Đồng sáng lập Vulcan Augmetics: “Cánh tay robot là một sản phẩm công nghệ, hãy để người dùng tự hào khi đeo nó”

Đồng sáng lập Vulcan Augmetics: “Cánh tay robot là một sản phẩm công nghệ, hãy để người dùng tự hào khi đeo nó”

Tháng 6/2022, Trịnh Khánh Hạ, co-founder của Vulcan Augmetics, một startup về tay robot cho người khuyết tật thông báo gọi vốn trên một cộng đồng khởi nghiệp. Sau vài câu trao đổi, Khanh Hạ đồng ý trả lời phỏng vấn khi cô có lịch ra Hà Nội để hẹn gặp các nhà đầu tư tiềm năng cho vòng gọi vốn mới. Đây là vòng gọi vốn thứ 4 của Vulcan để chuẩn bị cho đà tăng trưởng về thương mại sau 2 năm COVID-19.

Sinh ra trong xóm bộ đội ở miền quê Phú Yên, nhưng Khánh Hạ lại có một phong cách rất “tây” với mái tóc thẳng suôn dài nhuộm nâu có phẩy highlight, làn da nâu, áo khoét nách, quần suông. Thoạt nhìn Khánh Hạ giống một ca sỹ Philippines hoặc Thái Lan hơn là một cô gái Việt Nam.

Thẳng thắn, cởi mở, mạnh mẽ và tự tin là những gì người đối diện cảm nhận về cô gái này. Co-founder nữ duy nhất trong team Ironman toàn nam, Khánh Hạ kết nối các kỹ sư công nghệ để mang đến cho những người không may mắn trong cuộc sống một cánh tay robot, để họ có thể tự tin bước ra cuộc đời như những người bình thường khác.

* Học cao đẳng về quản lý du lịch khách sạn, điều gì đã đưa Khánh Hạ đi du học ở Anh, một môi trường học tập rất đắt đỏ?

Thế hệ bây giờ các bạn đi du học rất nhiều nhưng với background gia đình em thì đi du học là một giấc mơ.

Em lớn lên trong một xóm bộ đội ở vùng quê Phú Yên, ba mẹ chia tay, em đậu đại học xã hội nhân văn nhưng quyết định học cao đẳng kinh tế đối ngoại ngành quản lý khách sạn vì muốn học nhanh nhất có thể để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Em có cơ hội thực tập tại một resort 5 sao rất đẹp ở Nha Trang với tiền phòng lên tới cả trăm triệu đồng/đêm. Nhưng đi làm một thời gian em thấy rất thất vọng, những gì người khác kỳ vọng mình lại thấy không phù hợp, lúc đó suy nghĩ mông lung không biết mình nên làm gì.

Rất may mắn là trong gia đình em có dì đang ở London và dì hỗ trợ cho mượn tiền đi du học. Lúc em học cao đẳng số điểm rất tốt nên được tuyển thẳng vào đại học bên Anh, em chọn ngành kinh tế vì mình có năng khiếu liên quan đến giao tiếp, ngoại ngữ và có đam mê muốn làm gì đó cho riêng mình.

* Thường những người xuất phát điểm trong môi trường không mạnh về tài chính mà có cơ hội được ra nước ngoài du học, đặc biệt là tại UK – trung tâm tài chính của thế giới thì họ sẽ chọn ở lại làm thuê, tại sao em lại quyết định về Việt Nam khởi nghiệp?

Trong thời gian học tại UK khi tiếp xúc với những người làm trong ngành tài chính em không thấy ai hạnh phúc hết. Cuộc sống của họ chỉ có số má, investment banking có thể là một nghề mơ ước với thu nhập rất cao mà người ngoài nhìn vào thấy họ rất lộng lẫy nhưng em thấy họ không hạnh phúc. Em thích London nhưng em không nghĩ mình sẽ ở đó cả đời. Em đọc rất nhiều sách nên em nhận ra ai cũng chỉ có một cuộc đời thôi, mình nên dành cái gì mà khiến trái tim mình cháy bỏng hàng ngày. Em thích làm cái gì khó, thử thách nhưng đi làm hàng ngày đều hào hứng và hạnh phúc.

Còn về việc tại sao không thích đi làm thuê mà thích khởi nghiệp. Trong quá trình đi học ở bên Anh, đoạn đường từ nhà đến trường rất xa, hàng ngày phải đi tàu điện ngầm cả tiếng mới tới. Trong thời gian đó em đọc rất nhiều sách về khởi nghiệp và được truyền năng lượng, nên ngay từ đầu xác định mình học xong sẽ tìm cách khởi nghiệp. Nhưng khởi nghiệp ở Anh thì rất phi thực tế vì yêu cầu vốn rất cao, nên xác định học xong sẽ về Việt Nam.

* Chưa có kinh nghiệm, không có nhiều vốn, chặng đường khởi nghiệp của Khánh Hạ diễn ra như thế nào?

Khi về Việt Nam, em vẫn chưa có ý tưởng nên muốn tìm một startup trẻ để tham gia vào fouding team.

Ban đầu em tham gia một startup giống như một nền tảng đặt chỗ (revervation platfom), nhưng startup đó chỉ hoạt động tại TP.HCM, nó rất khó để mở rộng thị trường. Em đã trình bày với founder về tầm nhìn của business nhưng anh không lắng nghe, cũng không thấy được vấn đề nên em nghĩ mình nên tự startup.

Lúc đó em quyết định ra đời Boss Lady. Châu Âu có rất nhiều app về shopping, Việt Nam có nhiều hãng nội địa, cửa hàng đẹp nhưng mọi thứ đều nhỏ và manh mún. Em muốn gom mọi người lên 1 platform để khách hàng có thể shopping trên đó. Trong khoảng thời gian ở Anh em có đi làm thêm tại nhà hàng, làm nail, vừa làm vừa học nên cũng tích cóp được một khoản nho nhỏ, khoản tiền đó em dự định nếu không startup thì đi học thạc sỹ.

Khi thành lập Boss Lady, em tự làm hết từ marketing, sale… Lúc đó team có 4 người, làm được 8 tháng thì kẹt vốn, em đã đốt hết hơn 10.000 USD. Khi hết tiền thì phải đi gọi vốn, đó là lần đầu tiên cọ xát với thị trường vốn ở Việt Nam.

Giai đoạn đó, đã có shark đưa ra lời khuyên với em rằng thị trường ecommerce đang đốt tiền rất nhiều, nếu em không có khả năng cạnh tranh thì nên đóng cửa. Em cũng cố gắng thêm 1-2 tháng rồi sau đó mới gặp đội hiện tại.

* Cơ duyên nào đưa em đến team Vulcan Augmetics?

Vulcan Augmetics sinh ra trong một venture builder, nó như một lồng ấp khởi nghiệp với nhiều dự án nhỏ. Em đã được giới thiệu với chị founder venture, khi đó chị muốn tìm một người có thể lead các dự án (project manager). Trong đó có một dự án tên là Ironman, là tiền thân của Vulcan Aumetics. Lúc đó Vulcan có Rafael Masters - founder, Akshay Sharma - CTO người Ấn Độ, 2 kỹ sư và 1 freelancer.

Em gặp đội đó em thấy quá tuyệt vời, ở Việt Nam có một startup làm tay robot cho người khuyết tật, nhưng lúc đó mọi thứ còn quá sơ khai, sản phẩm rất bự, rất nặng và rất xấu.

Em rất thích nhưng em không dám làm vì nghĩ mình không có kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết bị y tế hay hardware, lại vừa thất bại nên sợ nếu lead team mà dự án đổ bể thì sao, nhưng chị founder người Malaysia nói rằng startup này toàn con trai, cần một người có kỹ năng tổ chức rất tốt mới gom lại được. Sau đó, Akshay cho em xem một clip về một bạn mất 2 tay vẫn có thể điều khiển xe máy bằng chân, Akshay nói rằng, “các bạn khuyết tật rất giỏi, rất nhiều tiềm năng nhưng cần tool để tự tin vào bản thân mình, mình là người đang muốn xây cái tool này cho họ”.

Em quyết định tham gia team Ironman, lúc đó là năm 2018, sau đó thành lập công ty và biến thành doanh nghiệp xã hội, em là người đầu tiên fulltime còn các bạn vẫn partime. Sau một thời gian, Akshay là CTO của Vulcan nhưng cũng là CTO của một startup nữa và đến giai đoạn gọi vốn, vì Ironman còn quá trẻ nên anh chọn startup lớn hơn. Khi Akshay rời đi thì em mới nhận lại cổ phần và chính thức trở thành Co-founder còn trước đó tham gia ở vai trò project manager.

* Vì sao em lại chọn làm startup về doanh nghiệp xã hội, trong khi xuất phát điểm ban đầu em muốn có việc làm thật nhanh để phụ giúp gia đình, thông thường những người như vậy họ sẽ chọn một công việc liên quan đến vật chất nhiều hơn?

Đó là cái bản thân em phải đấu tranh hàng ngày. Ngày hôm nay sáng em ngủ dậy em vẫn suy nghĩ là thêm 1 ngày nữa, thêm 1 tháng nữa không gửi tiền về cho ba má. Bằng tuổi mình bạn bè mỗi tháng gửi tiền ít nhất vài triệu cho ba má, với em gửi cho ba vài triệu cũng khó, giai đoạn startup còn mới các co-founder chỉ nhận lương tối thiểu để duy trì cuộc sống của mình thôi. Với em đó là cuộc chiến hàng ngày, phải cố gắng, phải gọi vốn nhanh hơn để thời gian quay lại hỗ trợ ba mẹ sẽ ngắn hơn.

Mình là con gái cũng thích mặc đồ đẹp, nhưng đôi khi cuộc sống quay cuồng khiến mình quên luôn chăm sóc bản thân. Thỉnh thoảng em cũng có suy nghĩ, 5-6 năm làm startup đã phải đánh đổi rất nhiều. Nhưng em tự cho mình thời gian làm startup, nếu thất bại đến năm 35 tuổi mình vẫn có thể quay về làm thuê cho một công ty lớn. Em tự tin khả năng của mình vẫn có thể sẽ tìm được một công việc có thu nhấp tốt, còn tuổi trẻ mình đánh đổi để được làm thứ mình yêu thích, đến lúc không chịu được nữa thì lúc đó mình có con đường khác để chọn. Hiện tại thì vẫn đi theo con đường theo đuổi.

* Vì sao Ironman đổi tên thành Vulcan Augmetics?

Vulcan là tên một vị thần La Mã, ông là thần lửa từ lúc sinh ra đã bị khuyết tật, nên ba mẹ chối bỏ đầy ông xuống đáy biển, một mình không chấp nhận số phận ông tự rèn vũ khí và lập quân đội đánh bại các vị thần khác và sau đó được công nhận. Tinh thần Vulcan là cuộc sống không may mắn nhưng không chịu chấp nhận, vẫn có khả năng tự rèn luyện để thay đổi cuộc đời mình. Với công nghệ mà Vulcan Augmetics đang phát triển, việc mất đi một phần cơ thể sẽ chỉ còn là sự bất tiện,​ không còn là sự bất hạnh nữa.

Còn Aumetics viết tắt bởi 2 từ “Augmentation” nghĩa là làm cho tốt hơn, nâng cấp hơn. Tiêu chí của chúng tôi là luôn nâng cấp công nghệ để cuộc sống tốt hơn, tic là “prosthetics” là ngành tay chân giả. Vulcan bắt đầu là nơi mọi người có nhu cầu cấp thiết nhất nhưng mở rộng ra ngành nâng cấp cơ thể, còn tầng cao hơn là cái mà Elon musk đang làm là neuralink brain chip, công nghệ nâng cấp cơ thể con người. Tầm nhìn của Vulcan là làm tất cả công nghệ khi gắn lên cơ thể con người khiến chúng ta trở nên tốt hơn.

* Không có background về phần cứng và công nghệ, em lead team như thế nào?

Cũng may mắn là em học rất nhanh, thời gian đầu lead đội kỹ sư phần cứng (hardware) khá trầy chật, phải học motor là gì, vận động cơ khí là gì… Sau đó em nhận ra là không cần có backgournd quá mạnh để lead team công nghệ, quan trọng là mình hiểu được cách vận hành team và mục đích làm công nghệ làm gì. Các bạn kỹ sư thường cố nâng cấp công nghệ theo một cách phức tạp nhưng lại quên đi mục đích của nó, nó phải có tính chất thương mại và phù hợp với người sử dụng.

Thực ra Rafael, founder của Vulcan cũng không có background về công nghệ, anh ấy học triết học – philosophy. Trong môi trường giáo dục ở nước ngoài thì được học rất nhiều thứ và một trong những cái đó là trẻ em nước ngoài được chơi lego, được học robot tại trường nên may mắn là Rafael có tư duy về thiết kế rất giỏi. Rafael đã đưa ra những quyết định thiết kế rất hay giúp cho sản phẩm của Vulcan đi nhanh hơn trên thị trường.

* Là một co-founder, vai trò của Khánh Hạ được giao phụ trách là gì?

Giai đoạn đầu từ 2018-2020, em làm thuần về mặt vận hành, tuyển người, tài chính. Từ 2021 trở đi startup đã có đầy đủ giấy phép thì chuyển sang giai đoạn thương mại hoá, em chuyển sang phát triển kinh doanh, còn Rafael tập trung phát triển công nghệ. Ở Việt Nam muốn tìm người có kinh nghiệm bán tay chân giả cũng khó, nên mọi thứ mình đều phải tự bơi, tự kết nối với các bác sĩ, trung tâm phẫu thuật chỉnh hình. Team hiện có 13 bạn fulltime và 8 bạn parttime.

* Trên website của Vulcan định vị sản phẩm của mình không phải là một thiết bị y tế mà là một sản phẩm công nghệ. Vì sao bọn em có ý tưởng như vậy?

Những người khuyết tật khi mua sản phẩm thì họ đang muốn bù đắp sự mất mát, che giấu khuyết điểm của mình, chúng tôi muốn người sử dụng khi mang sản phẩm của Vulcan họ cảm thấy tự hào và tự tin, không cần phải che đi việc mình mất tay mất chân hay bị liệt gì đó. Vulcan mong muốn khi khách hàng mang cánh tay robot giống như một người cần nâng cấp khả năng của họ thôi, giống như bình thường mình mua 1 cái tool, 1 máy khoan, máy tính là để nâng cấp năng suất của mình, mình có thể làm việc hiệu quả hơn. Với tâm thế đó, chúng tôi nghĩ cuối cùng thì người sử dụng sẽ là người có lợi nhất.

* Các sản phẩm của Vulcan Augmetics sản xuất như thế nào?

Hiện tại 1 cánh tay có nhiều bộ phận và nhiều chất liệu khác nhau, khung xương được làm bằng kim loại, bên ngoài có 1 lớp khung 3D, silicon, bộ điện tử… phần điện, chip là mình tự thiết kế nhưng 70% là utsource từ các đối tác gia công bên ngoài, sau đó mang về Vulcan lắp ráp và QC, đóng gói thành phẩm.

* Những người khuyết tật, hoặc là dị tật bẩm sinh còn thường là do tai nạn lao động hoặc tai nạn giao thông, và những người này đa phần là người lao động, không có nhiều tiền. Vulcan giải quyết bài toán giá thành và chất lượng như thế nào?

Vì sao người khuyết tật đa số là người nghèo? 70% bạn khách mất tay đến với Vulcan là vì tai nạn lao động, vì họ đang làm công nhân, họ đang làm cho những cái xưởng không được bảo hộ lao động. Họ đi làm lương 5-7 triệu đồng/tháng thôi.

Thứ 2 nữa là bệnh lý như tiểu đường. Khi mắc bệnh tiểu đường thì sức đề kháng của mình rất thấp, cho nên ví dụ mình bị trầy xước gì đó thì nó rất khó lành. Có nhiều trường hợp bị bệnh tiểu đường 40% là sẽ bị cắt chân, mà không phải cắt 1 lần, ví dụ năm thứ 3 thứ 4 cắt bàn chân, nó cứ ăn tiếp rồi cắt tiếp, rồi ung thư xương…

Còn lại là tai nạn bom mìn tại sống trong những vùng quê nghèo. Rốt cuộc cái vòng luẩn quẩn nghèo khuyết tật rồi nghèo.

So với những tay điện chức năng trên thị trường thì giá bán của Vulcan chỉ bằng 1/3. Có nhiều sản phẩm tay robot trên thị trường của Trung Quốc, Đức, Đài Loan (TQ)… nhưng giá các sản phẩm đó rất đắt. Có những tay điện có giá từ 65 -110-300-500 triệu đồng thậm chí 1 tỷ, đó là tay điện còn so với tay giả khác thì sản phẩm của Vulcan không rẻ hơn, tay thẩm mỹ thì có những găng tay silicon tầm 6-7 triệu đồng/chiếc, những tay cơ điều khiển bằng bả vai có giá mười mấy triệu, còn nếu tay robot ở tầm giá 1 chiếc xe máy khoảng 25-30 triệu đồng/chiếc.

Năm ngoái cánh tay robot của Vulcan bán chạy nhất, được hơn 70 cái tay, với một sản phẩm y tế vừa ra mắt trong mùa COVID-19 thì đó là minh chứng cho sự phù hợp với thị trường.

* Về chức năng, sản phẩm tay giả có giúp người dùng hoạt động được như tay người bình thường?

Mọi người đều kỳ vọng tay giả sẽ dùng được như người bình thường nhưng đó là điều không thể. Hiện tại tay của Vulcan có thể bổ trợ được tầm 40% chức năng của một cánh tay bình thường, nhưng nó ở mức độ là bổ trợ cái tay còn lại. Nghĩa là những việc gì làm bằng 2 tay thì tay Vulcan sẽ hỗ trợ, còn nếu cái gì cần làm bằng 1 tay thì mình làm tay còn lại chứ tự nhiên mình lấy tay Vulcan làm gì, thì mọi người phải hiểu được điều đó khi mua sản phẩm.

Ví dụ: tay Vulcan có thể hỗ trợ người dùng đi xe máy, những công việc hàng ngày như là cầm bát ăn cơm, mở chai nước, khiêng cái vật gì đó… những việc họ làm hàng ngày bằng 1 tay được nhưng nó rất bất tiện thì tay robot giúp cho cuộc sống của họ tiện lợi hơn.

Hoặc tay Vulcan có thể đi tập gym, hiện nay tay Vulcan là tay duy nhất trên thị trường tay giả thế giới có thể tập được gym. Cái đó không phải ngay từ đầu tụi em nghĩ ra mà người sử dụng trong quá trình sử dụng thì mấy bạn đề xuất, tại vì đa số người mất tay là con trai, mà một khoảng thời gian mà họ không tập thì tay còn lại sẽ bị teo, cho nên việc giữ những hoạt động mạnh rất quan trọng để giữ thể hình của họ.

Ngoài tay robot, Vulcan có làm chân robot không?

Thực sự thì trước đó em cũng nghĩ đến việc nghiên cứu chân, nhưng trên thị trường đã có nhiều sản phẩm chân rồi. Vulcan là robotics, nghĩa là có sự kết hợp giữa cơ, điện và software, nhưng chân thì chỉ là sản phẩm thuần cơ khí thôi, tụi em nghĩ khi nhảy vào mảng thuần cơ khí thì nó là cạnh tranh giữa giá và sản xuất, đó không phải là thế mạnh của Vulcan.

Nhưng tụi em có rất nhiều khách hỏi mua chân, nên từ tháng 4/2022 tụi em có tư vấn, giới thiệu khách tới các trung tâm chỉnh hình đối tác, xong rồi mình nhận hoa hồng giới thiệu khách. Cuối năm nay khi gọi xong vốn, có nguồn vốn ổn định thì tụi em sẽ nhập những sản phẩm chân của các hãng khác mà bình thường các trung tâm chỉnh hình tư nhân họ không thể nhập được, để tăng sự lựa chọn chân tốt hơn và rẻ hơn cho người sử dụng.

* Thị trường tay chân giả ở Việt Nam hiện nay như thế nào và em có định đưa sản phẩm ra quốc tế không?

Hiện tại thị trường tay chân giả Việt Nam đang tiến triển rất nhanh, nhưng thiếu rất nhiều nền tảng để phát triển. Có 3 lý do:

Thứ nhất là Việt Nam chưa có chính sách y tế hay bảo hiểm cho những người mất tay chân. Những nước khác chỉ cần mất tay chân sẽ được bảo hiểm và hệ thống y tế lo, cho nên việc mất tay mất chân và được mua sản phẩm hỗ trợ là điều mặc định. Ở Việt Nam thì do khả năng chi trả dẫn đến nhu cầu mua sẽ ít hơn so với những nước khác.

Thứ 2 là đội ngũ lao động của ngành này cũng đang rất ít. Thực sự cũng may mắn là thời gian đầu em mời được chú Lê Tấn Việt Linh là cố vấn kĩ thuật của Vulcan. Chú Linh là chuyên gia chỉnh hình trong ngành lâu năm. Chú làm parttime tại vì chú có cơ sở chỉnh hình riêng của chú, lúc mà thương mại hoá thì chú Linh giới thiệu em cho các trung tâm chỉnh hình còn lại.

Còn em nói chuyện với rất nhiều đối tác trong ngành, họ thấy có nhiều người có nhu cầu sử dụng ở khắp mọi nơi trên cả nước, họ muốn mở thêm trung tâm chỉnh hình ở tỉnh nhưng họ không tìm được kĩ thuật viên chỉnh hình, có chuyên môn về ngành đó để phụ trách.

Nhân lực trong ngành thiếu vì ngành chỉnh hình là 1 ngành cần học 4-5 năm, tốn rất nhiều công sức tiền bạc và trí tuệ nhưng lại chỉ nhận bằng trung cấp, không được đào tạo ở cấp cao đẳng hay đại học. Nên đâu có bạn trẻ nào đi học cái ngành này, nhân sự đa phần là các chú đã có tuổi.

Điều đó dẫn đến người mua sản phẩm này họ không biết tìm thông tin ở đâu, không có ai nói về giá cả, không ai nói về chức năng, mất tay chân rồi thì thôi cứ để vậy, nhiều người mất chân rồi cứ đi, nhảy lò cò cả đời luôn, thì nó vẫn còn rất nhiều khó khăn. Do đó nhu cầu vẫn còn nhiều lắm.

Vấn đề của Vulcan hiện nay là phải ổn định hoá sản phẩm. Cái tay hiện tại chỉ đủ để bán cho thị trường trong nước vì nếu có vấn đề gì về kĩ thuật thì mình có thể ship ngay đồ để thay thế hoặc khách hàng có thể gửi đến sửa chữa và bảo hành rất nhanh, nhưng để xuất khẩu sang nước ngoài thì sản phẩm cần phải ổn định hơn nữa. Cái tay hiện tại có thể dùng được 2-3 năm, nhưng để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài thì phải bền đến mức 5 năm.

Mục tiêu của Vulcan là đầu năm 2023 sẽ xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ. Vulcan xác định là sẽ go global chứ không chỉ bán tại Việt Nam. Hiện tại Vulcan được nhiều công ty phân phối thiết bị ở các nước Châu Phi, Pakistan, có cả Ukraine quan tâm, nhưng mình chưa có ngay lập tức có được các giấy phép để xuất khẩu sang những nước đó, còn Ấn Độ thì tụi em đã sẵn sàng.

* Vulcan đã vượt qua 2 năm COVID-19 như thế nào?

Một cách thành kỳ bằng cách nào đó Vulcan sống sót qua 2 năm COVID-19. Startup vừa ra mắt sản phẩm thì TP.HCM lockdown hoàn toàn, giai đoạn đó chúng tôi phải cắt 50% lương của cả công ty, toàn bộ co-founder không lương, tập trung vào R&D. Nhưng các bạn vẫn ở lại chiến đấu, có những giai đoạn chuẩn bị giao 20 cái tay, cả team dính COVID-19, vừa ho vừa sốt vẫn phải làm việc, rất tội nghiệp. Rồi giai đoạn 3 tại chỗ, có bạn phải ngủ lại văn phòng để hoàn thành tiến độ. Giá thành có những linh kiện chip bình thường có giá 5.000 đồng thì vì COVID-19, vì tắc nghẽn vận tải toàn cầu mà giá thành phẩm tăng lên 500.000 đồng, khi đó đội kỹ sư phải thiết kế lại bản mạch có linh kiện có sẵn tại Việt Nam để kịp thời gian giao hàng, có những thay đổi đến cả chi tiết công nghệ cũng phải thay đổi theo.

Hiện tại thì tụi em vẫn có doanh số hàng tháng, tất nhiên là không đủ cover hết chi phí vận hành, nhưng mà nó đủ để mình cứ tiếp tục mà không bị quá phụ thuộc vào tiền đầu tư. Tụi em vẫn phải đang gọi vốn chứ.

Trong tài khoản công ty còn tâm 6-8 tháng tiền hoạt động, cộng với yếu tố đã có doanh thu, nghĩa là từ đây cho tới 6-8 tháng tới tụi em phải gọi được vốn, nếu không thì có khi cắt lương tiếp. Đó là tình trạng hiện tại. Nhưng tụi em cảm thấy rất tích cực vì sau 4-5 năm, có người đi người vào, thì tới thời điểm hiện tại đây là team ổn định nhất và đoàn kết nhất, giỏi nhất. Mọi người đã biết công việc của mình là gì, em có thể yên tâm nghỉ 2 tuần đi Ba Lan để cưới chồng. Cách đây 3 năm thì em không đủ sự tự tin để nghỉ làm 2 tuần để lo công việc cá nhân của mình. Nhưng mà bây giờ team đang rất ổn định, vận hành tốt, mọi thứ nó đã có guồng rồi thì em thấy mọi thứ rất tích cực.

* Mục tiêu trong thời gian tới của Vulcan Augmetics là gì?

Vulcan dự định gọi vốn 1 triệu USD, định giá công ty ở mức 6,5 triệu USD, đây là vòng thứ 4, vòng đầu tiên Vulcan đã gọi vốn từ quỹ Vietnam Silicon Valley, tiếp theo là quỹ The Ventures của Hàn Quốc, vòng sau là một quỹ Canada.

Sắp tới chúng tôi đặt ra 4 mục tiêu chính:

Thứ nhất là go global, nghĩa là bằng mọi giá phải xuất khẩu ra được thị trường thứ 2. Hiện tại mục tiêu là Ấn Độ, hoặc cũng có thể là Campuchia.

Thứ 2 là đầu tư vào mặt công nghệ nhưng về mặt AI, máy học, software, đó là cái giúp mình có năng lực cạnh tranh thực sự lâu dài. Còn về mặt sản xuất hardware thì nó chỉ ở mức độ đủ để thương mại hóa. Do đó công ty phải đầu tư và build một team software mạnh hơn.

Thứ 3 là cải thiện quá trình sản xuất. Hiện tại Vulcan đang lắp ráp ở bước cuối nhưng mọi thứ vẫn đang rất manual, làm bằng tay, mình muốn tự động hoá một số quy trình một cách hiệu quả hơn. Ví dụ hiện tại mình đang in 3D, nhưng đối với một startup in 3D sẽ không tối ưu về mặt chi phí, thay vào đó cần chuyển sang đúc khuôn, thì đó là cái mình phải làm trong thời gian sắp tới.

Về mặt sản phẩm thì tụi em thấy mình vẫn phải liên tục cải tiến, như là Pin vẫn còn to quá, người ta muốn dùng pin cả ngày mà nó an toàn thì nó phải bự, thì có một số bạn nữ kêu là pin đeo nặng, thì bọn em phải tiếp tục cải thiện pin, công nghệ.

Hiện tại team vẫn đang tuyển dụng một số vị trí senior về tài chính, bởi đội founder đang kiêm nhiệm khá nhiều, cẩn phải bổ sung đội leadership mạnh hơn, ở những mảng mà team founder chưa giỏi.

* Bây giờ là 2022, mục tiêu của em đến 2025 Vulcan sẽ ở đâu?

Em nghĩ 3-5 năm tới khi mọi người nhắc về Vulcan thì sẽ không chỉ dừng lại là một startup sản xuất tay robot, 3-5 năm tới tụi em sẽ là một platform cho tất cả những người khuyết tật mong muốn tìm kiếm sản phẩm phục vụ chức năng, có thể là cho người mất tay mất chân, cho người bị những cái khuyết tật khác có thể scan bộ phận cơ thể mà cần được hỗ trợ.

Vulcan khi đó có thể cho người dùng những lựa chọn đầy đủ thông tin và phù hợp nhất với họ, rồi sau đó họ sẽ biết được giá như thế nào, họ cần tới đâu, quy trình như thế nào và sản phẩm ấy có thể trực tiếp gửi tới nhà của họ và nó là sẽ ở tất cả các quốc gia đang phát triển chứ không phải chỉ ở Việt Nam. Bất kì người khuyết tật nào ở bất kì đất nước nào ở trên các quốc gia đang phát triển có thể vào app của Vulcan tìm một sản phẩm phù hợp với họ và sẽ được giao đến tận nhà. Đó là cái tụi em tưởng tượng về business model và tệp người dùng tụi em sẽ phục vụ sắp tới.

* Sau 10 năm nhìn lại từ 1 cô gái ở Phú Yên, rồi sang London du học, rồi làm co-founder một startup, giống như kiểu Cinderella được đi dự dạ hội. Nếu nhìn lại chặng đường đã qua thì cảm xúc của em là gì?

Hạnh phúc, tự hào. Đặc biệt là trong khoảng thời gian vừa rồi Vulcan Augmetics đang gọi vốn cộng đồng ở trên We Funder, thì trong vòng mấy ngày đã được mấy trăm ngàn tiền đầu tư mà nhiều người trong đó là bạn bè của em.

Em cảm thấy là sao mình may mắn quá, mình được mọi người yêu quý, ba mẹ rất tự hào, yêu thương con gái, có một người chồng đang rất yêu thương, đồng hành và support mọi thứ mình làm, bạn bè, team cũng rất yêu thương mình. Em thấy cuộc sống thực sự rất đẹp. Em hạnh phúc với tất cả những quyết định nhỏ, lớn mà mình đã đưa ra trong 10 năm vừa rồi. Nếu thay đổi gì đó thì chắc chỉ ước là em gặp chồng sớm hơn thôi (cười).

Em cũng không hối hận về những startup trước đó mình đã thất bại, vì đó là những trải nghiệm đáng có, tất cả những ng founder phải trải qua những cảm giác đó, những lúc 1 mình cày hết 1 cái website, app, cày hết mọi thứ, phải trải qua những cái đó thì mình mới quý giá những thành tựu dù lớn hay nhỏ mình có được sau này.

* Em có tự tin startup của em sau này sẽ đạt được hết các mục tiêu đề ra không?

Tự tin cho nên mới làm tới bây giờ. Có những giai đoạn bi quan em đã nghĩ, chặng đường đó là quá đẹp, trong chặng đường đó mình đã giúp được bao nhiêu người, mình đã build được một team rất đoàn kết và mọi người cảm thấy hạnh phúc đi làm hàng ngày, làm một cái gì đó thực sự ý nghĩa với nhau, chặng đường đó đã đẹp rồi cho nên kết thúc như thế nào thì vẫn đáng nhớ.

Châu Cao
Nguồn CafeF