Sau khi gọi vốn lần 2, Dat Bike ra mắt sản phẩm mới

Sau khi gọi vốn lần 2, Dat Bike ra mắt sản phẩm mới

Dat Bike vừa ra mắt mẫu xe điện Weaver ++ sau khi hoàn thành vòng gọi vốn 8 triệu USD.

Mẫu Weaver ++ là phiên bản mới nhất của Dat Bike với công suất động cơ tối đa là 7000W, sử dụng pin Lithium-ion 72V với dung lượng 68Ah. Điều này giúp xe sạc 100km đầu tiên trong 1 giờ và 3 giờ cho quãng đường 200km.

Giá bán đề xuất của Weaver ++ là 65,9 triệu đồng (đã bao gồm pin và VAT). Công ty áp dụng chế độ bảo hành xe 3 năm hoặc 30.000km cho xe máy điện Weaver++.

Được biết mẫu xe này có thể sạc bằng cổng sạc nhanh 80A tại các trạm sạc nhanh Dat Charge, giúp xe đi được quãng đường 100km chỉ trong trong 20 phút và 150km trong vòng 30 phút. Theo ông Nguyễn Bá Cảnh Sơn, Sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Dat Bike, đây là tốc độ sạc xe máy điện nhanh chưa từng có tại Việt Nam từ trước tới nay.

Dat Bike vừa ra mắt mẫu xe điện Weaver ++ sau khi hoàn thành vòng gọi vốn 8 triệu USD.
Nguồn: T.L

Trạm sạc siêu nhanh Dat Charge hiện đặt tại Trung Tâm Nghiên Cứu và Chuyển Giao Công Nghệ (SiHUB) tại quận 3 (TP.HCM).

“Công ty sẽ tiếp tục mở thêm các trạm sạc siêu nhanh, trước mắt là ở các thành phố lớn thông qua hình thức hợp tác với các chủ cơ sở kinh doanh như chủ quán cà phê chẳng hạn”, ông Sơn nói.

Weaver ++ là mẫu xe thứ ba Dat Bike ra mắt ở Việt Nam sau hai mẫu Weaver và Weaver 200. Nó được ra mắt không lâu sau khi công ty công bố vòng gọi vốn thứ hai trị giá 8 triệu USD. Dẫn dắt vòng gọi vốn này là Jungle Ventures, cùng với sự tham gia của GSR Ventures, Delivery Hero Ventures, Wavemaker Partners và Innoven Capital.

Phiên bản cải tiến mẫu xe điện Weaver++.
Nguồn: T.L

Như vậy kể từ khi thành lập năm 2019, Dat Bike đã huy động được tổng cộng 16,5 triệu USD. Ông Sơn cho biết dự kiến sẽ sử dụng khoản đầu tư mới này để phát triển, nâng cấp công nghệ và sản phẩm, tuyển dụng thêm đội ngũ kinh doanh, hỗ trợ và chăm sóc khách hàng, R&D để xử lý lượng đơn đặt hàng đang tăng nhanh, đồng thời đầu tư vào việc mở rộng quy mô sản xuất của nhà máy.

Sau khi rời Thung lũng Silicon (Mỹ), ông Sơn Nguyễn đã trở về Việt Nam để xây dựng sự nghiệp trong ngành phát triển bền vững và mong muốn chuyển đổi thói quen sử dụng xe xăng của người Việt sang xe điện.

Nhận thấy thị trường xe điện ở Việt Nam đa phần là xe nhập khẩu từ Trung Quốc, mẫu mã đa dạng nhưng tuổi thọ pin không cao, công suất và tốc độ tương đối thấp, ông Sơn muốn tạo ra chiếc xe điện công suất lớn, có khả năng đi xa, sạc nhanh với mức giá vừa phải.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư