Nguyên Tổng giám đốc Mekong Capital nêu 3 sai lầm chuyển đổi số khiến doanh nghiệp Việt “trả giá bằng nhiều triệu USD”

Nguyên Tổng giám đốc Mekong Capital nêu 3 sai lầm chuyển đổi số khiến doanh nghiệp Việt “trả giá bằng nhiều triệu USD”

Bà Nguyễn Thị Minh Giang, nguyên Tổng giám đốc Mekong Capital, chỉ ra rằng quá trình chuyển đổi số phải đi kèm phát triển con người và văn hóa doanh nghiệp, nhưng các công ty chỉ tập trung đầu tư công nghệ.

Tại Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing (CSMOSummit) 2022 diễn ra vào cuối tháng 11 vừa qua, bà Nguyễn Thị Minh Giang, Nguyên Tổng giám đốc Nhân tài và Văn hóa của Mekong Capital nhắc tới Kodak – “đế chế” một thời trong ngành nhiếp ảnh.

“Khi Kodak thất bại, một người phỏng vấn đã hỏi CEO lý do. Rõ ràng Kodak rất nhiều tiền, cũng đầu tư nhiều và cố gắng thay đổi. CEO Kodak trả lời rằng họ có một nền văn hóa rất yêu thương nhau, đến mức không bao giờ phản bác, tranh luận hay bất đồng với nhau”, bà cho biết.

Từ câu chuyện của Kodak, bà Minh Giang rút ra kết luận rằng doanh nghiệp “yêu thương nhau thôi không đủ, bởi nền văn hóa đó, những hành vi đó không tương ứng với các mục tiêu và sự thay đổi”.

Bà Nguyễn Thị Minh Giang phát biểu trong phiên thảo luận tại Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing (CSMOSummit) 2022.

“Phần cứng” và “phần mềm” trong thực thi chiến lược

Bà Minh Giang hiện giữ chức Tổng Giám đốc Lãnh đạo và Văn hóa Công ty Newing. Với hơn 12 năm làm việc trước đó tại Mekong Capital, bà Minh Giang cho biết quỹ đầu tư này luôn có “hai gọng kìm” để giúp các doanh nghiệp phát triển nhanh, lâu dài và bền vững. Đầu tiên là chuyển đổi số, thứ hai là con người và văn hóa.

“Thực thi một chiến lược luôn có phần cứng và phần mềm, trong đó con người và văn hóa là phần mềm. Việc thực thi chiến lược tệ không phải do chiến lược có vấn đề, mà là do con người, những hành vi của con người. Thử tưởng tượng công ty có một chiến lược, nhưng các đội nhóm không giao tiếp, phối hợp với nhau. Tôi từng chứng kiến nhiều doanh nghiệp, mặc dù đầu tư rất nhiều vào công nghệ nhưng vẫn thất bại. Nếu không thất bại thì xây dựng doanh nghiệp cũng như xây nhà trên cát. Nền tảng cuối cùng vẫn là con người và văn hóa”, bà cho hay.

3 sai lầm của doanh nghiệp Việt khi chuyển đổi số

Từ những phân tích trên, bà Minh Giang chỉ ra 3 sai lầm các doanh nghiệp Việt Nam thường mắc phải trong quá trình chuyển đổi số, dẫn đến “trả giá bằng nhiều triệu USD”.

3 sai lầm các doanh nghiệp Việt Nam thường mắc phải trong quá trình chuyển đổi số, dẫn đến hậu quả “trả giá bằng nhiều triệu USD”.
Nguồn: Getty Images

Thứ nhất là đầu tư vào công nghệ nhưng không đầu tư vào văn hóa doanh nghiệp.

“Rất nhiều công ty khi chuyển đổi số dồn tất cả vào công nghệ. Nhưng thực ra công nghệ, con người và văn hóa có tầm quan trọng y chang nhau. Vì vậy, thay đổi công nghệ cũng phải đồng thời tập trung vào thay đổi và nâng cao hành vi của lãnh đạo, đội nhóm và tổ chức”, bà nêu quan điểm.

“Mọi người hay hiểu sai về văn hóa doanh nghiệp, cứ nghĩ văn hóa doanh nghiệp là phải vui đùa, có team building, tổ chức sinh nhật, yêu thương lẫn nhau. Không phải. Khi nói về văn hóa doanh nghiệp, tôi đang nói về những hành vi mà chúng ta có thể nhìn thấy, nghe thấy về đội nhóm đó”, bà cho biết.

Sai lầm thứ hai của các doanh nghiệp khi chuyển đổi số cũng xuất phát từ việc không chú trọng vào “phần mềm”. Đó là đầu tư vào công nghệ, nhưng không đầu tư vào đào tạo để phát triển năng lực cho đội ngũ.

Bà Minh Giang chỉ ra rằng công nghệ là “toolset” (công cụ), người sử dụng công nghệ phải được trang bị về “mindset” (tư duy) và “skillset” (kỹ năng). Trong khi đó, các doanh nghiệp có xu hướng chỉ dồn tập trung vào công nghệ, tức là “phần cứng”.

“Có những doanh nghiệp phát triển rất nhanh chóng, nhưng đến khi gặp sự cố hoàn toàn do hành vi của con người. Vậy là phải quay lại dọn dẹp, thay đổi đội ngũ lãnh đạo, đi tuyển dụng. Doanh nghiệp sở hữu nhiều công nghệ, nhưng những người sử dụng chúng lại phải đi thay, tức là cuối cùng phải làm lại từ đầu”, bà phân tích.

Một sai lầm khác của doanh nghiệp là đầu tư vào công nghệ trong khi mục tiêu kinh doanh, chiến lược chưa rõ ràng, nền tảng và quy trình còn bất cập. “Nôm na là chưa xác định được điểm đến, chưa vẽ xong bản đồ đã vội vàng chạy đi mua xe”, bà Minh Giang so sánh.

Theo bà, đây là một dạng tâm lý FOMO (nỗi sợ bỏ lỡ). Khi toàn bộ thị trường đều nói về chuyển đổi số, các doanh nghiệp cảm thấy nếu không làm theo tức là đang đứng ngoài cuộc chơi, dẫn đến vội vàng đầu tư rất nhiều vào công nghệ. Nhưng việc đầu tiên là phải xác định mục tiêu và đích đến là gì.

Bà Hứa Quế Lan – kỹ sư giải pháp của Salesforce – phát biểu tại CSMOSummit được tổ chức tuần trước.

Cũng trong phiên thảo luận, bà Hứa Quế Lan, kỹ sư giải pháp tại Salesforce – nền tảng quản trị quan hệ khách hàng bằng điện toán đám mây hàng đầu thế giới, đồng tình với bà Minh Giang. Theo đại diện của Salesforce, doanh nghiệp trước hết phải biết mình đang ở đâu, chiến lược là gì.

“Câu chuyện không dừng lại ở đó. Nhiều người biết chiến lược, nhưng chỉ trong năm sau thôi. Mình phải xây dựng được một ‘business model’ sử dụng ít nhất trong 3-5 năm tới, bởi vì công nghệ không diễn ra chớp nhoáng mà theo dòng thời gian của doanh nghiệp. Do đó, phải có một chiến lược từ 3-5 năm để ứng dụng công nghệ cho doanh nghiệp, không nóng vội được”, bà Quế Lan phân tích.

Về vấn đề con người, bà Lan đánh giá doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn xây dựng đội nhóm để chuyển đổi số rất khó, nên có hai lựa chọn. Một là tìm những người giỏi nhất về xây dựng đội nhóm cho mình, hai là tìm đến các chuyên gia. Bà cho biết Salesforce có hệ thống đối tác giúp họ tư vấn, hỗ trợ khách hàng, thấu hiểu thị trường.

“Doanh nghiệp cũng phải có tâm lý sẵn sàng đầu tư, chơi lớn. Không thể nào áp dụng luôn và thành công được. Trí tuệ nhân tạo cũng mất thời gian dài để học. Vì thế, mình có thể vừa làm vừa sai, sai xong đứng lên thử lại để thành công”, bà Quế Lan nhận định.

Minh Anh
Nguồn CafeBiz