Lực đẩy kinh tế số

Các chuyên gia, nhà quản lý đều xác định kinh tế số là động lực tăng trưởng, phát triển của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng trong giai đoạn tới.

Kinh tế số được xác định là một trong ba trụ cột trong việc chuyển đổi số tại Việt Nam bao gồm Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Dự kiến, đến năm 2025, kinh tế số sẽ đóng góp 20% vào tổng sản phẩm nội địa (GDP) và đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử.

Tại TP.HCM, dù đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống nhưng kinh tế số vẫn có sự vươn lên mạnh mẽ với quy mô 8,27 tỉ USD trong năm 2021. Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TTTT) TP.HCM đánh giá thành phố có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế số khi tỉ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh cao nhất cả nước. Hạ tầng viễn thông, công nghệ phát triển mạnh mẽ, internet – cáp quang phủ 100% phường, xã, thị trấn cũng là điều kiện lý tưởng để kinh tế số phát triển. Số hoá xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực như thương mại, tài chính, giáo dục, y tế…

Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho biết kinh tế số phát triển là nhờ nền tảng dữ liệu, thành phố đang phối hợp với Ngân hàng thế giới để triển khai chương trình tổng thể về chiến lược dữ liệu, quy hoạch phát triển dữ liệu từ nay đến 2025, tầm nhìn 2030. Hai đơn vị đang phối hợp để có những chính sách, cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Dự kiến, đến năm 2025, kinh tế số sẽ đóng góp 20% vào tổng sản phẩm nội địa (GDP) và đến 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử
Ảnh: TL

Ông Lê Trường Duy, tập sự Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM, chia sẻ kinh tế số, chuyển đổi số đang là xu hướng phát triển của thế giới và nhận được sự quan tâm của lãnh đạo nhiều quốc gia cũng như các tổ chức lớn. Hiện nay, nhu cầu hợp tác của các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài với TP.HCM là rất lớn, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, chuỗi cung ứng đứt gãy.

“TP.HCM đang có đề án thúc đẩy hợp tác hiệu quả với các địa phương trên thế giới, trọng điểm là 50 địa phương kết nghĩa với TP.HCM. Trong 5 năm tới, thành phố sẽ chọn ra 12 địa phương ở các quốc gia có mối quan hệ đặc biệt, chiến lược để tập trung thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế số”, ông Duy nói.

Còn theo ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, con số đóng góp của kinh tế số vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố năm 2021 là 14,1%. Mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm 25% GRDP của thành phố, đến 2030 chiếm 40%. Với tốc độ phát triển nhanh như hiện nay thì các mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được.

Với cái nhìn vĩ mô, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2021, kinh tế số đã có sự phát triển bùng nổ, điều này được thể hiện thông qua lượng dữ liệu cực lớn được luân chuyển trên hệ thống internet. Lưu lượng dữ liệu toàn cầu hằng tháng có thể tăng từ 230 Exabyte (năm 2020) lên 780 Exabyte vào năm 2026. Quy mô thị trường internet toàn cầu năm 2021 đạt hơn 381 tỉ USD và dự kiến sẽ tăng lên 1.850 tỉ USD vào năm 2028 với mức tăng trưởng hằng năm đạt 25,4% (giai đoạn 2021 – 2028).

Tại Đông Nam Á, kinh tế internet được dự báo đạt 1.000 tỉ USD vào năm 2030 khi có khoảng 440 triệu người sử dụng internet mua sắm trực tuyến, giao nhận hàng hoá… Những con số này cho thấy nền kinh tế số đang có đầy tiềm năng và triển vọng trong tương lai.

Cũng theo tiến sĩ Phong, Việt Nam đang có khoảng 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, tăng 5.600 doanh nghiệp so với năm 2020 và tăng hơn 18.000 doanh nghiệp so với năm 2019. Nhiều doanh nghiệp công nghệ đã chuyển qua sản xuất các sản phẩm công nghệ 4.0. Các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu của Việt Nam phải kể đến gồm VNPT, Viettel, CMC, FPT… Đây là những đơn vị có đóng góp lớn trong quá trình phát triển chính quyền số, kinh tế số với việc xây dựng các nền tảng số quốc gia.

Ông Phong cho rằng, để thúc đẩy chuyển đổi số phải đồng bộ thể chế số, hạ tầng số, công cụ sản xuất số, thị trường số… nhằm tạo ra một môi trường số lành mạnh, quản lý được các nguy cơ, rủi ro trên không gian mạng. Cả nước đang hướng đến mục tiêu có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2025 với ít nhất 10 doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế và doanh thu hơn 1 tỉ USD.

Mới đây, Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg về phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Việt Nam muốn phát triển nhanh, bền vững và kiên cường trước những thách thức, biến động thì cần dựa vào công nghệ số, dữ liệu số. Kinh tế số sẽ giúp người dân thịnh vượng hơn, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.

Đại Việt
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư