Hành trình tìm kiếm động lực tăng trưởng của Thế Giới Di Động

Hành trình tìm kiếm động lực tăng trưởng của Thế Giới Di Động

Mảng điện tử đang là mảng duy nhất mang lại lợi nhuận cho Thế Giới Di Động trong khi các mảng khác trong quá trình mở rộng và tìm điểm hòa vốn.

Đầu tư Thế Giới Di Động được thành lập vào năm 2004 với cửa hàng đầu tiên là siêu thị điện thoại Thế Giới Di Động. Trong hành trình phát triển, doanh nghiệp luôn luôn tìm cách mở rộng ra các mảng kinh doanh mới để tìm kiếm động lực tăng trưởng.

Hành trình tìm kiếm động lực tăng trưởng của Thế Giới Di Động

Đơn vị: tỷ đồng

Như năm 2010, đơn vị lấn sân sang mảng điện máy, điện gia dụng với chuỗi Điện Máy Xanh. Đến năm 2015, Thế Giới Di Động cho ra mắt chuỗi bán lẻ hàng tiêu dùng thực phẩm Bách Hóa Xanh, sau đó đến nhà thuốc (An Khang) và mới cuối năm 2021 là chuỗi bán lẻ chuyên hàng Apple (Topzone), sản phẩm cho mẹ và bé (AVAKids).

Bên cạnh những thử nghiệm được đi vào giai đoạn mở rộng thì Thế Giới Di Động cũng đã có những thử nghiệm thất bại và nhanh chóng đóng cửa như Bigphone+, Điện Thoại Siêu Rẻ, AVAFashion về thời trang và AVAJi kinh doanh trang sức.

Theo quan điểm của người đứng đầu tập đoàn, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT, một doanh nghiệp bán lẻ muốn thành công thì phải không ngừng thử nghiệm. Thử nghiệm cũng là chiến lược phát triển hàng năm của tập đoàn với phương châm vừa đi nhanh vừa đi dọn.

Mảng điện thoại, điện máy – đầu tàu kéo cả tập đoàn

Thế Giới Di Động duy trì vị thế dẫn đầu nhiều năm nay ở mảng bán lẻ điện thoại, điện máy (ICT & CE). Doanh nghiệp cho biết theo ước tính từ số liệu các hãng lớn trên thị trường, thị phần bán lẻ thiết bị công nghệ và điện tử tiêu dùng đạt 60%, thị phần điện máy đạt 50% vào năm 2011. Đây cũng là mảng kinh doanh đóng góp doanh thu chủ yếu và mảng duy nhất mang lại lợi nhuận cho tập đoàn.

Trong các năm qua, Thế Giới Di Động liên tục mở mới cửa hàng kinh doanh sản phẩm ICT & CE, đặc biệt là điện máy, hàng gia dụng. Số lượng cửa hàng ghi nhận tăng từ 1.714 năm 2017 lên 3.308 tính đến tháng 8, riêng cửa hàng Điện Máy Xanh tăng từ 642 lên 2.222.

Hành trình tìm kiếm động lực tăng trưởng của Thế Giới Di Động

Nguồn: Tổng hợp từ Thế Giới Di Động

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng từng bước đa dạng rổ hàng hóa từ điện thoại, điện máy, hàng gia dụng đến đồng hồ, xe đạp…; đa dạng hóa mô hình cửa hàng để tìm kiếm thêm thị phần. Vốn bán các sản phẩm Apple trong cửa hàng Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh nhưng Thế Giới Di Động vẫn mở chuỗi Topzone để chuyên kinh doanh mặt hàng này trong bối cảnh dịch bệnh khiến kênh hàng xách tay gặp khó. Bên cạnh đó, công ty phát triển mô hình ĐMX Supermini (ĐMS) để thâm nhập vào khu vực nông thôn, khu vực xa thành thị; mở Bluetronics ở thị trường Campuchia, hợp tác với Erafone để phát triển thị trường Indonesia và triển khai mô mình cộng tác viên.

Trong hệ thống Thế Giới Di Động, Công ty cổ phần Thế Giới Di Động – sở hữu 2 chuỗi Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh không phải là công ty con có vốn điều lệ lớn nhất (sau Bách Hóa Xanh) nhưng là đơn vị đem lại doanh thu và lợi nhuận chủ yếu. Trong khi, các mảng kinh doanh khác đang trong quá trình rượt đuổi đối thủ và tìm kiếm lợi nhuận.

Dữ liệu Người Đồng Hành có được, doanh thu công ty Thế Giới Di Động ghi nhận tăng từ 65.010 tỷ đồng năm 2017 lên 95.990 tỷ đồng năm 2021, đóng góp khoảng 80% vào tổng doanh thu hợp nhất Thế Giới Di Động. Lợi nhuận sau thuế từ 2.353 tỷ đồng lên 6.264 tỷ đồng, ghi nhận tăng trưởng liên tục.

Hành trình tìm kiếm động lực tăng trưởng của Thế Giới Di Động

Đơn vị: tỷ đồng

Tính đến cuối năm 2021, công ty con này có vốn điều lệ 3.562 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 12.266 tỷ đồng và tổng nguồn vốn 49.687 tỷ đồng.

Trong 8 tháng năm nay, chuỗi Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh mang về 73.300 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước và đóng góp 79,5% tổng doanh thu Thế Giới Di Động. Trong đó, Thế Giới Di Động (bao gồm Topzone) đạt 24.500 tỷ đồng và Điện Máy Xanh đạt 48.800 tỷ đồng.

Bách Hóa Xanh loay hoay với mục tiêu có lãi

Gia nhập thị trường bán lẻ hàng tiêu dùng thực phẩm vào cuối năm 2015, Thế Giới Di Động nhanh chóng mở rộng chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh với mục tiêu chiếm lĩnh thị phần từ các chợ truyền thống. Chuỗi cán mốc 2.140 cửa hàng vào cuối tháng 4 nhưng sau tái cấu trúc, hiện còn 1.738 cửa hàng, tức giảm hơn 400 cửa hàng. Theo đó, Bách Hóa Xanh trở thành chuỗi hàng tiêu dùng thực phẩm lớn thứ 2 sau WinMart/WinMart+ và ghi nhận khoảng cách khá xa với các chuỗi đã có mặt trên thị trường từ lâu như Co.op Foods (khoảng 500 cửa hàng) và Satra Foods (trên 200 cửa hàng).

Qua 6 năm phát triển, quy mô tăng nhanh thúc đẩy doanh thu và đang dần trở thành mảng đóng góp lớn vào doanh thu tập đoàn, tỷ trọng khoảng 20%. Dù vậy, chuỗi vẫn chưa thể có lãi. Theo dữ liệu của Người Đồng Hành, Bách Hóa Xanh cán mốc doanh thu 28.216 tỷ đồng vào năm 2021, tăng 32% so với năm 2020 và gấp 2,6 lần 2019. Song, chuỗi vẫn lỗ 1.188 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 1.916 tỷ đồng năm 2020. Tính đến cuối năm 2021, BHX lỗ lũy kế 4.950 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 7.852 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu là 12.801 tỷ đồng.

Hành trình tìm kiếm động lực tăng trưởng của Thế Giới Di Động

Đơn vị: tỷ đồng

Trong năm nay, cùng với kế hoạch IPO, ban lãnh đạo Thế Giới Di Động chọn chiến lược chậm lại để tái cấu trúc toàn diện, củng cố nền tảng quản trị, chất lượng phục vụ cho chuỗi bán lẻ hàng tiêu dùng thực phẩm. Theo báo cáo tháng 8, tập đoàn bán lẻ cho biết đã kết thúc quá trình thay đổi layout mới và đóng những cửa hàng không hiệu quả. Từ nay đến cuối năm, Bách Hóa Xanh sẽ tập trung vào chuẩn hóa và tinh gọn quy trình vận hành; thử nghiệm và triển khai các giải pháp (bao gồm ứng dụng công nghệ) để giảm hao hụt, hủy hàng, tối ưu chi phí, nâng cao năng suất lao động…

Sau công cuộc tái cấu trúc, doanh thu bình quân tháng 8 đạt 1,36 tỷ đồng/cửa hàng, tăng 33% so với trung bình quý I và tăng 24% so với tháng 4 (thời điểm bắt đầu tái cấu trúc). Ban lãnh đạo Thế Giới Di Động đặt mục tiêu đạt 1,5 đến 1,6 tỷ đồng doanh thu bình quân mỗi tháng vào các tháng cuối năm và hướng đến mục tiêu hòa vốn. Vị Chủ tịch HĐQT kỳ vọng từ 2023, chuỗi BHX sẽ trở thành động lực tăng trưởng của tập đoàn và sự chia sẻ lợi nhuận từ TGDĐ/ĐMX chấm dứt.

8 tháng, chuỗi mang về 17.600 tỷ đồng cho tập đoàn, đóng góp tỷ trọng 19% và ghi nhận giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.

An Khang rượt đuổi Long Châu và Pharmacity, AVAKids rượt đuổi Con Cưng

Thế Giới Di Động chuẩn bị cho bước thâu tóm chuỗi nhà thuốc An Khang từ 2017 nhưng phải đến cuối năm 2021 mới sở hữu hoàn toàn 100% và hợp nhất vào kết quả kinh doanh. Đồng thời, cũng từ đầu năm nay, tập đoàn mới dồn lực mạnh để mở rộng chuỗi.

Trong năm 2021, chuỗi An Khang tăng số lượng cửa hàng từ 68 lên 178 nhưng đến tháng 8 năm nay đã đạt 509, tức tăng thêm 331 cửa hàng so với đầu năm. Với việc đẩy nhanh tốc độ mở cửa hàng, chuỗi An Khang đang rượt đuổi sát nút chuỗi đứng vị trí thứ 2 là Long Châu với 785 cửa hàng và còn cách khá xa chuỗi đứng đầu Pharmacity với 1.093 cửa hàng.

Về kết quả kinh doanh, doanh thu An Khang tăng mạnh từ 37 tỷ năm 2017 (năm đầu về với Thế Giới Di Động) lên 578 tỷ đồng năm 2021 và ghi nhận năm đầu tiên có lãi với 8,5 tỷ đồng sau 3 năm lỗ liên tiếp.

Hành trình tìm kiếm động lực tăng trưởng của Thế Giới Di Động

Đơn vị: tỷ đồng

Năm nay, chuỗi nhà thuốc này đặt mục tiêu cán mốc 800 cửa hàng vào cuối năm. Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Thế Giới Di Động cũng kỳ vọng đạt điểm hòa vốn vào cuối năm.

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư gần đây, ông Hiểu Em cho biết quy mô cửa hàng thuốc An Khang nhỏ nên chi phí vận hành không quá cao. Với biên lợi nhuận gộp duy trì khoảng 20% thì mức doanh thu bình quân 500 triệu đồng mỗi tháng mỗi cửa hàng là đủ để có lời. Hiện, các cửa hàng An Khang có mức doanh thu bình quân tháng khoảng 400 triệu đồng, trong đó cửa hàng độc lập khoảng 500-600 triệu đồng và cửa hàng kèm Bách Hóa Xanh khoảng 300 – 350 triệu đồng.

Trong nửa đầu năm, Thế Giới Di Động cho biết chuỗi An Khang ghi nhận doanh thu lũy kế gấp 3,3 lần cùng kỳ năm trước.

Với chuỗi cửa hàng cho mẹ và bé – AVAKids, sau giai đoạn thử nghiệm, ban lãnh đạo Thế Giới Di Động nhận thấy tiềm năng lớn khi doanh thu bình quân tháng mỗi cửa hàng đạt 1,5 – 2 tỷ đồng và lên kế hoạch tăng tốc. Trong vòng 9 tháng, tập đoàn bán lẻ đã mở mới 89 cửa hàng AVAKids chủ yếu ở khu vực miền Nam như TP HCM, Đồng Nai, Kiên Giang, Long An… và mở rộng ra miền Trung như Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa… Tập đoàn đặt mục tiêu đến cuối năm nay có ít nhất 100 cửa hàng và hướng tới ngôi vị dẫn đầu thị trường trong dài hạn.

Hành trình tìm kiếm động lực tăng trưởng của Thế Giới Di Động

Nguồn: Tổng hợp từ Thế Giới Di Động

Với 89 cửa hàng, chuỗi đang đứng thứ 4 trên thị trường sau Con Cưng (661), Bibomart (159) và Kids Plaza (156).

Theo Ngọc Điểm
Nguồn CafeF