Samsung và doanh nghiệp “gà nhà”

Dù Chính phủ có hẳn chính sách riêng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, thế nhưng nhiều ngành công nghiệp chủ lực như ôtô, cơ khí nông nghiệp, điện tử... hiện vẫn chủ yếu là nhập khẩu về lắp ráp.

Đáng tiếc hơn, nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn không thể “chen chân” cung cấp linh kiện cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Xuất khẩu nhảy thần tốc

Trở thành doanh nghiệp FDI sản xuất điện thoại di động lớn nhất hiện nay, Samsung Electronics Việt Nam (SEV) đang có những bước đi thần tốc khi kim ngạch xuất khẩu điện thoại dự kiến cán mốc 20 tỉ USD vào năm 2013.

SEV cũng trở thành kỳ vọng đối với ngành công nghiệp phụ trợ VN với mục tiêu sẽ hình thành nên chuỗi doanh nghiệp trong nước cung ứng linh kiện, sản phẩm hỗ trợ cho SEV. Nhưng sau bốn năm, kỳ vọng này vẫn chưa thể thành hiện thực với nhiều khoảng trống còn để ngỏ...


Công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung Electronics Việt Nam tại Khu công nghệ cao Yên Phong, Bắc Ninh - Ảnh: CTV

Chính thức hoạt động từ tháng 10-2009, với tổng vốn đầu tư ban đầu 670 triệu USD tại Khu công nghệ cao Yên Phong (Bắc Ninh), đến năm 2012 Samsung nâng tổng vốn đầu tư đăng ký lên 2,5 tỉ USD (hiện đã giải ngân 1,2 tỉ USD), phát triển SEV thành khu tổ hợp công nghệ cao với gần 38.000 lao động.

Nằm trong khuôn viên có diện tích 110ha (hiện đã sử dụng 55ha), SEV được xem là khu tổ hợp với nhà máy sản xuất điện thoại di động (ĐTDĐ) quy mô lớn đầu tiên tại VN, đồng thời cũng là đơn vị sản xuất ĐTDĐ lớn nhất trên thế giới của Samsung. Tại đây SEV chuyên sản xuất và cung cấp cho thị trường toàn cầu các loại ĐTDĐ và máy tính bảng (tablet), từ dòng phổ thông đến dòng cao cấp mới nhất.

Theo ông Shim Won Hwan - tổng giám đốc SEV, hiện mỗi tháng SEV sản xuất khoảng 13 triệu ĐTDĐ, 600.000 máy hút bụi, hàng chục triệu linh kiện cho LCD, camera, pin...

Năm 2012, SEV xuất xưởng hơn 100 triệu sản phẩm, với hơn 95% được xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các thị trường quan trọng như: EU, Trung Đông, Nga...

Nếu năm 2010 kim ngạch xuất khẩu của SEV đạt mức 1 tỉ USD, đến năm 2012 SEV đạt kim ngạch xuất khẩu 12,6 tỉ USD, chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

“Kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh theo mỗi năm bởi trị giá xuất khẩu của từng sản phẩm đều có sự thay đổi. Chẳng hạn, với ĐTDĐ, nếu lúc trước chỉ là điện thoại phổ thông giá rẻ thì bây giờ phần lớn ĐTDĐ đều là các loại smartphone (điện thoại thông minh) có giá trị cao” - ông Shim Won Hwan giải thích.

Thực tế, ĐTDĐ cũng là sản phẩm xuất khẩu chủ lực hiện nay của SEV khi chiếm đến 59% trong số lượng sản phẩm xuất khẩu, bỏ xa tỉ lệ 6% dành cho tablet, 29% cho pin các loại, 6% của nhóm linh kiện.

Năm 2013, SEV dự kiến con số xuất khẩu sẽ vượt ngưỡng 18 tỉ USD, tương ứng khoảng 150 triệu sản phẩm các loại, trở thành nhóm mặt hàng xuất khẩu lớn nhất hiện nay của VN chỉ trong một thời gian phát triển rất ngắn.

Ông Shim Won Hwan cho rằng do các dây chuyền sản xuất của SEV được thiết kế với tính linh hoạt cao, có thể dễ dàng thay đổi theo sản phẩm - dây chuyền, chẳng hạn đang sản xuất từ smartphone có thể chuyển sang tablet, nên hiệu suất sản xuất và khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường rất cao.

Tự cung tự cấp là chủ yếu

Theo các chuyên gia về đầu tư, khi SEV vào VN, một trong những kỳ vọng lớn nhất đối với ngành công nghiệp trong nước là sẽ trở thành nhà cung cấp linh kiện, thiết bị, vật tư cho doanh nghiệp FDI này bởi quy mô “quá khủng” cũng như hiệu quả quá lớn của dự án.

Ông Nguyễn Văn Đạo, phó tổng giám đốc Công ty TNHH điện tử Samsung Vina (thành viên của Tập đoàn Samsung tại VN), cho biết khi đầu tư SEV không giấu mục tiêu sẽ trở thành “hạt nhân lõi” thu hút doanh nghiệp các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước đi theo cung ứng các loại thiết bị, linh kiện cho SEV sản xuất.

“Không một nhà sản xuất nào muốn nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài vì vừa mất thời gian, vừa tốn ngoại tệ. Mà thời gian đối với sản xuất là vô giá. Linh kiện càng được cung cấp nhanh chóng bao nhiêu thì sản phẩm đưa ra thị trường càng sớm bấy nhiêu. Hiệu quả cạnh tranh hơn nhau là ở chỗ này” - ông Đạo khẳng định.

Tuy nhiên, đến tháng 6-2013, SEV đang có 60 doanh nghiệp cung cấp thiết bị, linh kiện sản xuất, nhưng hết 55 doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc đang hoạt động tại Yên Phong, chỉ có năm doanh nghiệp trong nước tham gia những công đoạn đơn giản như đóng gói sản phẩm, bao bì, in ấn...

Thậm chí, việc các doanh nghiệp trong nước trở thành “nhà thầu phụ” cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, trước khi trở thành nhà thầu chính cho SEV như các doanh nghiệp Hàn Quốc khác, cũng là điều hết sức khó khăn.

“Khi xu hướng sản xuất thay đổi thì yêu cầu về linh kiện cũng phải thay đổi. Và nói thật là các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của SEV nên chúng tôi buộc phải nhập linh kiện từ các đối tác nước ngoài với giá trị nhập khẩu khá cao” - ông Shim Won Hwan xác nhận.


Tổng giám đốc SEV cũng cho rằng một trong những nguyên nhân khiến VN chưa thể có được một ngành công nghiệp phụ trợ đúng nghĩa là do chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước ở lĩnh vực này chưa thật sự hấp dẫn, khiến không nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào đây.

Điều này cũng lý giải vì sao dù đạt tỉ lệ nội địa hóa ở mức 16% (tính đến cuối năm 2012) và dự kiến nâng lên mức 20% trong năm 2013, nhưng trên thực tế vẫn chưa có doanh nghiệp trong nước nào đủ “tiêu chuẩn” đứng vào chuỗi cung ứng linh kiện cho SEV ngoài “gà nhà” của doanh nghiệp này đang nằm tại Khu công nghệ cao Yên Phong.

Trong khi tỉ lệ nội địa hóa tại nhà máy mà Samsung đầu tư ở Trung Quốc hiện đã đạt mức 40%, dù cũng sản xuất những sản phẩm tương tự của SEV ở Bắc Ninh.

Một điều an ủi, theo ông Shim Won Hwan, trong tương lai các đối tác nước ngoài sẽ chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm sản xuất cho doanh nghiệp VN, và những doanh nghiệp này sẽ trở thành đối tác trực tiếp của SEV.

Thế nhưng, vấn đề là các doanh nghiệp trong nước sẽ nắm bắt tương lai ở... năm nào, khi mà sau SEV tại Bắc Ninh, Tập đoàn Samsung tiếp tục khởi công dự án Khu tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên (SEVT) với tổng vốn đầu tư lên đến 2 tỉ USD ở Khu công nghiệp Yên Bình (Thái Nguyên), có công suất thiết kế 100 triệu sản phẩm/năm, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2013.

Công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung Electronics Việt Nam tại Khu công nghệ cao Yên Phong, Bắc Ninh - Ảnh: CTV

Ông NGUYỄN MẠI (chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài):

Đừng nói chung chung nữa

Theo tôi, cần hai điều kiện để giải quyết quyết liệt vấn đề này. Thứ nhất, cần có một hệ thống chính sách của Chính phủ, cũng như của tỉnh Bắc Ninh (và sắp tới là Thái Nguyên) về việc phát triển công nghệ hỗ trợ cho Samsung. Đây phải được coi là một chương trình thật sự, với những mục tiêu hết sức rõ ràng về giá trị hàm lượng gia tăng mà phía VN cần được cải thiện trong 1-2 năm tới sẽ là gì.

Thứ hai, cần hỗ trợ tối đa, thiết thực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ lĩnh vực sản xuất cơ khí chế tạo đang nằm quanh khu vực Samsung hiện diện để hình thành những xí nghiệp vệ tinh cho Samsung. Hãy hỗ trợ thực lực từ vốn, công nghệ, nhân lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ này, chứ đừng nói chung chung hay hô khẩu hiệu. Nếu làm đồng bộ với các hạng mục cụ thể, may ra mới có thể hình thành các nhóm, cụm doanh nghiệp vệ tinh có khả năng trở thành các nhà cung ứng cho Samsung trong tương lai.

Nhiều ưu đãi cho SEV

Là một doanh nghiệp công nghệ cao có quy mô đầu tư lớn, SEV được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10%, nhưng miễn thuế trong bốn năm đầu tiên và giảm 50% trong chín năm tiếp theo.

Theo ông Shim Won Hwan - tổng giám đốc SEV, đến hết năm 2012 SEV đã đóng hơn 3.204 tỉ đồng tiền thuế cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do xuất khẩu lớn, được hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, đồng thời lại đang được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Nhà nước, nên tổng số thu nội địa của SEV ở Bắc Ninh cho tới cuối tháng 12-2012 đạt khoảng 680 tỉ đồng (bao gồm cả thuế nộp thay nhà thầu, trong đó phần thuế của riêng SEV trên 317 tỉ đồng).

Riêng năm tháng đầu năm 2013, SEV đã thực nộp ngân sách 365 tỉ đồng.

Samsung Vina thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài

Ngày 20-7, ông Nguyễn Văn Đạo, phó tổng giám đốc Samsung Vina, xác nhận thông tin Samsung Electronics (Hàn Quốc) và Công ty cổ phần TIE đã hoàn tất hợp đồng mua - bán phần vốn góp của TIE, tương đương 20% vốn điều lệ, tại Công ty TNHH điện tử Samsung Vina. Như vậy, Samsung Vina sẽ trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Công ty TIE - khởi nguồn từ Công ty Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu điện - điện tử quận 10, TP.HCM - là đối tác trong liên doanh với Samsung Electronics để lập nên Công ty điện tử Samsung Vina.

Là liên doanh đầu tiên của Samsung Electronics tại Việt Nam, Samsung Vina nhận giấy phép đầu tư vào năm 1995, với vốn đầu tư 37,191 triệu USD, vốn điều lệ 17,46 triệu USD.

Nguồn Dùng hàng Việt