Năm tăng tốc của TPBank

Năm tăng tốc của TPBank

Mức tăng trưởng 37% so với cùng kỳ trong một năm nhiều biến động cũng là động lực để TPBank đặt ra mục tiêu cao cho năm nay.

TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 8.200 tỉ đồng cho năm nay, được ban lãnh đạo ngân hàng đánh giá là “con số ấn tượng”, bởi ngân hàng đã vượt qua một loạt khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Mức tăng trưởng 37% so với cùng kỳ trong một năm nhiều biến động cũng là động lực để TPBank đặt ra mục tiêu cao cho năm nay.

Lĩnh vực kinh doanh được đánh giá là “mạch máu” của nền kinh tế, ngành ngân hàng nói chung và TPBank nói riêng không tránh khỏi ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của COVID-19 trong năm 2021. Tuy nhiên, trong bối cảnh như vậy, TPBank vẫn duy trì được kết quả tích cực. Việc đầu tư nghiêm túc và bài bản cho chuyển đổi số đã phát huy tác dụng ở thời điểm thị trường khó khăn nhất. Kết thúc năm 2021, TPBank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 6.000 tỉ đồng, vượt kế hoạch đầu năm và tăng 37% so với cùng kỳ.

Điều này sẽ tạo sức bật lớn hơn cho ngân hàng khi nền kinh tế từng bước trở lại bình thường. Đồng thời, việc duy trì tăng trưởng cao trong một năm nhiều biến động như 2021 là tiền đề cho một bước tiến xa hơn để TPBank thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 36%, đạt 8.200 tỉ đồng trong năm 2022.

“Đây là mức tăng trưởng lớn trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của ngân hàng”, Chủ tịch HĐQT TPBank – ông Đỗ Minh Phú khẳng định.

Mặc dù có tỷ lệ an toàn vốn CAR khá cao, nhưng TPBank khá thận trọng khi đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thấp hơn năm trước, trong khi vẫn đặt chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận khá cao, cho thấy ngân hàng đã có định hướng chuyển dịch về cơ cấu thu nhập, bớt phụ thuộc vào hoạt động tin dụng mà đẩy mạnh các nguồn thu nhập ngoài lãi, đặc biệt là tăng thu nhập từ các hoạt động dịch vụ.

Tính đến cuối năm trước, hệ số an toàn vốn CAR của TPBank đạt gần 14%, cao gần gấp đôi mức 8% mà NHNN yêu cầu. Với hệ số CAR ở mức gần gấp đôi quy định theo Basel II và cao hơn đáng kể so với Basel III, theo CEO Nguyễn Hưng, “TPBank có đủ không gian để tăng tỷ trọng tài sản có rủi ro cả trong năm 2022 và các năm sau”.

Trước đó, năm 2021, TPBank được Ngân hàng Nhà nước phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tới 23,4%. Con số này không quá đột biến nhưng cũng thuộc nhóm cao nhất thị trường nhờ việc tăng vốn điều lệ lên gần 16.000 tỉ đồng và hệ số an toàn vốn trong top đầu. Năm nay, TPBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18%, thấp hơn nhiều so với năm trước, là mục tiêu khả thi.

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch TPBank, ngân hàng sẽ tiếp tục kiên định với chiến lược số hoá, chủ động đón đầu xu hướng tương lai, xây dựng kho dữ liệu lớn và áp dụng năng lực phân tích dữ liệu vào hành trình số hoá để luôn đi trước thị trường một bước về chuyển đổi số. “Song song, TPBank tiếp tục đẩy mạnh kinh doanh đa dịch vụ, phát triển cơ sở khách hàng đa dạng, chất lượng, tối ưu chi phí hoạt động, đảm bảo kinh doanh hiệu quả và chất lượng tín dụng an toàn trong năm 2022”, Chủ tịch TPBank chia sẻ thêm.

Không phải ngẫu nhiên mà TPBank được giới phân tích và các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những ngân hàng trong top đầu hiện nay về chiến lược số hoá. “Quả ngọt” nhãn tiền là việc gia tăng số lượng khách hàng cá nhân, với tỷ trọng không nhỏ là phân khúc GenZ, đối tượng thích nghi nhanh nhất với trào lưu số. “Bank tím”, cụm từ hay được dùng để nhắc tới TPBank, là một trong những ngân hàng được ưu thích nhất của giới trẻ.

Nhờ chiến lược này, đến cuối năm 2021, TPBank ghi nhận hơn 5 triệu khách hàng, tăng gần 1.5 triệu khách hàng cá nhân so với cuối năm 2020. Đồng thời, TPBank còn phục vụ hơn 2,4 triệu khách hàng thường xuyên trên các kênh giao dịch điện tử. Kết quả này giúp TPBank là ngân hàng có tỷ lệ giao dịch và số lượng giao dịch qua kênh số hàng đầu, đồng thời cũng là nhân tố chính giúp tỷ lệ tiền gửi thanh toán (CASA) tăng tới 90% trong năm trước, giúp giảm chi phí vốn, giúp ngân hàng có dư địa giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng.

Năm nay, theo CEO Nguyễn Hưng, TPBank cần tăng trưởng mạnh mẽ hơn. TPBank đặt mục tiêu có thêm 3 triệu khách hàng mới, gấp đôi năm 2021, tăng tỷ lệ hoạt động thêm ít nhất 10%, giữ chân khách hàng với những sản phẩm, dịch vụ tốt.

Về quy mô tài sản, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 350.000 tỉ đồng, tăng 20% so với thời điểm cuối năm 2021. Tổng giá trị huy động đạt hơn 292.000 tỉ, tăng 12%, trong đó tiền gửi khách hàng tăng 15%, đạt trên 201.000 tỉ đồng. Là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp trong hệ thống, năm 2022, TPBank tiếp tục đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ này thấp hơn 1,5%. Tiếp nối năm 2021, TPBank cũng tiếp tục triển khai kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ thêm hơn 5.300 tỉ đồng, lên mức 21.143 tỉ đồng, tương đương gần 1 tỉ USD.

Với nền tảng vốn tốt, sức mạnh thanh khoản, mức sinh lời tốt, liên tục mở rộng cơ sở khách hàng bền vững, cổ phiếu TPB là một trong những mã bluechip được nhà đầu tư ưa thích. Báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán đều đưa ra khuyến nghị tích cực với mức giá kỳ vọng cao hơn gần 40% so với thị giá hiện tại.

Kết quả kinh doanh trong quý I mới đây cũng cho thấy những tín hiệu tích cực. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của TPBank tăng hơn 31% so với cùng kỳ, đạt 2.378 tỉ đồng,trong đó, động lực tăng trưởng chính đến từ thu nhập lãi thuần và mảng dịch vụ.

Thu nhập lãi thuần của TPBank đạt 2.831 tỉ đồng tăng 25%, lãi thuần từ dịch vụ tăng trưởng cao hơn với 81%, mang về hơn 511 tỉ đồng. Mảng kinh doanh ngoại hối cũng khởi sắc với lợi nhuận hơn 30 tỉ. Kết quả này giúp TPBank báo lãi tăng hơn 14% trong quý I, đạt 1.623 tỉ đồng.

Hoàng Kim
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư