Start không chịu Up

Start không chịu Up

Giai đoạn startup Việt Nam cần thay đổi tư duy trong con đường tiếp cận vốn cũng như thị trường...

Việt Nam đã trải qua 3 thời kỳ startup. Thời kỳ đầu tiên bắt đầu từ những năm 2000, phong trào khởi nghiệp vốn không có một hệ sinh thái nhất định mà chỉ khởi điểm với những cái tên như VNG, NextTech... có chung một mục đích là phát triển thành công ty dẫn đầu trong ngành mà họ theo đuổi. Đến những năm 2007-2014, có thêm một làn sóng khởi nghiệp thứ 2 với một thị trường cạnh tranh hơn. Những nhà sáng lập có xuất thân từ các tập đoàn công nghệ ra làm riêng với các sản phẩm như game, ứng dụng cho người dùng Việt Nam. Điều này chính thức tạo ra cho Việt Nam có một hệ sinh thái khởi nghiệp dù còn rất non trẻ.

Tuy nhiên, từ năm 2015 trở đi, một làn sóng đội ngũ các nhà sáng lập Việt kiều trở về nước với tư duy và tham vọng vươn tầm thế giới và cạnh tranh khốc liệt hơn rất nhiều. Từ đây, nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp ra đời và các doanh nghiệp lớn quan tâm hơn tới các startup. Qua đó, số vốn đầu tư cho những startup mới chính thức tăng vọt mở ra một thời kỳ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam.

Trải qua 3 thời kỳ khởi nghiệp, Việt Nam được đánh giá là một môi trường hấp dẫn đối với nhà đầu tư và thị trường để chuyển đổi số vẫn còn rất lớn. Dù vậy, bản chất của nhiều startup vẫn chỉ là một tổ chức tạm thời, được thiết lập để mưu tìm mô hình kinh doanh và thăm dò mức độ hút thị trường của sản phẩm.

Ông Huỳnh Công Thắng, đồng sáng lập và CEO của InnoLab Asia, đơn vị triển khai và tư vấn về đổi mới, sáng tạo thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết: “Ngoại trừ các bạn sinh viên, những startup Việt Nam hiện nay gần như không phải cần đào tạo bởi về mặt kiến thức họ đã có rất nhiều. Cái startup còn thiếu đó chính là một tư duy, một phương pháp làm bài bản và nhìn mọi thứ ở gốc rễ của vấn đề”.

Từ năm 2018 tới nay, InnoLab Asia đã luôn muốn định hướng cho các startup Việt Nam nhìn được hướng phát triển bền vững. Ông Thắng chia sẻ: “Startup bây giờ khó hơn xưa rất nhiều, các nhà sáng lập cần tư duy nhiều hơn cộng với chiến lược đúng đắn, nếu không sẽ cầm chắc thất bại, mà chính mình cũng không biết tại sao thất bại và không học được bài học gì”.

Ngoài ra, việc quá dễ hài lòng và tự mãn về bản thân cũng là một điểm yếu chết người đối với các startup hiện nay. InnoLab Asia tổ chức rất nhiều chương trình kết nối với các startup tại nước ngoài như Nhật, Hàn Quốc, Malaysia... và điều đáng buồn là ngoài chất lượng startup của họ cao hơn của mình mà họ còn cầu thị hơn rất nhiều.

“Một số startup tại Malaysia dù đã gọi vốn 10-20 triệu USD, đã làm rất bài bản về mặt sản phẩm, chiến lược, nhưng khi tới Việt Nam, họ vẫn niềm nở và tiếp đón các công ty nhỏ hơn rất nhiều và chiến lược đưa ra luôn là muốn đứng trên vai những người khổng lồ và tránh cạnh tranh”, ông Thắng kể lại.

Trong khi đó, không ít startup Việt Nam mới gọi được 1-2 triệu USD đã không muốn nói chuyện với các bạn nhỏ hơn và lại luôn đặt mục tiêu chiến thắng các doanh nghiệp lớn và ít khi có suy nghĩ bắt tay cùng phát triển. Điều này là một suy nghĩ rất sai lầm của một số startup Việt Nam hiện nay.

Thị trường startup Việt Nam đã và vẫn đang là địa chỉ ưa thích của các nhà đầu tư, với 208 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động, trong số đó có gần 40 quỹ đầu tư nội địa. Việt Nam được xem là thị trường có nhiều tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam gây ấn tượng với nhà đầu tư khi có một thị trường năng động, kinh tế tăng trưởng cao, dân số trẻ và ưu tiên sử dụng các dịch vụ số... Những tên tuổi quỹ lớn và tích cực hoạt động trên thị trường gồm VSV Capital, Mekong Capital, 500 Startups Vietnam, Vietnam Investments Group, IDG Ventures Vietnam, Nextrans, Do Ventures, Genesia Ventures...

So với các nước trong khu vực, ngoại trừ Singapore, số lượng quỹ đầu tư tại Việt Nam là không hề thua kém, thậm chí có phần nhỉnh hơn. Năm 2021, số tiền đầu tư cho các startup Việt cũng đạt kỷ lục với 1,35 tỉ USD và Việt Nam đã có thêm 2 startup kỳ lân fintech là MoMo và ví VNPay. Tuy vậy, có một sự thật ít người nhắc tới là năm 2021 chỉ có 147 startup gọi được vốn. Con số này cho thấy, số startup gọi được vốn tại Việt Nam còn ít hơn số quỹ hiện hữu, chứng minh một điều rằng chất lượng khởi nghiệp vẫn còn rất nhiều vấn đề.

Trong khi đó, thay vì chỉ tìm ý tưởng tốt, nhà đầu tư hiện nay trở nên kỹ tính hơn khi lựa chọn những mô hình, ý tưởng tốt, được cụ thể hoá bằng doanh thu và lợi nhuận rõ ràng. Vì vậy, nhiệm vụ chính của startup là phải nhắm con đường của công ty sẽ đi ra sao và sản phẩm phải phù hợp với khách hàng nhất có thể. Startup phải có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, bao gồm cả việc xây dựng nền tảng, quy trình. Do đó, lời khuyên cho các startup Việt Nam là hãy cùng bắt tay với doanh nghiệp cùng ngành và đừng xem xét họ là đối thủ. Bởi doanh nghiệp lớn nhiều kinh nghiệm sẽ giúp startup tiếp cận được thị trường, khách hàng và điều quan trọng nhất chính là học được cách vận hành một công ty thực thụ.

“Hãy biến tổ chức tạm thời của mình thành một doanh nghiệp chính thức và phát triển bển vững”, ông Thắng cho hay.

Bảo Trung
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư