Marketing Y Tế ở Việt Nam

Vấn đề lớn ở Việt Nam hiện nay là, các vấn đề xã hội nổi cộm như: tốc độ tăng trưởng dân số cao, tốc độ đô thị hóa chóng mặt vượt tầm kiểm soát của các cấp quản lý, mật độ dân số tập trung quá cao ở đô thị, môi trường ô nhiễm trầm trọng, vệ sinh an toàn thực phẩm kém, quản lý y tế còn chưa theo kịp được thực tế, đội ngũ nhân viên y tế thiếu dẫn đến chất lượng điều trị nhiều khi kém, chữa được bệnh A có khi gây phát sinh bệnh B không đáng có. Do đó bệnh tật đang tăng nhanh ở Việt Nam đặc biệt là ở các thành phố lớn. Hiện tại về thuốc chữa bệnh ngoài các nguồn hàng nhập khẩu, Việt Nam đã có hơn 120 nhà máy GMP sản xuất thuốc do đó nhìn chung ngành cung cấp dược phẩm cạnh tranh khá gay gắt, đặc biệt là ở những gam hàng thuốc phổ thông. Marketing dược đã bắt đầu được các công ty trong nước quan tâm hơn kể từ những năm 2000. Còn dịch vụ khám và chữa bệnh hiện nay tình trạng bệnh viện quá tải vẫn phổ biến, vậy nên các nhà quản lý bệnh viện rất chủ quan khi thấy rằng cơ sở của mình đông khách hàng, do đó vấn đề marketing vẫn chưa thực sự được chu trọng đặc biệt trong các bệnh viện công. Các bệnh viện tư do phải tư trang trải chi phí, ít có nguồn bệnh dồi dào từ bảo hiểm y tế, giá dịch vụ thường lại cao hơn nên vấn đề thu hút bệnh đến điều trị là khá khó khăn hơn. Tuy nhiên một thực tế cho thấy với những viện tư lớn làm ăn uy tín và có chú trọng marketing thì lượng bênh có khi còn hơn rất nhiều viện công lớn.

Đều trong ngành y tế nhưng rõ ràng marketing dược và marketing cho bệnh viện và phòng khám có nhiều điểm khác biệt nhau.

Marketing Y Tế ở Việt Nam

1. Marketing dược

Qua rồi những ngày mà công ty sản xuất không đủ bán, ra sản phẩm nào là bán chạy cái đó. Thị trường cần mình hơn là mình cần thị trường.

Ngày nay, một sản phẩm đã từng bán tốt nhưng doanh số tụt giảm nhanh chóng, tại sao? Ra sản phẩm mới cũng với cách làm thị trường cũ mà không bán được, khách hàng không thèm quan tâm đến sản phẩm của công ty…? Tất cả đều bởi vì mật độ cạnh tranh quá cao, và dường như tất cả các sản phẩm điều trị mọi bệnh trên thị trường đều đã có. Cùng một dòng sản phẩm mà có tới hàng chục thậm chí hàng trăm biệt dược cạnh tranh nhau, cho nên công ty chỉ cần lơ là mất cảnh giác là có thể nhìn thấy thị phần của mình bị tụt giảm rõ rệt. Là một biệt dược mới gia nhập thị trường vấn đề lại càng trở nên khó khăn hơn. Chí có marketing mới giải quyết được những vấn đề đó.

Sản phẩm của công ty có cùng hoạt chất, nông độ - hàm lượng không bán được, sao đối thủ canh tranh lại sản xuất không đủ bán? Tất cả chỉ có thể giải thích là đối thủ đã làm marketing tốt hơn.

Thị trường dược phân ra: OTC và ETC lại có tính chất rất khác nhau. Do đó trong khi xây dựng chiến lược marketing cho sản phẩm OTC và ETC rõ ràng có sự khác biệt lớn.

Các công ty Việt Nam bắt đầu quan tâm đến marking dược nhưng vấn đề cơ bản nhất vẫn là: làm như thế nào? Hầu như các công ty làm theo đối thủ và ít định lượng được kết quả của các chương trình marketing mà mình đang làm. Hoặc làm theo các tập đoàn đa quốc gia, các công ty đa quốc gia đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm trong khi các công ty Việt Nam phổ biến là tầm 15 năm. Do đó làm theo các công ty đa quốc gia luôn là đúng! Đây là quan điểm khá thụ động vì thứ nhất chiến lược bắt chước máy móc nhiều khi không phù hợp với tiềm lực cũng như sản phẩm của mình. Thứ hai, là người bản địa các công ty nội địa có ưu thế hơn khi quá am hiểu văn hóa tiêu dùng của người Việt, từ đó có những sáng tạo marketing có khi còn phù hợp hơn cả các công ty đa quốc gia. Một chiến lược marketing không phải luôn đúng cho mọi vùng địa lý!

Marketing Y Tế ở Việt Nam

2. Marketing phòng khám, bệnh viện

Hiện nay ở các bệnh viện công thì gần như chưa được chú trọng, do còn có sự bao cấp của nhà nước và nguồn bệnh bảo hiểm y tế. Ở miền nam hiện nay các bệnh viên công lớn đều có nhân viên tư vấn cho bênh nhân và người nhà, đây là yếu tố làm tăng chất lượng dịch vụ của bênh viện nhằm thu hút bệnh nhân thể hiện tư duy khá là mới mẻ trong quản lý. Ở nhiều bênh viện tư và phòng khám, bắt đầu có quan tâm tới marketing nhưng nhiều khi quan niệm về marketing chưa đúng hoặc ở mức độ đơn giản nào đó. Một số nhà quản lý cơ sở y tế thì lại xem marketing đồng nghĩa với quảng cáo và là công việc của một vài người trẻ tuổi trong tổ chức của mình chuyên "chạy" lo mấy việc đó, không quan trọng lắm, ai làm cũng được.

Hiện tại một số bệnh viện tư lớn đã có phòng marketing riêng và hoạt động khá bài bản, đây là tín hiệu tốt giúp cho ngành y tế tăng chất lượng dịch vụ. Những tổ chức nào thực sự quan tâm tới marketing sẽ lớn mạnh, không quan tâm đến marketing sẽ phá sản hoặc hoạt động ở mức cầm chừng thậm chí thua lỗ triền miên.

Hiện nay với sự bùng nổ của Internet, một số công ty, tổ chức cũng đã bắt đầu quan tâm đến online marketing cho y tế như: sử dụng mạng xã hội, chia sẻ hình ảnh, chia sẻ video, lập các webside công thông tin y tế sức khỏe…. Đây là dấu hiệu mang lại tính năng động cho ngành y tế Việt Nam.

Marketing y tế thực chất là sự kết hợp giữa kiến thức marketing cơ bản với sự am hiểu về lĩnh vực y tế, từ đó đưa ra một chiến lược phù hợp. Tuy nhiên sự kết hợp này không phải ai cũng làm được và nó yêu cầu tính khoa học cũng như sáng tạo cao.

Nguồn BMG