Việt Nam, “ngôi sao” mới ngành hàng tiêu dùng?

Tỷ lệ tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng (CAGR) của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020 được dự báo sẽ thuộc loại cao nhất trong khu vực ASEAN, đạt 8%, cao hơn cả Indonesia và Malaysia 5%, và Philippines, Thái Lan và Singapore cùng là 4% (nguồn: Global Insights, Bain Analysis).

Nhiều báo cáo nghiên cứu của các công ty nghiên cứu thị trường quốc tế đang có chung nhận định, Việt Nam hiện nổi lên như một thị trường hàng tiêu dùng đầy hứa hẹn.

Theo ước tính của BMI trong báo cáo ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam, quý 1/2013 thì tốc độ tăng trưởng kép của tiêu thụ thực phẩm (food consumption) Việt Nam giai đoạn 2012-2017 là 9,43%. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kép doanh thu thực phẩm đóng hộp là 5,17%, bánh kẹo là 4,65%.


Theo Ngân hàng Thế giới, mức chi tiêu dùng hộ gia đình tại Việt Nam bằng 63% GDP của đất nước.

Đối với đồ uống, tốc độ tăng trưởng kép doanh thu cà phê là 8,47%, đồ uống có gas 6,96%.

Nhờ cơ cấu dân số nằm trong nhóm trẻ nhất thế giới, với 56% dân số dưới 30 tuổi (theo Nielsen), tổng mức chi tiêu của người tiêu dùng tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi và đạt xấp xỉ 173 tỷ USD vào năm 2020 (nguồn: Euromonitor, Global Insight, Bain Analysis).

Nielsen cũng công bố tốc độ tăng trưởng của thị trường các sản phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG) tại Việt Nam tính đến quý 3/2012 là 23%, vượt qua những thị trường lớn như Ấn Độ, Trung Quốc (Grocery Report 2012-Nielsen).

Một yếu tố nữa thúc đẩy sự đầu tư ngày càng nhiều của các doanh nghiệp vào ngành FMCG là dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 7,2% vào năm 2017, theo ước tính của Economist Intelligence (Vietnam Country Report, tháng 4/2013-EIU, trang 7).

Theo báo cáo về các ngành hàng tiêu dùng mới của Bain & Company, nền kinh tế Việt Nam đang có tốc độ phát triển khá cao, nên mức chi tiêu bán lẻ sẽ gia tăng trong tất cả các loại hình bán lẻ, đặc biệt là tạp hóa hiện đại, các loại hàng hóa cá nhân và mang tính giải trí. Tại Việt Nam, “các nhà vô địch bán lẻ bản địa” vốn đã thống trị trong các mô hình như tạp hóa hiện đại, đồ trang sức và đồ điện tử.

Nielsen cũng công bố tốc độ tăng trưởng của thị trường các sản phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG) tại Việt Nam tính đến quý 3/2012 là 23%, vượt qua những thị trường lớn như Ấn Độ, Trung Quốc (Grocery Report 2012-Nielsen).

Nghiên cứu của Euromonitor dự tính, quy mô toàn thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ đạt xấp xỉ 34 tỷ USD vào năm 2016. Tổng quy mô thị trường bán lẻ thực vào năm 2011 của Việt Nam là 29 tỷ USD.

Theo Euromonitor, các lĩnh vực bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam năm 2016 sẽ bao gồm hàng may mặc; điện tử; tạp hóa hiện đại; y tế và làm đẹp; hàng hóa cá nhân và giải trí; nhà và vườn; tạp hóa truyền thống.

Sự phát triển mạnh mẽ nhất sẽ diễn ra trong các phân ngành như tạp hóa hiện đại; hàng hóa cá nhân và giải trí. Xu hướng bán lẻ hiện đại thông qua các kênh hiện đại cũng sẽ diễn ra mạnh hơn và dần dần thay thế hình thức tạp hóa truyền thống, vốn tồn tại lâu đời ở Việt Nam gắn với tập quán sinh hoạt và tiêu dùng của người dân.

Năm 2011, phân ngành tạp hóa truyền thống ở Việt Nam đạt quy mô 11 tỷ USD toàn thị trường thì dự báo đến năm 2016 quy mô này sẽ giảm xuống còn 10,7 tỷ USD (giảm 1%).

Ngược lại, nếu như năm 2011 mô hình tạp hóa hiện đại mới đạt quy mô toàn thị trường 1,6 tỷ USD, thì đến năm 2016 dự tính sẽ tăng lên 2,8 tỷ USD (tăng 12%).

Tương tự, trong lĩnh vực hàng hóa cá nhân và giải trí quy mô cũng sẽ tăng nhanh từ mức 2,4 tỷ USD năm 2011 lên 4 tỷ USD vào 2016, tức là tăng 11%.

Các phân tích của Bain phần nào có thể lý giải tại sao những doanh nghiệp FMCG lớn của Việt Nam như Masan, Vinamilk, Kinh Đô… lại có thể giành phần thắng ngay trước mặt những ông lớn đa quốc gia, vốn rất mạnh về vốn và hệ thống phân phối.

Những yếu tố then chốt tạo nên thành công cho doanh nghiệp nội địa được Bain liệt kê gồm: (1) quy mô bản địa, (2) khả năng dẫn dắt về giá cả, (3) yếu tố địa phương hóa.

Tóm lại, theo Bain, sự trung thành của khách hàng là rất quan trọng để doanh nghiệp nội giành thắng lợi trong lĩnh vực bán lẻ. Đây chính là yếu tố sống còn mà doanh nghiệp hàng tiêu dùng trong nước đang định vị khá tốt.

Ở một số trường hợp, ngay cả các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia lẫy lừng như Walmart cũng bại trận, do không nắm được chiếc chìa khóa “địa phương hóa”. Walmart từng thất bại tại Hàn Quốc vì tập đoàn này không biết cách điều chỉnh chiến lược kinh doanh cho phù hợp với thị trường bản địa. Nói cách khác, họ không làm sao “Hàn Quốc hóa” được thương hiệu của mình tại đây.

Các phân tích gần đây về ngành tiêu dùng Việt Nam cũnng cho thấy, tiềm năng tăng trưởng doanh thu của ngành này còn lớn. Tổng doanh thu thực của các lĩnh vực có liên quan đến hàng tiêu dùng ở Việt Nam dự tính sẽ tăng lên tới 140 tỷ USD vào năm 2016.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng chi tiêu thực của người tiêu dùng (CAGR) giai đoạn 2011-2016 trong bán lẻ là 3%, hàng tiêu dùng (không phải thực phẩm và đồ uống) 6%, ngành thực phẩm và đồ uống khác 3% (nguồn: VinaConnect Report, Euromonitor và Bain Analysis).

Còn theo các báo cáo của Euromonitor và Bain Analysis, mức chi tiêu bình quân đầu người trong lĩnh vực thực phẩm và nước giải khát không có cồn ở Việt Nam có thể đạt tới 276 tỷ USD vào năm 2016.

Với mức thu nhập bình quân đầu người đang tăng lên, đạt khoảng 1.521 USD năm 2012, thị trường Việt Nam hứa hẹn sẽ là ngôi sao mới về hàng tiêu dùng ở khu vực châu Á.

Nhưng vấn đề còn lại là, liệu doanh nghiệp Việt Nam có tận dụng được cơ hội lớn hay không?

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn