Làn sóng Insurtech thâm nhập mạnh vào Đông Nam Á

Làn sóng Insurtech thâm nhập mạnh vào Đông Nam Á

Các công ty khởi nghiệp về công nghệ tài chính đang cố gắng giành lấy khách hàng bằng cách mang đến những sản phẩm và cách bán hàng mới.

Cứ 3 trong 10 lần nạp tiền vào điện thoại, bà Thu lại thấy cửa sổ thông báo bán bảo hiểm từ một ứng dụng thanh toán bật lên. “Cứ kệ nó”, bà nói.

Phản ứng của bà phần nào cho thấy thách thức mà các công ty phải đối mặt khi cố gắng khuấy động thị trường bảo hiểm ở Đông Nam Á. Mức độ thâm nhập bảo hiểm vẫn còn chưa sâu ở mọi nơi trong khu vực, ngoại trừ Singapore, các mạng lưới bán hàng từ Thái Lan đến Việt Nam hiện đã lỗi thời, nơi những người bán đôi khi ngồi dọc đường cao tốc, rao bán các bảo hiểm xe máy chỉ có giá tầm vài chục nghìn một năm.

Các công ty khởi nghiệp về công nghệ tài chính đang cố gắng giành lấy khách hàng bằng cách mang đến những sản phẩm và cách bán hàng mới – bao gồm cả việc thông qua các nền tảng mà bà Thu và hàng triệu người khác sử dụng hàng ngày.

Tình trạng người bán ngồi dọc đường rao bán các bảo hiểm xe máy vẫn còn ở Việt Nam.
Nguồn: Lien Hoang

Câu hỏi đặt ra là liệu lĩnh vực mới nổi “insurtech” (insurance + tech) có lựa chọn được mô hình kinh doanh phù hợp cho khu vực này hay không. Công ty khởi nghiệp về công nghệ bảo hiểm, PasarPolis (Indonesia), cho rằng câu trả lời là có.

Công ty cho biết phần lớn doanh thu của họ đến từ bảo hiểm “tí hon” được bán trong các giao dịch được thực hiện trên nền tảng của bên thứ ba. Ví dụ khi mọi người đặt xe qua Gojek hay đặt mua ba lô từ Shopee, họ có thể chọn mua thêm bảo hiểm chỉ bằng một thao tác cực đơn giản. Nếu có bất kỳ vấn đề gì xảy ra, khách hàng sẽ được hoàn trả trong vòng vài phút.

Theo ông Cleosent Randing, Giám đốc Điều hành của PasarPolis, để khách hàng tiếp tục quay lại dùng dịch vụ, công ty phải nhanh chóng thanh toán các yêu cầu bồi thường. Ông nói, định kiến ​​của các công ty bảo hiểm đối với các khoản thanh toán như vậy vì sợ ảnh hưởng lợi nhuận là một kiểu suy nghĩ ngắn hạn.

Với các nhà đầu tư như Xiaomi và Gojek, PasarPolis hiện đã mở rộng sang cả Thái Lan và Việt Nam, đồng thời sẽ tung ra một ứng dụng di động để người dùng có thể mua đa dạng các loại bảo hiểm phù hợp với nhu cầu. Các dịch vụ bảo hiểm công nghệ khác trong khu vực đến từ Qoala, Grab và Coverfox, cũng như các công ty bảo hiểm lâu đời hơn.

Sự mở rộng của PasarPolis diễn ra vào thời điểm ngành bảo hiểm có nhiều thay đổi sâu rộng, với xu hướng người dùng chuyển sang xe điện và xe tự lái khiến việc định giá bảo hiểm trở nên phức tạp.

Cũng có câu hỏi đặt ra là liệu các công ty có thể kiếm được lợi nhuận bằng cách bán các bảo hiểm “tí hon” hay không.

Ông Christian Konig CEO của Fintech News Network – nói rằng trong khi việc bán nhiều bảo hiểm nhỏ lẻ có thể hiệu quả đối với một số công ty, các gói bảo hiểm lớn hơn có thể mang lại nhiều lợi nhuận. Vị CEO cũng đã đưa ra một ví dụ về chuyến bay mà ông đã đặt từ Singapore đến Dubai, có giá bảo hiểm lên đến 200 USD.

Nhiều nhà phân tích cho biết, một số công ty insurtech của Châu Á đã tìm ra mô hình bán bảo hiểm qua các nền tảng của bên thứ ba, từ các kênh thanh toán đến các kênh thương mại điện tử như Lazada hay Tiki. Điều này cho phép họ tiết kiệm chi phí phân phối, cũng như khai thác cơ sở người dùng lớn.

“Châu Á, ở một số khía cạnh, đang dẫn đầu trong không gian hệ sinh thái bảo hiểm. Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á đang trở thành ‘động lực’ cho thị trường. Người dùng ở các khu vực này có mật độ sử dụng ứng dụng lớn, qua đó giúp các công ty bảo hiểm có thể tiếp cận nhiều đối tượng hơn”, đối tác của McKinsey, ông Alex Kimura, cho biết.

Tập đoàn tái bảo hiểm Swiss Re cũng nhìn nhận các siêu ứng dụng là lộ trình để tăng trưởng. Trong một báo cáo về bảo hiểm thế giới năm 2021, Swiss Re cho biết: “Chúng tôi mong đợi các nền tảng trực tuyến liên kết với nhiều người dùng hơn như mạng xã hội hoặc các ứng dụng theo dõi sức khỏe sẽ trở thành điểm chính để bán bảo hiểm, đặc biệt là vì người tiêu dùng sử dụng các kênh kỹ thuật số để mua bảo hiểm có khả năng sử dụng lại cùng một kênh”.

Tuy nhiên về phần nhược điểm, ông Alex Kimura cho biết: “Tôi nghĩ rằng rất nhiều công ty bảo hiểm hiện đang phụ lòng những người dùng các nền tảng này”.

Bởi một trong số nhiều cách phổ biến mà các công ty bảo hiểm áp dụng để tiết kiệm chi phí là sử dụng công nghệ máy học để xử lý các con số rủi ro. Dự đoán tốt hơn giúp các công ty điều chỉnh chi phí và doanh thu, nhưng cũng giống như việc dựa vào nền tảng của bên thứ ba, dựa vào thuật toán và dữ liệu lớn cũng có thể có những cạm bẫy.

Khi nắm trong tay lượng lớn dữ liệu người dùng, các công ty bảo hiểm có thể xây dựng hồ sơ khách hàng với hàng trăm đặc điểm, tính phí bảo hiểm cao hơn cho dựa trên thói quen giao dịch của khách hàng. Tuy nhiên, việc này có thể dễ dàng dẫn đến lạm dụng thông tin và các vấn đề đạo đức liên quan đến quyền riêng tư khác.

Hải Miên
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư