạn vật (IoT) và các mạng siêu nhanh mới xuất hiện như 5G, sẽ kết hợp lại với nhau để tăng cường chính khả năng của A.I. Những điều mà cách đây vài năm không thể thực hiện được sẽ thành có thể với xu hướng hội tụ của công nghệ.

Quỳnh Võ, Giám đốc Phát triển Zone Startups Việt Nam, chia sẻ: “Công nghệ A.I, máy học hay Internet vạn vật sẽ là những công nghệ ‘hot’ trong 5 năm tới. Bởi vì, hiện nay, những ứng dụng của các công nghệ này đã đi vào hoạt động của doanh nghiệp hay đời sống hằng ngày”.

Những ứng dụng đã được sử dụng phải kể đến A.I chatbot của ngân hàng, hay các ứng dụng giúp phát hiện rửa tiền, gian lận và hỗ trợ ra quyết định về tín dụng. A.I trong lĩnh vực thương mại của các sàn thương mại điện tử giúp nhận dạng mã sản phẩm, sinh trắc học trong thanh toán điện tử. Rồi ứng dụng trong trạm thu phí không dừng, trung tâm giám sát điều hành giao thông đường bộ, logistics thông minh, taxi công nghệ...

Đơn cử như ngành ngân hàng. Tại TPBank, trên 80% ứng dụng công nghệ mới đều sử dụng A.I, từ A.I tự động phân tích dữ liệu hành vi khách hàng đến robot ảo. VietinBank có các ki-ốt nhận diện gương mặt, mở tài khoản online, đăng ký khoá thẻ bằng A.I.

Trong giai đoạn cấp thiết của dịch bệnh, ứng dụng A.I giúp truy vết người tiếp xúc, khai báo điều tra dịch tễ... Hay ứng dụng A.I của phần mềm DrAid (VinBrain) giúp chẩn đoán bệnh về phổi, tim và xương dựa trên X-quang, kết hợp cùng xét nghiệm PCR hỗ trợ mạnh mẽ trong công tác phòng chống dịch.

Số hoá và ảo hoá

Trong suốt năm 2020 và 2021, số hoá và ảo hoá như một thử nghiệm cấp bách để đối phó với đại dịch nhưng nó đã trở thành một xu hướng dài hạn. Vào năm 2022, khái niệm “vũ trụ ảo” (Metaverse) trở nên phổ biến hơn. Đó chính là những Metaverse như của Facebook xây dựng, nơi mọi người có thể làm việc, giải trí và giao tiếp xã hội trong khi vẫn ngồi một chỗ. Khi tốc độ số hoá tăng lên, thế giới này sẽ mô phỏng thế giới thực với độ chính xác ngày càng tăng, cho phép chúng ta có những trải nghiệm sâu sắc hơn, thuyết phục hơn và có giá trị hơn trong lĩnh vực kỹ thuật số.

Ông Andy Vũ, Sáng lập và CEO của công ty MBC Blockchain Marketing, cho biết: “Không lâu nữa, thế giới sẽ hình thành các công dân số, khi mỗi người có một ‘nhân dạng số’ trên Metaverse. Hàng loạt hoạt động thường ngày như học tập, đầu tư, mua bán bất động sản, quản trị doanh nghiệp được chuyển dần sang trực tuyến và không có biên giới”.

Thực tế ở Việt Nam, Metaverse đã có từ lâu, đặc biệt trong lĩnh vực game blockchain, nhiều nhà làm game đã nhanh chân tạo ra vũ trụ ảo của mình trước cả Facebook. Axie Infinity, tựa game đình đám của một doanh nghiệp Việt là một ví dụ. Ngoài ra, Elpis Battle, Meta Spatial, My DeFi Pet, Faraland, MeebMaster, Thetan Arena, Sipher, HeroVerse... cũng đang trong quá trình để trở thành Metaverse hoặc tạo nền tảng giúp xây dựng Metaverse.


Nguồn: vietnamese.googleblog.com

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), cho biết các doanh nghiệp trong nước có lợi thế vượt trội trên Metaverse. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, đã có khoảng 600 dự án tokenize do người Việt Nam phát triển ra thế giới. Tại Việt Nam, Metaverse được biết đến nhiều qua nền kinh tế trong game, tổng giá trị vốn hoá các game này đã lên đến hàng chục tỉ USD.

Cuộc cách mạng “không phải lập trình”

Đổi mới và sáng tạo nhưng gặp hạn chế vì thiếu kỹ năng trở thành cơ hội và động lực cho sự bùng nổ cho các giải pháp trung gian – giải pháp “tự phục vụ” hay “tự làm” – giúp những người không có kỹ năng nhưng có khả năng tạo ra sản phẩm như những người có kỹ năng.

Đó là các giao diện không mã hay ít mã (no-code/low-code) sẽ ngày càng phổ biến hơn bởi chúng rất hữu ích cho các công ty, tổ chức nhỏ. Nhất là những công ty muốn tự xây dựng các ứng dụng nội bộ. Excel của Microsoft là một ví dụ, người dùng có thể học cách xử lý dữ liệu mà không cần viết mã lập trình. Việc thiếu kiến thức lập trình, số liệu hay cấu trúc dữ liệu sẽ không còn là rào cản cho việc biến ý tưởng thành hiện thực.

Tháng 6/2021, hãng nghiên cứu thị trường Gartner đưa ra dự báo: “Do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, đến năm 2024, 80% sản phẩm và dịch vụ công nghệ trên thị trường không phải do chuyên gia công nghệ làm ra. Sự bùng nổ của các nền tảng và công cụ không mã với sự hỗ trợ của A.I sẽ tạo nên một thế hệ ‘lập trình viên nhân dân”.

Như OpenAI, một nhóm nghiên cứu do Elon Musk, ông chủ của hãng xe điện Tesla, thành lập và được tài trợ bởi Microsoft, gần đây đã tiết lộ mô hình Codex, một mô hình lập trình có thể tạo mã từ ngôn ngữ nói tự nhiên của con người. Khi công nghệ như thế này được phổ biến cùng hội tụ với công nghệ điện toán, cơ sở hạ tầng đám mây, thì các ý tưởng đổi mới và trí tưởng tượng của chúng ta sẽ không còn bị kìm hãm do thiếu tài nguyên hoặc kỹ năng kỹ thuật.

Ở Việt Nam, một số công ty tự phát triển phần mềm không mã như FPT Software với sản phẩm là akaDev từ năm 2019, miễn phí cho người dùng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp có thể tự làm ra các ứng dụng đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số. Không chỉ có akaDev, có rất nhiều nhóm lập trình no-code tự phát của Việt Nam đã ra đời. Những người lập trình lâu năm và chán xây dựng phần mềm phải chỉnh theo ý của người sử dụng, dẫn đến thay đổi và phá vỡ cấu trúc. Giờ đây, họ đang liên kết lại để tạo ra những sản phẩm phần mềm no-code của Việt Nam để người sử dụng tự làm theo ý của mình.

Chính vì vậy, tại Việt Nam, 2022 có lẽ sẽ là năm chứng kiến sự rót vốn của “cá mập” vào những sản phẩm no-code này nếu chúng tỏ ra có tiềm năng. Hoặc những startup về no-code của các nhóm tiên phong ra đời khi nhu cầu công nghệ hoá ngày một tăng từ các doanh nghiệp Việt Nam.

Bảo Trung
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư