Doanh nghiệp hướng đến “sản xuất thông minh”

Doanh nghiệp hướng đến “sản xuất thông minh”

“Sản xuất thông minh” đã được nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới áp dụng. Thế nhưng, ở Việt Nam thì việc này vẫn còn rất mới mẻ.

Tại Diễn đàn Cách tân công nghiệp – Industry Innovation Forum 2022 với chủ đề “Sản xuất thông minh”, các diễn giả và người tham gia đã đưa ra những giải pháp cách tân công nghiệp tại Việt Nam, giúp nâng cao năng suất lao động.

Đại diện một số doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại diễn đàn thừa nhận, sản xuất tại Việt Nam chưa được gọi là thông minh so với những nước phát triển trong khu vực. Minh chứng rõ nét nhất là từ số lượng bằng sáng chế. Trong năm 2021, Việt Nam chỉ có vài chục bằng sáng chế, trong khi đó, mỗi nước phát triển có từ 15.000 – 70.000 bằng sáng chế/năm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp SME cũng muốn hướng đến sản xuất, tuy nhiên chi phí chuyển đổi số hiện đang rất đắt đỏ, dao động từ 2 – 3 tỉ đồng/sản phẩm quản lí số hóa, chưa kể chi phí vận hành, bảo trì mỗi năm thêm 10% giá trị.

Diễn đàn Cách tân công nghiệp – Industry Innovation Forum 2022 với chủ đề “Sản xuất thông minh”.
Ảnh: Đại Việt

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, sản xuất thông minh đã phát triển rất mạnh tại các quốc gia khác. Vào năm 2019, Samsung tại Hàn Quốc đã có nhà máy sản xuất “không người”. Dù sản xuất thông minh chưa có một định nghĩa cụ thể nào, thế nhưng những nhà máy không người có thể được coi là mô hình sản xuất thông minh và nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam cũng đang hướng đến điều đó.

Bà Thủy, cho biết bí mật của sự thông minh không phải nằm bên trong nhà máy không người của Samsung, mà tập đoàn này có khoảng 60 nhà máy như thế trên toàn thế giới và họ kết nối tất cả các nhà máy đó với nhau. Samsung dùng Big Data, trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích tất cả các nhu cầu cũng như diễn biến trên thị trường toàn cầu.

“Với sự dự đoán như vậy thì tất cả hoạt động sản xuất của Samsung có thể biết trước được nhu cầu thị trường, biết trước được sự thừa – thiếu nguyên vật liệu cũng như những vấn đề phát sinh và giúp họ tối ưu được tất cả các nguồn lực đầu tư của mình. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu họ đã tiến rất xa trong việc sản xuất thông minh”, bà Thủy nói.

Còn ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thaco, cho biết hiện nay, các doanh nghiệp phải luôn đổi mới từng ngày, bởi công nghệ rất nhanh lạc hậu. Việc đổi mới phải được thực hiện một cách chủ động.

Đối với Thaco, doanh nghiệp này đang triển khai xây dựng những nhà máy sản xuất ô tô thế hệ mới để thay thế cho những nhà máy đã xây dựng từ trước nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trong tương lai, doanh nghiệp chỉ tập trung xây dựng nhà máy thông minh, điều hành bằng số hóa, các dây chuyền sẽ tự động kết nối với nhau một cách xuyên suốt từ quá trình đặt hàng đến giao hàng. Các showroom ô tô cũng sử dụng mô hình thực tế ảo để gia tăng trải nghiệm khách hàng.

“Bộ phận nghiên cứu và phát triển của chúng tôi đang có 650 kỹ sư để nghiên cứu, phát triển sản phẩm; nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới và quản trị theo hướng số hóa. Mỗi năm, chúng tôi có khoảng 150 đề tài sáng kiến và 1.000 cải tiến trong sản xuất. Những nhân viên đóng góp sáng kiến đều được vinh danh tại công ty”, ông Tài nói.

Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đang dần chuyển đổi qua sản xuất thông minh.

Cũng theo ông Tài, việc áp dụng số hóa, công nghệ và sản xuất thông minh đã giúp cho các sản phẩm của doanh nghiệp này có tỉ lệ nội địa hóa cao hơn. Điển hình như xe buýt có tỉ lệ nội địa hóa là 60%, xe tải là 45% và xe du lịch từ 20-40%.

Tại diễn đàn, các doanh nghiệp cho rằng, lực đẩy của doanh nghiệp chính là thị trường nhưng lực nâng lại đến từ các chính sách của Nhà nước.

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư U&I, chia sẻ Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến việc phát triển hạ tầng số như trung tâm dữ liệu, trung tâm nghiên cứu, triển khai để phục vụ cho việc sản xuất thông minh. Chính phủ cũng không nên tự mình đầu tư hết tất cả vì điều này sẽ khiến doanh nghiệp thiếu đi sự linh hoạt và hiệu quả. Do đó cần có cơ chế hỗ trợ các tập đoàn kinh tế lớn triển khai hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm và hiểu biết toàn cầu để xây dựng những trung tâm hạ tầng số như vậy.

Cũng theo ông Tín, các trung tâm hạ tầng số cũng có vai trò quan trọng nhưng những hạ tầng xây dựng khác như đường bộ, đường sắt… Khi hạ tầng được chú trọng đầu tư, phát triển thì doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ phát triển song song, tạo ra những giá trị đột phá.

Đại Việt
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư