Mùa đông fintech

Mùa đông fintech

Nhiều công ty fintech đang gồng mình trước một mùa đông khắc nghiệt khi nhà đầu tư quay lưng.

Hàng năm trời các công ty fintech luôn tìm cách chiêu dụ nhân viên có kinh nghiệm từ các ngành truyền thống, cho họ cơ hội trở thành người dẫn dắt tương lai của công nghệ cùng với mức lương cao ngất ngưởng. Sức hấp dẫn của nhóm fintech là dễ hiểu khi giá trị của họ đã vượt các startup trong những ngành khác gấp nhiều lần. Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán Stripe, chẳng hạn, có mức định giá 95 tỷ USD tại thời điểm tháng 6/2021, trong khi Checkout.com được định giá 40 tỷ USD vào tháng 1/2022.

“Lý do khiến người ta thích đầu quân cho những công ty như vậy là bởi vì họ hứa hẹn mức lương cao và cổ phần lớn. Cho dù những công ty này cuối cùng không lên sàn thì họ vẫn có thể thu về rất nhiều tiền trong 5-10 năm nữa”, Sam Burks, Giám đốc Điều hành tại hãng tuyển dụng Nicoll Curtin, nhận xét.

Đó là những ngày tháng của quá khứ. Trong 1 năm trở lại đây, căng thẳng địa chính trị và bất ổn vĩ mô trong bối cảnh lãi suất tăng mạnh, giá thực phẩm và nhiên liệu leo thang đã khiến nhiều nhà đầu tư chùn bước. Vì thế, không ít fintech nhanh chóng rơi vào tình trạng thiếu vốn để duy trì hoạt động sau giai đoạn bành trướng mạnh mẽ. Một số fintech lớn bị thiếu vốn như Klarna (cung cấp dịch vụ mua trước trả sau) đã chứng kiến định giá của họ giảm tới hơn 80% trong các vòng gọi vốn sau đó. Trên thị trường đại chúng, 10 fintech lớn nhất đã mất 850 tỷ USD giá trị chỉ trong 1 năm qua.

Để chứng minh với các nhà bỏ vốn tư tương lai rằng công ty hoàn toàn có khả năng tạo ra lợi nhuận trong ngắn hạn, các fintech lớn đã mạnh tay tiết giảm chi phí bằng nhiều cách, đặc biệt là cắt giảm mạnh nhân sự. Chỉ trong vài tháng, tính từ tháng 4/2022 các fintech đã sa thải tổng cộng 7.300 người.

“Một số khách hàng có tiếng tăm và lâu năm của chúng tôi đã ngưng tuyển dụng vì doanh thu và lợi nhuận của họ bị tác động bởi suy thoái kinh tế và sự đi xuống của các thị trường trên toàn cầu”, Alison Power, đồng sáng lập và Giám đốc Nguồn lực tại hãng tuyển dụng Finiti Search, cho biết. Một xu hướng đảo ngược là “nhiều người trong ngành fintech đã quay trở lại ngành ngân hàng, mong hưởng môi trường an toàn hơn dù mức thu nhập thấp hơn”, Power nói thêm.

Mặc cho những nỗ lực của các fintech, nhà đầu tư vẫn hờ hững. Bằng chứng là vốn rót vào ngành fintech toàn cầu đã giảm mạnh 38% trong quý 3/2022, còn 12,9 tỷ USD, thấp nhất trong 9 quý, theo số liệu của CBInsights. Quy mô trung bình một thương vụ fintech là 20 triệu USD so với 32 triệu USD của năm 2021. Từ tháng 7-9/2022, chỉ có 6 công ty đạt được vị thế kỳ lân (được định giá từ 1 tỷ USD trở lên), so với con số 48 của cùng kỳ năm ngoái.

Tốc độ giảm này đã khiến nhiều người trong ngành bất ngờ khi cách đây 1 năm các nhà sáng lập fintech được ví như “những đứa trẻ vui chơi thỏa thích trong các cửa hàng đầy kẹo”, Jeff Tijssen thuộc Bain nói

Những fintech có quy mô không đủ lớn hoặc không có bảng cân đối kế toán đủ mạnh sẽ không thể tồn tại nếu không huy động thêm vốn.
Nguồn: seekingalpha.com

Xu hướng này cũng thường thấy ở các ngành công nghệ khác. Nhưng fintech đặc biệt dễ bị tổn thương vì nhiều công ty bị tác động trực tiếp bởi suy thoái. Các tổ chức sử dụng vốn rẻ trong giai đoạn lãi suất thấp trước đây để cung cấp những khoản thế chấp trực tuyến và các khoản cho vay mua trước trả sau đang phải đối mặt với chi phí tăng mạnh và các vụ vỡ nợ tăng tốc.

Những ngân hàng thế hệ mới (neobank) sống dựa vào phí giao dịch cũng đang vật vã tìm nguồn thu. Những doanh nghiệp trước đó nương nhờ vào cơn sốt đầu tư bán lẻ từ các sàn giao dịch tiền mã hóa cho đến các nhà môi giới trực tuyến đang lao đao khi lượng giao dịch giảm sâu. Những fintech phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) cũng đứng trước nguy cơ phá sản khi không ít SME đóng cửa do suy thoái.

Dù thế nào, các fintech vẫn phải nỗ lực sống sót qua mùa đông. Những ai cung cấp dịch vụ thiết yếu cho các công ty đang trên đường số hóa có thể sẽ tiếp tục thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm, vốn đang sở hữu lượng lớn tiền chưa giải ngân. Chỉ riêng tại Mỹ, tổng lượng tiền chờ giải ngân lên tới 290 tỷ USD trong quý vừa qua, gấp mức trung bình trong giai đoạn 2016-2020.

Nhưng những fintech có quy mô không đủ lớn hoặc không có bảng cân đối kế toán đủ mạnh sẽ không thể tồn tại nếu không huy động thêm vốn. Đây chính là cơ hội cho những người chơi lớn hơn có mô hình kinh doanh lành mạnh triển khai M&A nhằm củng cố và mở rộng thị phần.

Theo dữ liệu của FinTech Global, trong nửa đầu năm 2022, đã có 3.447 thương vụ M&A với giá trị 76,8 tỷ USD. Dẫn đầu là blockchain và tiền mã hóa, chiếm tới 20% tổng số thương vụ. M&A cũng tăng nhiệt trong lĩnh vực ngân hàng mở - một ngành có số lượng người dùng dự kiến tăng gấp 5 lần lên tới 64 triệu người vào năm 2024. Dịch vụ tài chính nhúng được cung cấp bởi Stripe, Clearpay và Clear Bank... cũng được dự báo đạt 7,2 tỷ USD giá trị giao dịch vào năm 2030.

Miro Parizek, sáng lập Hampleton Partners, nhận xét: “Lượng vốn sẵn có đang thúc đẩy người mua và các nhà đầu tư gia tăng M&A khi túi tiền của họ đang rủng rỉnh và các fintech tăng trưởng cao đang được định giá với mức hấp dẫn hơn bao giờ hết. Bất kỳ cuộc suy thoái nào cũng sẽ không làm vơi đi nhiệt tình đối với cuộc săn fintech trong lúc này”.

Từ đầu năm đến nay đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A như SoFi Technologies thâu tóm nhà phát triển phần mềm ngân hàng Technisys với giá 1,1 tỷ USD hay Bolt mua nhà cung cấp hạ tầng tiền mã hóa Wyre với giá 1,5 tỷ USD, Global Payments thâu tóm EVO, nhà phát triển giải pháp công nghệ thanh toán, với giá 4 tỉ USD.

“Ngày càng nhiều fintech chưa niêm yết cạn tiền để duy trì hoạt động nên lựa chọn của họ sẽ là tăng vốn từ nhà đầu tư mạo hiểm, bán cho các công ty đầu tư tư nhân (PE) hoặc nhà đầu tư chiến lược, hoặc đóng cửa hoàn toàn doanh nghiệp. Trong số các lựa chọn này, việc bán doanh nghiệp là khả dĩ hơn cả. Cùng lúc đó, các công ty đại chúng với lượng vốn lớn, các hãng PE với lượng tiền chờ giải ngân khổng lồ, các công ty chưa niêm yết có tốc độ tăng trưởng cao, vốn mạnh ở giai đoạn sau và các công ty dịch vụ tài chính truyền thống đang tìm kiếm những tài sản tốt trong ngành này. Cung cầu gặp nhau là lý do để M&A trong ngành fintech sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới”, Parizek nhận định.

Văn Quốc
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư