Thời cơ của các chuỗi làm đẹp

Thời cơ của các chuỗi làm đẹp

Sau khi chi hằng trăm tỷ đồng cho chuyển đổi số, các doanh nghiệp làm đẹp hàng đầu Việt Nam có thêm cơ hội thâu tóm thị trường sau đại dịch.

“Từ hai năm nay, ít nhất 5 tập đoàn kinh doanh chuỗi thẩm mỹ làm đẹp thuộc top đầu Việt Nam đã tiến hành M&A gia tăng ngành nghề, lĩnh vực như nail, hair, spa, phòng khám, bệnh viện thẩm mỹ, đồng thời xây dựng đội ngũ phát triển công nghệ lên đến 40 người nhằm chuyển hoá và đơn giản quy trình vận hành nội bộ từ Sale & Marketing, chi nhánh, tài chính, nhân sự… Tập đoàn đầu tư quỹ lương ước tính 2 tỉ đồng/tháng. Sau khi thị trường mở cửa, doanh thu quý II/2022 đã lên gần trăm tỉ đồng/tháng”.

Đó là chia sẻ của ông Dương Nguyễn Hoài Đức, Giám đốc Kinh doanh Công ty Datalytis. Từng phụ trách chính về tiếp thị kỹ thuật số cho hệ thống thẩm mỹ viện top đầu cả nước từ những năm 2016, ông Đức đã chứng kiến cuộc đua kỹ thuật số khốc liệt của các doanh nghiệp ngành thẩm mỹ làm đẹp những năm qua.

Trong giai đoạn giãn cách xã hội, một số tập đoàn thẩm mỹ làm đẹp đã thay đổi tư duy vận hành áp dụng chuyển đổi số kết hợp mô hình kinh doanh mới
Ảnh: TL

Ông Đức cũng ước tính trong gần 3 năm qua, chuỗi thẩm mỹ viện có quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ nhất đã chi gần cả trăm tỉ để xây dựng hệ thống ERP. Đại dịch kéo dài hai năm đã khiến nhiều thẩm mỹ viện thiếu tư duy quản trị và kế hoạch tài chính bài bản phải đóng cửa, nhường lại thị trường cho các đơn vị còn tồn tại. Thêm vào đó, khi việc ra nước ngoài làm đẹp của người Việt vẫn còn nhiều khó khăn, các bệnh viện thẩm mỹ có tiềm lực trong nước đã nhanh chóng nhập khẩu nhiều công nghệ, thiết bị hiện đại để đưa ra các gói trị liệu, chống lão hoá, phẫu thuật thẩm mỹ cao cấp cho đối tượng thu nhập cao.

Ông Dương Nguyễn Hoài Đức nhận định: “Trong giai đoạn giãn cách xã hội, một số tập đoàn thẩm mỹ làm đẹp đã thay đổi tư duy vận hành áp dụng chuyển đổi số kết hợp mô hình kinh doanh mới, theo đó tạo được dòng tiền ổn định, cải tiến hoạt động nội bộ, tạo tiền đề cho sự chuyển đổi, cụ thể như: phát triển mảng kinh doanh mỹ phẩm, kinh doanh thiết bị chăm sóc cơ thể cầm tay và nhượng quyền thương mại”.

Theo quan sát của ông Đức, thời gian qua có ít nhất 2 tập đoàn thẩm mỹ đã đẩy mạnh nhượng quyền với tốc độ rất nhanh, phủ rộng trên khắp cả nước. Hai tập đoàn này quy chuẩn hoá 100% cách vận hành trên nền tảng công nghệ, tập trung vào vận hành sale & marketing – logistics – nhân sự – tài chính – đào tạo nội bộ... Doanh thu đạt được hiện nay tăng gấp 2 – 3 lần so với cách vận hành cũ. Khi tính tới hoạt động nhượng quyền, ông Đức cho rằng nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ các gói đầu tư và cần tìm hiểu kỹ phương án vận hành của chuỗi hệ thống, nhất là khâu nhân sự có nghiệp vụ và công nghệ vận hành.

Trên thực tế, đã có những chuỗi nhượng quyền bị lũng đoạn do không đáp ứng kịp nhu cầu về lực lượng nhân sự có nghiệp vụ, cuối cùng đã phải dừng cuộc chơi. Tuy nhiên, điểm mạnh của nhượng quyền thương mại cho ngành thẩm mỹ làm đẹp là hệ thống quản trị và vận hành được đầu tư bài bản ngay từ đầu, sự thống nhất xuyên suốt từ sale & marketing, tài chính, sản phẩm đảm bảo hồi vốn trong một khoảng thời gian nhất định. Còn điểm yếu của nhượng quyền là do không thể phát triển đa dạng mảng dịch vụ, nên nếu lực lượng nhân sự giỏi nghiệp vụ không ổn định thì sẽ khiến nhà đầu tư mắc kẹt trong chính cơ sở của mình.

Sau khi chi hằng trăm tỷ đồng cho chuyển đổi số, các doanh nghiệp làm đẹp hàng đầu Việt Nam có thêm cơ hội thâu tóm thị trường sau đại dịch
Ảnh: TL

Song song với nhượng quyền, theo ông Đức, trong đại dịch có ít nhất 5 tập đoàn thẩm mỹ làm đẹp và y tế đã thực hiện việc thâu tóm đối thủ, nhằm tạo bước phát triển mới khi thị trường hồi phục. Sau khi thâu tóm, họ thay đổi mô hình kinh doanh theo hướng mở rộng nhiều phân khúc khách hàng, từ bình dân, trung cấp cho đến cao cấp. Một số tập đoàn lấn sân sang mảng y tế như điều trị xương khớp, truyền dưỡng chất hoặc nâng cấp lên bênh viện thẩm mỹ.

Theo báo cáo tài chính được công bố, năm 2019 Thẩm mỹ viện Ngọc Dung dẫn đầu về quy mô doanh thu (76,8 tỉ đồng), tăng 3,1% so với năm 2018, với 21 năm hoạt động có 19 chi nhánh được mở ra trên khắp đất nước. Dù doanh thu và thành tích thuộc dạng khủng nhưng lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này trong năm 2019 giảm 8% xuống còn 3,7 tỉ đồng. Hai cái tên lớn khác trong ngành là Thẩm mỹ Thu Cúc và Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam báo lỗ. Hoạt động lâu năm trong ngành, có đến 17 chi nhánh trên khắp các tỉnh, thành, đạt mức doanh thu 67,1 tỉ đồng nhưng Thẩm mỹ Thu Cúc lỗ hơn 9 tỉ đồng trong năm 2019, tỉ suất lợi nhuận gộp ở mức 19,6%. Tại Kangnam, doanh thu năm 2019 giảm 4,3% xuống còn 61,5 tỉ đồng khiến cho doanh nghiệp này lỗ 1,7 tỉ đồng; tỉ suất lợi nhuận gộp đạt 30,4%, giảm 1,5% so với năm trước.

Cẩm Tú
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư