Việt Nam: Thị trường màu mỡ cho app dạy tiếng Anh

Việt Nam: Thị trường màu mỡ cho app dạy tiếng Anh

Thị trường Việt Nam đang là điểm đến của hàng loạt app dạy tiếng Anh, cả trong nước lẫn nước ngoài.

Bên cạnh sự xuất hiện của Babilala, Apax Leaders, Topica Native và các ứng dụng khác, Monkey, một ứng dụng được thành lập năm 2014, đã nhanh chóng trở thành ứng dụng học tiếng Anh cho trẻ em của Việt Nam được nhiều người dùng nhất thế giới. Tại thời điểm tháng 7/2021, số người dùng của ứng dụng này đã vượt mốc 10 triệu. Hàng loạt ứng dụng khác cũng lần lượt xuất hiện và trở thành đối thủ đáng gờm của những ông lớn như ELSA Speak, Duolingo.

Sự xuất hiện của các ứng dụng nhằm đáp ứng nhu cầu học tiếng Anh qua mạng ngày càng tăng. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể về thị trường cho các app dạy tiếng Anh, nhưng theo Markets and Markets, thị trường EdTech (công nghệ giáo dục) toàn cầu sẽ đạt hơn 181 tỉ USD vào năm 2025, từ mức 85,8 tỉ USD của năm 2020.

Tại Việt Nam, người dân không sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2, nên nhu cầu học tiếng Anh rất lớn. Đại dịch COVID-19 càng thúc đẩy sự phát triển của thị trường công nghệ giáo dục. Xu hướng này càng có ý nghĩa khi có đến 70% dân số Việt Nam có độ tuổi dưới 35. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy mô học sinh cả nước năm học 2021-2022 là 23 triệu học sinh, tăng khoảng 1 triệu em so với năm học 2019-2020. Tuy vậy, trình độ tiếng Anh của học sinh còn rất thấp. Năm 2021, Việt Nam chỉ xếp thứ 66/112 quốc gia trong Chỉ số thông thạo tiếng Anh của EF.

Đây là mảnh đất màu mỡ cho thị trường EdTech nói chung và các app dạy tiếng Anh nói riêng phát triển. Hơn nữa, với độ phủ internet ngày càng rộng (đến năm 2025, tỉ lệ sử dụng internet ở Việt Nam ước đạt 81%, theo Statista), số người học tiếng Anh online được dự báo sẽ tăng mạnh.

Kết quả khảo sát của Duolingo cho thấy số người dùng ứng dụng này đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2020-2021 và những người này bỏ ra 17 phút mỗi ngày để học ngoại ngữ. Duolingo có gần 500 triệu người dùng khắp thế giới nhưng có 3% người dùng hoạt động hằng ngày đến từ Việt Nam. Khoảng 5% người dùng mới của Duolingo cũng đến từ Việt Nam, bà Haina Xing, Giám đốc Marketing của Duolingo tại thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á, chia sẻ.

Ảnh minh họa: Quý Hoà

Sau 2 năm giáo dục bị ảnh hưởng bởi COVID-19, việc học tiếng Anh online đã trở thành giải pháp ưu việt cho cả học sinh lẫn người lớn, bởi nó đảm bảo an toàn và không gặp trở ngại về khoảng cách. Chính những yếu tố này đã giúp tạo ra một thị trường hấp dẫn cho các app dạy tiếng Anh từ những công ty trong và ngoài nước. Tại Việt Nam, Duolingo ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc đến 67% về lượng người dùng đang hoạt động từ tháng 1/2021 đến tháng 1/2022. Việt Nam hiện trở thành thị trường lớn nhất tại Đông Nam Á và đứng thứ 2 châu Á chỉ sau Ấn Độ của ứng dụng này.

Kể từ năm 2014 khi thâm nhập thị trường Việt Nam cho đến nay, Duolingo vẫn đang triển khai chiến lược miễn phí nhằm có được một lượng người dùng lớn để trong tương lai sẽ áp dụng cơ chế đăng ký thành viên - một chiến lược mà phần lớn các startup công nghệ hiện nay đều áp dụng.

Nhờ đó, trong một thời gian ngắn, tốc độ tăng trưởng ở Việt Nam của Doulingo đã vượt xa các thị trường khác. Kết quả là Duolingo được xếp hàng đầu trong danh mục ứng dụng học ngoại ngữ tại Việt Nam cả trên Google Play hay iOS App Store.

Hiện doanh thu của Doulingo đến từ 3 nguồn chính: quảng cáo trên ứng dụng cuối mỗi bài học, đăng ký gói thành viên Duolingo Plus để loại bỏ quảng cáo và có khả năng tải xuống các bài học để sử dụng ngoại tuyến và cuối cùng là phí làm bài kiểm tra Duolingo English Test. Các nguồn thu chính này đã góp phần tạo nên tổng doanh thu 250 triệu USD của Duolingo vào năm ngoái.

Dẫu vậy, nhiều câu hỏi cũng đặt ra cho Duolingo. Liệu tốc độ tăng trưởng của ứng dụng này có thể duy trì một khi Công ty cạn tiền, trong bối cảnh giới đầu tư đang mất đi sự hứng thú đối với các mô hình kinh doanh đốt tiền để đổi lấy tăng trưởng? Duolingo sẽ đối phó thế nào trước sự cạnh tranh gia tăng từ các ứng dụng học tiếng Anh đang được đánh giá cao như ELSA, vốn đang được tiếp thêm sức mạnh từ dòng vốn rót của nhà đầu tư. Đầu năm 2021, ELSA đã gọi vốn thành công 15 triệu USD trong vòng Series B. Hay đầu năm nay, Quỹ đầu tư Do Ventures công bố đầu tư vào vòng gọi vốn Series A của Ringle – startup dịch vụ dạy kèm tiếng Anh trực tuyến đến từ Hàn Quốc - nhằm hỗ trợ quá trình mở rộng của Công ty tại thị trường Việt Nam

Trung Nguyễn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư