Nền tảng “tám online” hút vốn ngoại

Nền tảng “tám online” hút vốn ngoại

Thành lập chưa đầy 1 năm nhưng OnMic đã tổ chức hơn 15 triệu phút trò chuyện trực tuyến.

Ý tưởng thành lập OnMic đã được Kim Lâm (Giám đốc Kỹ thuật) nhen nhóm từ năm 2018, sau đó, anh cùng Nguyễn Bảo Khánh (Giám đốc Điều hành) và Nguyễn Xuân Trung (Giám đốc Tăng Trưởng) triển khai giữa năm 2021.

Thiên thời, địa lợi

Về cơ bản, OnMic là một nền tảng livestream nhưng chỉ bằng âm thanh (audio) tương tự như đài FM nhưng có nhiều điểm cải tiến như người tham dự và người dẫn chương trình không cần tập trung tại một chỗ, chỉ cần kết nối qua ứng dụng OnMic. Thứ đến, OnMic cho phép khán giả trò chuyện trực tiếp với khách mời thay vì chỉ nghe thụ động.

Việc thiết lập một buổi talkshow qua OnMic cũng đơn giản vì chỉ truyền tải audio nên diễn giả cũng không phải chuẩn bị nhiều về mặt hình ảnh hay nội dung buổi thuyết trình như các hình thức khác. “Đơn giản là một buổi tám chuyện trực tuyến. Chúng tôi nghĩ đến audio vì tính chân thật và tiết kiệm thời gian chuẩn bị cho mọi người như khi làm bằng video”, ông Nguyễn Bảo Khánh, Giám đốc Điều hành OnMic, chia sẻ.

Nhưng ý tưởng đó vẫn trên bản kế hoạch cho đến khi dịch bệnh bùng phát mạnh vào tháng 6/2021, ba nhà sáng lập nhận ra đây là thời điểm không thể tốt hơn để bắt đầu OnMic. Các mô hình tổ chức sự kiện bị ảnh hưởng nặng nề vì các lệnh hạn chế tụ tập đông người không biết khi nào chấm dứt. Bên cạnh đó, trong thời gian giãn cách, con người càng có nhu cầu chia sẻ nhiều hơn.

“Chỉ vài tuần sau khi thành lập, đã có hàng ngàn talkshow được tạo ra trên nền tảng OnMic. Thời điểm ra mắt đúng lúc giúp thị trường chấp nhận vì trong thời gian giãn cách mọi người cần tìm một nền tảng để kết nối nhiều hơn”, ông Khánh nói. Tốc độ tăng trưởng người sử dụng tốt đã giúp OnMic hoàn thành vòng gọi vốn hạt giống từ Touchstone Partners chỉ sau 6 tháng thành lập. Tính đến thời điểm hiện tại, OnMic có gần 30.000 show được mở ra với hơn 15 triệu phút livestream trên nền tảng.

Bài học nhìn từ thế giới

Ở Việt Nam, tạm thời OnMic là đơn vị tiên phong trên thị trường. Ngược lại trên thế giới, dẫn đầu ngành “tám chuyện” trực tuyến đã xướng danh Clubhouse.

Chỉ sau 1 năm thành lập, Clubhouse đang được định giá 4 tỉ USD và các nhà đầu tư đang nghi ngại về việc được đánh giá quá cao của startup này. Thực tế, Clubhouse đang đối mặt với rủi ro cạnh tranh từ các đối thủ khác, người dùng “rơi rụng” dần và vẫn chưa tìm ra mô hình kinh doanh cụ thể.

Cụ thể, việc phát triển quá nhanh đã làm các đối thủ chú ý và công ty đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng đến từ Facebook, Twitter, Spotify và gần đây nhất là Amazon và Discord. Thứ đến là sự cuồng nhiệt từ người dùng đang có dấu hiệu giảm dần. Trả lời phỏng vấn trên Hollywoodreporter, một nhà đầu tư đồng thời là tín đồ của Clubhouse cho biết sự quan tâm của anh ấy với ứng dụng đã bớt đi phần nào khi anh đã có thể gặp mặt bạn bè trực tiếp. Người ta lo ngại rằng tình trạng này sẽ lan rộng và ảnh hưởng đến 10 triệu người sử dụng hàng tuần và cả những người dùng mới của Clubhouse.

Theo App Annie, số lượng người tải ứng dụng Clubhouse toàn cầu trên nền tảng iOS đã giảm từ hơn 2 triệu vào tháng 1/2021 xuống còn 360.000 vào tháng 9/2021. Nền tảng Android cũng giảm dần từ 1,7 triệu vào tháng 5/2021 xuống còn hơn 1 triệu vào tháng 9/2021.

Cuối cùng là mô hình kinh doanh chưa rõ ràng trong khi vẫn phải chia sẻ doanh thu cho các nhà sáng tạo nội dung trên Clubbhouse. Người đồng sáng lập Clubbhouse ông Paul Davison cho rằng có thể thu được từ việc bán vé tham gia sự kiện nhưng các nhà đầu tư vẫn chưa thể yên tâm.

Ở Việt Nam, việc kiếm doanh thu từ bán vé là chưa đủ chính vì thế OnMic đang thử nghiệm một số mô hình để giúp các nhà sáng tạo nội dung có thu nhập từ việc làm nội dung trên OnMic, hiện tại thông qua hình thức hợp tác với các nhãn hàng và quà tặng từ người dùng.

Bên cạnh đó, công ty đang tận dụng nguồn vốn để tăng trưởng nhân sự đồng thời đầu tư phát hành các talkshow riêng. Đây là mô hình phổ biến của các nền tảng nội dung trực tuyến nói chung, họ buộc phải tự phát triển các nôi dung riêng để không quá phụ thuộc vào các nhà sáng lập và tối ưu nguồn thu từ quảng cáo. “OnMic vẫn đang nghiên cứu phát triển thêm một mô hình mới để hỗ trợ nhà sáng tạo nội dung, dự tính sẽ ra mắt trong 3 tháng tới”, ông Khánh cho biết thêm.

Huy Vũ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư