Bức tranh lợi nhuận ngành dược phẩm quý 3: Nhiều gam màu sáng
Kết thúc quý 3/2022, bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành dược phẩm cho thấy đa phần là gam màu sáng. Tuy nhiên, vẫn điểm xuyết một số doanh nghiệp có kết quả thụt lùi dù bối cảnh chung của ngành đang có nhiều thuận lợi.
Theo một báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường dược phẩm của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Tổng chi tiêu cho y tế tăng từ 16,1 tỷ USD vào năm 2017 lên hơn 20 tỷ USD vào năm 2021. Chi tiêu cho dược phẩm cũng tăng đến hơn 6,6 tỷ USD trong năm 2021.
VDSC nhận định động lực tăng trưởng của ngành dược phẩm đến từ sự mở rộng các nhà thuốc và bệnh viện cũng như chi tiêu bình quân cho dược phẩm ngày càng lớn. Về dài hạn, động lực tăng trưởng còn đến từ xu hướng già hóa của dân số Việt Nam.
Trong tương lai, VDSC cho rằng triển vọng của ngành dược sẽ tiếp tục tươi sáng nhờ sự cộng hưởng từ tăng trưởng kênh bán hàng, cơ cấu dân số... Thị trường dược phẩm ngày càng nóng lên khi có nhiều ông lớn tham gia vào cuộc đua chuỗi nhà thuốc chuyên nghiệp.
Trong khi đó, một báo cáo của IQVIA Institute cho rằng Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có ngành dược mới nổi. Tầng lớp trung lưu tăng lên, thu nhập đầu người cải thiện rõ rệt và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng là những động lực cho ngành dược phẩm phát triển.
Thực tế cũng chứng minh trong và đặc biệt là sau đại dịch doanh thu và lợi nhuận của nhiều “ông lớn” ngành dược phẩm đã có tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả khiến lợi nhuận thụt lùi.
Đa phần khởi sắc
Trong số các doanh nghiệp dược phẩm có lợi nhuận quý 3/2022 tăng trưởng ấn tượng, Dược Hậu Giang (mã DHG) tiếp tục dẫn đầu với doanh thu hơn 1.160 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 262 tỷ đồng, tăng trưởng 30%. Đây cũng là mức lợi nhuận cao kỷ lục của doanh nghiệp này kể từ khi công bố thông tin vào quý 4/2004.
Lũy kế 9 tháng, Dược Hậu Giang có hơn 3.345 tỷ đồng doanh thu và hơn 752 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 15% và 24% so với cùng kỳ. Công ty hoàn thành 79% kế hoạch doanh thu và chỉ cách 2% so với mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Theo lý giải của DHG, kết quả trên phần lớn nhờ việc tổ chức chặt chẽ hệ thống phân phối và kết nối khách hàng. Đồng thời, quản lý tốt hơn các khoản phải thu và hàng tồn kho giúp cải thiện dòng tiền, tăng hiệu quả hoạt động trong kỳ.
Doanh nghiệp có mức lợi nhuận cao thứ hai là Traphaco (mã TRA). Trong quý 3, Traphaco ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 604 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. LNST của doanh nghiệp đạt 77 tỷ đồng, tăng 8,5% so với quý 3 năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng, Traphaco ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.818 tỷ đồng và LNST 251 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 28% so với cùng kỳ. Năm 2022 Traphaco đặt mục tiêu đạt 2.345 tỷ đồng doanh thu và 286 tỷ đồng LNST. Như vậy, đến hết tháng 9 công ty đã hoàn thành 77,5% kế hoạch doanh thu và 87,8% mục tiêu lợi nhuận.
Cũng là một trong những doanh nghiệp dược ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong quý 3, Dược phẩm Imexpharm (mã IMP) cho biết, trong kỳ nhờ cơ cấu lại danh mục sản phẩm bán ra, tập trung vào các sản phẩm chủ lực có giá trị và lợi nhuận cao nên doanh nghiệp đạt doanh thu 418 tỷ đồng và LNST gần 56 tỷ đồng, tăng lần lượt 63,1% và 78,1% so với quý 3 năm 2021.
Sau 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Imexpharm đạt 1.086 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 197 tỷ lần lượt tăng 25% và 27% so với 9 tháng năm 2021. So với kế hoạch doanh thu cả năm là 1.450 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 275 tỷ, Imexpharm đã thực hiện được lần lượt 75% và 72% mục tiêu năm.
Quý vừa qua cũng là quý khởi sắc với Dược phẩm CP1 Hà Nội (mã DTP) khi doanh thu tăng gần gấp đôi cùng kỳ lên 236 tỷ đồng và LNST tăng gấp 2,5 lần lên gần 62,3 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, DTP đạt doanh thu 518 tỷ và lãi sau thuế 80 tỷ, tăng lần lượt 32% và 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, trong quý 3, nhờ doanh thu tăng 3% so với cùng kỳ, lên 399 tỷ đồng, trong khi giá vốn giảm nhẹ và các chi phí tăng không đáng kể, lãi sau thuế của Xuất nhập khẩu y tế Domesco (mã DMC) tăng 26,5% so với cùng kỳ, lên hơn 49 tỷ đồng. 9 tháng doanh thu của Domesco đạt 1.158 tỷ đồng và LNST đạt 129 tỷ đồng, lần lượt tăng 11,2% và gần 23% so với cùng kỳ.
Một doanh nghiệp nữa có mức tăng trưởng mạnh trong quý 3 là Dược phẩm Trung ương I – Pharbaco (mã PBC) với doanh thu tăng gần 43% so với cùng kỳ lên 272 tỷ đồng và LNST tăng tới 256% lên gần 25 tỷ. Lũy kế 9 tháng, PBC ghi nhận doanh thu 750 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ và lãi sau thuế 40 tỷ đồng, tăng 19,5%.
Quý 3, Dược phẩm Hà Tây (mã DHT) đạt doanh thu đạt gần 492 tỷ đồng, tăng 51% so với quý 3/2021 và lãi sau thuế đạt 23,3 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ. Sau 9 tháng, DHT báo tổng doanh thu đạt 1.303 tỷ đồng, tăng gần 11%; lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 78,3 tỷ đồng và 62,7 tỷ, tăng 23% và 22,5%.
Với Hóa – Dược phẩm Mekophar (mã MKP), sau quý 2 kinh doanh ảm đạm với LNST vỏn vẹn chỉ gần 800 triệu đồng (giảm 66% so với cùng kỳ), sang quý 3 lãi sau thuế của MKP đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ lên 2,6 tỷ đồng, trong khi doanh thu thuần giảm 17,4% so với quý 3 năm ngoái, xuống 252 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu của Mekophar tăng 5,6%, lên gần 870 tỷ đồng. Lợi nhuận trước và sau thuế tăng 126,8% và 118,4% lên 39 tỷ đồng và 25,8 tỷ đồng so với cùng kỳ. Theo doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm trước là do tổng doanh thu tăng trong khi giá vốn hàng bán giảm 11%.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp dược khác cũng ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh trong quý 3 như Dược phẩm Trung ương CPC1 (DP1), Dược phẩm Trung ương 3 (DP3), Dược phẩm TW 25 (UPH), Dược phẩm Trung ương Codupha (CDP), Dược Trung ương Mediplantex (MED), Dược Bảo Châu,…
Thiểu số đi lùi
Ở chiều ngược lại, Dược liệu Việt Nam (mã DVM) sau quý 2 tăng trưởng hai chữ số, sang quý 3, doanh nghiệp báo lãi sau thuế 12,4 tỷ, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm trước và giảm hơn 30% so với quý trước đó. Mặc dù, trong kỳ, doanh thu thuần tăng gần 9,5% so với cùng kỳ lên 277 tỷ đồng (song vẫn giảm 26% so với quý 2).
Lũy kế 9 tháng, Dược Việt Nam đạt 857 tỷ đồng doanh thu, tăng 19% so với cùng kỳ; LNST ở mức 42,6 tỷ, trong khi cùng kỳ chỉ đạt 28,3 tỷ đồng (tăng 50%).
Tương tự, quý vừa qua, Dược – Trang thiết bị y tế Bình Định (mã DBD) cũng chứng kiến doanh thu và lợi nhuận đi lùi. Theo đó, doanh thu thuần quý 3 của công ty đạt 377 tỷ đồng và LNST đạt 52,3 tỷ đồng, lần lượt giảm 30,3% và 2,4% so với cùng kỳ. Sau 9 tháng, doanh thu của công ty đạt 1.036 tỷ đồng, giảm 5,3% so với cùng kỳ, song LNST vẫn tăng 9% lên 149 tỷ đồng.
Trong quý 3, dù doanh thu thuần của Dược Danapha (mã DAN) tăng gần 33% so với cùng kỳ lên 148 tỷ đồng, tuy nhiên LNST lại giảm gần 10,5% xuống 18 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, công ty ghi nhận doanh thu thuần hơn 381 tỷ đồng, tăng 16,6% so với quý 3 năm ngoái nhưng lãi sau thuế lại giảm 7,2%, đạt 40 tỷ đồng.
Y tế Danameco (DNM) lại ghi nhận quý thứ hai liên tiếp tăng trưởng âm. Trong quý 3, doanh thu thuần của công ty đạt 57,4 tỷ đồng, giảm tới 67,6% so với quý 3/2021. Việc kinh doanh dưới giá vốn (64 tỷ đồng) lại thêm gánh nặng lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp đã khiến LNST quý 3 của Danameco 17,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 8,1 tỷ.
Sau 9 tháng, doanh thu thuần của Danameco đạt 248 tỷ đồng, giảm hơn 23% so với cùng kỳ, trong khi LNST chuyển từ lãi 12,3 tỷ kỳ trước sang lỗ tới 42,2 tỷ kỳ này.
Trong khi đó, quý 3/2022 tiếp tục là một quý nối dài chuỗi thua lỗ triền miên của Dược phẩm Trung ương 2 (DP2). Trong kỳ, dù doanh thu của DP2 tăng tới 83,3% so với cùng kỳ lên hơn 59 tỷ đồng, song chi phí tài chính và đặc biệt là chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao đã khiến doanh nghiệp lỗ sau thuế gần 4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 4,3 tỷ.
Lũy kế 9 tháng, DP2 đạt doanh thu 123,6 tỷ đồng, giảm 7,3% so với cùng kỳ và LNST âm 19,9 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với mức lỗ sau thuế 12,8 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Đinh Thơm
Nguồn CafeF