Xiaomi Made in Vietnam

Xiaomi Made in Vietnam

Thương hiệu công nghệ Trung Quốc đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam phát đi thông điệp quan trọng về sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.

Nhà máy DBG Technology (Việt Nam) vừa ra thông báo về lô hàng đầu tiên của thương hiệu Xiaomi được sản xuất tại Việt Nam. Dự án này do nhà đầu tư DBG Electronics Investment Limited (Hồng Kông) đăng ký với tổng vốn đầu tư 80 triệu USD. Khi đi vào hoạt động, nhà máy dự kiến có sản lượng khoảng 20 triệu chiếc/năm, tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động, doanh thu 110 triệu USD/năm.

Có thể thấy, ngay cả các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang tìm thêm phương án sản xuất bên ngoài để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Bởi vì, việc phong toả xã hội nghiêm ngặt trên diện rộng liên quan tới đại dịch COVID-19 đã làm ngừng trệ hoạt động sản xuất công nghiệp và làm gián đoạn chuỗi cung ứng tại Trung Quốc trong thời gian dài, nhất là khi nước này theo đuổi chính sách Zero Covid. Vì lý do này, mới đây, lần đầu tiên Apple cũng chuyển một phần của khâu sản xuất iPad ra khỏi Trung Quốc sang Việt Nam.

Mặt khác, việc một thương hiệu tại công xưởng thế giới như Xiaomi lại đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam cho thấy rõ xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, vị thế sản xuất công nghệ cao của Việt Nam ngày càng được củng cố. Ông Nguyễn Đức Trọng, đại diện Digiworld, nhà phân phối chính thức của Xiaomi tại Việt Nam, cho biết: “Điều này sẽ giải quyết được các vấn đề nguồn cung hàng hoá trước những thay đổi của đại dịch, đồng thời khẳng định được vị trí của Việt Nam trong cuộc đua sản xuất các thiết bị thông minh”.

Thực tế, Việt Nam đang nổi lên như một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của châu Á về công nghệ. Trong các báo cáo gần đây, Cục Đầu tư Nước ngoài nhấn mạnh có nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được mở rộng với quy mô lớn. Chẳng hạn, dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng vốn thêm 920 triệu USD; dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh (tại Bắc Ninh, Nghệ An và Hải Phòng) tăng lần lượt gần 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện tử (Phú Thọ) tăng 163 triệu USD...

Đây là những con số ấn tượng cho thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ cao tìm cách xây dựng và mở rộng cơ sở sản xuất tại Việt Nam. “Qua trao đổi của HSBC Việt Nam với khách hàng doanh nghiệp đa quốc gia, chúng tôi tin rằng, xu hướng ngày càng nhiều doanh nghiệp toàn cầu chuyển hướng đầu tư đến Việt Nam không phải là tạm thời, mà mang tính chiến lược và lâu dài”, ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cho biết.

Ban đầu, việc di dời một phần sản xuất sang Việt Nam giúp các hãng công nghệ giảm ảnh hưởng trước căng thẳng thương mại Mỹ – Trung
Ảnh: TL

Trong chuyến thăm Mỹ mới đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo các công ty công nghệ lớn như Intel, Apple, Google đều bày tỏ sự quan tâm đến Việt Nam. Intel đã hoàn tất các khoản đầu tư giai đoạn 1 và đang chuẩn bị cho giai đoạn 2. CEO Tim Cook của Apple mong muốn mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam, kéo theo các vệ tinh của hãng này. Mặc dù Apple không có nhà máy sản xuất trực tiếp tại đây nhưng có 31 nhà máy của các đối tác sản xuất thiết bị gốc tại 14 tỉnh, thành của Việt Nam, với khoảng 160.000 lao động.

Ban đầu, việc di dời một phần sản xuất sang Việt Nam giúp các hãng công nghệ giảm ảnh hưởng trước căng thẳng thương mại Mỹ – Trung. Tuy nhiên, Việt Nam ngày càng chứng minh được hiệu quả trong vai trò một “công xưởng” mới tại khu vực. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) nhận định, các chính sách của Việt Nam đã định vị đưa đất nước trở thành trung tâm khu vực về sản xuất công nghệ và chất bán dẫn. Các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Apple, Samsung, LG và Foxconn có sự hiện diện tại đây. Dòng vốn FDI trong lĩnh vực công nghệ vẫn tiếp tục đổ vào với những tên tuổi hàng đầu như Microsoft, Sony, Pegatron, Nokia, Panasonic, Intel và Canon. Việt Nam hiện cũng là một trung tâm R&D gia công phần mềm cho Cisco, Alcatel-Lucent, Toshiba, Hitachi...

Chính phủ Việt Nam mong muốn nền kinh tế kỹ thuật số đóng góp vào khoảng 30% GDP và năng suất tăng trung bình 7,5% hằng năm. Công nghệ đang trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn và đóng vai trò lớn trong xuất khẩu. Quý I/2022, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện ước đạt 13,2 tỉ USD, chiếm 14,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường xuất khẩu lớn của nhóm hàng này chủ yếu vẫn là EU, Mỹ, Trung Quốc trong đó xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện sang Mỹ tăng mạnh tới 17,2%, đạt gần 3 tỉ USD.

Ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu Công nghiệp DEEP C, nhận định: “Dù Trung Quốc vẫn là công xưởng lớn của thế giới nhưng Việt Nam là quốc gia có vị trí tốt và có nhiều lợi thế để trở thành người thắng cuộc trong việc đón nhận dòng vốn của xu hướng Trung Quốc +1”.

Trực Thanh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư