Thế công của Scommerce

Thế công của Scommerce

Cú bứt tốc của scommerce để giành vị trí số 1 trong thị trường giao nhận tại Việt Nam.

Dấu ấn đầu tiên của Scommerce trong lĩnh vực thương mại điện tử là Công ty Giao Hàng Nhanh (GHN), chuyên phục vụ giao hàng last-mile delivery hay còn gọi là giao hàng thương mại điện tử (e-logistics).

Cách đây 10 năm, công ty non trẻ này là đơn vị tiên phong trong ngành e-logistics và chịu nhiều so sánh với các công ty giao hàng thế hệ trước như Viettel Post, VNPost, Kerry, Nhất Tín... “Giao hàng thương mại điện tử rất khác, không như truyền thống là đi từ điểm A đến điểm B hằng ngày, hằng tuần. Thay vào đó là hàng ngàn địa điểm phải giao và chúng thay đổi từng ngày”, ông Lương Duy Hoài, Giám đốc Điều hành Scommerce, giải thích.

Tập khách hàng chính của GHN lúc bấy giờ là các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Sendo và sau này có thêm Shopee. Nhờ thế mạnh về công nghệ nên dù không có người “đỡ đầu” như Giao Hàng Tiết Kiệm (đơn vị sau này được Shopee mua lại) hay lợi thế độ phủ rộng như Viettel Post, VNPost, GHN vẫn nằm trong Top 3 các công ty e-logistics hằng năm.

Bước ngoặt mang tính “độc bản” của Scommerce đến vào năm 2015, đúng 1 năm sau khi Grab gia nhập Việt Nam và bắt đầu đẩy mạnh mô hình xe ôm công nghệ, là tiền đề cho mô hình on-demand delivery (giao hàng tức thời) sau này. Rút ngắn thời gian giao hàng là điều mà khách hàng luôn yêu cầu. Với các thành phố lớn, đôi khi mô hình last-mile khó có thể đáp ứng được vì hàng phải được đưa về kho, chia chọn rồi mới giao cho khách hàng, trung bình phải mất ít nhất 24 tiếng. Trong khi đó, với mô hình on-demand, tài xế sẽ đến thẳng cửa hàng và giao cho người mua, giúp thời gian hoàn thành đơn hàng dưới 2 tiếng đồng hồ.

“Vấn đề là giá thành, on-demand delivery sẽ đắt hơn rất nhiều so với last-mile delivery. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng khi mức sống tăng cao sẽ kéo theo sự tiện lợi và khách hàng sẽ sẵn sàng trả phí cho việc đó”, ông Hoài nói.

Và ông đã đúng. Tính đến thời điểm hiện tại, Ahamove, công ty giao hàng on-demand của Scommerce có số lượng tài xế chạy hằng tháng là 40.000 người. Vận hành ở 7 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Vũng Tàu, Hải Phòng, Đồng Nai và Buôn Ma Thuột. Còn GHN hiện đã phủ khắp 63 tỉnh, thành với hơn 14.000 “chiến binh đường phố” – cách gọi nhân viên giao nhận của GHN.

Năm 2019, Scommerce nhận đầu tư từ Temasek (Singapore) và bắt đầu đa dạng hoá nguồn thu khi giảm dần doanh thu từ các sàn thương mại điện tử và tăng phục vụ nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Từ chỉ chiếm 20-30%, doanh thu từ SME hiện đã chiếm hơn 80% trong cơ cấu nguồn thu của Scommerce.

Theo ông Hoài, tính tổng số lượng hàng hoá giao bởi GHN và Ahamove, Scommerce đang đứng thứ 2 thị trường. Nhưng điều làm vị thuyền trưởng 8x của Scommerce tâm đắc nhất chính là ứng dụng công nghệ đem lại lợi ích cho các bên tham gia. Khoảng 10 năm trước, một gói hàng vận chuyển từ TP.HCM ra Hà Nội mất tầm 1 tuần với chi phí trung bình là 80.000 đồng. Hiện nay, thời gian rút ngắn còn 2-3 ngày với chi phí khoảng 25.000-30.000 đồng.

Ước tính công ty dẫn đầu thị trường giao nhận thương mại điện tử ở Việt Nam vào năm 2030 sẽ có năng suất xử lý 3 tỉ kiện hàng mỗi năm. Vì thế, không chỉ các công ty như Scommerce, Giao Hàng Tiết Kiệm, Viettel Post, VNPost... chạy đua giành vị trí số 1 để đón tiềm năng tăng trưởng lớn của thị trường mà cả các công ty đa quốc gia cũng bắt đầu tham gia giành thị phần với những cái tên như J&T Express (Indonesia), Ninja Van (Hồng Kông), SF Express (Trung Quốc)...

“Cơ hội cho nhóm nội địa vẫn có”, ông Hoài nhận định. Thứ nhất là tính địa phương trong ngành này ở Việt Nam rất cao. Tại hầu hết các nước trong khu vực, khách hàng bán hàng chủ yếu trên các sàn thương mại điện tử nhưng ở Việt Nam lại đa dạng hơn rất nhiều, từ sàn thương mại điện tử cho đến mạng xã hội.

Thứ đến là việc sử dụng tiền mặt, dù đã giảm trong nhiều năm gần đây nhưng nhìn chung Việt Nam vẫn còn cao so với khu vực. Do đó, các mô hình quản lý áp dụng ở các nước sẽ khó phù hợp với thị trường Việt Nam. Cuối cùng là nhân lực. Theo ông Hoài, nhân tài ở các công ty nội địa sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến và thể hiện khả năng hơn so với các công ty khu vực.

Hiểu rõ được thế mạnh của mình nên Scommerce đã có những bước tái cấu trúc mạnh mẽ trong 3 năm trở lại đây khi tạm thời dừng lại các dự án như giao hàng xuyên biên giới (Gido), giao hàng B2B và chỉ giữ lại dịch vụ fullfillment (trữ hàng, vận chuyển hàng để tối ưu thời gian và chi phí giao nhận) cho doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều nền tảng khác nhau.

Việc thay đổi cơ cấu nguồn thu, đẩy mạnh phục vụ khách hàng SME vào năm 2019 cũng nằm trong chiến lược đua đường dài với nhóm ngoại. Với lợi thế về tài chính, nhóm ngoại sẽ tài trợ giá để giành suất giao nhận với các sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam. Một chiến lược đốt tiền đổi thị phần phổ biến và Scommerce không muốn tham gia vào vòng xoáy đó.

Kho xử lý hàng của GHN
Ảnh: TL

Theo ông Hoài, thế mạnh của Scommerce là ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực giao hàng và công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa ra các tính năng phục vụ cho người bán hàng ở Việt Nam. Hiện nay, thương mại điện tử chỉ thâm nhập khoảng 7% thị trường bán lẻ và sẽ tăng lên 20% trong 10 năm nữa. Cùng với tốc độ đô thị hoá nhanh, các thành phố vệ tinh sẽ dần hình thành và là tiền đề cho các dịch vụ giao hàng tương lai xuất hiện. “Scommerce định vị là công ty dịch vụ vận chuyển công nghệ giúp hàng triệu người bán hàng và tạo ra tạo hàng trăm ngàn việc làm. Đó là niềm tin giúp chúng tôi tự tin trong cuộc đua giành ngôi vương ở Việt Nam”, ông nói.

Công Sang
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư