Pepsi “Mang Tết về nhà”, chuyện hậu trường nghìn cây số và 36 giờ quay

Pepsi “Mang Tết về nhà”, chuyện hậu trường nghìn cây số và 36 giờ quay

Tiếp nối hành trình những năm trước, Pepsi tiếp tục “mang Tết về nhà” cho hàng ngàn gia đình Việt. Trước thềm Tết 2023, thương hiệu này đã cho ra mắt 2 TVC Tết ở một khía cạnh đầy tâm tư, trăn trở và gợi mở ra những cảm xúc ít bắt gặp ở các TVC Tết. Lần đầu tiên, Pepsi quay TVC ngoại cảnh tại Tokyo và Việt Nam với khối lượng bối cảnh lớn chỉ trong vòng 36 giờ on set, được hợp tác sản xuất bởi agency KI Saigon và MAY Production.

“Mang Tết về nhà” là sản phẩm TVC với những cột mốc thử thách đáng nhớ. Cùng khám phá hậu trường phía sau Mang Tết về nhà, 3 ngày với 36 giờ ghi hình giữa hai quốc gia, 11 bối cảnh, hành trình làm nên những thước phim chạm vào trái tim người xem giữa muôn hình vạn trạng TVC về Tết Việt.

1. Thế giới của người lao động nhập cư, từ insight đến những thước phim

Để gợi nên những điểm chạm chân thực nhất trong từng kịch bản, đội ngũ KI Saigon đã có nhiều giờ đối thoại với người lao động nhập cư Việt Nam tại Nhật Bản và gia đình của họ. Những người chỉ có thể “đoàn tụ” với gia đình qua chiếc màn hình điện thoại vào những ngày lễ Tết trong gần ba năm qua. Quá trình bước vào thế giới của họ đã giúp KI Saigon lựa chọn những điểm chạm đắt giá, làm tiền đề cho những thước phim xúc cảm trong chiến dịch của Pepsi.

Sự “nhớ nhà”, nỗi trăn trở của người con xa xứ và ước mong đủ đầy thành viên gia đình, bên mâm cơm Tết của người mẹ đã trở thành những “painpoint” được đội ngũ sản xuất khắc họa một cách mộc mạc, gần gũi nhất.

Hai kịch bản, bốn phân cảnh mở ra hai thế giới đối lập: Đất khách quê người, nơi những người con ngày qua ngày vì hai chữ hy sinh cho gia đình mà cố gắng. Ở quê nhà, nơi gia đình tất bật chuẩn bị cho cỗ giao thừa, giữa khung cảnh tất bật ấy, tiếng tâm sự của người mẹ vang lên: “Mong nó còn hơn mong Tết!”.

Pepsi mang Tết về nhà – Câu chuyện Tết 2023.

Pepsi mang Tết về nhà! – Câu chuyện Tết 2023.

2. Muôn cảm xúc đằng sau mỗi khung hình

Đi vào cảm xúc của người xem để khơi gợi sự đồng cảm, sẻ chia, mong muốn chung tay vào hành trình đưa những người trở về từ phương xa, lan tỏa niềm vui thực sự của ngày Tết chính là kim chỉ nam cho mọi yếu tố về mặt thị giác trong TVC “Mang Tết về nhà” của Pepsi.

Những thước phim đã thành công chạm vào những mong muốn đơn thuần, sơ khởi nhất của người Việt Nam: Đoàn tụ. Mong muốn ấy tan vào trong những thước phim khắc họa khung cảnh đối lập của “quê nhà” và “đất khách”.

Giữa đô thị phồn hoa, nhộn nhịp tại Tokyo, được bao phủ bởi tone màu trầm, có phần chật chội, náo nhiệt trong một tiệm ramen và không gian mờ sương lành lạnh, phủ quanh một ngôi nhà ấm cúng của thôn quê miền Bắc. Giữa khung cảnh đường phố Tokyo sầm uất, lấp lánh những ánh đèn phản chiếu dưới cơn mưa và không gian trong lành, ngập nắng của căn nhà ven biển miền Trung. Giữa cuộc gọi của hai mẹ con, từng bối cảnh được sắp đặt tài tình khiến người xem không khỏi chạnh lòng trước sự xa cách về không gian lẫn thời gian.

Giữa những bối cảnh đối lập lẫn nhau như vậy, người xem vẫn có thể cảm nhận được sợi dây cảm xúc liên kết xuyên suốt giữa hai đầu cuộc gọi: nỗi buồn, sự day dứt. Qua từng cử chỉ nhỏ và tinh tế như hình ảnh níu tay vào ngực áo vì xót con xa; như cảnh ôm chầm tay “đập” vào lưng con để trút những thương nhớ sau nhiều năm xa cách... tất cả mọi góc máy, khung hình, chuyển động nhân vật đều được ekip chăm chút, “may đo” tỉ mỉ để trọn vẹn khắc họa những cảm xúc chân thực nhất của từng nhân vật.

Bên cạnh hình ảnh, âm nhạc cũng là yếu tố có vai trò quan trọng. Hai yếu tố này song song, làm hài hòa và bổ trợ cho nhau để len lỏi và đẩy những cảm xúc người xem đi theo mạch truyện. Những suy tư, trăn trở của người con nơi đất khách phảng phất qua những câu hát “Vì con đi kiếm đồng tiền cho thôi ngày sau bần tiện nên xin mẹ chớ buồn phiền” đến từ ca khúc “Nước ngoài” của Phan Mạnh Quỳnh là một điểm chạm được đánh giá cao của TVC “Mang Tết về nhà”.

Quay phim, không đơn thuần là “thực hành” một kịch bản, mà còn là sự tỉ mỉ trong việc lựa chọn góc quay, âm thanh, ánh sáng... thể hiện dụng ý đằng sau mỗi khung hình.

3. Thử thách trong quá trình ghi hình và những con số biết nói

Việt Nam được thể hiện trong TVC bằng những hình ảnh được lựa chọn cẩn thận, làm nên sự đối trọng về mặt bối cảnh. Trái ngược với những thước phim đầy choáng ngợp, đông đúc và lạnh lẽo tại Tokyo, mùa Xuân Việt Nam hiện lên qua ngôi nhà đậm nét nông thôn, dưới sương gió rét mướt của vùng núi phía Bắc, và nắng ấm chan hòa trên mặt biển bàng bạc của khu vực Nam Trung Bộ.

Hàng nghìn cây số di chuyển để tìm kiếm địa điểm, hàng trăm giờ chuẩn bị song song tại 2 tỉnh của cả ekip và 24 giờ quay là những cột mốc cho hai thước phim được ghi hình tại Việt Nam. MAY Production đã tận dụng hiệu quả và triệt để khoảng thời gian ngắn ngủi khi mặt trời lặn để khắc họa bữa cơm cuối ngày một cách chân thực nhất, đảm bảo sự hợp lý về tuyến tính thời gian, của hai tiếng chênh lệch múi giờ Việt – Nhật khi ráp nối vào TVC.

Trong cuộc gọi – cảnh chuyển tiếp từ những tâm sự của người mẹ lúc chiều tà, trong bữa cơm tối đủ đầy, sự đầm ấm của gia đình hiện lên. Phía đầu dây còn lại là hình ảnh 2 chàng trai lạc lõng giữa đường phố Tokyo, khi thời gian về gần giữa đêm, khi những con phố sầm uất nhất cũng đã dần thưa thớt bóng người. Nhiều bối cảnh đan xen lẫn nhau chỉ trong vài giây ngắn ngủi đã một lần nữa nhấn mạnh sự khổ cực và cô đơn của người con nơi đất khách quê người.

Đồng sáng lập MAY Production đồng thời cũng là Giám đốc Sản xuất theo sát dự án, chị Phương Trần chia sẻ: “Việc đảm bảo tính khả thi và giấy phép của các địa điểm quay tại một đất nước nghiêm ngặt, quy chuẩn như Nhật Bản đã là một bài toán tương đối đau đầu cho không ít production house”.

“Bên cạnh đó, với số lượng bối cảnh quay dày đặc, không gian biến hoá đa dạng, thậm chí áp lực về visa nhập cảnh cho đoàn phim trong thời gian gấp thì kinh nghiệm nghề là chưa đủ, mình hay nói vui là còn cần phải có sự máu lửa và liều lĩnh một chút. Điểm khác biệt nữa là mọi người tham gia dự án này với khí chất tự hào dân tộc, nên tình cảm anh em trong đoàn rất khăng khít, và rất cảm động khi nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của người Việt xa quê trong giai đoạn quay ở Tokyo”, chị Phương Trần bày tỏ.

Có thể nói, những cột mốc trên chính là thành tựu của cả ekip ghi hình. Đây là một trong những TVC quảng cáo đầu tiên của Việt Nam quay ngoại cảnh tại Tokyo với khối lượng bối cảnh lớn như vậy. Hoàn thành 9 bối cảnh trên những con phố sầm xuất tại Tokyo chỉ trong 12 giờ ghi hình tưởng như là chuyện không thể.

Song, cả ekip đã gọn gàng kết thúc chuyến ghi hình tại Nhật trong ngần ấy thời gian nhờ vào khả năng lên kế hoạch kỹ lưỡng, khảo sát chi tiết đến từng mật độ giao thông trong ngày của các tuyến phố được chọn. Sự chuyên nghiệp, cẩn thận ấy đã giúp đội ngũ đảm bảo được sức khỏe và thời gian nghỉ ngơi của cả ekip, tiết kiệm thời gian, công sức và nhiều chi phí khác cho toàn bộ nhân sự, và khách hàng của mình.

“Xin gửi lời cảm ơn tới đạo diễn tuyệt vời Bram và những người bạn của chúng tôi tại MAY Production, những người không chỉ là ‘người thực hiện’ mà còn là đối tác của chúng tôi trong việc kể câu chuyện. Chúng tôi biết rõ mức độ chuyên nghiệp của MAY Production và khá tự tin rằng họ sẽ làm rất tốt, mặc dù công tác hậu cần cho dự án này cực kỳ phức tạp với nhiều địa điểm, bao gồm cả việc quay ở Tokyo Nhật Bản với toàn bộ dàn diễn viên Việt Nam.” Indraneel Guha, Co-founder KI Saigon, chia sẻ.

Không đơn thuần là thực thi kịch bản và mang đến một sản phẩm thương mại đại chúng, MAY Production đã là một cộng sự, đối tác đồng hành cùng Pepsi và KI Saigon truyền tải được ý niệm, thông điệp mong muốn đằng sau hành trình “mang Tết về nhà” của thương hiệu.

Tìm hiểu thêm các dự án của MAY Production tại đây.

Nguồn MAY production